- Tác giả,Steve Rosenberg
- Vai trò,Biên tập viên về Nga từ Moscow
Nhiều lần tôi nhớ lại điều tôi nghe trên truyền hình nhà nước Nga ba năm trước.
Ở thời điểm đó, người dân Nga được giục giã hãy ủng hộ thay đổi trong hiến pháp Nga để cho phép ông Vladimir Putin tiếp tục cầm quyền thêm 16 năm nữa.
Để thuyết phục công chúng, phát thanh viên truyền hình mô tả Tổng thống Putin như một thuyền trưởng chèo lái con tàu nước Nga qua những vùng biển đầy bão tố của bất ổn chính trị.
\”Nước Nga là ốc đảo của sự ổn định, một bến cảng an toàn,” ông ta nói tiếp. “Nếu không nhờ có Putin thì chúng ta sẽ ra sao?”.
Ốc đảo của sự ổn định và bến cảng an toàn chẳng được bao lâu. Ngày 24/2/2022, thuyền trưởng điện Kremlin ra khơi trong một cơn bão do chính ông ta gây ra. Và hướng thẳng đến một tảng băng lớn.
Cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin đã gây ra chết hóc và hủy hoại tới nước láng giềng của Nga. Nó gây hậu quả là thương vong rất lớn cho quân đội của chính nước ông: một số nguồn ước tính số binh lính Nga đã thiệt mạng lên tới hàng chục ngàn người.
Hàng trăm ngàn công dân Nga bị kêu gọi nhập ngũ và nhiều tù nhân Nga (trong đó có cả những kẻ sát nhân bị bỏ tù) được đưa vào quân đội để chiến đấu ở Ukraine. Trong khi đó, cuộc chiến đã ảnh hưởng đến giá năng lượng và lương thực thế giới và tiếp tục gây đe dọa cho an ninh châu Âu và toàn cầu.
Vậy vì sao vị tổng thống Nga lại theo con đường gây chiến và chinh phục lãnh thổ?
\”Ở chân trời là cuộc tổng tuyển cử tổng thống Nga 2024,” nhà khoa học chính trị Ekaterina Schulmann bình luận.
\”Hai năm trước cuộc bầu cử đó, điện Kremlin muốn có một sự kiện đầy chiến thắng nào đó. [Ý định là] năm 2022 họ sẽ đạt mục tiêu đó. Năm 2023 họ sẽ gieo vào đầu người dân Nga rằng họ đã may mắn chừng nào khi có một thuyền trưởng tài tình chèo lái con thuyền như thế, người không những chỉ vượt qua sóng gió và còn đưa họ đến những bến bờ mới và giàu có. Rồi năm 2024 mọi người sẽ bỏ phiếu. Bingo. Có gì có thể sai được?”
Nhưng có thể sẽ có rất nhiều điều không theo ý muốn, nếu các kế hoạch của bạn dựa trên những giả định và tính toán sai lầm.
Điện Kremlin đã trông đợi rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ sẽ nhanh như chớp. Chỉ trong vài tuần, họ nghĩ, Ukraine sẽ quay về quỹ đạo của Nga. Tổng thống Putin đã đánh giá quá thấp khả năng chống cự và phản pháo của Ukraine, cũng như tinh thần quyết tâm ủng hộ Kyiv của các nước phương Tây.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo Nga vẫn chưa thừa nhận ông đã sai lầm khi xâm lược Ukraine. Cách làm của Putin là tiếp tục, leo thang và dùng tất cả mọi cách.
Điều này khiến tôi có hai câu hỏi quan trọng: Vladimir Putin đánh giá tình hình thế nào sau một năm và động thái tiếp theo của ông ta ở Ukraine sẽ là gì?
Tuần này ông ta cho chúng ta vài manh mối.
Bài diễn văn toàn quốc của ông đầy ắp những lời lẽ chống phương Tây. Ông ta tiếp tục đổ lỗi cho Mỹ và Nato cho cuộc chiến ở Ukraine, và mô tả nước Nga như một bên vô tội. Quyết định ngưng tham gia vào hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ, hiệp nước New Start, cho thấy rằng Tổng thống Putin không có ý định rút khỏi Ukraine hay chấm dứt thế đối đầu với phương Tây.
Ngày hôm sau, tại một sân vận động ở Moscow, ông Putin cùng lên sân khấu với các binh sỹ Nga từ tiền tuyến trở về. Trong buổi mit tinh ủng hộ điện Kremlin được dàn dựng kỹ lưỡng, Tổng thống Putin nói với đám đông rằng “hiện đang có các trận đánh ngay lúc này trên các miền đất [thuộc về Nga] trong lịch sử” và ca ngợi “các chiến binh dũng cảm” của Nga.
Kết luận: đừng trông đợi điện Kremlin quay xe. Vị tổng thống Nga này không bao giờ quay đầu.
\”Nếu ông ta không gặp sự chống cự nào, ông ta sẽ đi tiếp xa nhất có thể,” Andrei Illarionov, cựu cố vấn kinh tế của Tổng thống Putin bình luận. “Không có cách nào để cản ông ta trừ phản kháng quân sự.”
Nhưng có thể nói chuyện thay vì dùng xe tăng không? Liệu có thể đàm phán hòa bình với ông Putin?
\”Có thể ngồi xuống với bất kỳ ai,” ông Andrei Illarionov nói tiếp, \”nhưng chúng ta có quá trình ngồi xuống nói chuyện với Putin và ký thỏa thuận với ông ta.
“Putin vi phạm tất cả các văn bản đó. Thỏa thuận về việc sáng lập Khối thịnh vượng Chung của các Quốc gia Độc lập, hiệp ước song phương giữa Nga và Ukraine, hiến chương LHQ, Luật Helsinki năm 1975, Biên bản ghi nhớ Budapest, vân vân. Không có một văn bản nào mà ông ta không vi phạm.”
Khi nói về vi phạm thỏa thuận, chính quyền Nga có một danh sách dài những thỏa thuận mà theo họ phương Tây không tuân thủ. Đứng đầu danh sách đó là việc Moscow khẳng định phương Tây không thực hiện cam kết đưa ra những năm 1990 là không mở rộng Nato về phía Đông.
Thế nhưng trong những năm đầu lên nắm quyền, Vladimir Putin dường như không coi Nato là mối đe dọa. Năm 2000, ông ta thậm chí không loại trừ khả năng một ngày Nga sẽ trở thành thành viên của khối này. Hai năm sau, khi được yêu cầu bình luận về ý định gia nhập Nato của Ukraine, Tổng thống Putin trả lời: “Ukraine là một quốc gia có chủ quyền và có quyền tự chọn cách đảm bảo an ninh của họ…” Ông khẳng định vấn đề này sẽ không làm ảnh hưởng tới quan hệ giữa Moscow và Kyiv.
Ông Putin của năm 2023 là một nhân vật rất khác. Đầy sự thù hận với “bè lũ phương Tây,” ông khoác lên phong cách người chỉ huy của một pháo đài bị bao vây, chống lại các nỗ lực của kẻ thù của nước Nga đang tìm cách tiêu diệt đất nước ông.
Từ những bài phát biểu và bình luận của ông – và việc ông nhắc tới các lãnh tụ Nga hoàng như Peter Đại đế hay Catherine Đại đế – ông Putin dường như tin rằng ông ta có sứ mệnh tái lập lại đế chế Nga theo một dạng nào đó.
Nhưng còn cái giá mà Nga phải trả? Tổng thống Putin đã từng có uy tín là người mang sự ổn định cho đất nước. Uy tín này đã biến mất trong bối cảnh ngày càng có nhiều thương vong cho quân đội Nga, và các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Vài trăm ngàn người Nga đã rời đi kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, trong số họ có nhiều người trẻ, có kỹ năng và học vấn: sự chảy máu chất xám sẽ làm tổn hại nền kinh tế Nga hơn nữa.
Vì có cuộc chiến, bỗng nhiên có rất nhiều tổ chức có vũ trang xuất hiện, trong đó có cả các công ty quân sự tư nhân, như nhóm đánh thuê Wagner của Yevgeny Prigozhin và các tiểu đoàn khu vực. Quan hệ giữa các nhóm này và lực lượng quân đội chính thống không hề đoàn kết. Mâu thuẫn giữa Bộ Quốc phòng Nga và nhóm Wagner là một ví dụ của sự đấu đá trong tầng lớp tinh túy.
Sự bất ổn định trộn với quân đội tư nhân là một món cocktail nguy hiểm.
“Nội chiến có khả năng sẽ diễn ra ở Nga trong thập kỷ tới,” Konstantin Remchukov, chủ và biên tập viên của tờ Nezavisimaya Gazeta có trụ sở ở Moscow cho biết.
“Có quá nhiều nhóm lợi ích hiểu rằng trong tình hình hiện nay, có cơ hội để tái phân phối lại của cải.”
“Cơ hội thực sự để tránh xảy ra nội chiến sẽ là nếu có người phù hợp lên nắm quyền ngay sau ông Putin. Người có quyền lực đối với giới tinh túy và có quyết tâm cô lập hóa nhưng kẻ khao khát lợi dụng tình hình.”
“Vậy giới tinh túy Nga có bàn xem ai là người phù hợp lên thay Putin không?” tôi hỏi Konstantin.
“Một cách kín đáo. Khi đèn tắt. Họ có bàn về chuyện này. Họ có tiếng nói của họ.”
“Và ông Putin có biết những bàn tán này đang diễn ra không?”
“Ông ta có biết. Tôi nghĩ ông ta biết hết mọi chuyện”.
Tuần này, chủ tịch hạ viện Nga tuyên bố: \”Chừng nào còn Putin, chừng đó còn nước Nga”.
Đó là câu nói thể hiện lòng trung thành, nhưng không phải là sự thật. Nước Nga sẽ tồn tại – nó đã tồn tại nhiều thế kỷ qua. Tuy nhiên, số phận của Vladimir Putin gắn liền một cách không thể thay đổi được với kết quả của cuộc chiến ở Ukraine.