February 24, 2023
Tổng thống Zelensky được đánh giá đã trở nên “cứng rắn gấp 10 lần so với khi ông nhậm chức vào năm 2019” để dẫn dắt binh sĩ, người dân kiên quyết chống quân Nga xâm lược trong một năm qua.
Từ một người ôm niềm tin có thể đàm phán với Nga, Tổng thống Ukraine giờ đây chỉ hướng tới mục tiêu duy nhất là giành thắng lợi trên chiến trường.
Không lâu sau khi Nga xâm lược Ukraine một năm trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang ở trong hầm trú ẩn bên dưới tòa nhà chính phủ ở thủ đô Kiev, với giọng nói của Tổng thống Belarus vang vọng qua chiếc điện thoại ông cầm trên tay.
Tổng thống Alexander Lukashenko, một trong những đồng minh chủ chốt của Điện Kremlin, mời phái đoàn quan chức Ukraine tới Minsk để đàm phán về việc chấm dứt cuộc chiến mới bùng phát ba ngày trước, theo Andriy Sybiha, phó chánh văn phòng tổng thống Ukraine, người có mặt trong phòng lúc cuộc gọi diễn ra.
Tổng thống Zelensky từng rất tức giận trước lời mời tham gia những cuộc đàm phán khác ở thủ đô Belarus mà Ukraine nhận được hồi năm 2014 và 2015. Tại các hội nghị “Minsk 1” và “Minsk 2” khi đó, sau những tổn thất lớn trên chiến trường, Kiev đã buộc phải chấp thuận nhượng bộ phe ly khai do Moskva hậu thuẫn ở Donbass, miền Đông đất nước.
“Sẽ không có hội nghị Minsk nào nữa”, ông nói. “Sẽ không có Minsk 3”.
Quyết định từ chối tổ chức cuộc đàm phán giữa lúc các trực thăng tấn công, xe tăng Nga tiến về Kiev, cho thấy lãnh đạo Ukraine đã cứng rắn thế nào trước mối đe dọa. Quá trình biến đổi này thực tế đã bắt đầu từ nhiều tháng trước đó và tiếp tục được đẩy nhanh xuyên suốt cuộc xung đột kéo dài một năm qua.
Bốn năm trước, khi Zelensky là một ứng viên tổng thống 40 tuổi, ông coi Nga là đối tác triển vọng mà Ukraine có thể đàm phán hòa bình. Ông chủ yếu sử dụng tiếng Nga, lớn lên trong một gia đình nói tiếng Nga ở thành phố Kryvyi Rih của Ukraine và nổi tiếng khắp nước Nga với tư cách diễn viên hài.
Là một nghệ sĩ giải trí, Zelensky từ lâu đã thể hiện quan điểm thân châu Âu thông qua các tiểu phẩm và nhân vật của mình. Tuy vậy, khi trở thành ứng viên tổng thống, ông có quan điểm thực dụng hơn trước những vấn đề liên quan đến Moscow.
Với nhiệt huyết tuổi trẻ và lời hứa xây dựng một Ukraine mới hòa nhập hơn với châu Âu, đồng thời nuôi hy vọng có thể “làm hòa” với Nga, ông đánh bại cựu tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, cứng rắn hơn, với 73% phiếu bầu.
Tổng thống Zelensky dành phần lớn năm đầu tiên nhiệm kỳ để tìm cách đạt được tiến bộ nhất định trong đàm phán với Điện Kremlin, sắp xếp các cuộc trao đổi tù binh, rút lực lượng khỏi tiền tuyến ở miền đông và tổ chức một cuộc gặp với Tổng thống Putin do Đức và Pháp làm trung gian.
William Taylor, quan chức hàng đầu tại đại sứ quán Mỹ ở Ukraine thời điểm đó, nhớ lại cuộc gặp Tổng thống Zelensky trong văn phòng của ông vào mùa hè năm 2019. Lãnh đạo Ukraine bày tỏ tò mò về “Công thức Steinmeier”, quy chế do cựu ngoại trưởng Đức đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề ở miền đông đất nước, hy vọng nó có thể dẫn đến một thỏa thuận với Điện Kremlin.
“Không ai biết nó là gì”, Taylor nói với Tổng thống Zelensky. “Ngay cả Steinmeier cũng không biết nó là gì”.
Theo lời Taylor, ông Zelensky đã chộp lấy điện thoại của mình và chỉ vào một tài liệu về Công thức Steinmeier, giải thích rằng ông có thể tìm thấy trong đó những điều kiện thỏa hiệp khả thi với Moskva.
“Đây là một ý tưởng tồi”, Taylor đáp.
Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky vẫn không từ bỏ mong muốn gặp mặt người đồng cấp Nga trong những tháng tiếp theo.
Theo Washington Post, khi cuộc gặp diễn ra ở Paris vào tháng 12/2019, người đứng đầu Điện Kremlin đã tương tác với Tổng thống Zelensky như thể ông là một diễn viên tình cờ đi lạc vào cuộc đàm phán ngoại giao. Có thời điểm, ông còn hướng dẫn lãnh đạo Ukraine quay lại và mỉm cười trước ống kính khi họ ngồi xuống bên Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Dù vậy, ông Zelensky vẫn rời Paris với hy vọng.
Vài tuần sau, Nga đồng ý tăng cường trao đổi tù nhân với Ukraine và nhất trí thúc đẩy hợp tác khí đốt với Kiev.
“Nhưng khi các cuộc trao đổi bắt đầu đi vào chi tiết, Tổng thống Zelensky đã nhận ra rằng dường như mọi thứ không đơn giản như ông nghĩ, Arakhamia nhớ lại. “Những thay đổi của ông ấy trong cách nhìn nhận mối quan hệ nhen nhóm từ đây”.
“Ban đầu, Nga nghĩ rằng việc Zelensky đắc cử sẽ có lợi cho họ. Một chính phủ Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc đã bị đánh bại bởi một ứng viên nói tiếng Nga thường xuyên thể hiện nhu cầu hòa bình và muốn đối thoại với Nga”, Henry Hale, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học George Washington, Mỹ, nhận xét. “Nhưng ngay sau đó, Điện Kremlin nhận thấy rõ rằng ông ấy sẽ không bao giờ ‘bán mình’. Tổng thống Zelensky cũng hướng về châu Âu”.
Theo Yermak, chánh văn phòng tổng thống Ukraine, trong suốt một năm đàm phán sau cuộc gặp ở Paris, Kiev cho rằng Nga “không thực sự muốn kết thúc xung đột” ở miền đông. “Quá trình này lập tức đi vào ngõ cụt”.
Đến đầu năm 2021, Tổng thống Zelensky tin rằng các cuộc đàm phán sẽ không có kết quả và Ukraine sẽ cần phải chiếm lại các vùng Donetsk và Luhansk “thông qua con đường chính trị hoặc quân sự”, Arakhamia nói.
“Zelensky đã nhận ra ý định của Nga… và Điện Kremlin cũng nhận ra ý định của ông ấy”, Hale cho biết.
Moscow bắt đầu dồn quân đến sát biên giới Ukraine vào mùa xuân năm 2021, đồng thời khước từ lời kêu gọi đàm phán từ Kiev.
“Gặp Zelensky có ích gì nếu ông ấy đã giao đất nước mình cho bên ngoài quản lý?”, Tổng thống Putin tuyên bố vào tháng 6/2021. “Những câu hỏi chính trong cuộc sống của người Ukraine đang được giải quyết không phải ở Kiev mà là ở Washington cùng một phần ở Berlin và Paris. Vậy thì còn gì để nói”.
Không lâu sau, Putin đăng một chuyên luận nói rằng Ukraine chỉ có chủ quyền “nếu hợp tác với Nga” và cảnh báo ông sẽ không cho phép “các lãnh thổ lịch sử và những người gần gũi với chúng tôi ở đó (Ukraine) bị lợi dụng để chống lại Nga”.
Lúc bấy giờ, chính quyền Ukraine đã quản thúc tại gia Viktor Medvedchuk, một chính trị gia Ukraine thân Nga, đồng minh của Tổng thống Putin. Tình báo Mỹ vào cuối năm 2021 bắt đầu đưa ra thông tin rằng Moscow đang chuẩn bị xâm lược Ukraine.
Dmytro Kuleba, Ngoại trưởng Ukraine là người đã chứng kiến ông Zelensky biến đổi từ tổng thống thời bình trở thành lãnh đạo thời chiến gần như chỉ sau một đêm.
“Ông ấy dẫn dắt. Ông ấy ra lệnh. Ông cố gắng giữ cho mọi người ở lại vị trí của họ vì một số cảm thấy hoảng sợ. Và ông ấy đã làm tất cả những điều này nhờ lấy mình làm gương”, Kuleba nói. “Tổng thống trở nên quyết đoán hơn khi ra quyết định. Ông trở nên kiên quyết hơn trước hành động của mọi người”.
Arakhamia đánh giá Tổng thống Zelensky đã trở nên “cứng rắn gấp 10 lần so với khi ông nhậm chức vào năm 2019”, nhận ra rằng mọi sai lầm đều có thể khiến người dân Ukraine phải trả giá đắt.
Tổng thống Zelensky vẫn kiên định cho rằng Kiev sẽ không tham gia một thỏa thuận Minsk khác với Moskva, nhưng các phái viên từ chính phủ Ukraine vẫn dự cuộc đàm phán với Nga ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng ba năm ngoái.
Tuy nhiên, sau khi Nga bị cáo buộc gây ra vụ “thảm sát” ở thành phố Bucha, ngoại ô Kiev, thái độ của ông đối với cuộc chiến đã được quyết định. Khi đến thăm Bucha vào ngày 4/4, Tổng thống Zelensky trông rất đau khổ. “Rất khó để thốt ra bất cứ lời nào nếu bạn chứng kiến những gì họ làm ở đây”, ông nói trước các phóng viên. Nga bác cáo buộc thực hiện vụ “thảm sát” này, cho rằng đây là động thái dàn dựng của Ukraine.
Theo Arakhamia, Tổng thống Zelensky sau đó gọi cho người đứng đầu nhóm đàm phán với Nga, giải thích rằng Ukraine không thể tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào nữa.