February 21, 2023
Các vấn đề tiềm ẩn của Trung Quốc ngày càng nhiều, làm nước này suy yếu và dễ đổ vỡ. Trung Quốc không phải người khổng lồ đang trỗi dậy như người ta mô tả, mà “đang đứng chơi vơi bên bờ vực”, giới quan sát cho hay.
Lâu nay, dường như mọi người đã quá quen với cụm từ “Trung Quốc đang trỗi dậy”, nên chắc khó quen với khái niệm “Trung Quốc sắp suy tàn”. Nhưng sự trỗi dậy hay suy tàn của các quốc gia là một quy luật khó tránh, nhất là đối với các nước lớn như Nga, Mỹ, Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về sự suy giảm và tụt hậu của Mỹ, trong khi Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, đã vượt Nhật Bản về kinh tế (năm 2010), và đang cạnh tranh để vượt Mỹ vào năm 2049. Đó không chỉ là những cảnh báo nhằm vận động tăng ngân sách, mà còn là lo ngại thực sự rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ cả về kinh tế lẫn quốc phòng. Mối lo ngại đó càng tăng lên dưới thời Donald Trump, với vụ bạo động 6/1 làm người Mỹ bị sốc.
Gần đây, cuộc chiến tranh Ukraine đã làm cho Nga có dấu hiệu sớm suy tàn, trong khi sự trỗi dậy của Trung Quốc có dấu hiệu đang xuống dốc.
Cách đây hơn hai thập kỷ, Gordon Chang đã dự báo “Trung Quốc sắp sụp đổ”. Đó là một cảnh báo rất sớm nhưng không chính xác vì sau 10 năm, thậm chí 20 năm, Trung Quốc vẫn chưa sụp đổ. Các học giả khác như Paul Krugman cảnh báo “kinh tế Trung Quốc đã chững lại”.
Về kinh tế, vấn đề là liệu Tập Cận Bình có thể điều chỉnh chính sách để khôi phục tăng trưởng nay đang bị giảm sút đáng kể hay không. Về đối ngoại, lập trường của Trung Quốc không chỉ dựa trên sự tính toán về rủi ro và cơ hội chiến lược mà còn dựa vào lòng tin rằng các thế lực thay đổi lịch sử đang thúc đẩy đất nước tiến lên. Theo Kevin Rudd, Trung Quốc không phải là Liên Xô, vì họ là cường quốc kinh tế đứng thứ hai trên thế giới. Tuy Tập không phải là Stalin, nhưng chắc chắn ông cũng không phải Michail Gorbachev.
Theo Robert Kaplan, các đế chế hình thành từ hỗn loạn và cũng suy tàn trong hỗn loạn. Không có cường quốc nào tồn tại mãi mãi. Các chế độ chuyên chế, bên ngoài có vẻ yên bình, nhưng bên trong thường đang mục nát. Mỗi khi xem xét tính dễ bị tổn thương của Nga, Mỹ, và Trung Quốc, ba cường quốc này mong manh hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Nga và Mỹ đều đã từng khởi xướng các cuộc chiến tự hủy diệt: Nga ở Ukraine, còn Mỹ ở Afghanistan và Iraq. Nếu Trung Quốc chinh phục Đài Loan cũng sẽ dẫn đến tự hủy diệt.
Có ba kịch bản được giới quan sát đưa ra: Một là Nga suy yếu nghiêm trọng vì cuộc chiến sai lầm ở Ukraine, trong khi Trung Quốc thấy quá khó để đạt được sức mạnh kinh tế và công nghệ bền vững. Hai là một thế giới lưỡng cực thực sự, trong đó Trung Quốc duy trì động lực kinh tế ngay cả khi trở nên chuyên chế hơn. Ba là sự suy yếu dần dần của cả ba cường quốc. Tương tự như cuộc chiến ở Ukraine, một cuộc xung đột hải quân, trên không gian mạng, hay đấu tên lửa ở Đài Loan, Biển Đông, hoặc Biển Hoa Đông, tuy dễ bắt đầu nhưng khó kết thúc.
Vậy mục tiêu chiến lược của Mỹ là gì nếu xung đột quân sự như vậy thực sự sẽ xảy ra: phải chăng là chấm dứt sự cai trị của Đảng Cộng sản ở Trung Quốc. Chiến tranh, như Washington đã học được bài học ở Afghanistan và Iraq, “là một chiếc hộp Pandora”. Các đế chế có thể đột ngột sụp đổ, và khi điều đó xảy ra thì hỗn loạn và bất ổn sẽ kéo theo sau. Nay có lẽ đã quá muộn để Nga có thể tránh được số phận này, trong khi Trung Quốc có thể tránh được điều đó nếu họ khôn ngoan điều chỉnh chiến lược kịp thời, nhưng rất khó khăn.
Năm 2022, Trung Quốc tăng trưởng 3%, báo hiệu “hồi kết” của thời kỳ hoàng kim kéo dài 30 năm của kinh tế nước này. Việc tái cấu trúc tập đoàn khiến Jack Ma chỉ còn 6% quyền biểu quyết tại Ant Group, dù trước đó nắm giữ 50%. Có thể so sánh vụ này với “sự sụp đổ không đổ máu” của Lâu đài Edo ở Nhật năm 1868, kết thúc chế độ Mạc phủ Tokugawa, và mở ra thời kỳ Minh Trị, khi Edo được đổi tên thành Tokyo.
Nhưng dưới bàn tay sắt của Tập Cận Bình, kỷ nguyên của những ông chủ các đại công ty tư nhân có thể ngẩng cao đầu đã chấm dứt. Những gì xảy ra với Ant Group rõ ràng là sự chuyển hướng khỏi con đường mà Trung Quốc đã theo đuổi từ khi chính sách mở cửa và cải cách được bắt đầu vào cuối những năm 1970. Khi thi hài của Giang Trạch Dân được đưa đến Bắc Kinh từ Thượng Hải là trung tâm kinh tế của đất nước, một bài hát tiễn biệt đã được cất lên như “hồi chuông báo tử” cho kỷ nguyên tự do kinh tế ở Trung Quốc.
Đối với Mỹ, nếu Nga là vấn đề ngắn hạn và cấp bách, thì Trung Quốc là thách thức dài hạn và nghiêm trọng hơn nhiều. Trung Quốc thường lấy trộm và lạm dụng tài sản trí tuệ của người khác. Sức mạnh quân sự thông thường và hạt nhân của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể. Họ đã quân sự hóa Biển Đông, ép buộc các nước láng giềng về kinh tế, gây xung đột biên giới với Ấn Độ, đàn áp dân chủ ở Hong Kong, và tiếp tục gây sức ép với Đài Loan.
Sau vài thập kỷ phát triển mạnh, kinh tế Trung Quốc bắt đầu chậm lại, pha loãng tính chính danh của chế độ. Chưa biết CSTQ sẽ làm thế nào để khôi phục đà tăng trưởng mạnh về kinh tế, nhưng chính sách đối ngoại hung hăng của Trung Quốc đã làm mất lòng các nước khu vực. Chắc chắn Trung Quốc sẽ đối mặt với một thập kỷ chuyển giao lãnh đạo khó khăn. Cũng như Putin, Tập đã thâu tóm quyền lực vào tay mình, làm cho việc chuyển giao lãnh đạo trở nên phức tạp, có lẽ sẽ dẫn đến tình trạng tranh giành quyền lực.
Theo các chuyên gia về Trung Quốc, thách thức lớn nhất đối với Tập trong thời gian tới không phải là từ bên ngoài, dù đó là cạnh tranh và đối đầu với Mỹ và đồng minh phương Tây hay các “ý tưởng dân chủ độc hại” của họ mà các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã cảnh báo. Thật nghịch lý, thách thức lớn nhất là làm sao chấp nhận được thành quả của mấy thập kỷ xây dựng “xã hội khá giả”: đó là “tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới”.
Theo giới chuyên gia, các vấn đề tiềm ẩn của Trung Quốc ngày càng nhiều, làm nước này suy yếu và dễ đổ vỡ. Trung Quốc không phải người khổng lồ đang trỗi dậy như người ta mô tả, mà “đang đứng chơi vơi bên bờ vực”.
Nhưng đó không phải là tin tốt lành mà là tin xấu cho Trung Quốc và cho thế giới. Một Trung Quốc yếu kém, trì trệ và đang suy sụp, còn nguy hiểm hơn một Trung Quốc đang trỗi dậy. Đối phó với một Trung Quốc đang suy tàn có thể còn khó hơn là với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Vì vậy, nếu muốn thành công và tránh được các hệ lụy của tình trạng đó, thì Washington phải mau chóng điều chỉnh chính sách và các ưu tiên của mình.
Thời Trung Quốc tăng trưởng trên 10% đã qua rồi, năm nay dự kiến chỉ tăng 5,5% hoặc một nửa (như các chuyên gia dự báo). Giá trị đồng Nhân dân tệ thấp nhất trong 14 năm. Lãi suất doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp, đầu tư bất động sản đều thấp, trong khi thất nghiêp tăng 20%. Khoảng 4,4 triệu doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa. Dân số Trung Quốc đang già nhanh, nợ quá nhiều và thiếu nguyên liệu. Trung Quốc đang chảy máu chất xám khi các ông chủ công nghệ, các tỷ phú và giới trung lưu có chuyên môn đổ xô xuất ngoại.
Đại hội Đảng lần thứ 20 là lớp son phấn che đậy cái bánh đầy độc tố. Tập Cận Bình đã lợi dụng Đại hội Đảng để hạ nhục Hồ Cẩm Đào, lãnh đạo tiền nhiệm cuối cùng do Đặng Tiểu Bình chọn. Tập cũng thay Thủ tưởng Lý Khắc Cường và bổ nhiệm những người trung thành với mình (hầu hết có gốc an ninh) vào Bộ Chính trị và Ban thường vụ. Lễ đăng quang hoành tráng đã bộc lộ những sai lầm mới của vị “hoàng đế Xấu xí”.
Sẽ khó có cách mạng ở Trung Quốc vì bộ máy đàn áp rất hiệu quả, nhưng dễ có bất đồng trong giới cầm quyền. Một khi Tập đã bỏ qua lời khuyên của Đặng là “Giấu mình chờ thời” thì ông sẽ lựa chọn đối đầu. Điều đó có nghĩa Trung Quốc sẽ tăng cường lấn chiếm lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đe dọa Đài Loan, bắt nạt các nước bằng “ngoại giao Chiến lang”, và gần đây nhất là ủng hộ Nga trong cuộc xâm lược Ukraine.
Nguyễn Quang Dy