- Tác giả,Oliver Slow
- Vai trò,BBC News
- 26 tháng 2 2023
Các bộ trưởng tài chính thuộc 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã không thể thông qua tuyên bố cuối cùng tại thượng đỉnh ở Ấn Độ, sau khi Trung Quốc từ chối lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Bắc Kinh đã từ chối chấp nhận các phần trong tuyên bố của G20 lên án hành động xâm lược của Nga \”với những cụm từ mạnh mẽ nhất\”.
Moscow nói các quốc gia Phương Tây \”chống Nga\” \”đã làm bất ổn\” G20.
Tuần này Trung Quốc đã công bố một bản kế hoạch chấm dứt cuộc xung đột Ukraine, mà theo một số người nhận định là thân Nga.
Ấn Độ, quốc gia chủ trì các cuộc hội đàm G20 ở thành phố Bengaluru, miền nam nước này, đã phát đi một \”bản tóm tắt từ vai trò chủ trì\” đề cập đến nhiều nội dung từ hội nghị, và lưu ý là \”có những đánh giá khác nhau về tình hình\” tại Ukraine, và các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga.
Một phần ghi chú cho biết hai đoạn văn tóm tắt cuộc chiến tranh \”đã được tất cả các quốc gia thành viên đồng thuận ngoại trừ Nga và Trung Quốc\”. Các đoạn văn được trích từ Tuyên bố Các Lãnh đạo G20 tại Bali vào tháng 11/2022, và chỉ trích \”bằng những cụm từ mạnh mẽ nhất việc sử dụng vũ lực của Liên bang Nga nhằm vào Ukraine\”.
Sau khi \’ngồi ghế sau\’ khi cuộc xâm lược bùng phát cách đây một năm, Bắc Kinh đã tăng tốc các nỗ lực ngoại giao xung quanh cuộc xung đột trong những tuần gần đây. Nhà ngoại giao hàng đầu nước này, ông Vương Nghị đã công du châu Âu trong tuần này, và kết thúc với buổi chào đón nồng ấm của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow.
Trung Quốc cũng trong tuần này đã công bố bản kế hoạch 12 điểm để chấm dứt cuộc chiến tranh tại Ukraine, theo đó quốc gia này kêu gọi đàm phán hòa bình và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, bản tài liệu 12 điểm này đã không đề cập cụ thể Nga phải rút quân khỏi Ukraine và không lên án cuộc xâm lược của Nga.
Bản kế hoạch này của Trung Quốc được phía Nga hoan nghênh, riêng Tổng thống Mỹ Joe Biden bình luận: \”[Tổng thống] Putin hoan nghênh [kế hoạch này], thì nó có thể tốt đẹp gì?\”
Sau thượng đỉnh G20, Ajay Seth, một quan chức cấp cao của Ấn Độ, phát biểu trong một cuộc họp báo rằng các đại diện Nga và Trng Quốc không đồng ý về cách dùng từ ngữ liên quan đến cuộc chiến Ukraine bởi vì \”thẩm quyền của họ là giải quyết những vấn đề kinh tế và tài chính\”.
\”Mặc khác, tất cả 18 quốc gia khác đều cảm thấy cuộc chiến tranh này đã mang đến những hậu quả cho nền kinh tế toàn cầu\” và cần phải được đề cập, ông bổ sung.
Đoạn tóm tắt gồm 17 đoạn văn từ cuộc gặp thượng đỉnh cũng đề cập đến trận động đất gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề nợ của các nước thu nhập trung bình và thấp, chính sách thuế toàn cầu, và bất ổn lương thực.
Bộ Ngoại giao Nga nói lấy làm tiếc về chuyện \”các hoạt động của G20 tiếp tục bị gây bất ổn từ cách chống Nga mang tính tập thể\”.
Nga cũng cáo buộc Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc gia G7 \”tống tiền rõ ràng\”, và kêu gọi họ \”giải quyết những thực tiễn khách quan của một thế giới đa cực\”.
Thế nhưng Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner tuyên bố: \”Đây là cuộc chiến tranh. Và cuộc chiến này có nguyên nhân, có một nguyên nhân, và đó là Nga và Vladimir Putin. Điều này phải được trình bày rõ ràng tại cuộc họp tài chính G20.\”
Các cuộc họp trước đây giữa các quốc gia thành viên G20 đã không thể đưa ra tuyên bố chung kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng 02/2022.
Hôm thứ Năm 23/02, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York đã thông qua một nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Nga. Nghị quyết được thông qua với 141 phiếu thuận, 32 phiếu trắng, và 7 quốc gia, bao gồm Nga bỏ phiếu chống.