Đăng ngày: 28/02/2023
Sau hơn 365 ngày chiến tranh, chưa biết khi nào hòa bình vãn hồi trên lãnh thổ Ukraina. Chưa thể thẩm định những thiệt hại vật chất về phía Ukraina sẽ lên đến bao nhiêu, không biết chính xác về nhu cầu tái thiết của quốc gia bị xâm chiếm này. Điều đó không cấm cản Kiev và các doanh nghiệp phương Tây, các định chế tài chính đa quốc gia, giới ngân hàng bắt đầu công cuộc tái thiết Ukraina.
Ngày 15/02/2023, hội chợ Tái Thiết Ukraina – diễn ra tại khu triển lãm ở thủ đô Vacxava, Ba Lan. Đây là nhịp cầu giúp cách chính quyền thành phố ở Ukraina tìm kiếm đối tác trong giai đoạn xây dựng lại đất nước.
Trong số các bên tham gia, có Andrii Feda, đại diện cho thành phố Mariupol. Theo lời quan chức này 90 % các khu chung cư, 60 % ngôi nhà bị tàn phá. Toàn bộ hệ thống giao thông bị hư hại. Mariupol cần tái lập lại hệ thống điện, nước và ga. Thiệt hại vật chất ước tính lên tới 14,5 tỷ đô la. Mariupol nhìn ra biển Azov vẫn đang bị quân đội Nga chiếm đóng, các công trình xây dựng chỉ có thể khởi động một khi Ukraina chiếm lại thành phố này. Điều đó không cấm cản ông Feda, tại hội chợ Tái Thiết Ukraina khẳng định Mariupol « rồi sẽ hồi sinh, như Vacxava và Dresden đã từng được tái thiết sau Thế Chiến Thứ Hai ».
Kiểm kê tình hình tại chỗ
Ngành công nghiệp nặng, luyện kim và hóa chất bị thiệt hại nhiều nhất do phần lớn hoạt động tại miền đông, trong khu vực được mệnh danh là lá phổi công nghiệp của Ukraina. Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP đánh giá chiến tranh do Nga tiến hành « cướp đi 18 năm phát triển kinh tế » của Ukraina ; 90 % dân số nước này có nguy cơ bị đẩy vào cảnh nghèo khó. Kinh tế Ukraina không bị sụp đổ hoàn toàn trong năm 2022 nhờ viện trợ của quốc tế.
Đại học kinh tế Kiev (Kiev School of Economics) thẩm định, cỗ máy chiến tranh của Matxcơva khiến 137 tỷ đô la tài sản của Ukraina – tương đương với 2/3 GDP, tan thành tro bụi ; 50 % các nhà máy điện trên toàn quốc bị hư hại. Ukraina cần 550 tỷ đô la tái thiết đất nước.
Trước đó, vào tháng 9/2022 báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới nói đến những « thiệt hại to lớn » và thẩm định rằng sau 100 ngày chiến tranh (tính đến cuối tháng 5/2022) tổn thất về phía Ukraina lên tới 97 tỷ đô la, thêm vào đó 250 tỷ thất thu do cố máy sản xuất và xuất nhập khẩu bị gián đoạn. Từ đó tới nay Nga tăng hỏa lực chủ yếu đánh vào cơ sở hạ tầng thiết yếu của đối phương. 20 % cơ sở y tế của Ukraina đã bị xóa sổ, gần 3.000 trường học bị tàn phá trong đó có trên 800 trường mẫu giáo. Từ tháng 9/2022 Nga chủ trương tấn công vào cơ sở hạ tầng dân dụng thiết yếu : 50 % các nhà máy điện trên toàn quốc bị hư hại.
Trả lời đài RFI Pháp ngữ Alain Pilloux, phó thống đốc Ngân Hàng Tái Thiết và Phát Triển Châu Âu BERD cho rằng từ tháng 9 tới nay thiệt hại vật chất mà phía Ukraina hứng chịu đã tăng lên thêm, nhu cầu tái thiết qua đó tăng theo.
Alain Pilloux : « Trong một nghiên cứu công bố năm ngoái, Ngân Hàng Thế Giới nói đến 350 tỷ đô la. Từ đó tới nay con số này đã bị đẩy lên cao. Cá nhân tôi ước tính là cộng đồng quốc tế sẽ phải huy động từ 400 đến 500 tỷ đô la giúp Ukraina xây dựng lại đất nước nhưng đó là công trình dài hơi. Nhưng đừng quên rằng Ukraina có những nhu cầu cấp bách phải giải quyết, thí dụ duy trì hệ thống điện lực để bảo đảm sản xuất và sưởi cho người dân. Chỉ riêng khâu này Kiev cần gấp 9 tỷ đô la trong năm nay ».
Cũng ông Pilloux nhắc lại Ngân Hàng Tái Thiết và Phát Triển Châu Âu BERD đã giải ngân 1,7 tỷ euro cho Ukraina trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chủ đích nhằm bảo đảm duy trì một số dịch vụ công cần thiết nhất cho người dân Ukraina, chẳng hạn như bảo đảm về điện, ga hay trong hoạt động ngành đường sắt xe lửa. Kế tới cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân sống nhờ xuất khẩu, thí dụ như trong công nghiệp chế biến thực phẩm chẳng hạn.
Câu hỏi kế tiếp là ở thời điểm chiến tranh tiếp diễn và Nga đã đổi chiến lược chủ yếu nhắm vào các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraina thì đâu là nhu cầu của quốc gia bị xâm lược này ?
Alain Pilloux : « Thứ nhất là nhu cầu tài trợ cho thâm hụt ngân sách nhà nước, ước tính lên tới 40 tỷ đô la trong năm vừa qua. Gần như là quốc tế đã huy động được số tiền này, chủ yếu là nhờ nỗ lực của Liên Hiệp Châu Âu, của nhóm G7 với nguồn tài trợ lớn nhất là Mỹ. Kế tới là những nhu cầu khẩn cấp xây dựng lại các cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hại sau các đợt oanh kích của Nga. Tôi muốn nói đến việc phục hồi các nhà máy điện, để bảo đảm cho khu vực sản xuất, cho các hệ thống sưởi của thành phố… BERD đã dành hẳn hơn 500 triệu euro hỗ trợ tập đoàn điện lực quốc gia Ukraina trong năm 2022. Ngoài ra Ukraina cần xây dựng lại cả hệ thống giao thông, tái thiết các khu nhà ở cho dân và những cơ sở hạ tầng để bảo đảm dịch vụ xã hội như trường học, bệnh viện… Trong tương lai xa hơn một chút Ukraina cần được hỗ trợ trong công tác dỡ mìn. Theo thẩm định của Ngân Hàng Thế Giới phí tổn cho riêng khoản này ước tính chừng 70 tỷ đô la. Chúng ta biết rằng hiện tại khoảng 35 % diện tích của Ukraina đang bị gài mìn ».
Lãnh đạo Ngân Hàng BERD Alain Pilloux lưu ý, đương nhiên các chương trình viện trợ hay trợ giúp Ukraina tái thiết đòi hỏi chính quyền Kiev phải minh bạch và bảo đảm rằng viện trợ quốc tế không rơi vào túi một số ít các doanh nhân hay chính khách Ukraina :
Alain Pilloux : « Chương trình hỗ trợ Ukraina hiện nay của IMF, kế hoạch viện trợ của Liên Âu luôn coi việc bài trừ tham nhũng là một điều kiện. Ngân Hàng Tái Thiết và Pháp Triển Châu Âu cũng rất chú trọng đến vế này. Bài trừ tham nhũng là một điều kiện quan trọng quyết định về số tiền viện trợ cũng như là về tiến độ giải nhân các khoản viện trợ quốc tế cho Ukraina ».
Viện trợ quốc tế : với 100 tỷ đô la, Âu – Mỹ trên tuyến đầu
Trong 12 tháng chiến tranh, cộng đồng quốc tế đã tổ chức 4 hội nghị các nhà tài trợ cho Ukraina (Lugano, Vacxava, Berlin và Paris). Gần đây nhất tại Paris, hôm 13/12/2022 hơn 40 quốc gia và các tổ chức quốc tế đã cam kết tặng không 1 tỷ đô la giúp chính quyền Kiev « trải qua mùa đông này » nhất là vào lúc mà bên xâm lược là Nga từ tháng 9/2022 tập trung tấn công vào các nhà máy điện của Ukraina để làm tê liệt đối phương, đẩy cuộc sống của người dân Ukraina thêm khó khăn hòng gây chia rẽ công luận.
Na Uy đầu tháng 2/2023 cam kết viện trợ cho Kiev gần 7 tỷ đô la trong 5 năm sắp tới, dưới hình thức viện trợ nhân đạo và quân sự. Liên Âu cam kết 52 tỷ euro cho Ukraina chủ yếu là « viện trợ tài chính » giúp kinh tế Ukraina duy trì hoạt động trong thời chiến. Một mình nước Mỹ cũng hứa giúp chính quyền Kiev một số tiền gần 50 tỷ đô la nhưng lại tập trung vào viện trợ quân sự.
Lĩnh vực tư nhân
Bên cạnh các khoản trợ giúp xuất phát từ các định chế đa quốc gia như Liên Hiệp Châu Âu, Ngân Hàng Tái Thiến và Phát Triển Châu Âu, Ngân Hàng Đầu Tư Châu Âu… thì còn có rất nhiều các đối tác tư nhân.
Thông tín viên RFI Aabla Jounaidi đến thành phố Lyman vùng Donbass miền đông Ukraina và Irpin ngoại ô thủ đô Kiev. Tại Lyman, dù chưa im tiếng súng, người dân địa phương tìm mọi cách khắc phục hậu quả chiến tranh tùy theo khả năng. Còn tại Irpin, chính quyền có thể trông cậy vào hảo tâm của các đối tác nước ngoài :
Bị quân đội Nga chiếm đóng trong bốn tháng và là nơi đã diễn ra nhiều trận đánh khốc liệt, thành phố Lyman-Donbass, miền Đông Ukraina vẫn mang nhiều vết thương chiến tranh. Hệ thống đường ống dẫn ga lộ thiên bị hư hại. Công nhân đang phải khắc phục hậu quả sau nhiều đợt oanh kích của quân Nga. Sergueii là một trong những số đó. Anh cố gắng sửa chữa để cung cấp ga 7 ngày trên 7 cho dân cư thành phố và biết rằng giao tranh vẫn đang diễn ra cách đấy không xa.
Còn tại Irpin, ngoại ô thủ đô Kiev, người ta bắt đầu dỡ những đống gạch đổ nát từ những khu chung cư bị trúng bom. Ngay từ những ngày đầu chiến tranh, Irpin đã cản đường quân Nga tiến vào thủ đô. Nhờ vậy Irpin được tổng thống Volodymyr Zelenski trao tặng danh hiệu « thành phố anh hùng ». Kiev đã cam kết giúp Irpin tái thiết. Thị trưởng thành phố vẫn mỏi mòn chờ đợi những khoản trợ giúp đó của chính phủ.
Trái lại Irpin đã được các đối tác quốc tế nhiệt tình giúp đỡ. Thành phố Caiscais của Bồ Đào Nha kết nghĩa với Irpin đã huy động hơn nửa triệu euro cho công cuộc tái thiết. Một công ty của Áo hiện diện lâu năm tại Ukraina giúp thành phố này xây dựng lại một trường học. Một tập đoàn dầu hỏa tạo điều kiện cho 1.500 học sinh trở lại trường lớp. Litva giúp xây lại một nhà trẻ của thành phố và Irpin bắt tay ngay vào việc.
Theo lời thị trưởng thành phố, cần có những kết quả cụ thể ngay lập tức để chứng minh với các nhà tài trợ về tính nghiêm túc của bên được giúp đỡ. Ông kỳ vọng Irpin là một thí điểm của các công trình tái thiết Ukraina. Tháng 6 năm ngoái nhiều lãnh đạo quốc tế đã đến thăm thành phố này để tỏ tình liên đới với Irpin và tới nay hơn 80 % dân cư đã trở về để làm lại tất cả từ đầu.
Tái thiết trước khi vãn hồi hòa bình, một hình thức kháng cự
Ukraina là quốc gia hiếm thấy trên thế giới đã lao vào công cuộc tái thiết đất nước trong lúc báo động phòng không vẫn dồn dập từ ở thủ đô Kiev cho đến các vùng ở miền Nam, miền Đông…Khu vực biên giới phía bắc sát với Belarus thì được đặt trong tình trạng « báo động » thường trực trước nguy cơ chính quyền Minsk nhập cuộc, mở thêm một mặt trận ở phương Bắc tiếp sức cho quân đội Nga.
Tại sao phương Tây và những đồng minh của Kiev đã tính đến giai đoạn hậu chiến tranh ? François Grunewald giám đốc cơ quan tư vấn chuyên về các chương trình tái thiến URD của Pháp ghi nhận thứ nhất, đối với người Ukraina họ bắt tay vào việc ngay khi có điều kiện, bởi xây dựng lại là điều sống còn : người dân cần nhà để ở, cần phục hồi hệ thống điện, ga và nước. Đương nhiên dân Ukraina biết rằng, Nga vẫn có thể lại dội bom, lại đưa chiến xa vào các thành phố vừa được xây dựng lại.
Thứ hai, nhìn từ góc độ của người dân Ukraina xây dựng lại đất nước trước khi im tiếng súng hàm ý Ukraina sẽ không bao giờ đầu hàng. Hơn nữa đây còn là một vấn đề tâm lý như ông Grunewald giải thích trên đài truyền hình Arte bởi lao vào tái thiết đất nước giúp mọi người hy vọng sẽ lại được sống trong hòa bình, sẽ lại được trở về nhà để xây dựng lại cuộc sống.
Về phần Laurent Germain, tổng giám đốc Egis hiện diện lâu năm tại Ukraina trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ thì cho rằng, Âu, Mỹ đã cam kết viện trợ cho Ukraina hơn 100 tỷ đô la dưới hình thức viện trợ tài chính, quân sự, nhân đạo : đó là một tín hiệu mạnh về mặt địa chính trị và ngoại giao.
Song, không thể phủ nhận qua các khoản viện trợ cho Ukraina ngay giữa các nước không khối Tây phương cũng đang lao vào một cuộc cạnh tranh để tranh giành ảnh hưởng với Kiev. Ảnh hưởng đó không chỉ giới hạn ở các hợp đồng, mà đấy còn là ảnh hưởng về chính trị của Bruxelles hay Washington với Kiev sau này.
Ai cũng biết con đường để Ukraina được kết nạp vào Liên Hiệp Châu Âu còn đầy chông gai. Điều đó không cấm cản Bruxelles công nhận quy chế ứng viên của Ukraina. Christine Dugoin Clément, trường thương mại IAE trực thuộc đại học Sorbonne Paris trên đài truyền hình Arte ghi nhận : mỗi quốc gia luôn nghĩ đến lợi ích của riêng mình, của các doanh nghiệp trong nước khi đứng ra cam kết tài trợ một chương trình tái thiết. Điều này lại càng đúng hơn nữa khi mà chương trình tái thiết đó lên tới hàng trăm tỷ đô la.