Hội nghị ngoại trưởng G20 : Ấn Độ kêu gọi vượt qua chia rẽ về chiến tranh Ukraina

Đăng ngày: 02/03/2023

\"\"
\"\"
Quang cảnh hội nghị các ngoại trưởng G20 tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 02/03/2023. REUTERS – POOL

Thu Hằng

Hội nghị ngoại trưởng nhóm G20 khai mạc ngày 02/03/2023 tại New Delhi, Ấn Độ. Trong lễ khai mạc, thủ tướng Narendra Modi kêu gọi 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt qua “những chia rẽ” về chiến tranh ở Ukraina. Ông cũng quan ngại rằng “chủ nghĩa đa phương đang gặp khủng hoảng”.

Hiện giữ chức chủ tịch luân phiên G20, Ấn Độ muốn nhiệm kỳ 2023 tập trung vào những vấn đề như giảm nghèo đói, chống biến đổi khí hậu. Theo thủ tướng Modi, “kinh nghiệm của những năm trước – khủng hoảng tài chính, biến đổi khí hậu, đại dịch, khủng bố và chiến tranh – cho thấy rõ cách quản trị toàn cầu đã thất bại”

Tuy nhiên, cuộc chiến do Nga phát động tại Ukraina đang lấn át những chủ đề quan trọng. Ấn Độ sẽ cố đóng vai trò trung gian để tiếng nói của các nước đang phát triển miền Nam được lắng nghe tại G20.

Thông tín viên RFI Sébastien Farcis tại New Delhi cho biết thêm :

« Ấn Độ khéo léo giữ lập trường trung lập về cuộc xung đột ở Ukraina. New Delhi kêu gọi chấm dứt chiến tranh, nhưng lại duy trì mối quan hệ hữu hảo với Nga, nay là nhà cung cấp dầu lửa lớn nhất cho Ấn Độ.

Vì thế, Ấn Độ tìm cách hòa giải hai phe tại hội nghị ngoại trưởng G20 với lập luận rằng những nước miền Nam như Ấn Độ mới là những nước đầu tiên phải chịu hậu quả từ cuộc đối đầu đó. Đây là điểm được nhà nghiên cứu Harsh Pant, chuyên về quan hệ đối ngoại của Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên (Observer Research Foundation) tại New Delhi, nhấn mạnh.

Ông nói : « Nếu đề cập đến những tác động của cuộc xung đột đối với những nước đang phát triển về mặt kinh tế và năng lượng, ta có nhiều cơ hội đạt được một đồng thuận, vì sẽ không ai nói là mặc kệ những nước này. Nhưng lần này chưa chắc đã thành công, vì có rất nhiều nhân vật quan trọng như Antony Blinken, Serguei Lavrov và ngoại trưởng Trung Quốc. Họ có thể có thái độ cứng rắn triệt để ».

Trong cuộc họp của các bộ trưởng Tài Chính G20 vào tuần trước, Nga và Trung Quốc đã từ chối ký vào bản thông cáo chung vì văn kiện này nói đến « chiến tranh » ở Ukraina ».

Nga – Trung Quốc không ký văn bản kêu gọi Nga rút hết quân khỏi Ukraina

Cuộc họp của các ngoại trưởng G20 kết thúc mà thông ra được thông cáo chung, vì Nga và Trung Quốc từ chối ký vào văn kiện ủng hộ lời kêu gọi Nga rút hết lực lượng khỏi Ukraina, giống như cuộc họp của các bộ trưởng Tài Chính G20 vào tuần trước. Nga và Trung Quốc lên án phương Tây áp đặt « quan điểm » riêng.

Ngày 02/03, ông Blinken đã có cuộc gặp ngắn, chỉ 10 phút, với đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov để « trực tiếp gửi thông điệp » của Washington là tiếp tục hỗ trợ Ukraina.

Bài Liên Quan

Leave a Comment