March 2, 2023
“Nền kinh tế Nga sẽ ngấm đòn trừng phạt bắt đầu từ nửa sau năm 2023 cho đến suốt năm 2024. Đói vốn, đói nhân lực, thiếu nhân tài, không có phụ tùng – các yếu tố quan trọng đối với nền kinh tế Nga đều bị phong tỏa khiến Nga sẽ bị bóp nghẹt,” Giáo sư Khương Hữu Lộc dự báo.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây chưa phát huy tác dụng và sự chống lưng của Trung Quốc đã giúp giữ nền kinh tế Nga không bị sụp đổ sau một năm chống chọi nhưng tình hình sẽ xấu đi nhanh chóng trong năm nay và năm sau, các nhà phân tích nhận định.
Cho đến nay, phương Tây đã công bố hơn 11.300 lệnh trừng phạt kể từ khi Nga xua quân xâm lược Ukraine, trong đó có việc loại các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, và đóng băng khoảng 300 tỷ đô la dự trữ ngoại hối của Nga ở các ngân hàng nước ngoài.
Kinh tế Nga đã bước vào quỹ đạo suy giảm. GDP Nga trong năm 2022 đã giảm 2,1%, theo ước tính sơ bộ từ chính phủ nước này. Nhưng mức giảm này là thấp hơn nhiều so với dự báo của một số nhà kinh tế phương Tây hồi một năm trước là từ 10% đến 15%.
Tuy nhiên, theo thời gian, tác động các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ leo thang thành khủng hoảng đối với Nga. Bloomberg Economics ước tính cuộc chiến của Putin ở Ukraine sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội của Nga mất 190 tỷ đô la vào năm 2026 so với trước khi có chiến tranh.
Hậu quả là Putin sẽ buộc phải chọn giữa tăng chi tiêu quân sự hay đầu tư xã hội như nhà ở và giáo dục – quyết định có thể gây hậu quả cho sự ủng hộ của công chúng Nga đối với cuộc chiến.
Khác với những tháng đầu tiên sau cuộc xâm lược khi thu nhập của Putin từ bán năng lượng tăng vọt, giờ đây, theo các kinh tế gia tại Deutsche Bank, ông Putin đã mất 500 triệu đô la từ xuất khẩu dầu khí mỗi ngày.
Sự sụt giảm này càng được đẩy nhanh bởi những bước đi sai lầm của chính ông Putin, theo nhận định của hai vị giáo sư này. Ông đã chặn việc giao khí đốt cho châu Âu – vốn trước đây chiếm đến 86% doanh số khí đốt của Nga – với hy vọng người dân châu Âu lạnh cóng sẽ phẫn nộ đến buộc các lãnh đạo của họ ra đi trong các cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, mùa đông ấm hơn bình thường và nguồn cung khí đốt toàn cầu tăng lên có nghĩa là Putin đã khiến Nga mất đi vĩnh viễn vai trò nhà cung cấp năng lượng chính cho châu Âu, với sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga giảm xuống còn 7% – sẽ và sớm về 0. Với ít đường ống để xoay sang châu Á, Putin hiện chỉ kiếm chưa tới 20% doanh thu từ khí đốt so với trước đây.
Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, từ Fort Worth, Texas, chỉ ra rằng trong năm 2022, châu Âu đã mua dầu của Nga còn nhiều hơn trước chiến tranh, và mua với giá cao khi giá dầu thế giới tăng vọt. Phải đến khi các lệnh cấm dầu Nga có hiệu lực vào cuối năm ngoái thì doanh thu dầu khí của Nga mới bắt đầu bị tổn thương.
Mặc dù các nước không tham gia áp giá trần dầu Nga, chẳng hạn Ấn Độ và Trung Quốc, có thể tăng mua dầu Nga, nhưng họ cũng lợi dụng tình hình để đòi Nga chiết khấu lên tới 30%. Và ngay cả khi họ tăng mua dầu của Nga đến tối đa thì ‘cũng chỉ thay thế được 1/3 lượng mua của châu Âu mà thôi’, ông Lộc nói.
Các biện pháp tung tiền ra chi xài cho nền kinh tế và hỗ trợ an sinh-xã hội của Chính phủ Nga đã ‘khiến người dân Nga không cảm thấy áp lực gì nhiều từ các biện pháp cấm vận’. “Mặc dù giá cả tăng rất nhiều nhưng lạm phát ở Nga chỉ có 12% thôi,” ông Lộc phân tích.
Tuy nhiên, ngay cả những phương cách này cũng không đủ. Putin đã buộc phải đánh vào hầu bao của các công ty Nga trong hành động mà ông gọi là ‘huy động doanh thu’ khi doanh thu từ dầu khí giảm. Ông truy thu khoản thuế khổng lồ 1,25 ngàn tỷ rúp từ ngân khố của Gazprom – và sẽ phát hành số trái phiếu khổng lồ trị giá 3,1 ngàn tỷ rúp để công dân Nga mua vào mùa thu.
Giáo sư Khương Hữu Lộc dự đoán nền kinh tế Nga sẽ ‘ngấm đòn trừng phạt’ bắt đầu từ nửa sau năm 2023 cho đến suốt năm 2024.
“Đói vốn, đói nhân lực, thiếu nhân tài, không có phụ tùng – các yếu tố quan trọng đối với nền kinh tế Nga đều bị phong tỏa khiến Nga sẽ bị bóp nghẹt,” ông Lộc nói.
Dựa trên số liệu do IMF đưa ra là kinh tế Nga trong năm 2022 đã suy giảm ở mức 4%, ông Lộc dự đoán sự sụt giảm này sẽ xuống đến10% trong năm nay và 15% trong năm 2024.
“Đến cuối năm 2024 kinh tế Nga sẽ bị áp lực rất nhiều. Ngân sách sẽ cạn dần, tín dụng cho nền kinh tế sẽ cạn dần, hàng hóa nhập từ nước ngoài sẽ đắt đỏ, lạm phát sẽ tăng lên đến 20-30% ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân Nga,” Giáo sư Lộc dự báo.
Theo lời ông thì các biện pháp cấm vận của phương Tây sẽ ‘kéo lùi kinh tế Nga đến mấy chục năm’.
Tuy nhiên, nhiêu đó vẫn là chưa hết và phương Tây ‘vẫn còn 15-20% các biện pháp chế tài chưa áp dụng lên Nga’, cũng theo ông Lộc.
Ông liệt kê các biện pháp như loại hết các ngân hàng còn lại của Nga, vốn chủ yếu là ngân hàng nhỏ, ra khỏi hệ thống SWIFT, đóng băng tài sản của người thân các tài phiệt Nga, trừng phạt các nước mua bán chui với Nga để tuồn hàng từ các nước phương Tây vào Nga và buộc những công ty nào còn làm ăn ở Nga phải rời đi nếu không sẽ bị đánh thuế rất nặng.
(Theo VOA)