Pháp và 10 nước châu Phi tổ chức thượng đỉnh bảo vệ rừng Congo

Đăng ngày: 02/03/2023

\"\"
\"\"
Rừng nhiệt đới Gabon nhìn từ trên không tại khu Raponda Walker, Gabon, ngày 11/10/2021. Ảnh chụp bằng máy bay không người lái. REUTERS – CHRISTOPHE VAN DER PERRE

Trọng Thành

Hôm nay, 02/03/2023, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng hơn 10 lãnh đạo các nước châu Phi tham gia One Forest Summit, Thượng đỉnh về bảo vệ rừng nhiệt đới Congo, tổ chức tại Libreville, thủ đô Gabon. Rừng Congo có diện tích gần 3 triệu km², trải rộng trên lãnh thổ của 6 quốc gia châu Phi, là một trong ba ‘‘lá phổi’’ của hành tinh. Nhưng đây được coi là lá phổi số một.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, rừng Congo mỗi năm hấp thu khoảng 750 triệu tấn CO 2/năm, vượt xa rừng Amazon. Rừng Congo châu Phi giờ đang trở thành phao cứu nạn của thế giới trong cuộc chiến cắt giảm lượng khí thải, nhằm hãm lại đà hâm nóng Trái Đất. Thách thức hàng đầu của thượng đỉnh lần này là tìm ra cơ chế tài trợ cho các nỗ lực bảo vệ rừng Congo của cư dân địa phương và chính quyền sở tại.

Phóng sự của đặc phái viên RFI Valérie Gas gửi về từ Libreville : 

‘‘Trước mặt quý vị là loài cây mang tính biểu tượng của đất nước chúng tôi, cây okoume’’, một lãnh đạo của Trung tâm Khoa học và Công nghệ của Gabon, Alfred Ngomanda, cho biết. Quan chức Gabon này kiên nhẫn đứng đợi tổng thống Emmanuel Macron tại một nhà sàn bằng gỗ nằm trên cây, được dùng làm lớp học, ngay giữa khu rừng bảo tồn, nằm sát thủ đô Libreville, nơi mà ta chỉ nghe tiếng vo ve của các loài côn trùng và tiếng chim hót.  

Alfred Ngomanda có trách nhiệm giải thích với tổng thống Pháp về ý nghĩa quan trọng của rừng Gabon. Ông nói : ‘‘Khu rừng này lưu trữ 40 tỉ tấn CO2 trong cây cối, như vậy rừng đóng góp rất lớn vào việc điều hòa khí hậu’’.  

Tổng thống Macron muốn thượng đỉnh One Forest Summit là cơ hội mang lại thay đổi. Vị quan chức Gabon nói trên hy vọng sẽ có các giải pháp, đặc biệt đối với cư dân địa phương, ‘‘làm sao để cho phép dân cư tiếp tục sống trong rừng, nhưng không làm suy thoái rừng, chính là thách thức thực sự đối với mục tiêu bảo tồn rừng hiện nay’’. Các nguồn tài trợ dấu hiệu để cư dân địa phương và các quốc gia trong vùng biết được việc bảo tồn được thúc đẩy.  

Ông Alfred Ngomanda nói: ‘‘Thật là không bình thường khi một lít xăng được bán với giá một euro, mà người ta lại không thể mua được một tấn CO2 với giá 50 đôla. Ai là người xác định mức giá mua. Đây là chủ đề thảo luận tại thượng đỉnh One Forest Summit’’.  

Một trong các mục tiêu của thượng đỉnh One Forest Summit là tìm ra phương tiện để trả công cho nỗ lực của các quốc gia vùng rừng Congo bảo vệ một khu rừng đang đóng vai trò lá phổi của hành tinh’’. 

Trả lời RFI, kinh tế gia Alain Karsenty, chuyên gia của Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nông học vì Phát triển (CIRAD), cũng khắng định tài trợ cho rừng là vấn đề ‘‘căn bản nhất’’ của thượng đỉnh One Forest Summit. Tuy nhiên, theo chuyên gia Trung tâm CIRAD, không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc tăng giá mua quyền phát thải CO2, hiện tại mới chỉ là từ 3 đô la đến 5 đô la/tấn. Bởi nếu giá mua quyền phát thải quá cao, các doanh nghiệp sẽ chọn việc trực tiếp cắt giảm khí thải, có lợi hơn về kinh tế. 

Theo kinh tế gia Alain Karsenty, cần phải xây dựng các cơ chế tài trợ quốc tế mới, có lợi cho các quốc gia như Gabon, nơi mà nạn phá rừng không nghiêm trọng, và điều nghịch lý là cũng chính vì vậy mà nước này không nhận được nhiều tài trợ quốc tế. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment