- Tác giả,George Wright
- Vai trò,BBC News
- 6 tháng 3 2023
Trung Quốc sẽ tăng cường mức chi tiêu quân sự lên hơn 7% trong năm nay, đồng thời cảnh báo về những mối đe dọa \”đang leo thang\”.
Thông tin này được công bố tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, dự kiến các đại biểu Quốc hội cũng sẽ bỏ phiếu thông qua việc Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục nắm giữ nhiệm kỳ thứ ba.
Mức ngân sách quân sự của Bắc Kinh – khoảng 225 tỷ USD – vẫn còn thấp hơn nhiều so với Mỹ, vốn gấp đến bốn lần.
Nhưng giới quan sát nhận định Trung Quốc đánh giá thấp mức chi tiêu quốc phòng.
Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường đề cập tại kỳ họp Quốc hội rằng \”những nỗ lực bên ngoài nhằm đàn áp và kiềm hãm Trung Quốc đang leo thang\”.
\”Lực lượng vũ trang nên tăng cường công tác huấn luyện và tính sẵn sàng trên mọi phương diện,\” ông nói.
Cũng tại kỳ họp, Trung Quốc tuyên bố sẽ theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế giảm so với năm trước, ở mức khoảng 5%.
Hai kỳ họp Quốc hội là một sự kiện thường niên.
Thế nhưng kỳ họp năm nay đặc biệt quan trọng khi các đại biểu được cho sẽ định hình lại một số định chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhà nước.
Kỳ họp Quốc hội trong tuần này cũng sẽ chính thức hóa vai trò lãnh đạo đất nước của ông Tập, khi ông được bầu ở vị trí Chủ tịch nước và là người đứng đầu lực lượng vũ trang.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã bầu ông Tập là lãnh đạo trong nhiệm kỳ thứ ba này.
Mức tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc xuất hiện trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ – Trung ngày càng xấu đi liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine và vụ khinh khí cầu tình nghi là do thám, trong khi ông Tập lại duy trì mối quan hệ nồng ấm hơn với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.
Giới chức Mỹ cũng thường xuyên cảnh báo Trung Quốc có thể xâm lược Đài Loan trong những năm tới. Trung Quốc cũng đã tiến hành phô diễn sức mạnh quân sự gia tăng chưa từng có trên bầu trời và vùng biển quanh Đài Loan, bao gồm phóng tên lửa đạn đạo.
Trung Quốc xem hòn đảo tự trị Đài Loan là một tỉnh ly khai và sẽ cuối cùng nằm trong tầm kiểm soát của Bắc Kinh.
Tân Thủ tướng Trung Quốc cũng sẽ được công bố tại kỳ họp Quốc hội lần này, người sẽ quản lý về mặt kinh tế và các khía cạnh hành chính của chính phủ.
Lý Khắc Cường, một trong những đồng nghiệp thân tín nhất của Tập Cận Bình, được cho sẽ trở thành tân Thủ tướng.
Hai kỳ họp Quốc hội: Những nét chính
- Hai kỳ họp Quốc hội ở Bắc Kinh là các kỳ họp thường niên của cơ quan lập pháp và cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc, thu hút hàng ngàn đại biểu trên toàn quốc
- Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tương đương với quốc hội, về lý thuyết, là cơ quan quyền lực nhất của nhà nước. Trên thực tế, nó hoạt động như một công cụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền, thông qua các luật quan trọng đối với các quyết định đã được Đảng Cộng sản đưa ra
- Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, hay Chính Hiệp, không có quyền lập pháp thực sự, thu hút các thành viên từ các thành phần khác nhau của xã hội. Các cuộc tranh luận của họ rất đáng chú ý đối với các vấn đề kinh tế và xã hội đang nổi lên