Cựu sĩ quan tình báo Mỹ: Trung Quốc đóng tàu quân sự với tốc độ ngoạn mục

Các binh sĩ thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc diễu hành trên Quảng trường Đỏ trong cuộc diễu hành quân sự kỷ niệm 75 năm ngày Liên Xô chiến thắng Đức Quốc xã trong Thế chiến II, tại Moscow, Nga, ngày 24/06/2020.

 Bình luậnHannah Ng • Tiffany Meier • 05/03/23

\"\"

Theo ông Grant Newsham, quan chức tình báo kỳ cựu và tác giả của nhiều bài phân tích xuất sắc, Trung Quốc đang vượt xa Hoa Kỳ trong lĩnh vực đóng tàu quân sự.

Hôm 28/02 vừa qua, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro cảnh báo rằng quân đội Trung Quốc đang sản xuất tàu chiến với tốc độ nhanh hơn Mỹ, gây nguy hiểm cho uy thế trên biển của Hoa Kỳ. Ông Del Toro cho hay Trung Quốc hiện có trong tay khoảng 340 tàu và đang tìm cách đóng thêm 100 chiếc nữa tính đến năm 2030.

Cùng ý kiến với ông Del Toro, ông Newsham cho biết con số này thậm chí không bao gồm các tàu bảo vệ bờ biển của Bắc Kinh – những chiếc vốn được chế tạo giống như tàu chiến – và khoảng 1000 tàu khác của lực lượng dân quân biển.

Trong khi đó, Hải quân Hoa Kỳ được cho là chỉ có khoảng 295 tàu hoạt động trên toàn thế giới.

“Các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc hạ thủy với tốc độ khoảng 5 trên 1 trong thập kỷ qua. Cụ thể là, đối với mỗi tàu chiến mà chúng ta [Mỹ] hạ thủy, họ có 5 chiếc, và họ có năng lực đóng tàu lớn hơn nhiều so với chúng ta; năng lực đóng tàu của chúng ta ngày một yếu đi. Trong khi đó, người Trung Quốc xây dựng đội tàu của họ với tốc độ ngoạn mục”, ông Newsham nói với chương trình “China in Focus” (Trung Quốc tiêu điểm) của NTD tiếng Anh vào ngày 04/03.

Ông cảnh báo: “Nếu chính quyền Trung Quốc hành động cẩn thận và nắm bắt đúng hoàn cảnh, họ sẽ thực sự đánh bại chúng ta”. “Chúng ta đã cho phép họ bắt kịp và vượt qua chúng ta. Trong 20 năm qua, ít nhất là chúng ta đã lờ đi mối đe dọa ấy, từ chối giải quyết nó”.

Chiến tranh đa diện

Theo ông Newsham, trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã và đang tiến hành một cuộc chiến trên nhiều phương diện để chống lại Hoa Kỳ.

“Điều tôi muốn chỉ ra là Trung Quốc đang tấn công chúng ta. Và họ sẽ như thế trong ít nhất 30 năm nữa … và đó là một cuộc chiến đa diện”, ông nói.

Là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “When China attacks” (Khi Trung Quốc tấn công) và với hàng chục năm kinh nghiệm làm việc ở châu Á, bao gồm cả với tư cách là một lính thủy đánh bộ và một nhà ngoại giao Mỹ, ông Newsham nói rằng “cách tiếp cận chiến tranh và định nghĩa về chiến tranh của họ [Trung Quốc] rất khác với của chúng ta [Mỹ]”.

“Đối với Trung Quốc, việc họ nổ súng – cái gọi là chiến tranh sát thương – gần như là điều cuối cùng và họ chỉ làm điều đó nếu họ phải làm như thế”.

Ông cho rằng đại dịch COVID-19 – được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc – là “cuộc tấn công sinh học vào Hoa Kỳ”.

Ông nói: “Hãy nhìn xem họ đã thành công như thế nào trong việc làm suy yếu chúng ta, khiến chúng ta đánh lẫn nhau, thực sự phá hủy nền kinh tế của chúng ta, đóng cửa nó”.

Ông Newsham nói thêm rằng Trung Quốc đang tuồn fentanyl vào Mỹ, dẫn đến cái chết của khoảng 70.000 người Mỹ mỗi năm.

Theo một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hơn 100.000 người Mỹ đã chết vì dùng ma túy quá liều trong 12 tháng tính đến tháng 04/2021. Hơn 64.000 ca tử vong trong số này là do sử dụng các chất dạng thuốc phiện tổng hợp như fentanyl — loại thuốc phiện nguy hiểm nhất đang tồn tại hiện nay.

“Người Trung Quốc đã lôi kéo, mua chuộc được tầng lớp chính trị, tầng lớp doanh nhân và tầng lớp tài chính của Mỹ để họ có thể gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều đó đã khiến lĩnh vực sản xuất tại Hoa Kỳ mất hơn 3 triệu việc làm”, ông Newsham cho biết và gọi đó là chiến tranh kinh tế.

Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2000 sau khi được chính quyền Clinton công nhận vĩnh viễn tình trạng Tối huệ quốc (MFN)/ Quan hệ thương mại bình thường (NTR) trong cùng năm.

“Ngoài ra, họ đang lũng đoạn các tổ chức quốc tế, Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới để nắm quyền kiểm soát, thực sự gây tác động lớn đến các tổ chức này và thường khiến các tổ chức làm những gì mà Trung Quốc muốn họ làm. Bắc Kinh luôn cố gắng diễn giải lại luật pháp quốc tế, hoặc phớt lờ nó, hoặc thách thức thế giới làm điều gì đó về nó”, ông Newsham nói.

Nỗi lo của Bắc Kinh

Ông Newsham nhắc lại lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Hoa Kỳ không nên “lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia để đàn áp các công ty Trung Quốc” trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào tháng 11/2021 giữa ông Tập và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tuyên bố này sau đó đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lặp đi lặp lại.

“Điều đó cho quý vị thấy rằng họ rất sợ không thể tiếp tục tiếp cận công nghệ Mỹ, bị đá khỏi thị trường Mỹ, v.v., hay thậm chí thị trường của các đồng minh của Mỹ. … ĐCSTQ dễ bị rơi vào suy thoái kinh tế và họ biết điều đó”, ông Newsham nói.

Ông cũng nhấn mạnh rằng ĐCSTQ sợ hãi về việc Hoa Kỳ và/hoặc các quốc gia có cùng chí hướng khác liên kết với nhau để có được một mặt trận thống nhất chống lại Bắc Kinh.

Ông nói: “Khi các quốc gia tự do trên thế giới cùng nhau bảo vệ chính họ, điều đó khiến Bắc Kinh rất, rất không hài lòng”.

Theo ông Newsham, Trung Quốc cực kỳ dễ bị tổn thương về mặt tài chính vì đồng tiền của nước này không được tự do chuyển đổi. Nếu khả năng tiếp cận ngoại hối của Trung Quốc bị giảm đi, khiến các công ty Mỹ khó đầu tư vào Trung Quốc hơn, thì Bắc Kinh sẽ gặp rắc rối lớn.

Theo ông, việc hiểu được các điểm yếu của Trung Quốc sẽ giúp Mỹ có ý tưởng tốt về chiến lược phản công.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Bài Liên Quan

Leave a Comment