4 giờ trước
Dự luật mới về người nhập cư phi pháp sẽ “ngăn mọi người chen ngang” để tới sống ở Anh, Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman nói.
Nữ bộ trưởng nói với BBC rằng dân chúng Anh “đã thấy quá đủ” với tình trạng người nhập cư vào Anh bằng thuyền nhỏ.
Bà bảo vệ dự luật mới có mục đích trục xuất những người nhập cư vượt eo biển Manche trái phép để vào Anh.
Theo đề xuất mới được công bố hôm thứ Ba, bất kỳ ai được phát hiện vào nước Anh trái phép không những sẽ bị trục xuất khỏi Anh quốc trong vòng 28 ngày, mà còn bị cấm trở lại Anh hay xin làm công dân Anh trong tương lai.
Những người đến Anh bằng thuyền nhỏ sẽ bị đưa trả về nước của họ, hoặc đưa tới một “nước thứ ba an toàn” như Rwanda.
Khi được hỏi liệu chính sách này có khả thi không – và cụ thể những người nhập cư sẽ đi đâu – bà Braverman nói bà trông đợi khoảng 40.000 người sẽ vượt eo biển Manche vào Anh năm nay, nhưng bà thừa nhận có khả năng con số này sẽ lên tới 80.000 người.
Bà cho biết thỏa thuận của chính phủ Anh với Rwanda là “không có giới hạn” và họ có thể nhận hàng ngàn người.
Bà nói Anh quốc cũng dự định tăng khả năng giữ người – nhưng nhấn mạnh rằng luật mới sẽ ngăn cản mọi người vượt eo biển ngay từ đầu.
Tuy nhiên, kể từ khi chính phủ Anh thông báo đề xuất gửi một số người xin tỵ nạn sang Rwanda hồi tháng Tư năm ngoái, chưa có ai bị đưa sang Rwanda và đề xuất này vẫn đang bị các tổ chức nhân quyền thách thức.
Bộ trưởng Nội vụ của Đảng Lao động phản đối dự luật này và nói nó “sẽ làm tình trạng còn tồi tệ hơn, và hỗn loạn hơn”.
Bà nói với BBC hiện không có thỏa thuận đưa người tị nạn trở về nước của họ, có nghĩ là hàng chục ngàn người sẽ ở trong các cơ sở tị nạn và khách sạn.
Bà Cooper cũng cáo buộc các bộ trưởng “vô trách nhiệm” trong lời nói.
Cơ quan tỵ nạn LHQ mô tả động thái này là “rất đáng lo ngại” và có thể sẽ ngăn cả những người có lý do xin tỵ nạn chính đáng.
Đại diện của Cao ủy LHQ về Người tỵ nạn tại Anh, bà Vicky Tennant, nói với chương trình BBC Newsnight rằng đề xuất này vi phạm luật quốc tế.
\”Chúng tôi cho rằng đây là sự vi phạm rõ ràng Công ước về Người tị nạn, và chúng ta cần nhớ rằng [với đề xuất này] ngay cả những người có lý do xin tị nạn chính đáng cũng sẽ không có cơ hội để trình bày.”
Công ước về Người tị nạn, được các bên ký lần đầu năm 1951, là một thỏa thuận đa phương quy định rõ ai được coi là người tị nạn và nghĩa vụ bảo vệ họ của các nước ký kết.
Bà Braverman đã viết thư báo cho các nghị viên đảng Bảo thủ rằng “có trên 50%” khả năng dự luật này không tương thích với Tòa án Nhân quyền Châu Âu, và trông đợi dự luật sẽ gặp các thách thức pháp lý.
Bà nói với BBC các biện pháp bà đề ra là “hợp pháp, thích hợp và khoan dung”.
Dự luật mới có nghĩa gì?
- Nó bác bỏ quyền xin tị nạn với hầu hết người từ Pháp hay một nước an toàn khác sang Anh – ngay cả nếu họ có cơ cở để xin tị nạn – và đặt nghĩa vụ lên bộ trưởng nội vụ Anh phải trục xuất họ càng sớm càng tốt.
- Những người bị trục xuất khỏi Anh sẽ bị cấm trở lại hay xin làm công dân Anh trong tương lai.
- Người nhập cư sẽ không được tại ngoại hay xét lại hồ sơ pháp lý trong 28 ngày bị tạm giữ
- Có hạn mức tối đa số người tị nạn mà Anh sẽ nhận “qua các con đường an toàn và hợp pháp” – được Quốc hội Anh đề ra hàng năm
- Bộ trưởng nội vụ có trách nhiệm tạm giữu những ai vào nước Anh trái phép và trục xuất họ sang Rwanda hoặc một nước thứ ba “an toàn” – nghĩa vụ này sẽ được coi trọng hơn quyền xin tị nạn
- Những người dưới 18 tuổi, những người không đủ điều kiện đi máy bay hay những ai có nguy cơ bị làm hại ở nước mà họ bị trục xuất sẽ được trì hoãn trục xuất
- Những đơn xin tị nạn khác sẽ được xem xét từ xa sau khi người tị nạn bị trục xuất
Hôm thứ Ba, Thủ tướng Rishi Sunak bảo vệ dự luật này. Ông nói ông đã “sẵn sàng cho cuộc chiến” với các tòa án.
Dự luật mới sẽ được áp dụng ngược thời gian cho những ai vào Anh trái pháp bắt đầu từ thứ Ba ngày 7/3, ông nói.