Đăng ngày: 08/03/2023
Phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ 21 « vẫn phải ‘bán thân’, tức là bán khả năng chịu cực để đổi lấy miếng ăn ». Về chính trị hiểu theo nghĩa hẹp, tỷ lệ tham gia của nữ giới tại Việt Nam « không tệ » nhưng ở đỉnh cao quyền lực phụ nữ đóng góp những gì cho bình đẳng giới và « khi không thấy có thể hiện cho bình đẳng giới thì tỷ lệ đó có còn ý nghĩa gì nữa hay không » ?
Trên đây là một số phân tích nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Trân Phượng nêu lên trong bài trả lời phỏng vấn dành cho RFI Việt ngữ nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8 tháng 3. Giáo sư Phượng được mời thỉnh giảng tại học viện Collège de France-Paris từ ngày 09/03 – 08/06/2023 với chủ đề : Phụ Nữ Việt Nam : Quyền năng, văn hóa và đa căn tính-Femmes vietnamiennes : Pouvoirs, cultures et identités plurielles.
RFI : Xin kính chào giáo sư Bùi Trân Phượng, cảm ơn bà tham gia chương trình hôm nay để nói về những thách thức đối với phụ nữ Việt Nam ở đầu thế kỷ 21. Câu hỏi đầu tiên thưa bà, trong hai lĩnh vực kinh tế và chính trị, hiện tại nữ giới Việt Nam đang có một vị trí như thế nào ?
Bùi Trân Phượng : « Tôi là người nghiên cứu lịch sử mà lịch sử thì nói chuyện quá khứ chứ không nói chuyện về hiện tại và tương lai. Quá khứ có những dữ liệu để khảo sát và lý giải. Nói về hiện tại thì phải hỏi các nhà xã hội học. Nhưng trong khuôn khổ chương trình giảng dậy ở Collège de France, tôi có một chủ định nói về quyền lực của phụ nữ Việt Nam. Đúng hơn, tôi dùng từ quyền năng của phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay. Trong hiện tại, đúng là theo cái nhìn của một người nghiên cứu như tôi, tôi thấy là phụ nữ đứng trước nhiều cơ hội lớn và họ phải đối mặt với những thách thức cũng chưa từng có trong lịch sử. Cơ hội thì dễ thấy : tiếp cận học vấn, tham gia vào thị trường lao động trong nước hay ở nước ngoài đối với phụ nữ chừng như là không còn có rào cản nữa. Có vẻ là như thế. Đứng về mặt pháp lý, Hiến Pháp Việt Nam và các quy định pháp luật đều tôn trọng bình đẳng nam nữ, ít ra là trên lý thuyết ».
RFI : Giáo sư vừa nói đến những thách thức chưa từng có trong lịch sử Việt Nam mà phụ nữ phải đối mặt?
Bùi Trân Phượng : « Tôi nói đến những thách thức chưa từng có do về kinh tế thì rõ ràng là phụ nữ Việt Nam từng làm kinh tế từ ngàn xưa đến giờ. Kinh tế lớn nhất ngày xưa là nông nghiệp, nhất là nông nghiệp lúa nước với nét đặc thù là không thể nào bỏ qua lao động của phụ nữ và trẻ em (…) Bên cạnh nông nghiệp còn có mọi hoạt động thủ công trong thời kỳ nông nhàn (…) phụ nữ cũng tham gia tích cực. Chuyện phụ nữ tham gia kinh tế không có gì mới. Nhưng thách thức của bây giờ là những hoạt động không đòi hỏi trình độ học vấn cao chuyên nghiệp. Trong hoàn cảnh này, phụ nữ thường rất vất vả và mang về thu nhập thấp. Cho nên, phụ nữ có tham gia đó, nhưng để hưởng lợi lại, thì họ phả trả giá rất đắt. Thí dụ như trường hợp những người buôn gánh bán bưng ; công nhân nữ ít qua đào tạo – hay chưa được đào tạo, để làm việc trong các nhà máy rất đông ; lao động nhập cư nữ cũng thường là lao động ở trình độ thấp ».
RFI : Nữ giới ở Việt Nam có gặp rào cản nào về học vấn hay không ?
Bùi Trân Phượng : « Nếu đo tỷ lệ nữ trong các trường phổ thông cho đến cấp III, thì nữ chiếm gần 50% và thường là hơn 50%. Ở cấp đại học, họ cũng không thua kém (…) Nhưng mà ngay các trường đại học Việt Nam không phải là trường nào cũng có thể trang bị phù hợp với thị trường lao động, và năng lực cho người làm việc. Ở trình độ cao hơn nữa, có chuyên môn sâu hơn nữa, phụ nữ không phải là không có khó khăn. Những khó khăn đó không liên quan đến trình độ học vấn hay trí thông minh của họ mà đó thường liên quan đến điều kiện lao động của nữ giới (làm việc toàn thời gian, đi xa, di chuyển qua những địa bàn khác nhau…) và phụ nữ có những giới hạn so với nam giới. Khi nói rằng phụ nữ chủ yếu ‘bán thân’ tức là bán sức lao động, bán khả năng chịu cực để đổi lấy miếng ăn, cái đó khá rõ ràng ».
RFI : Trong đời sống chính trị ở Việt Nam, nữ giới đã chinh phục chỗ đứng của mình như thế nào ?
Bùi Trân Phượng : « Ở cấp chính trị, hiểu theo nghĩa hẹp, tức là vị trí ở các cương vị quyền lực (đại diện Quốc Hội, hay trong chính phủ cấp thứ trưởng trở lên …) phụ nữ chưa phải là đông lắm, nhưng xét về tỷ lệ so với thế giới hay khu vực, tỷ lệ của Việt Nam không tệ. Nhưng thực chất của vấn đề rất đáng băn khoăn. Người ta tự hỏi trong số những phụ nữ đó, có bao nhiêu người có được vị trí của mình bằng năng lực thật, mà không do cơ cấu hay do này nọ ? Đó là một câu hỏi người ta được quyền nêu lên. Những người quan tâm đến bình đẳng giới thì có một câu hỏi nữa : Liệu những phụ nữ có quyền lực đó, họ đã làm được những gì cho bình đẳng giới, làm được gì để giải quyết những vấn nạn của phụ nữ ? Cái đó là câu hỏi mà đến nay chưa có câu trả lời thuyết phục lắm đâu. Nhưng ta có cảm giác là ở những vị trí quyền lực cao đó, đa phần nữ giới hành xử như phái nam. Hành xử như nam giới có nghĩa là họ đấu tranh quyền lực, thực thi quyền lực trong khuôn khổ nào đó … Vậy thì, khi có một tỷ lệ đáng kể phụ nữ ở các vị trí quyền lực mà không thấy sự cải thiện cho bình đẳng giới thì tỷ lệ đó có còn ý nghĩa gì nữa hay không ? »
RFI : Giáo sư nhấn mạnh đến quyền năng của phụ nữ hơn là quyền lực : đâu là khác biệt giữa hai khái niệm này ?
Bùi Trân Phượng : « Nếu xét về từ nguyên thì quyền lực, với chữ lực ở đây là sức mạnh-thường hiểu là sức mạnh về thể chất và vật chất. Còn quyền năng, năng là năng lực, là khả năng làm được cái điều mình có thể thực hiện được. Chưa bao giờ thấy quyền năng được dùng cho nam giới mà chỉ dùng cho phụ nữ thôi. Cứ như thể có một từ cho giống đực và giống cái ở chỗ đó. Tôi có cảm giác quyền năng phù hợp với sức mạnh mà phụ nữ có được trong mọi lĩnh vực, không chỉ chính trị, mà cả kinh tế, giáo dục … Thẩm quyền của nữ giới, khả năng tác động đến xã hội, khả năng thay đổi xã hội của phụ nữ thường đến từ năng lực, tức là từ sự chủ động và sáng tạo chuyên môn, hay khả năng vượt khó chịu khổ của nữ giới. Quyền năng nói lên được sức mạnh và đóng góp của phụ nữ và nó sát với thực tế hơn ».
RFI : Trong mọi trường hợp, để chia sẻ quyền lực với nam giới trên bất kỳ một phương diện nào dù là chính trị, xã hội hay kinh tế, văn hóa … phụ nữ đã phải vượt qua những khó khăn nào ?
Bùi Trân Phượng : « Cái đó thì cũng khó nói. Có nhiều điều tiếng về chuyện một số phụ nữ lên được địa vị chính trị quyền lực không bằng năng lực thật của mình mà do cơ cấu hay thậm chí do sử dụng những thế mạnh riêng. Đó là điều tiếng. Tôi chắc chắn cái đó là có thật trong một xã hội mà mọi thứ đều có thể mua bằng tiền : ‘Trong tay đã sẵn đồng tiền/Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì’. Tuy nhiên trong thực tế vẫn có những phụ nữ giỏi kể cả trong chính trị và kinh tế. Những phụ nữ giỏi làm được việc cho nên tôi mới nói rằng quyền năng quan trọng hơn quyền lực là như vậy (…) ».
RFI : Xin một câu hỏi chót : Phụ nữ – đặc biệt là các thế hệ trẻ sẽ phải làm gì để tồn tại trong một môi trường với nhiều thách thức như chúng ta đã đề cập đến ở trên ?
Bùi Trân Phượng : « Với tư cách người làm giáo dục, tôi vẫn tin vào sức mạnh của tri thức học hành. Học không nhất thiết là phải đến trường (…) là bằng cấp. Nhưng nếu có khao khát và thói quen tự trang bị tri thức cho mình, thì bây giờ có nhiều phương tiện. Cho nên để tự trang bị tri thức-mà trước hết là để hiểu biết về xã hội và thời đại mình đang sống, hiểu những cơ hội và thách thức, thì học là một lẽ. Đồng thời tạo điều kiện cho người khác học. Đó là nghĩa vụ của người làm giáo dục và về điều này tôi khá lạc quan khi nhìn thấy nỗ lực chịu học nơi các thế hệ trẻ nói chung, nơi các bạn trẻ nữ nói riêng ».
RFI : Xin thành thật cảm ơn giáo sư Bùi Trân Phượng dành thời gian cho đài RFI Việt ngữ trước buổi đứng lớp đầu tiên của bà tại học Viện Collège de France, quận 5 Paris vào ngày 09/03/2023.
Chương trình thỉnh giảng của giáo sư Phượng mở ra từ ngày 09/03/2023 cho đến ngày 08/06/2023. Trong khuôn khổ chương trình mang tên Mondes francophones -Thế giới thuộc khối Pháp ngữ, giáo sư Bùi Trân Phượng trình bày về đề tài : Phụ Nữ Việt Nam : Quyền năng, văn hóa và đa căn tính-Femmes vietnamiennes : Pouvoirs, cultures et identités plurielles.