Đăng ngày: 11/03/2023
\’\’Dolce Vita\’\’ là chủ đề đêm nhạc hội tụ các giọng ca Ý lẫy lừng của những năm 1980. Vào ngày 15/04/2023, hơn 10 nghệ sĩ và ban nhạc Ý tề tựu ở Paris để biểu diễn trên cùng một sân khấu. Cũng nhân dịp này, tuyển tập mang tựa đề \’\’Made in Italy\’\’ được phát hành trực tuyến, bao gồm hầu hết các bản nhạc thịnh hành cách đây bốn thập niên vào thời kỳ cực thịnh của phong trào nhạc nhảy của Ý (Italo Disco).
Trước đây tại Pháp, một số nghệ sĩ Ý như cô ca sĩ Sabrina từng tham gia vòng lưu diễn các thần tượng mang chủ đề \’\’Stars 80\’\’ quy tụ rất nhiều ngôi sao ca nhạc ăn khách trên thị trường châu Âu thập niên 1980. Thế nhưng, có thể nói đây là lần đầu tiên, Paris tập hợp được trong hơn hai tiếng đồng hồ một thành phần nghệ sĩ hùng hậu trên sân khấu Accor Arena (nhà hát Bercy cũ), toàn bộ các giọng ca biểu diễn trong đêm nhạc chủ đề này, đều đến từ nước Ý.
Nhờ có sự đồng ý về mặt tác quyền của nhà sản xuất Pierluigi Gombini (đồng thời là tác giả của các nhạc phẩm nổi tiếng \’\’I like Chopin\’\’ cũng như \’\’Dolce Vita\’\’), đêm nhạc Ý đầu tiên này làm sống lại các giai điệu (Italo Disco) của các danh ca Gazebo, Spagna, P.Lion, Ryan Paris hay âm thanh vui tươi của các nhóm Ricchi E Poveri, Righeira, Moonray …… các bài hát thịnh hành không những tại Ý mà còn được phổ biến tại hầu hết các hộp đêm, sàn nhảy trên khắp châu Âu thời bấy giờ.
Italo Disco, còn thường được gọi là nhạc kích động hay nhạc nhảy của Ý xuất hiện tại các nước Tây Âu vào cuối những năm 1970, đầu thập niên 1980. Tên gọi này được gán cho nhà sản xuất Bernhard Mikulski, người sáng lập hãng đĩa ZYX Music của Đức. Trào lưu nhạc nhảy trở nên phổ biến tại Ý cũng như tại Châu Âu trong gần một thập niên (từ năm 1982 đến 1988) để rồi thoái trào nhường chỗ lại cho \’\’house music\’\’ vào đầu những năm 1990.
Tiếng đàn \’\’I like Chopin\’\’ bán hơn 8 triệu bản
Tuy thuộc cùng một trường phái với nhạc Disco Anh Mỹ (Bee Gees, Donna Summer, Gloria Gaynor ….) nhưng nhạc nhảy của Ý có thêm nhiều âm thanh điện tử, dễ nghe nhờ giai điệu ngọt ngào quyến rũ, dễ nhớ nhờ ca từ đơn giản, phát âm dễ dàng. Do là một dòng nhạc chủ yếu nhắm váo thị trường xuất khẩu, cho nên đa phần nhạc nhảy của Ý thường được hát bằng tiếng Anh, giới nghệ sĩ Italo Disco cho dù là người Ý cũng thường lấy nghệ danh tiếng Anh : đôi khi đặt tên đơn thuần qua cách chơi chữ, rồi phiên âm sao cho thật dễ hiểu, dễ đọc. Đó là trường hợp của các nghệ sĩ như Ryan Paris, Gary Low, Johnson Righeira, Baltimora trong suốt những năm 1980.
Về nền tảng, nhạc nhảy của Ý (Italo Disco) bắt nguồn từ giữa những năm 1970, khi nhà sản xuất kiêm tác giả người Ý Giorgio Moroder quyết định từ bỏ các nhạc cụ truyền thống để chuyển sang khai thác cách tạo âm thanh mới lạ qua máy móc điện tử. Thành công trên tột đỉnh vào năm 1977, nhờ sáng tác cho Donna Summer nhạc phẩm \”I Feel Love\”, Giorgio Moroder cùng với một số nghệ sĩ cùng thời (Kraftwerk của Đức, Jean-Michel Jarre hay Marc Cerrone của Pháp) mở ra một kỷ nguyên mới, khi toàn bộ nhạc nền được phối bằng nhạc cụ điện tử.
Riêng tại châu Âu, dòng nhạc nhảy của Ý với âm thanh đặc thù, bắt đầu trỗi dậy vào năm 1982, qua việc phát hành nhiều bài hát ăn khách. Trong số này nhạc phẩm \”I Like Chopin\” của Gazebo với khúc dạo đầu bằng tiếng dương cầm ngọt ngào và đoạn hát dễ nhớ chỉ gồm 3 chữ, phá kỷ lục số bán với hơn 8 triệu bản trên toàn thế giới. Trong tiếng Việt, bài này từng được nhiều ca sĩ ghi âm lại với tựa đề \’\’Còn nhớ Chopin\’\’.
Thành công này mở đường cho hàng loạt nghệ sĩ Ý theo phong trào hát tiếng Anh (1983-1989) như Moon Ray, Savage, Tom Hooker và Ken Laszlo. Giai điệu \’\’The night\’\’ của Valerie Dore thành công vang dội ở Châu Âu trong khi \”Dolce Vita\” của Ryan Paris, \’\’Vamos a la Playa\’\’ của nhóm Righeira (hát tiếng Tây Ban Nha nhưng lại là của Ý) hay diệu cha cha của nhóm Finzi Kontini đều thành công trên trên thị trường quốc tế. Phiên bản tiếng Việt của bài hát ăn khách của nhóm Finzi Kontini từng được nữ ca sĩ Lưu Bích ghi âm lại
Nhạc nhảy của Ý trong giai đoạn huy hoàng
Tại Pháp, phong trào này liên tục ăn khách với nhiều bản nhạc khác nhau được phát hành qua video clip (Raf, Baltimora, Den Harrow, Valerie Dore …..) đến mức nhạc phẩm \’\’Dream\’\’ của nghệ sĩ P. Lion trở thành nhạc hiệu chính thức của chương trình Top 50 (bảng xếp hạng hàng tuần của 50 ca khúc ăn khách nhất thị trường Pháp) kể từ tháng 11/1984.
Từ nước Ý, trào lưu này nhanh chóng chinh phục Tây Âu. Dòng nhạc nhảy của Ý trở nên cực thịnh song song với dòng nhạc pop và new wave của Đức như Sandra, C.C Catch, Modern Talking, Bad Boys Blue và sau đó nữa là Blue System. Cả hai dòng nhạc này chinh phục luôn cả nước Nga và khối Đông Âu, vốn là những quốc gia còn khép kín so với các nước Tây Âu trước năm 1989.
Tuy thành công ở châu Âu, nhưng nhạc nhảy của Ý ngay trong thời kỳ hoàng kim lại không chinh phục được Vương quốc Anh cũng như thị trường Bắc Mỹ. Italo Disco từng bị nhiều nhà phê bình chỉ trích, do tiếng nhạc quá \’\’thương mại\’\’, còn ca từ đơn giản đến mức trở nên ngây ngô, ngốc ngếch. Cho dù các nhóm Ý có hát chuẩn tiếng Anh, nhưng nội dung (nếu có) cũng như giai điệu vẫn chưa hợp với thị hiếu của công chúng Anh Mỹ. Thị trường Hoa Kỳ cũng dùng thuật ngữ Euro Beat để tránh sử dụng chữ Disco, do nhạc Disco thường bị chê bai nhiều hơn là khen ngợi.
Quy định chung nào cũng có vài trường hợp ngoại lệ, nữ ca sĩ Spagna (có phong cách gần giống với Madonna) thành công với \’\’Easy Lady\’\’ : gần 2 triệu bản vào năm 1986). Còn Sabrina thì lập kỷ lục số bán hơn 3 triệu bản với nhạc phẩm \’\’Boys\’\’ (Summertime Love), bắt chước kiểu mẫu của ca sĩ người Anh Samantha Fox. Bài hát này chiếm hạng đầu tại Pháp và hạng 3 trên thị trường Anh. Về phần nhạc phẩm \”Self Control\” của ca sĩ người Ý Raf, bài hát này khi được ca sĩ Mỹ Laura Branigan ghi âm lại, lọt vào Top Ten Hoa Kỳ, cũng như bản cover tiếng Anh sau đó nhạc phẩm \’\’Gloria\’\’ của danh ca Umberto Tozzi.
Nhạc nhảy của Ý thoái trào từ năm 1989 trở đi, nhường chỗ lại cho các dòng nhạc EuroDance hay House Music với nhịp điệu dồn dập hơn, bao phủ bởi nhiều lớp âm thanh điện tử, qua các nhóm như Ace of Base, Corona, Culture Beat, 2 Unlimited, Dr. Alban hoặc Haddaway ….. Italo Disco có dấu hiệu hồi sinh vào giữa những năm 2000 nhờ các nghệ sĩ tiêu biểu như Sally Shapiro, Chromatics, Glass Candy, cũng như hãng ghi âm độc lập như \’\’Do It Better\’\’. Khách hâm mộ tinh ý sẽ nhận ra ngay cụm từ này xuất hiện trong video clip ca nhạc \’\’Papa don\’t Preach\’\’ của Madonna phát hành vào cuối năm 1986.
Đêm nhạc Dolce Vita 80 do chỉ kéo dài trong hai tiếng đồng hồ cho nên khó thể nào mà triệu tập được hết các nghệ sĩ thành danh vượt bậc những năm 1980 như trường hợp của nam danh ca Umberto Tozzi hay ban song ca Al Bano & Romina Power. Nếu thành công, hẳn chắc đêm diễn này sẽ mở đường cho nhiều dự án khác. Trong tâm tư hoài niệm, người hâm mộ vẫn còn lưu luyến \’\’cuộc sống Dolce Vita ngọt ngào\’\’, nơi cất giữ mùi hương \’\’Felicità\’\’, thoáng dư âm hạnh phúc thuở nào.