Úc, Ấn Độ kêu gọi một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả, thực chất

Đăng ngày: 11/03/2023

\"\"
\"\"
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (P) tiếp đồng nhiệm Úc Anthony Albanese tại New Delhi, Ấn Độ ngày 10/03/2023. AP – Manish Swarup

Thu Hằng

Tình hình Biển Đông là một trong những chủ đề đối thoại của thủ tướng Úc và đồng nhiệm Ấn Độ nhân chuyến công du New Delhi của ông Anthony Albanese. Trong thông cáo chung công bố ngày 10/03/2023, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường quan hệ đối tác về quốc phòng và an ninh hàng hải.

Ông Narendra Modi và ông Anthony Albanese kêu gọi « Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông phải có hiệu quả, thực chất và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) » trong bối cảnh Trung Quốc và ASEAN đang đàm phán về chủ đề này. Dù không nêu tên Trung Quốc, thông cáo chung của hai thủ tướng nhấn mạnh bộ Quy tắc ứng xử phải « không được ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bất kỳ quốc gia nào, kể cả những quốc gia không tham gia các cuộc đàm phán ».

Ngoài ra, Ấn Độ và Úc cũng nêu « tầm quan trọng của các quyền và tự do được lưu thông trên biển và trên không », cũng như « giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, không đe dọa hay sử dụng vũ lực và đơn phương thay đổi nguyên trạng ». Theo trang Tribune India ngày 11/03, quan ngại này xuất phát từ việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa ở Biển Đông. Ấn Độ và Úc « nhất trí tiếp tục tiến hành các đợt triển khai máy bay từ lãnh thổ của nhau để củng cố năng lực tác chiến và nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải ».

Và để thể hiện mối quan hệ song phương, Úc đăng cai tổ chức cuộc tập trận chung Malabar (cùng với hải quân Nhật Bản và Mỹ) vào cuối năm 2023 ở ngoài khơi tây Úc. Ấn Độ cũng sẽ tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre của Úc.

Một điểm quan trọng khác được thủ tướng hai nước nhất trí là « tái cam kết tăng cường hợp tác thông qua Bộ Tứ – QUAD ở Ấn Độ-Thái Bình Dương » về an ninh hàng hải cũng như hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, đồng thời hai bên cũng nhấn mạnh đến « vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực châu Á-Thái Bình Dương ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment