GS Fukuyama : Xâm lăng Ukraina, Putin phạm sai lầm lớn nhất của thế hệ

Đăng ngày: 13/03/2023

\"\"
\"\"
Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm trung tâm huấn luyện của Quân khu miền Tây ở vùng Ryazan, ngày 20/10/2022. AP – Mikhail Klimentyev

Thụy My

Nga xâm lăng Ukraina theo quyết định của một người duy nhất là Vladimir Putin, đây là sai lầm chiến lược lớn nhất trong thế hệ của ông ta. Chính sách « zero Covid » ở Trung Quốc cũng do một mình Tập Cận Bình quyết định, dẫn đến thiệt hại kinh tế khủng khiếp. Theo giáo sư Francis Fukuyama, những sai lầm này không thể diễn ra tại các quốc gia dân chủ.

L’Obs tuần này nói về « Địa ốc, những quy định mới ». Le Point lật lại hồ sơ 20 năm trước về vụ án nam ca sĩ Bertrand Cantat giết chết nữ minh tinh Marie Trintignant nổi tiếng, với dòng tựa « Cantat : Điều tra về một vụ sát hại phụ nữ và luật im lặng ». Về quốc tế, Courrier International chạy tựa « Những tiếng nói mới phi thực dân hóa », The Economist dành hẳn một chuyên đề để phân tích « Làm thế nào tránh một cuộc chiến ở Đài Loan ». Tuần báo L’Express có bài phỏng vấn độc quyền giáo sư Francis Fukuyama, tác giả cuốn « Hồi kết của lịch sử và người cuối cùng », từng gây tiếng vang rộng rãi cách đây 30 năm.

Tấn công Ukraina, zero Covid : Quyết định chỉ từ một con người

Là một trong những nhà trí thức có ảnh hưởng lớn trên thế giới, ngay từ tháng 3/2022, Francis Fukuyama đã khẳng định Nga sẽ bại trận ở Ukraina. Ông nhận thấy năm vừa qua mang lại một số hy vọng. Không ai nghĩ rằng NATO có thể đoàn kết đến thế, và không mấy người chờ đợi Ukraina chiến đấu dũng mãnh như vậy để bảo vệ tự do và chủ quyền.

Những năm gần đây, Nga và Trung Quốc luôn nhấn mạnh đến sự suy tàn của phương Tây, khoe rằng chế độ toàn trị của họ hiệu quả hơn. Nhưng đồng thời hai nước này đã có những sai lầm không thể diễn ra ở các quốc gia dân chủ. Quân Nga xâm lăng Ukraina theo quyết định của một người duy nhất là Vladimir Putin – đã tự cô lập trong thời kỳ đại dịch, từ chối mọi lời khuyên hoặc thông tin trái ý. Putin đã phạm sai lầm chiến lược lớn nhất trong thế hệ của ông ta. Còn Trung Quốc, chính sách « zero Covid » cũng do một mình Tập Cận Bình quyết định, dẫn đến thiệt hại kinh tế khủng khiếp.

Nga sẽ bại trận, nhưng Putin không bị lật đổ

Nhà nghiên cứu vẫn giữ nguyên niềm tin từ khi cuộc xâm lăng mới bắt đầu, Ukraina dù yếu hơn hẳn vẫn tái chiếm được nhiều vùng đất. Hiện cuộc chiến có vẻ đang trong ngõ cụt, với những trận đánh đẫm máu chỉ để chiếm được một ít đất như tại Bakhmut. Nhưng Fukuyama đánh giá tình trạng này sẽ không kéo dài. Quân đội Nga đã yếu đi rất nhiều, và mất hơn phân nửa số xe tăng. Theo bộ trưởng quốc phòng Anh, Matxcơva đã triển khai đến 97 % lực lượng tại Ukraina, như vậy không còn quân dự trữ.

Một số trí thức ở Đức và Pháp kêu gọi thương lượng với Putin để tránh một trận đại chiến thế giới lần thứ ba. Tuy nhiên giáo sư Fukuyama cho rằng mối nguy leo thang đã được thổi phồng. Putin được gì khi dùng vũ khí nguyên tử đánh vào một lãnh thổ mà theo tuyên truyền đã là một phần của nước Nga ? Hơn nữa NATO sẽ trả đũa dữ dội bằng vũ khí quy ước. Cần ý thức rằng một hiệp định hòa bình chỉ là tạm thời ngưng bắn để Nga lấy sức đánh tiếp, như vậy chỉ có lợi cho Putin. Thế nên cũng như đại đa số dân Ukraina, ông phản đối ý tưởng đàm phán.

Nhưng dù bại trận, sẽ không có cuộc nổi dậy nào chống lại Putin. Ông ta đã thuyết phục được một số lớn người Nga rằng đó là một cuộc chiến tranh vệ quốc ! Chế độ dựa vào hệ thống đàn áp, đã bỏ tù và chia rẽ phe đối lập, mối đe dọa cho Putin chỉ có thể từ trong nội bộ. Putin được ủng hộ nhờ cố tỏ ra « hiệu quả », nhưng nếu Ukraina giải phóng thêm nhiều vùng đất và đe dọa Crimée, các doanh nghiệp ngày càng « khát » công nghệ và hàng hóa phương Tây, tính chính danh của ông ta sẽ bị lung lay.

Trung Quốc không bao giờ vượt được Hoa Kỳ

Về phía Trung Quốc, mô hình kinh tế đang bế tắc. Bắc Kinh cố thổi bùng tăng trưởng qua địa ốc và xây dựng, hậu quả là vô số khu nhà xây xong phải phá bỏ vì không có người mua. Tất cả chính quyền địa phương đều mất khả năng chi trả. Những năm sắp tới tăng trưởng của Trung Quốc không vượt quá 3 %, và về giá trị tuyệt đối sẽ không bao giờ qua mặt nổi Hoa Kỳ.

Chiếm Đài Loan luôn là mục tiêu của Bắc Kinh, nhưng Tập Cận Bình phải tính toán về hậu quả cũng như thái độ của Hoa Kỳ, phương Tây, Nhật Bản. Do Trung Quốc quan trọng hơn rất nhiều cho kinh tế thế giới so với Nga, phải bằng mọi giá ngăn cản cuộc xâm lăng Đài Loan, không thể lặp lại sai lầm như khi Putin chiếm Crimée.

Chủ thuyết mơ hồ so với dân chủ tự do

Về ý thức hệ, theo Francis Fukuyama, cả Nga lẫn Trung Quốc đều không thể thay thế cho dân chủ tự do. Tuy hô hào Mác-Lênin, nhưng từ lâu Bắc Kinh đã bỏ đi khía cạnh kinh tế của chủ nghĩa này ; chế độ dựa vào chủ nghĩa tư bản nhà nước cộng với kiểm soát chính trị thật chặt. Chẳng ai còn tin vào chủ thuyết Mác-Lê nữa.

Nga thì từ hai mươi năm qua vẫn tìm kiếm một ý tưởng. Putin trộn lẫn dân tộc chủ nghĩa với Chính thống giáo, hoài niệm Liên Xô và gần đây là chống lại xu hướng « woke », chuyển giới, hôn nhân đồng tính. Cách đây mười năm, Putin hoàn toàn không quan tâm các vấn đề này, nhưng sau ông ta lợi dụng để gây ảnh hưởng nơi giới bảo thủ phương Tây. Tuy nhiên không thể tạo ra một cường quốc thế giới chỉ bằng cách chống lại quyền lợi của người chuyển giới. Tóm lại về tư tưởng, các chế độ Trung Quốc và Nga chẳng có gì nhất quán.

Trung Quốc kiến tạo hòa bình hay lũng đoạn thế giới ?

Về mặt ngoại giao, nhà Trung Quốc học Antoine Bondaz trên Le Monde số cuối tuần khẳng định « Trung Quốc không và sẽ không bao giờ là trung gian hòa giải cho cuộc chiến tranh ở Ukraina ». Theo ông, chờ đợi Bắc Kinh đứng ra hòa giải chỉ là ảo tưởng, đúng hơn cần tố cáo thói đạo đức giả của chế độ.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn từ chối đối thoại với Kiev và hầu như không giúp gì cho người dân Ukraina, tuy liên tục điện đàm và tiếp xúc với phía Nga. Trong cuộc chiến này, Trung Quốc chứng tỏ vừa thực dụng vừa cơ hội. Thực dụng, vì tránh công khai đứng về phía Matxcơva để khó bị cáo buộc cung ứng vũ khí, đồng thời giúp Nga bóp méo thông tin và giảm nhẹ phần nào cấm vận. Cơ hội, khi lợi dụng chiến tranh để bôi xấu hình ảnh nước Mỹ, khoe khoang sự ổn định của Trung Quốc so với một châu Âu rối loạn.

Ưu tiên của chế độ luôn là bảo đảm tính chính danh của mình qua việc tìm cách làm mất uy tín các chính thể dân chủ tự do. Chủ trương này khiến Bắc Kinh xích lại gần với Matxcơva, tuy không phải là đồng minh. Chính sách của Trung Quốc không nhằm tìm kiếm hòa bình, mà để xúc tiến khái niệm Sáng kiến An ninh Toàn cầu đã được Tập Cận Bình giới thiệu vào tháng 4/2022.

Ngoại trưởng Trung Quốc trong vài tháng qua đã công du tám đảo quốc Thái Bình Dương, năm quốc gia Đông Nam Á, năm nước châu Phi, thăm trụ sở Liên minh Châu Phi và Liên đoàn Ả Rập. Hơn bao giờ hết, những gì Bắc Kinh nhắm đến trong cuộc chiến này không phải là tương lai cho Ukraina, mà là khả năng lũng đoạn thế giới để phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc.

Vũ khí ào ạt đổ về, Ukraina chuẩn bị tấn công

Trên thực địa, The Economist nhận thấy Ukraina đang củng cố lực lượng để chuẩn bị tấn công. Tuần báo nhắc lại, ngày 22/09/1941 khi Anh quốc tuyên bố tuần lễ « xe tăng cho Nga » để chống lại « kẻ xâm lăng tàn bạo », phu nhân đại sứ Liên Xô ở Luân Đôn đã đặt tên cho chiếc thiết giáp đầu tiên là « Stalin ». Chiếc xe tăng Leopard đầu tiên, món quà của Ba Lan dành cho Kiev vẫn chưa có tên, nhưng là khúc dạo đầu cho làn sóng vũ khí mới.

Các nước châu Âu hứa giao hai tiểu đoàn Leopard hiện đại (một tiểu đoàn xe tăng Ukraina gồm 31 chiếc). Đan Mạch, Đức, Hà Lan mua thêm 100 chiếc đời cũ hơn để nâng cấp, thêm được ba tiểu đoàn nữa. Bên cạnh Leopard còn có xe tăng Challenger 2S của Anh, loại Abrams của Mỹ hiện đại nhất thì vài tháng nữa mới đến, T-72 từ Ba Lan và đủ loại thiết vận xa. Việc tập trung cho xe tăng khiến người ta không nhận ra một bước chuyển chiến lược quan trọng, từ ngày 20/01 trong cuộc họp lần thứ tám của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraina tại căn cứ Mỹ Ramstein đặt ở Đức : đồng minh thỏa thuận sẽ trang bị cho cả một sư đoàn.

Vũ khí đang được giao nhỏ giọt bỗng biến thành trận hồng thủy : số vũ khí từ Lầu Năm Góc trong ba tháng gần đây chiếm 40 % tổng số quân viện của Mỹ kể từ đầu cuộc chiến, vũ khí do Đức viện trợ trong tháng 1/2023 bằng 2/3 so với cả năm 2022. Dù không hấp dẫn như xe tăng nhưng vẫn rất quan trọng, như Mỹ mới đưa sang loại xe bọc thép bắc cầu.

Quân đội Ukraina cũng đang chuyển mình. Tỉ lệ cứ 5 vũ khí thời Liên Xô thì có 1 của phương Tây đã thành 5 : 2. Tướng Zaluzhny thay vì tung quân vào cứu Bakhmut, đã gởi các chiến binh ra nước ngoài để tập sử dụng thiết bị mới. Trên thao trường Grafenwoehr ở Bavaria (Đức), họ được Mỹ huấn luyện hợp đồng tác chiến giữa bộ binh, thiết giáp, pháo binh. Tuy vậy đa số chiến binh Ukraina vẫn là những người mới được động viên, ít kinh nghiệm ; đạn dược thì vô cùng thiếu, không quân không đáng kể.

Ông chủ Wagner thất sủng ?

Trong bài « Wagner mở rộng mạng lưới như thế nào », Le Point cho biết công ty lính đánh thuê của Prigojine đã tham gia chiến dịch chiếm Crimée tháng 2/2014 và sau đó hoạt động ở Donbass, dẫn đầu dân quân ly khai, gieo rắc hỗn loạn khắp vùng. Năm 2015 tại Syria, Wagner tiến hành một cuộc tấn công quyết định ở Aleppo, chiếm các giếng dầu.

Đặc biệt tại châu Phi, nơi Matxcơva mơ giành được ảnh hưởng của Pháp, Wagner phát triển rất nhanh ở Libya, Sudan, Mozambique…Họ đến Madagascar với những va li tiền tài trợ cho các ứng cử viên ủng hộ Nga. Ở Trung Phi, Prigojine thâu tóm các mỏ kim cương, mỏ vàng, khai thác rừng thông qua các công ty chi nhánh, ước tính thu lợi trên 1 tỉ đô la. Tại Mali, Prigojine thương lượng khai thác vàng, dù mỗi tháng vẫn nhận được 10 triệu đô la từ phe đảo chánh.

Nhưng Kremlin bắt đầu lo ngại trước tham vọng của Prigojine. Ông ta thân thiết với Ramzan Kadyrov, thủ lãnh Chechnya và tướng Serguei Surovikin nổi tiếng hung bạo. FSB nghi ngờ ba nhân vật này muốn giành lấy các cơ quan an ninh nếu Putin ra đi : Vệ binh Quốc gia cho Kadyrov, bộ Quốc Phòng cho Surovikin và An ninh cho Prigojine. Nhưng nhất là tình báo nghe được các trao đổi giữa Prigojine với những lính đánh thuê từ nước ngoài trở về. Ông chủ Wagner hỏi : « Anh có sẵn sàng cầm súng ở Matxcơva khi cần đến hay không ? ». Thế nên Kremlin bèn đặt lực lượng này dưới quyền quân đội chính quy và sắp tới có thể lập thêm những đơn vị lính đánh thuê khác để cạnh tranh.

Gruzia : Cuộc tổng diễn tập của Nga trước khi xâm lăng Ukraina

Nhìn rộng ra Đông Âu, dã tâm của Nga không dừng lại ở Ukraina. Giáo sư Thorniké Gordadzé, cựu bộ trưởng Gruzia phụ trách về quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu (EU), khi trả lời phỏng vấn của L’Express đã nêu ra nguy cơ Putin xâm lăng đất nước ông. Theo giáo sư Gordadzé, cuộc tấn công Gruzia năm 2008 là một cuộc tổng diễn tập cho việc xâm lược Ukraina, trong đó có cả việc đo lường phản ứng của phương Tây.

Vào đầu cuộc chiến, Nga đã thử tất cả những cách thức mà ngày nay gọi là « chiến tranh đa diện » : gây bất ổn, khủng bố, bóp méo thông tin, phá hoại kinh tế, năng lượng…Tuy nhiên Gruzia vẫn xích lại gần với NATO hơn, đơn xin gia nhập của nước này sẽ được xem xét nhân hội nghị thượng đỉnh ở Bucarest năm 2008. Matxcơva bèn quyết định ra tay. Sau vài ngày, quân Nga chỉ còn cách thủ đô Tbilissi vài chục cây số. Chính vào lúc đó quốc tế đứng ra hòa giải.

Nước Pháp đang là chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. Kế hoạch của tổng thống Sarkozy được soạn ra ở Matxcơva, giúp lực lượng Nga dừng lại, không chiếm thủ đô Gruzia. Nhưng quân Nga không rút đi toàn bộ theo như thỏa thuận, và từ chối nhìn nhận toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia. Hồi năm 2008, không ai muốn làm mất lòng Matxcơva. Nga bị tẩy chay vài tháng, rồi Barack Obama tuyên bố tái lập quan hệ ngoại giao, nên Putin yên chí có thể đi xa hơn.

Thorniké Gordadzé khẳng định không thể đàm phán được với Nga. Nếu hòa hoãn lúc này sẽ giúp Nga chiếm được một phần lãnh thổ Ukraina và vài năm sau lại tái diễn. Ông cho rằng các nước đã không học được bài học năm 2008, và hậu quả là Matxcơva chiếm Crimée năm 2014.

Mỹ có sẵn sàng bảo vệ Đài Loan trước Trung Quốc ?

Nhưng theo The Economist, nếu tại châu Âu đang diễn ra cuộc chiến đẫm máu nhất kể từ 1945, thì ở châu Á lại càng tệ hơn. Trong lúc Hoa Kỳ tái vũ trang ở châu Á và cố gắng khích lệ các đồng minh, liệu người Mỹ có trực tiếp đối đầu với một cường quốc nguyên tử khác để bảo vệ Đài Loan – điều mà Washington vẫn chưa sẵn sàng đối với Ukraina ? Và khi chạy đua về quân sự với Trung Quốc, Mỹ có thể vô tình kích hoạt cuộc chiến mà chính mình đang cố ngăn trở ?

Về phần Trung Quốc sẽ dùng chiến thuật « vùng xám », phong tỏa hòn đảo hay tấn công ồ ạt bằng hỏa tiễn rồi đổ bộ ? Do Đài Loan chỉ có thể chống chọi được vài ngày hay vài tuần, mọi xung đột có thể nhanh chóng biến thành chiến tranh giữa các siêu cường. Thay cho chiến thuật biển người như ở Ukraina, có thể là một thế hệ vũ khí mới như hỏa tiễn siêu thanh và chống vệ tinh, gây tàn phá khủng khiếp.

Tác hại về kinh tế vô cùng lớn. Đài Loan là nhà cung cấp chip bán dẫn chính của thế giới, ba nền kinh tế chủ chốt Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản vốn đan xen với nhau sẽ tung ra những đòn trừng phạt làm tê liệt thương mại toàn cầu. Mỹ cũng khuyến khích châu Âu và các đồng minh khác cấm vận Trung Quốc. Tuần báo cho rằng Đài Loan, cũng như người Ukraina, xứng đáng được Mỹ giúp đỡ. Sẽ là bi kịch nếu đảo quốc tự do dân chủ này phải phục tùng chế độ độc tài Bắc Kinh, Tập Cận Bình tiếp tục bành trướng. Uy tín của Washington bị lung lay nghiêm trọng, một số nước quay sang thần phục Trung Quốc trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc lo chế tạo vũ khí nguyên tử

Bài Liên Quan

Leave a Comment