JDAM : Một « sát thủ » mới Mỹ dành cho Ukraina ?

Đăng ngày: 12/03/2023

\"\"
\"\"
Ảnh minh họa: Bom GBU-31s, một loại JDAM, được không quân Mỹ thả từ chiến đấu F-15E xuống Afghanistan năm 2009. © wikipedia

Minh Anh

Ngày 06/03/2023, một tiếng nổ « đinh tai nhức óc » phá trụi một khu phố ở Kurdyumivka, một thành phố nằm dưới sự chiếm đóng của Nga, phía bắc vùng Donetsk, đông Ukraina. Chỉ với một cú đánh, toàn bộ khối nhà, nơi trú đóng của nhiều binh sĩ Nga, đã bị san bằng và các mảnh vỡ rơi vương vãi trên hàng trăm mét. Trong kho vũ khí của Ukraina, một hỏa lực mạnh như thế là chưa từng thấy kể từ đầu cuộc chiến đến nay.

Le Monde, ngày 10/03/2023, dẫn lời một số chuyên gia quân sự tin rằng vụ nổ tại khu phố trên ở Kurdyumivka là do Kiev sử dụng một loại bom cỡ nòng lớn, được trang bị một bộ có tên là Bom Tấn công Trực diện Phối hợp (Joint Direct Attack Munition, viết tắt là JDAM).

Đây là loại vũ khí mới nhất mà Mỹ vừa cấp cho Ukraina trong khoảng ba tuần trở lại đây, theo như xác nhận của tướng James Hecker, chỉ huy lực lượng không quân Mỹ tại châu Âu, bên lề một hội thảo tại bang Colorado (Hoa Kỳ). Bộ JDAM này, do hãng Boeing của Mỹ sản xuất, có thể biến các quả bom « nhẵn », nghĩa là bom không có hệ thống dẫn đường, thành những loại tên lửa chính xác nhờ có thêm hệ thống GPS và một bệ phóng thích ứng.

Lợi ích của chúng là gì ? Loại vũ khí này cho phép kết hợp hỏa lực mạnh và độ chính xác, điều mà quân đội Ukraina không phải lúc nào cũng làm được. Kiev có nhiều bệ pháo đa nòng như Himars, bắn đạn với độ chính xác vài mét, nhưng chúng chỉ mang được 90 kg chất nổ. Nhà nghiên cứu Léo Péria-Peigné, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, đánh giá : « Thứ vũ khí này biến (các loại đạn dược) có hỏa lực mạnh thành những tên lửa không – địa, rất thú vị để phá hủy các mục tiêu trong môi trường cứng rắn như boong-ke hay các chốt chỉ huy nằm sâu trong lòng đất. »

Tầm bắn chính xác

Những bộ JDAM này hữu ích nhiều hơn cho quân đội Ukraina khi họ đã có được phiên bản « tầm bắn mở rộng ». Những quả bom « trụi » này được gắn thêm hai cánh nhỏ, một khi được thả, chúng có thể bay lơ lửng trong một khoảng cách lên tới 70 hay 80 km, tùy theo cao độ của máy bay ném bom. Chuyên gia Léo Péria-Peigné đánh giá tiếp : « Với bộ vũ khí này, phi công Ukraina có thể khai hỏa từ một khoảng cách an toàn từ chiến tuyến và bảo vệ được số chiến đấu cơ của họ, vốn dĩ ít hơn rất nhiều so với Nga ».

Việc cung cấp các vũ khí như vậy là một phần trong chiến lược bắn tầm xa được Kiev lựa chọn kể từ đầu cuộc chiến. Không thể đọ sức với hỏa lực mạnh của Nga, vốn có số lượng đạn pháo lớn, quân đội Ukraina đã ưu tiên chọn cách tập trung hỏa lực chính xác vào các mục tiêu nằm sâu sau chiến tuyến như kho đạn dược, trung tâm hậu cần, trại lính…

Các khẩu Caesar có tầm bắn 40km, và nhất là Himars với bán kính 70 km là những tài sản quý giá trong trận chiến này, nhưng vẫn thiếu uy lực cho đến khi JDAM xuất hiện.

Tuy nhiên, trong cuộc đọ sức tầm xa này, Nga cũng không bị lép vế, nhưng chủ trương sử dụng tên lửa hành trình hay đạn đạo để tấn công sâu vào Ukraina. Thứ Năm 09/3, Nga đã bắn đến 81 tên lửa vào nhiều thành phố khác nhau của Ukraina, phá hủy nhiều cơ sở năng lượng dân sự. Điểm mới là lần đầu tiên, Matxcơva sử dụng 6 tên lửa siêu thanh Kinjal, loại tên lửa đạn đạo có khả năng bay với vận tốc Mach 5 và được coi là khó thể bắn chặn.

Theo bộ Quốc Phòng Ukraina, chỉ có 34 tên lửa trong số này đã bị hệ thống phòng không bắn hạ, 8 tên lửa khác đã bị biện pháp đối phó điện tử làm cho chệch hướng.

Nga cũng thích ứng với tình huống

Tỷ lệ bắn chặn chỉ có 50% so với tỷ lệ được Ukraina công bố những tháng trước đây đã gây ngạc nhiên. Tháng 12/2022, tướng Valeri Zaloujny, tham mưu trưởng quân đội Ukraina từng khẳng định hệ thống phòng không Ukraina đã phá hủy trung bình 76% tên lửa kẻ thù.

Như vậy, Nga dường như cũng đã thích ứng với điều đó. Giờ Nga chọn dùng những loại tên lửa khó bắn chặn hơn. Trong thông cáo hôm thứ Năm 10/3, không quân Ukraina thừa nhận : « Quân đội nước này không có cách nào phá hủy các loại tên lửa Kh-22, Kh-47, Kinjal và S-300 ».

Nhận thức được những điểm yếu này, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, tiếp tục đòi các đồng minh phương Tây cấp thêm nhiều loại vũ khí phòng không mới. Theo bộ trưởng Quốc Phòng Ba Lan, Mariusz Blaszczak, hệ thống phòng không Patriot, một trong những hệ thống tên lửa địa đối không hiệu quả nhất, đã được đưa đến Ukraina nhưng những thiết bị này vẫn chưa thể tác chiến được. Về phần mình, Pháp và Ý, hứa gởi một hệ thống tương tự gọi là SAMP/T Mamba. Nhưng chúng chưa thể được giao vào trước mùa xuân này.

Bài Liên Quan

Leave a Comment