14/3 là ngày tưởng niệm vụ thảm sát, chứ không phải là cuộc hải chiến!

Bình luận của Trần Hiếu Chân
2023.03.13

\"14/3

Các nhà hoạt động hô khẩu hiệu chống Trung Quốc trong một cuộc tập trung hồi năm 2016 ở Hà Nội kỷ niệm cuộc chiến ở đá Gạc Ma, quần đảo Trường Sa

 AFP

Tưởng niệm ngày 14 tháng 3 là tưởng niệm một sự kiện bi thảm, đó là việc Trung Quốc cướp thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cách đây 35 năm. Lại càng không phải là tưởng niệm cái gọi là “cuộc hải chiến ở Trường Sa” như một sự nhầm lẫn dai dẳng!

—————————-

Hàng chục năm trở lại đây, cứ đến ngày 14/3 hàng năm, bà Nguyễn Thị Hường (58 tuổi, ở xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) lại lặn lội hàng trăm cây số vào bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà để làm giỗ người em trai là liệt sỹ Nguyễn Tất Nam và 63 đồng đội của anh. Không biết chiến trường Bakhmut những ngày này, đã có khi nào quân Nga xâm lược hạ sát cùng lúc hay trong một ngày đến con số 64 chiến sỹ Ukraine để rồi người dân nước này trong tương sẽ lại “làm giỗ tập thể” như người dân Việt Nam? Năm ngoái, trong chuyến công tác tại tỉnh Khánh Hòa, chiều 12/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã khảo sát thực địa tại huyện Cam Lâm, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma và thăm, tặng quà các lực lượng thuộc Vùng 4 Hải quân Nhân dân Việt Nam. Khi đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo theo hướng mở rộng, hoàn thiện Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trở thành công viên, trong đó có những biểu tượng, biểu trưng của quần đảo Trường Sa. Hiện nay, Khu tưởng niệm chỉ rộng 2ha, Liên đoàn lao động tỉnh cũng như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm thủ tục với UBND tỉnh, giao thêm 2,5 ha ra hướng biển, xây dựng không gian văn hóa biển đảo để tạo sự kết nối với khu chính của khu lưu niệm. (1)

Vì những lẽ trên, người viết bài này không tin rằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ dâng hương nói trên ở tỉnh Khánh Hòa, hay tại lễ tưởng niệm vong linh những người lính đã ngã xuống ở Pò Hèn (Quảng Ninh) lại có thể khấn vái theo kiểu: “Anh em một nhà, cùng một bố mẹ sinh ra còn giết nhau nữa là, chết thì cũng đã chết rồi, ấm ức làm gì. Đã đến lúc cởi bỏ oán thù được rồi, hồn còn thì hồn cười…” Càng khó có chuyện cả hệ thống báo chí “mậu dịch” ở trong nước nhân dịp ấy lại còn đi tung hô ầm ĩ, lần đầu tiên, có một Thủ tướng dám đến thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến sống mái với quân bành trướng Bắc Kinh (2). Tất nhiên, một sự thật ai cũng biết, suốt trong một thời gian dài trước đây, Đảng và Nhà nước Việt Nam buộc phải bỏ qua các vấn đề phức tạp và đặc biệt nhạy cảm trong quan hệ với Bắc Kinh, trong đó có vấn đề Trung Quốc cướp Trường Sa của Việt Nam. Đảng và Nhà nước phải hết sức khéo léo, vừa phải giữ được nguyên tắc, vừa mềm dẻo về sách lược, để tạo điều kiện có lợi nhất cho sự ổn định và phát triển của đất nước (3)

Năm nay, tưởng niệm 35 năm ngày mất Gạc Ma, lại là năm đầu tiên Việt Nam có một vị tân Chủ tịch nước trẻ (53 tuổi), dư luận cả trong nước lẫn trên thế giới

quan tâm: “Sau 35 năm nhìn lại Gạc Ma: Với tân Chủ tịch nước, Việt Nam có thay đổi gì trong chính sách Biển Đông? “Thay đổi trong chính sách dài hạn của Việt Nam thì không, nhưng thái độ thì có khác,” ông Hoàng Việt, Giảng viên Luật quốc tế, nói với BBC từ Sài Gòn. “Mọi năm báo chí đăng rầm rộ trước thềm kỷ niệm sự kiện Gạc Ma, nhưng năm nay có vẻ im ắng… Dù vậy, trên thực địa vẫn rất căng thẳng, Việt Nam vẫn duy trì các hoạt động bảo vệ biển đảo của mình. Hình ảnh tàu Trung Quốc, tàu Việt Nam rượt đuổi nhau vẫn xảy ra luôn luôn. Tàu Việt Nam vẫn đeo bám tàu Trung Quốc quyết liệt, còn tàu Trung Quốc thì phụt vòi rồng vào tàu Việt Nam trên Biển Đông”.

Vẫn theo ông Hoàng Việt, ở Việt Nam, các chính sách đối ngoại không phải do một người quyết định mà là do tập thể, trong đó Bộ Chính trị có tiếng nói quyết định. Có những ban bệ với những hoạch định từ rất lâu rồi, bất cứ ai lên thì cũng không thể thay đổi được hướng đi đó. Do đó các chính sách của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông hay Gạc Ma cũng nằm trong tổng thể ấy. (4)

Trên thực tế, phải chờ mãi đến ngày 14/3 năm 2018, tức là 30 năm sau vụ thảm sát ở bãi đá Gạc Ma, lần đầu tiên, truyền thông Việt Nam mới được phép đưa tin về tội ác của Trung Quốc xâm lược (5). Cho đến gần đây, trang mạng vov.vn mới được phép giật sáp-pô in “bold”: “Ngày 14/3/1988, máu của các liệt sỹ đã hòa cùng biển cả, nhắc nhớ thế hệ muôn đời sau nhớ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc” (6). Chỉ trước đấy một năm, ngày 14//3/2017, chính quyền còn cho công an, cả chìm lẫn nổi, vây ráp đám đông, cho ôtô, xe buýt vây kín bờ hồ Hoàn Kiếm, khu vực tượng đài Lý Thái Tổ nên khiến mọi người phải đi rải rác các nơi khác. Không có thông tin về biểu tình hay tưởng niệm ở Sài Gòn. Điều kỳ lạ là dẫu đã cho phép, nhưng ngày tưởng niệm Gạc Ma 14/3/2018 vẫn nhanh chóng bị giải tán. Cố Đại tá Bùi Văn Bồng, cựu nhà báo báo Quân Đội Nhân Dân có một ước nguyện: “Mong rằng từ nay trở đi, trong những vấn đề về chống kẻ thù xâm lược bảo vệ biển đảo, đừng để xảy ra tái diễn những kiểu như đảo Gạc Ma, để rồi chúng ta (Việt Nam) lại phải ân hận; Chúng ta vừa tức giận, vừa mất trắng chủ quyền một cách vô căn cứ và một cách thiếu bản lĩnh dân tộc như thế” (7). 

Năm năm trước đây, nhân tưởng niệm 30 năm ngày mất Gạc Ma, lần đầu tiên một cuốn sách phác lại toàn bộ câu chuyện Gạc Ma trên bối cảnh tranh chấp tại Biển Đông đã được xuất bản, “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, do First News và NXB Văn học ấn hành. Được chấp bút bởi nhiều tác giả với văn phong báo chí, “Vòng tròn bất tử” dẫn độc giả đi suốt từ tháng 3 bi tráng năm ấy với những giờ phút sinh tử nghẹt thở, vòng về những ngày bình yên, hạnh phúc ngắn ngủi của các chiến sĩ đã thoắt thành liệt sĩ, sang tâm sự day dứt của các cựu binh Gạc Ma ngày hòa bình. Rồi những lá thư từ nhà giam Trung Quốc, đến những chứng minh mạnh mẽ về chủ quyền Việt Nam từ các thư tịch cổ, và gọi sự vật đúng tên – Gạc Ma là cuộc thảm sát – để minh định sự thật lịch sử. Người đọc sẽ đọc không dừng và cuộc thử thách cảm xúc cũng sẽ không dừng sau khi gấp sách lại. Tình yêu với đất nước sẽ tha thiết chảy. Ngọn lửa khát khao được góp sức để bảo vệ chủ quyền Việt Nam sẽ bùng lên mãnh liệt (8). 

Sau ngần ấy năm, cuộc tranh luận về việc mất Trường Sa vào tay Trung Quốc vẫn bị “kẹt cứng” ở một số nội dung. Thứ nhất, vấn đề day dứt suốt bao nhiêu năm ròng là lúc lính Trung Quốc tràn lên đảo thì có hay không có lệnh “cấm nổ súng” từ cấp trên? Phóng sự của Mặc Lâm trên Đài RFA ngày 13/3/2018 phần nào đã soi sáng câu chuyện này (9). Thứ hai, làm thế nào để có thể đưa câu chuyện Gạc Ma vào sử sách để thanh thiếu niên từ thế hệ này qua thế hệ khác biết rằng đã có những bậc cha chú nằm lại nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đừng để các em không biết về những giai đoạn bi tráng mà đất nước ta đã trải qua. Đó là tâm sự của anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Lanh (10). Thứ ba, phải đi đến chấm dứt tình trạng, bên Việt Nam dường như không có tin tức đăng về tưởng niệm ngày 14/3  trên các trang chính thống lớn như Nhân Dân, Đảng Cộng sản, Chính phủ Việt Nam. Trong khi đó, tại những cuộc giao lưu quốc tế, Trung Quốc vẫn liệt kê các cuộc xâm lược Việt Nam trong các năm 1974, 1979, 1988 như là những “thắng lợi vẻ vang” của ĐCSTQ (11). Tình trạng các cớ này chắc còn lâu mới giải tỏa được, chừng nào Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn chưa tìm cách hóa giải được mâu thuẫn giữa phải tôn vinh và tôn trọng lòng yêu nước và các tấm gương bảo vệ chủ quyền mà vẫn giữ quan hệ với Trung Quốc.

Bài Liên Quan

Leave a Comment