Công nghệ cao mang tính chiến lược : Mỹ thua Trung Quốc

Đăng ngày: 14/03/2023

« Phương Tây đã nhầm về tiềm năng của Bắc Kinh ». Mỹ không còn là trung tâm khoa học và công nghệ thế giới. Liên Âu mờ nhạt chạy theo cuộc đua. Theo chuyên gia về tin học và kỹ thuật số Julien Nocetti Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI và trường đào tạo sĩ quan Saint Cyr, báo cáo của viện nghiên cứu Úc ASPI công bố đầu tháng 3/2023 cho thấy Trung Quốc đang nắm giữ những « chìa khóa an ninh, quân sự, kinh tế ». 

\"\"
\"\"
Chip Changan 510 do Học viện Điện toán biên và Blockchain Bắc Kinh phát triển được trưng bày tại Hội chợ triển lãm công nghệ cao quốc tế Bắc Kinh ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26 tháng 9 năm 2021. AP – Andy Wong

Thấy gì từ bước « nhẩy vọt của công nghệ cao » Trung Quốc với những tác động kèm theo ?

Ngày 02/03/2023 báo cáo Viện Nghiên Cứu về Chính Sách Chiến Lược Úc ASPI công bố cho thấy Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua về công nghệ mũi nhọn, đặc biệt là trong những lĩnh vực then chốt  – critical technologies hay còn được gọi là những công nghệ cao mang tính chiến lược – strategic technologies.  

Trung Quốc thắng Mỹ 1-0

Trong số 44 lĩnh vực ASPI đưa vào danh sách, Hoa Kỳ chỉ còn chiếm thế thượng phong ở 7 điểm và đã nhường vị trí hàng đầu trong số 37 lĩnh vực còn lại cho Trung Quốc. Thế áp đảo của Mỹ khoanh vùng ở công nghệ bán dẫn, tin học lượng tử, tin học hiệu suất cao, công nghệ phóng vệ tinh thu nhỏ hay vac-xin…

Trong số 37 « công nghệ chiến lược » ngày nay do Trung Quốc dẫn đầu chủ yếu nhằm phục vụ ngành quốc phòng, không gian, công nghệ thử nghiệp phóng tên lửa siêu thanh, vật liệu tiên tiến, công nghệ robot, trí thông minh nhân tạo …

Hơn thế nữa, Trung Quốc đã chiếm thế độc quyền trong một số ngành như sản xuất bình điện, công nghệ viễn thông 6G … Viện Khoa Học Hàn Lâm Bắc Kinh « thường đứng thứ nhất hay thứ nhì kể cả trong những mảng nghiên cứu mà đến nay Mỹ luôn giữ thế áp đảo ».

Trung Quốc đã soán ngôi của Hoa Kỳ về công nghệ hydrogen, về kỹ thuật chế biến amoniac để phục vụ trong công nghiệp năng lượng, công nghệ sản xuất vật liệu nano … Từ 2021 Trung Quốc đã qua mặt Mỹ về số lượng hồ sơ đăng ký cấp bằng sáng chế hàng năm.

10 viện nghiên cứu của thế giới được đặt tại Hoa Lục và đây là «nhà máy sản xuất » các công trình nghiên cứu « có ảnh hưởng nhất định » cao gấp 9 lần so với của Mỹ. Thành công đó có được là nhờ « 20 % tác giả của những công trình nghiên cứu đó từng được đào tào tại Mỹ, Canada, Anh, Úc và New Zealand ». Đấy cũng là 5 quốc gia trong nhóm liên minh tình báo Five Eyes.  

Dốc sức lực cho lĩnh vực hàng không, không gian

Vẫn theo báo cáo của ASPI, gần một nửa các công trình nghiên cứu của Trung Quốc nhằm đóng góp cho công nghệ chế tạo động cơ máy bay tiên tiến, động cơ siêu thanh. 7 trong số 10 trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này thuộc về Trung Quốc.

Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia về tin học và kỹ thuật số Julien Nocetti Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI và giảng dậy tại trường đào tạo sĩ quan Saint Cyr, nhấn mạnh liên hệ mật thiết giữa nhu cầu phát triển công nghệ của Trung Quốc với mục tiêu an ninh và quân sự :  

Julien Nocetti : « Ngay cả trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, Trung Quốc quan niệm là phát triển kinh tế phải gắn liền với vế an ninh và quân sự. An ninh, là bởi vì về đối nội Trung Quốc tăng cường các công cụ kiểm soát công dân nước này nhờ công nghệ số. Chẳng hạn như qua hệ thống chấm điểm công dân. Để thưởng hay phạt điểm các công dân, chính quyền cần dựa vào những dữ liệu digital, cần lắp đặt camera thu hình ở khắp mọi nơi. Thông thường Âu, Mỹ xem và khai thác các dữ liệu kỹ thuật số dưới góc độ thương mại hay pháp lý. Châu Âu chẳng hạn chú trọng đến việc phải bảo mật các dữ liệu về thông tin cá nhân… Thế còn ở Trung Quốc thì người ta quan niệm khác. Họ chủ trương là cần phải làm chủ các dữ liệu đó vì lý do an ninh quốc nội, vì Trung Quốc cần tăng cường các biện pháp kiểm soát công dân nước này. Đây là một điểm hết sức quan trọng để hiểu được vì sao công nghệ cao của Trung Quốc đã phát triển mạnh và để rồi giờ đây, đủ sức vươn ra thế giới ».

 … Còn về mục đích quân sự thì Bắc Kinh chủ trương đến năm 2030 và nhất là từ nay đến 2049, đúng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Trung Quốc phải qua mặt được Mỹ cả về mặt quân sự nhờ những loại vũ khí và trang thiết bị càng lúc càng tối tân. Thí dụ như là Bắc Kinh có hẳn cả một chương trình trang bị cho các binh sĩ những bộ y phục « thông minh » gắn đầy bọ điện tử để thu thập thông tin, bắn đi những tín hiệu định vị… Tất cả những yếu tố đó, trong dài hạn sẽ giúp quân đội Trung Quốc chiếm thế thượng phong ». 

Nền tảng để trở thành một siêu cường công nghệ thế giới

Các đồng tác giả báo cáo của Viện Nghiên Cứu về Chính Sách Chiến Lược Úc kết luận : « Bắc Kinh đã đặt nền tảng để trở thành siêu cường số 1 thế giới về khoa học và công nghệ ». Trong cuộc đua công nghệ, « các nền dân chủ phương Tây đang thua cuộc từ về mặt khoa học, nghiên cứu đến khả năng tuyển mộ nhân tài ». Nguy hiểm ở đây đối với Tây Phương : « Đấy lại là những yếu tố quyết định cho phát triển và việc kiểm soát những công nghệ then chốt của thế giới trong hiện tại và tương lai ».  

Trong diễn văn bế mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc Hội Trung Quốc khóa 14 hôm 13/03/2023 ông Tập Cận Bình vừa chính thức được chỉ định thêm nhiệm kỳ thứ 3 ở cương vị chủ tịch nước và chủ tịch Quân Ủy Trung Ương đã tuyên bố : « An ninh là nền tảng của sự phát triển. Ổn định là điều kiện tiên quyết của thịnh vượng ».  Mà để đạt được mục tiêu đó thì Trung Quốc cần thúc đẩy để « có một hệ thống phòng thủ quốc gia hiện đại toàn diện (…) quân đội phải là bức vạn lý trường thành bằng thép bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia ».  

Hai ngày trước, thượng tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) được bầu làm bộ trưởng Quốc Phòng. Từng chỉ huy chương trình hàng không vũ trụ của Trung Quốc, việc tướng Phúc đứng đầu bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh càng lúc càng chú trọng đến phát triển công nghệ phòng thủ hàng không – không gian.

Thế giới nhầm về tiềm năng của Trung Quốc ?

Trong bài nghiên cứu đăng trên tạp chí địa chính trị Grand Continent ngày 15/02/2023 Alice Pannier thuộc viện IFRI định nghĩa và nêu bật một số nét đặc thù của các công nghệ chiến lược và then chốt.

Khái niệm « Công nghệ then chốt -critical technologies » xuất hiện từ thập niên 1990 ở Mỹ hiểu theo nghĩa đó là những « công nghệ mang tính then chốt vì lợi ích quốc gia (…) trong đó bao gồm từ lợi ích kinh tế về dài hạn ». Đó là những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân ít quan tâm. Công nghệ then chốt liên quan đến những lĩnh vực mang tính cạnh tranh ở cấp quốc tế và có thể trở thành mục tiêu của các hoạt động dọ thám. Do vậy ở đây cần có sự can thiệp của Nhà nước. Trung Quốc không là một ngoại lệ.

Điểm thứ nhì là khi nói đến « công nghệ cao » hay các « công nghệ mới » đòi hỏi cộng tác – qua đó là mức độ lệ thuộc của một Nhà nước vào các đối tác tư nhân, vào các nguồn cung cấp trong lĩnh vực dân sự, vào các nhà cung cấp trang thiết bị … thường là của nước ngoài.

Chính vì thế mà Trung Quốc không chỉ mới đây đã từ lâu nhắm tới mục tiêu tự chủ về công nghệ như giải thích của nhà nghiên cứu Julien Nocetti

Julien Nocetti « Trong 20 năm đầu của thế kỷ 21 chúng ta cứ nghĩ rằng Trung Quốc là một nền công nghiệp sản xuất đại trà, lấy số nhiều làm chủ đạo, hàng rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới. Trung Quốc là một nhà cung cấp các dịch vụ tầm thường với giá rẻ. Không thể phủ nhận điều này, nhưng bên cạnh đó – mà tiêu biểu nhất là trường hợp của Hoa Vi, thì Trung Quốc đã có những sản phẩm và dịch vụ cao cấp về công nghệ để chinh phục thế giới. Cho dù là Mỹ đã liên tiếp viện lý do an ninh quốc gia để kềm hãm các tập đoàn Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn đã có những bước nhẩy vọt về công nghệ vì lợi ích phát triển kinh tế, vì lợi ích chính trị và chiến lược.

Một lần nữa Trung Quốc quyết tâm tăng cường sức mạnh cho quân đội quốc gia, để đầu tiên hết là không bị phụ thuộc vào công nghệ tiên tiến của phương Tây và kế tới là trực tiếp cạnh tranh và khuynh đảo thế thượng phong về mặt quân sự của Hoa Kỳ. Bắc Kinh sợ rằng sức mạnh quân sự của Mỹ hiện nay đang nhắm vào Thái Bình Dương và ở những vùng sát cạnh với Trung Quốc, trong đó có một điểm nhậy cảm như là Đài Loan ».

Vẫn Julien Nocetti thuộc viện IFRI và của trường sĩ quan Saint Cyr lưu ý báo cáo vừa được viện nghiên cứu Úc ASPI công bố mới chỉ là khúc dạo đầu. Đến khoảng 2030-2040 và thậm chí là 2050 thì những thành công và tham vọng thực thụ của Bắc Kinh về công nghệ sẽ càng rõ rệt hơn nữa bởi hiện tại Trung Quốc vẫn đang trong quá trình « lấp đầy những lỗ hổng » và vẫn chưa hoàn toàn tự lập.

Theo ông Nocetti, ở thời điểm 2023 « Trung Quốc chưa thể đứng ngang hàng với Mỹ » nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian, bởi ngay cả Hoa Kỳ chứ đừng nói đến Liên Âu cũng khó có thể cạnh tranh với Bắc Kinh khi mà Trung Quốc đã từ hai thập niên qua đẩy mạnh đầu tư vào nhân sự, vào các phương tiện, biến các trường đại học các học viện thành những thỏi nam châm hút công nghệ và kiến thức của phương Tây. 20 % các chuyên gia Trung Quốc công bố các công trình nghiên cứu đáng tin cậy theo báo cáo của ASPI từng được đào tạo ở nước ngoài. Số này đã trở về nước phục vụ. Hệ quả kèm theo là Âu-Mỹ trong thế phải chạy theo sau để bắt kịp Trung Quốc.

Một trật tự mới về khoa học-công nghệ   

Julien Nocetti : « Về lâu dài, nguy cơ ở đây là tình thế bị đảo ngược, tức là Mỹ và châu Âu phải rượt đuổi để bắt kịp Trung Quốc về mặt công nghệ cao, mà chính những công nghệ mang tính chiến lược đó hiện tại đang là những cái phao đối với các nền kinh tế phương Tây. Tuy nhiên cần phân biệt rõ trường hợp của Hoa Kỳ với Liên Âu. Từ khi lên cầm quyền, tổng thống Biden đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ cao qua các chương trình đầu tư hàng chục tỷ đô la vào công nghiệp bán dẫn, vào trí thông minh nhân tạo… Về phía Liên Hiệp Châu Âu, những sáng kiến và dự án của châu Âu bị xé lẻ. Bruxelles, Paris hay Berlin đầy tham vọng chính trị để toàn khối này phải tự lập về mặt công nghệ. Hiềm nỗi ngay các thành viên trong Liên Âu cũng là những đối thủ trực tiếp cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư nước ngoài. Mục tiêu và tham vọng tự chủ về công nghệ cao, về kỹ thuật số của Liên Hiệp Châu Âu qua đó thực sự đang bị thách thức ».

Trong bài tham luận đăng trên trang mạng của IFRI hôm 15/02/2023 Alice Pannier đơn cử trường hợp của công nghệ lượng tử, một lĩnh vực đáp ứng cùng lúc các lợi ích kinh tế và an ninh. Do mới ở giai đoạn đầu, giới chuyên gia quốc tế cần hợp tác chia sẻ kiến thức. Ở giai đoạn này châu Âu đã mở cửa và dễ dàng cộng tác với các viện nghiên cứu ngoài khối, từ Mỹ đến Trung Quốc Úc, Ấn Độ, Canada … Nhưng khi chuyển từ khâu nghiên cứu sang giai đoạn áp dụng thực hành, thì theo tác giả bài viết, nhiều vấn đề cụ thể về hợp tác đã đặt ra giữa các nhà nghiên cứu châu Âu với các đối tác Trung Quốc. Trong đó bao gồm từ bản quyền, đến quyền tự do công bố kết quả nghiên cứu… để rồi giờ đây Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua. Còn trong quá trình hợp tác với các đồng cấp Mỹ, thì châu Âu cũng chóng nhận thấy một sự bất cân đối giữa các viện nghiên cứu hai bên bờ Đại Tây Dương. Một trong những bất cân đối đó là phương tiện tài chính. Tựu chung, hợp tác với các phòng nghiên cứu của Mỹ theo tinh thần có lợi cho cả đôi bên cũng không phải là chuyện dễ ! 

Như trong nhiều lĩnh vực khác, một lần nữa Châu Âu đang nhường lại cuộc chơi cho Mỹ và Trung Quốc.  

Thanh Hà

Bài Liên Quan

Leave a Comment