Thủ tướng Úc thăm Fiji thảo luận về tầu ngầm hạt nhân, an ninh khu vực

Đăng ngày: 15/03/2023

\"\"
\"\"
Thủ tướng Úc Anthony Albanese phát biểu tại Port Moresby, Papua New Guinea ngày 12/01/2023. AP

Minh Anh

Hôm nay, 15/03/2023, thủ tướng Úc Anthony Albanese đến Suva, thủ đô quần đảo Fiji gặp đồng nhiệm Sitiveni Rabuka, nhằm thảo luận về an ninh khu vực và trấn an đối tác rằng chương trình mua tầu ngầm hạt nhân trị giá 245 tỷ đô la của Canberra không vi phạm các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân

Reuters nhắc lại, Úc là thành viên của hiệp ước khu vực phi hạt nhân với 12 quốc gia Nam Thái Bình Dương, bao gồm cả Fiji. Đây là một khu vực có độ nhạy cảm cao đối với vũ khí hạt nhân do những tác động của các vụ thử vũ khí hạt nhân của Pháp và Mỹ trước đây. 

Chuyến đi này của thủ tướng Úc diễn ra một ngày sau khi Washington công bố chi tiết về chương trình tầu ngầm AUKUS tại San Diego với các đồng minh Anh, Úc. Theo đó, Canberra sẽ mua ba tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia của Mỹ vào đầu thập niên tới. Và tầu ngầm hạt nhân của Anh và Mỹ sẽ được triển khai tại Úc từ năm 2027. 

Bắc Kinh hôm qua lên án thỏa thuận AUKUS là vi phạm hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Canberra lập tức bác bỏ và khẳng định đội tầu ngầm này không mang vũ khí hạt nhân. 

Vùng Nam Thái Bình Dương có một vị trí chiến lược quan trọng và hiện là tâm điểm tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Những năm gần đây, Bắc Kinh tăng cường các hoạt động ngoại giao thúc đẩy các đảo quốc Thái Bình Dương hợp tác, cho phép tăng cường sự hiện diện của lực lượng an ninh Trung Quốc trong khu vực. 

Trước mối lo này, giới chức quốc phòng cho rằng hạm đội tầu ngầm hạt nhân là cần thiết để ngăn chặn Bắc Kinh xây dựng lực lượng hải quân trong vùng.  

AUKUS : AIEA cảnh giác 

Về phần mình, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA hôm qua cũng bày tỏ quan ngại, đồng thời cam kết giám sát chặt chẽ để không xảy ra một rủi ro hạt nhân nào từ dự án này. AIEA kêu gọi Hoa Kỳ và Anh Quốc phải báo cáo với định chế về « việc chuyển giao quốc tế các nguyên nhiên liệu hạt nhân » cho bất kỳ một quốc gia phi hạt nhân nào như Úc chẳng hạn, trong khuôn khổ Hiệp ước Không Phổ biến Hạt nhân (TNP). Lãnh đạo AIEA, Rafael Grossi lưu ý, Úc phải ký một « thỏa thuận đặc biệt » với Liên Hiệp Quốc để có thể sử dung vật liệu hạt nhân, nhất là trong trường hợp cụ thể này.

Bài Liên Quan

Leave a Comment