Đăng ngày: 16/03/2023
Ngày 10/03/2023, Iran và Ả Rập Xê Út đã ký kết một thỏa thuận nối lại bang giao tại Bắc Kinh. Chiến thắng đầy biểu tượng này cho thấy Trung Quốc đang khẳng định vai trò cường quốc hàng đầu thế giới, trong khi ảnh hưởng của Hoa Kỳ đang bị suy giảm tại Trung Đông.
Bối cảnh địa chính trị
Từ ngày nước Cộng hòa Hồi giáo Iran ra đời năm 1979, quan hệ Teheran – Riyad chưa có lúc nào êm thắm do cuộc tranh giành ảnh hưởng, giành quyền lãnh đạo thế giới Hồi giáo giữa hệ phái Shia (chiếm đa số ở Iran) và hệ phái Sunni (Ả Rập Xê Út). Chuyên gia Heloise Fayet, Trung tâm Nghiên cứu về An ninh, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), trên làn sóng RFI, lưu ý : « Iran và Ả Rập Xê Út là hai cường quốc lớn nhất tại Trung Đông. Hai nước này thường có những lợi ích khác nhau, có thể được xem như là một cuộc cạnh tranh để thống trị Trung Đông trên bình diện tôn giáo, quân sự và chính trị. »
Năm 2016, Riyad và Teheran cắt đứt bang giao sau vụ Ả Rập Xê Út hành quyết một lãnh đạo Hồi giáo hệ phái Shia Nimr Al Nimr, bị cáo buộc đòi ly khai, dẫn đến cuộc tấn công phá hoại tòa đại sứ Ả Rập Xê Út ở Teheran. Trước đó, quan hệ giữa hai nước cũng đã căng thẳng vì cuộc nội chiến ở Yemen. Từ năm 2015, Riyad đứng đầu một liên quân quốc tế chống lại phe nổi dậy người Huthi, được Teheran hậu thuẫn.
Tuy nhiên, ngay từ tháng 4/2019, nhiều vòng đàm phán giữa Ả Rập Xê Út và Iran đã được tiến hành, thông qua trung gian là Irak và Oman, nhằm tìm cách chấm dứt cuộc xung đột nhưng không cho kết quả. Vương quốc Ả Rập thường xuyên là mục tiêu bị tấn công bằng drone và tên lửa từ phe Huthi, khiến việc sản xuất dầu lửa từng bị đình trệ một phần vào năm 2019.
Theo nhiều nhà quan sát, thái độ thờ ơ không can thiệp của Hoa Kỳ thời Donald Trump vào lúc đó đã gây hụt hẫng. Riyad cho rằng Washington không còn là đồng minh đáng tin cậy. Trong nỗi lo lắng ngày một lớn về chương trình hạt nhân của Iran, việc bảo đảm an ninh cho Ả Rập Xê Út giờ là mục tiêu hàng đầu, vào lúc vương quốc này đang trong quá trình chuyển giao quyền lực sang một thế hệ mới. Nhà phân tích Hasni Abidi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Thế giới Ả Rập và Địa Trung Hải, trên đài RFI giải thích :
« Ả Rập Xê Út buộc phải tiến hành nhiều cải cách quan trọng và hoàng thái tử Mohammed Ben Salman đang chuẩn bị lên cầm quyền. Vì vậy, ông ấy cần một môi trường khu vực an toàn. Ông ấy cần một bảo đảm an ninh cho Ả Rập Xê Út, bảo đảm an toàn cho các cơ sở khai thác dầu, và sự bảo đảm an ninh này, cũng như bảo đảm an ninh cho chiếc ngai vàng, đều phải thông qua một mối quan hệ khác, một mối quan hệ hòa dịu với Iran. »
Trung Quốc : Một tác nhân chính trị mới ở Trung Đông
Đây thực sự là một thắng lợi ngoại giao đầy tính biểu tượng cho Trung Quốc, một « cái tát trời giáng » cho Hoa Kỳ, bởi một lẽ đơn giản : Bắc Kinh đã thành công hóa giải mối quan hệ căng thẳng giữa Iran – Ả Rập Xê Út, một bên là kẻ thù truyền kiếp, còn bên kia là đồng minh truyền thống của Mỹ tại Trung Đông.
Với sự kiện này, Bắc Kinh khẳng định vai trò « tác nhân chính trị mới » ở khu vực. Trung Quốc giờ không chỉ là một khách hàng quen thuộc đối với các xứ dầu hỏa vùng Vịnh, mà còn là một đối tác chiến lược đáng tin cậy. Sự việc cũng đánh dấu một « cấp độ tham vọng mới » của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn luôn tìm cách đánh bóng cho mình hình ảnh nguyên thủ quốc gia hàng đầu thế giới trong bối cảnh cuộc đối đầu với Mỹ ngày càng gay gắt.
Ông Tập cho rằng, tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực đang bị suy giảm, và đây là lúc nên quảng bá vai trò lãnh đạo của Bắc Kinh như là một giải pháp thay thế khác cho một trật tự do Washington lãnh đạo. Rõ ràng, « đây là một trận chiến cho câu chuyện về tương lai của trật tự quốc tế. Trung Quốc khẳng định rằng thế giới đang bên bờ hỗn loạn bởi vì Hoa Kỳ đã thất bại trong vai trò lãnh đạo », theo đánh giá của nhà nghiên cứu Tôn Vân, giám đốc chương trình về Trung Quốc tại Stimson Center, trụ sở ở Washington, được trang mạng La Presse của Canada trích dẫn.
Nhưng cuộc chiến dài hơi này Bắc Kinh đã đầu tư từ nhiều năm qua. Báo Pháp Le Monde nhắc lại, tháng Giêng năm 2016, Tập Cận Bình đã có chuyến thăm chính thức tại Ai Cập, Ả Rập Xê Út và Iran. Ông đã ký kết nhiều thỏa thuận mới và để các nước này gia nhập vào dự án quốc tế « Những con đường tơ lụa mới ». Ả Rập Xê Út trở thành « đối tác chiến lược toàn diện » của Trung Quốc, một cấp độ quan hệ đối tác cho đến lúc đó Trung Quốc chỉ dành cho Iran và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Chuyên gia về Trung Quốc, Emmanuel Lincot, giáo sư Viện Công giáo tại Paris, trả lời phỏng vấn cho RFI năm 2022 từng lưu ý rằng, « Trung Quốc hiện diện từ lâu trong khu vực, chí ít là ngay từ khi Chiến Tranh Lạnh chính thức kết thúc, trong những năm 1990. Mối quan hệ kinh tế không ngừng phát triển, và không chỉ trong lĩnh vực dầu hỏa, mà còn có các dự án hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật số, thậm chí trong phát triển hạt nhân dân sự hay hợp tác quân sự. Đây là một cách để hình thành một dạng trục Á-Âu, sao cho phương Tây ngày càng bị gạt sang bên lề của ván cờ này. »
Trung Quốc : Phát ngôn viên cho các nước Nam bán cầu
Trong nước cờ này, chính sách « không can thiệp » của Trung Quốc là một công cụ hữu hiệu, với lập luận : Các quốc gia không nên can thiệp vào chuyện nội bộ của những nước khác, bằng cách chỉ trích vi phạm nhân quyền chẳng hạn. Khác với Mỹ, Trung Quốc duy trì mối quan hệ hữu hảo cả với Ả Rập Xê Út lẫn Iran (thậm chí với Israel).
Một mặt, Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Riyad, và Ả Rập Xê Út là một trong số các nhà cung cấp dầu lửa chính yếu cho Trung Quốc. Không như Washington, chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng hợp tác thương mại vô điều kiện. Bắc Kinh chấp nhận giải thích của Riyad về vụ ám sát nhà báo đối lập Jamal Khashoggi năm 2018, và đổi lại, Ả Rập Xê Út không lên án Trung Quốc giam giữ đông đảo người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Nhưng Trung Quốc tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Iran có từ năm 1971, hơn hai thập niên trước khi lập bang giao với Ả Rập Xê Út. Theo các nhà phân tích được La Presse trích dẫn, ông Tập Cận Bình xem Iran như một con chốt chiến lược chính yếu trong cuộc đọ sức với phương Tây. Quốc gia Hồi Giáo này giầu nguồn tài nguyên khoáng sản, nằm ở một vị trí địa lý chiến lược, có một quân đội thiện nghệ và một nền văn minh lâu đời giống như Trung Quốc.
Do vậy, tháng 3/2021, Trung Quốc ký với Iran « Thỏa thuận hợp tác chiến lược » cho 25 năm. Tháng 12/2022, Tập Cận Bình được hoàng thái tử Ả Rập Xê Út trịnh trọng trải thảm đỏ nghinh tiếp, trái ngược với sự tiếp đón lạnh lẽo mà Mohammed Ben Salman dành cho tổng thống Mỹ Joe Biden trung tuần tháng 7/2022. Ngược lại, để tránh gây thất vọng cho đối tác Iran, Bắc Kinh long trọng đón tổng thống Iran Ebrahim Raissi bằng hơn 20 phát đại bác hồi trung tuần tháng 2/2023, một điều mà không một nước phương Tây nào cho đến giờ dành cho Iran.
Trita Parsi, một chuyên gia tại Quincy Institute for Responsible Statecraft, một trung tâm nghiên cứu của Mỹ, nhận định, thái độ trung lập của Trung Quốc trong xung khắc Iran – Ả Rập Xê Út là một trong số các lý do chính cho phép Trung Quốc chuẩn bị thành công cuộc đàm phán giữa hai cường quốc Trung Đông này. Trên kênh truyền hình Democracy Now, nhà nghiên cứu Mỹ giải thích :
« Không giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc giữ một vai trò trung lập trong các cuộc căng thẳng giữa hai nước. Trung Quốc cố hết sức để không bị vướng vào những xung đột giữa các cường quốc khác nhau trong khu vực, và kết quả là Trung Quốc đã có được một vị thế để nắm giữ vai trò trung gian này.
Cũng cần lưu ý rằng Trung Quốc có được ảnh hưởng ngoại giao này mà không cần có một căn cứ quân sự nào trong khu vực, không phải là nhà cung cấp vũ khí chính cho bất kỳ nước nào và cũng không cung cấp một đảm bảo an ninh cho quốc gia nào trong số này, vốn dĩ thường là mô hình hòa giải của Mỹ, một mô hình mà chúng ta đang thấy ngày càng ít đi.
Nếu như điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ đóng một vai trò lớn hơn ngoài hồ sơ Iran – Ả Rập Xê Út, thì đây chắc chắn sẽ là một bước tiến rất, rất quan trọng. Và có những dấu hiệu cho thấy đó là tham vọng của Trung Quốc. Đó không chỉ là một thỏa thuận bình thường hóa. Trung Quốc muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa Iran và các nước Hội nghị Hợp tác vùng Vịnh (GCC), tức các quốc gia Ả Rập ở Vịnh Ba Tư, tại Bắc Kinh vào cuối năm nay. Đây có thể là những bước đầu tiên hướng tới một kiến trúc an ninh cơ bản, khác biệt trong khu vực. »
Và tham vọng trung gian hòa giải xung đột thế giới…
Tham vọng cường quốc thế giới « có trách nhiệm » của Trung Quốc gần đây còn được Bắc Kinh thể hiện qua đề xuất 12 điểm để giải quyết xung đột Ukraina hôm 24/02/2023. Nếu như lập trường này của Bắc Kinh không chắc nhận được sự ủng hộ từ Matxcơva, thì chí ít cũng cho thấy Trung Quốc ủng hộ hòa bình.
Nhà nghiên cứu Triệu Long (Zhao Long), phó giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế ở Thượng Hải, phân tích, ở đây « có một sự khác biệt quan trọng giữa Nga và Trung Quốc : Nga thì muốn phá hủy hệ thống quốc tế hiện nay để xây dựng một trật tự mới, trong khi Trung Quốc muốn biến đổi hệ thống hiện nay bằng cách nắm giữ một vị trí quan trọng hơn trong hệ thống. »
Theo Le Monde, thỏa thuận này sẽ cho phép Bắc Kinh chứng tỏ rằng Sáng kiến vì An ninh Toàn cầu (GSI) công bố hồi trung tuần tháng 2/2023 là có hiệu quả, có thể « diệt trừ tận gốc rễ nguồn cội các xung đột quốc tế và cải thiện việc quản lý an ninh toàn cầu ». Trong tầm nhìn này, Bắc Kinh âm thầm khánh thành Tổ chức Hòa giải Quốc tế ở Hồng Kông, cũng trong trung tuần tháng Hai.
Giờ đây, trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraina kéo dài, liệu Trung Quốc có sẽ đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải hay không ? Mọi cặp mắt đang đổ dồn vào chuyến công du Matxcơva trong tuần tới của ông Tập Cận Bình.
Nhưng có một điều chắn chắn, đó là thỏa thuận hòa giải Iran – Ả Rập Xê Út ngày 10/03 chẳng khác gì một món quà nhân đôi cho Tập Cận Bình, bởi vì đó cũng là ngày Quốc Hội Trung Quốc chính thức trao cho Tập Cận Bình nhiệm kỳ thứ ba trong cương vị chủ tịch nước và chủ tịch Quân ủy Trung ương.