Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị bật đèn xanh cho NATO kết nạp Phần Lan

Đăng ngày: 16/03/2023

\"\"
\"\"
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, trong một sự kiện tại Ankara ngày 10/03/2022. Hôm 15/03/2023, ông nêu khả năng Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý để Phần Lan gia nhập NATO. AP – Burhan Ozbilici

Trọng Nghĩa

Tổng thống Phần Lan hôm qua, 15/03/2023 cho biết là Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của nước ông, đồng thời xác nhận  ông sẽ đến Istanbul trong tuần này để tiếp xúc với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một bản thông cáo, tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết Thổ Nhĩ Kỳ và tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã quyết định chấp nhận tư cách thành viên NATO của Phần Lan, và sẽ công bố chính thức quyết định này vào ngày mai, 17/03, nhân dịp tổng thống Phần Lan thăm Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào sáng hôm qua, phát biểu với một số nhà báo, tổng thống Erdogan đã nói đến việc bật đèn xanh cho Phần Lan gia nhập NATO khi xác nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “giữ lời hứa đã đưa ra”.

Sau khi đã ngăn chặn việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO kể từ năm ngoái, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ như vậy đã thay đổi ý kiến đối với Helsinki, nhưng vẫn chận đường Stockholm.

Từ Istanbul, thông tín viên RFI Anne Andlauer giải thích:

“Việc tách hồ sơ gia nhập NATO của Phần Lan ra khỏi hồ sơ Thụy Điển là một khả năng mà các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất từ vài tháng nay. Phần Lan đã chấp nhận công thức này để có thể gia nhập NATO và tổng thống Phần Lan phải đích thân tới Thổ Nhĩ Kỳ để chính thức hóa sự kiện này.

Dẫu sao thì đó là thông báo được chờ đợi vào ngày mai, thứ Sáu (17/03), sau cuộc hội đàm giữa hai ông Sauli Niinistö và Recep Tayyip Erdogan. Khi đề cập đến chuyến thăm của đồng nhiệm Phần Lan, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định: “Chúng tôi sẽ đảm bảo phần việc của mình […] Chúng tôi sẽ giữ lời hứa của mình,”.

Nhìn từ Ankara, công thức tách rời hai hồ sơ kết nạp Phần Lan và Thụy Điển có ít nhất ba lợi ích: Đối với ông Erdogan, đang vận động tái tranh cử trong cuộc bỏ phiếu ngày 14/05 tới, đó là nhằm nhắc nhở người dân Thổ Nhĩ Kỳ về lập trường vững chắc của ông trong hồ sơ này. Cũng cần nói thêm rằng, Phần Lan có thể gia nhập NATO đó là vì nước này đã đáp ứng các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là việc nối lại xuất khẩu thiết bị quân sự.

Lợi ích thứ hai đối với Thổ Nhĩ Kỳ là tăng thêm áp lực lên Thụy Điển, bị cáo buộc chứa chấp “những kẻ khủng bố” – đặc biệt là người Kurdistan – mà Ankara đòi giao nộp.

Sau cùng, với cách làm này, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn phần nào xóa đi hình ảnh một học trò xấu trong NATO: Cùng với Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên cuối cùng của Liên Minh chưa phê chuẩn tư cách thành viên của hai nước Bắc Âu.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment