Đăng ngày: 17/03/2023
Điện hạt nhân sẽ không còn bị khống chế ở ngưỡng 50% thị phần năng lượng tại Pháp, được quy định trong luật “vì tăng trưởng xanh” năm 2015. Bị “hắt hủi”, “lơ là” sau thảm họa Fukushima (Nhật Bản), điện hạt nhân – một thế mạnh của Pháp – đang được kỳ vọng góp phần bảo đảm “chủ quyền năng lượng” quốc gia sau khi cả châu Âu bị lộ thế yếu phụ thuộc vào Nga.
Thành công đầu tiên trong hành trình khôi phục tầm quan trọng của điện nguyên tử được đánh dấu bằng quyết định ngày 02/03/2023 của Ủy Ban Kinh Tế Hạ Viện Pháp xóa bỏ hạn chế 50% điện hạt nhân trong các nguồn năng lượng (bouquet énergique) trong khuôn khổ “dự luật thúc đẩy thủ tục về xây dựng những công trình hạt nhân mới”. Dự luật bắt đầu được thảo luận ở Hạ Viện từ ngày 13/03. Pháp sẽ xây thêm 6 lò phản ứng hạt nhân mới, loại EPR2, trong đó lò phản ứng đầu tiên dự kiến đi vào hoạt động “vào khoảng năm 2035”, theo thủ tướng Elizabeth Borne.
Công luận Pháp “bớt sợ” rủi ro sự cố hạt nhân ?
Dân biểu Maud Bregeon của đảng Renaissance (Hồi sinh), báo cáo viên dự luật, cho rằng “sau nhiều năm đầy dấu hiệu tiêu cực và mâu thuẫn, lĩnh vực (hạt nhân) hiện cần một tín hiệu khả tín”. Thực vậy, xã hội và chính giới Pháp từng bị tác động sâu sắc vì thảm họa nhà máy hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản và rất khó bảo vệ được điện hạt nhân như trước.
Chính phủ vội vàng quyết định điện hạt nhân chỉ được chiếm 50% thị phần điện tại Pháp. Cựu thủ tướng Manuel Valls dưới thời tổng thống François Hollande, được báo Le Figaro trích dẫn ngày 03/03/2023, cho biết quyết định “được đưa ra theo thỏa thuận với đảng Xanh, nhưng lại không có một nghiên cứu nào về tác động hoặc phân tích về nhu cầu lý giải cho việc giảm điện hạt nhân từ 75% xuống 50% trong mức tiêu thụ năng lượng”.
Về điểm này, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Vinh, chuyên gia về chính sách năng lượng của Pháp và châu Âu, Viện Jacques Delors (Paris), nhận định với RFI Tiếng Việt :
“Đúng là có một bộ phận chính trị gia cho thấy muốn thoát khỏi nguyên tử. Điều này cũng được nêu trong luật : nguyên tử chỉ được chiếm 50% sản lượng điện. Quyết định đó được đưa ra hơi tùy tiện, giới chính trị gia không tiến hành nghiên cứu trước. Nhưng có vẻ từ giờ, một phong trào tái thúc đẩy nguyên tử đang diễn ra, căn cứ vào thực tế điện hóa nền kinh tế của Pháp. Có nghĩa là thay thế năng lượng hóa thạch, như khí đốt và dầu lửa, bằng điện không thải carbon. Hiện giờ, hạt nhân trở thành nguồn năng lượng không thể thiếu để hoàn thành các mục tiêu ở Pháp”.
Hình ảnh điện hạt nhân đã được cải thiện rõ nét ở Pháp, tăng 26% trong ba năm gần đây và hiện được 51% người dân Pháp coi là “năng lượng sạch”, theo kết quả thăm dò được công ty Odoxa thực hiện tháng 01/2023. Bà Céline Bracq, tổng giám đốc Odoxa, nhận định điện hạt nhân hiện giờ thuyết phục hơn “bởi vì người ta cho rằng điện hạt nhân có ít nguy cơ tai nạn nghiêm trọng, ít ô nhiễm hơn và ít hậu quả tiêu cực cho hệ thực vật và đa dạng sinh thái. Điện nguyên tử được coi là hiệu quả nhất trong kế hoạch năng lượng và Pháp dựa vào nguồn năng lượng đó để vượt các nước láng giềng”.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, ngành điện lực Pháp cần phải khẩn cấp cải tổ sau nhiều năm bị các đời chính phủ trì hoãn. Gần đây nhất là năm 2022 được coi là năm khủng hoảng cho Tập đoàn Điện lực Pháp EDF. Khối nợ khổng lồ lên đến hơn 60 tỉ euro (43 tỉ năm 2021), một phần do biện pháp “khống chế giá” để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng từ chiến tranh Ukraina. Sản lượng điện hạt nhân ở mức thấp chưa từng có, một phần do các cuộc đình công liên miên của nhân viên. Một nửa trên tổng số 56 lò phản ứng phải ngừng hoạt động luân phiên, có thời điểm cùng lúc, để kiểm tra định kỳ (do không được tiến hành trong giai đoạn Covid) hoặc do phát hiện tình trạng ăn mòn ở nhiều đường ống quan trọng cho an toàn của lò phản ứng.
Vài triệu người dân Pháp, được chuẩn bị tinh thần là sẽ bị cắt điện luân phiên trong mùa đông, cuối cùng đã thoát được khủng hoảng nhờ nhập khẩu được điện, cũng như nỗ lực tiết kiệm trong dân và EDF đẩy nhanh quá trình bảo trì lò phản ứng.
Yếu tố “thiên thời địa lợi” cho điện hạt nhân
Năm 2023 có lẽ sẽ là khởi đầu mới đầy thách thức cho ngành điện hạt nhân Pháp. Sáu lò phản ứng EPR2 sẽ được xây với tổng trị giá được thẩm định là 51,7 tỉ euro. Một số chuyên gia nghĩ đến khả năng chính phủ huy động nguồn tiền tiết kiệm của người dân, hiện có khoảng 509,7 tỉ euro, trong đó khoảng 40 tỉ euro tích lũy chỉ riêng năm 2022.
Đầu tư vào điện hạt nhân trở thành vấn đề cấp bách trong bối cảnh điện hạt nhân trở thành một trong ba trụ cột chính giúp Pháp đạt được mục tiêu trung hòa khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2050, song song với việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Vinh giải thích :
“Trên thực tế, tại Pháp, hạt nhân là được xem là biện pháp bảo đảm chủ quyền năng lượng của đất nước. Vấn đề này đã có từ những năm 1970, vào thời điểm người ta đầu tư ồ ạt vào nguyên tử để thoát khỏi dầu lửa. Hiện giờ, ở quy mô châu Âu, rất nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu lại chuyển sang nguyên tử chỉ nhằm bảo đảm chủ quyền năng lượng và để tránh phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch để sản xuất điện”.
Trong thời gian chờ xây các lò EPR mới, tập đoàn EDF sẽ phải “kéo dài tuổi thọ tất cả các nhà máy điện hạt nhân” hiện nay lên thành hơn 50 năm, theo đề xuất của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong bài diễn văn về tương lai năng lượng của Pháp đọc tại Belfort tháng 02/2022. Tại sao chính phủ lại gấp rút thực hiện vào thời điểm này bất chấp những phản đối của giới bảo vệ môi trường, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Vinh phân tích :
“Thực tế mà nói, các nhà máy điện hạt nhân Pháp đang cũ đi. Dù cách này hay cách khác thì cũng sắp đến lúc chúng hết thời hạn hoạt động, vào khoảng năm 2040, trong khi việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới EPR phải mất đến 15 năm. Cho nên phải tính đến bước tiếp theo ngay từ bây giờ và phải xây dựng các nhà máy điện hạt nhân để chắc chắn là sẽ có nền tảng cho điện phi carbon.
Về câu hỏi tại sao chính phủ lại tăng tốc bây giờ ? Đó là vì hiện giờ đang có lực đẩy chính trị xung quanh vấn đề chủ quyền năng lượng, cũng như nhu cầu cần có giá điện phù hợp trong khi giá điện hiện giờ khá cao. Do đó điện hạt nhân có thể đáp ứng nhu cầu này, với điều kiện phải làm chủ được cùng lúc chi phí xây dựng và sản xuất”.
Để thực hiện tham vọng này, chính phủ thông báo ý định tái quốc hữu hóa 100% tập đoàn điện lực EDF (Nhà nước hiện giữ 84% cổ phần). Mục đích được thủ tướng Elizabeth Borne nêu trong bài phát biểu về chính sách chung trước Hạ Viện ngày 06/07/2022 là để “tăng cường năng lực thực hiện các dự án đầy tham vọng và thiết yếu cho tương lai năng lượng của chúng ta (Pháp) càng sớm càng tốt”. Cụ thể, theo một phát biểu tháng 12/2022 của bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire, “sản xuất nhiều hơn” năng lượng phi carbon và “càng sản xuất được nhiều megawat điện, thì tình hình của EDF càng tốt hơn”.
Hạt nhân sẽ được công nhận trong sản xuất hydro “xanh” ?
Ở quy mô châu Âu, Pháp đang tiến thêm một bước đến việc hạt nhân được công nhận trong quá trình sản xuất hydro “xanh”. Ngoài ba nguồn điện mặt trời, điện gió và thủy điện để sản xuất hydro bền vững, Ủy Ban Châu Âu đưa cả hydro phát khí thải thấp được sản xuất từ điện nguyên tử, trong bản đề xuất các tiêu chí được công bố ngày 13/02/2023.
Tuy nhiên, kết quả chưa ngã ngũ vì văn bản còn phải được các nước thành viên và nghị sĩ châu Âu thông qua, trong khi đó Đức và Tây Ban Nha kiên quyết yêu cầu một văn bản quy định chặt chẽ hơn về hydro “xanh”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Vinh giải thích tiếp :
“Cần phải hiểu rằng hydro được sản xuất từ điện nguyên tử sẽ không được coi là “xanh”. Ngược lại, nó có thể được hưởng một trường hợp ngoại lệ, cho phép cân bằng các mục tiêu về hydro “xanh” của các nước thành viên Liên Âu có thừa điện hạt nhân. Những nước này sản xuất hydro, như vậy tránh phải triển khai năng lượng tái tạo vào lúc mà các nguồn điện hỗn hợp của những nước đó đã không thải carbon nhờ vào năng lượng hạt nhân”.
Đây chính là trường hợp của Pháp. Nếu xét theo một trong những tiêu chí quy định hydro “xanh” là phải sử dụng điện từ các công trình năng lượng tái tạo mới được xây, Pháp sẽ không đạt được vì Pháp nước duy nhất trong Liên Hiệp Châu Âu không hoàn thành mục tiêu triển khai năng lượng tái tạo đến năm 2020. Điều này giải thích cho việc Paris tìm mọi cách để hydro phát thải ít khí carbon sản xuất từ điện hạt nhân cũng được coi là “xanh”. Đây là cách giúp Pháp hoàn thành những mục tiêu rất cao về sử dụng năng lượng tái tạo trongngành công nghiệp : đạt 42% năm 2030 và 60% vào năm 2035.
Liên Hiệp Châu Âu đang thảo luận về sử dụng hydro “xanh” trong ngành công nghiệp và vận tải vào năm 2030, thay vì sử dụng chủ yếu trong ngành hóa chất, lọc dầu như hiện nay. Hydro “xanh” là chất lưu trữ năng lượng, không phải là nguồn năng lượng chính. Khi hydro cháy, sản phẩm phụ duy nhất là nước. Ngoài không thải khí gây ô nhiễm, hydro “xanh” còn có ưu điểm dễ lưu trữ để sử dụng vào mục đích và thời điểm khác thay vì phải dùng ngay sau khi được sản xuất và có thể được chuyển hóa thành điện hoặc khí nhân tạo.