Đăng ngày: 17/03/2023
Lãnh đạo vùng ly khai, cộng hòa Donetsk, do Nga dựng lên tại miền đông Ukraina, hôm qua, 16/03/2023, cho rằng Kiev dường như chưa sẵn sàng ra lệnh rút quân khỏi thành phố Bakhmut, nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Ukraina và tập đoàn bán quân sự Wagner của Nga.
Trả lời kênh truyền hình Rossia 24, ông Denis Pouchiline, « tổng thống » của « cộng hòa nhân dân Donetsk » do Nga thiết lập phát biểu : « Tình hình ở Artiomovsk (tên gọi cũ thời Xô Viết của thành phố Bakhmut) vẫn còn phức tạp và khó khăn. Nói một cách khác, chúng tôi không nghĩ rằng kẻ thù sẽ rút quân một cách đơn giản ».
Từ nhiều tháng qua, lực lượng bán quân sự Wagner của Nga tìm cách bao vây và chiếm lấy Bakhmut, thành phố phía đông Ukraina. Lãnh đạo của Wagner tuyên bố đã kiểm soát được gần như phân nửa thành phố này, và chỉ còn lại một ngõ thoát duy nhất do Ukraina kiểm soát. Về phía Ukraina, tổng thống V. Zelensky nhiều lần khẳng định sẽ không rút quân khỏi thành phố đang bị vây hãm.
Hôm nay, 17/3/2023, cũng là đúng một năm Nga dội bom nhà hát thành phố Mariupol, đông Ukraina, làm hàng trăm người chết. Từ tháng 5/2022, Mariupol đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga, nhưng người dân Ukraina vẫn chưa quên thảm kịch này.
Thông tín viên đài RFI, Emmanuelle Chaze tại Kiev tường thuật :
« Tuần này, người dân Ukraina đã đến trước nhà hát kịch của Kiev và ghi chữ \”trẻ em\”, một từ mà lẽ ra có thể bảo vệ được những thường dân trú ẩn dưới tầng hầm của nhà hát Mariupol. Họ muốn đánh dấu một kỷ niệm đau buồn về một trong số những cuộc tấn công gây sốc nhất của cuộc chiến, cướp đi mạng sống của ít nhất 600 người.
Từ đó, cũng như bao tòa nhà khác của thành phố, nhà hát Mariupol đã bị quân chiếm đóng Nga san bằng, một chiến thuật xóa dấu vết một cách có hệ thống các tội ác của quân Nga. Mariupol kể từ giờ đồng nghĩa với đổ nát và khủng hoảng nhân đạo, và ba phần tư trong số 43 ngàn cư dân đã phải bỏ trốn nơi đây.
Trong số những người không thể đi sơ tán, hàng nghìn người được cho là đã thiệt mạng. Dưới sự chiếm đóng của Nga, trường học ở địa phương bắt đầu sử dụng giáo trình của Nga, còn các đài phát thanh, kênh truyền hình và hệ thống viễn thông cũng đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Vài con phố bị tàn phá đã bị đặt lại bằng tên Nga trong ý định xóa tan bản sắc Ukraina ngay cả trong các đống đổ nát. »