Đăng ngày: 17/03/2023
Vụ drone của Mỹ bị chiến đấu cơ Nga làm rơi trên vùng Hắc Hải, theo cáo buộc của Washington, là một vụ nghiêm trọng bởi vì, thứ nhất, vụ này xảy ra sát bên Ukraina, nơi mà chiến sự vẫn diễn ra ác liệt hơn một năm sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược nước láng giềng. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu chiến tranh Ukraina, một nước trong khối NATO thừa nhận đã bị mất một thiết bị bay do chính họ điều khiển tại khu vực này.
Thứ hai, chiếc drone Reaper trước khi bị rơi vẫn cung cấp cho các cơ quan tình báo Mỹ và chắc là cho cả tình báo Ukraina, những hình ảnh quý giá về sự bố trí của lực lượng Nga đóng tại Crimée, bán đảo mà Kiev đề ra mục tiêu sẽ chiếm lại.
Trả lời nhật báo Pháp Le Figaro hôm qua, ông Samuel Bendett, chuyên gia về các hệ thống quân sự Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân Arlington, bang Virginia, Hoa Kỳ, cho biết: “Từ nhiều năm nay, Matxcơva biết là vẫn có các chuyến bay của các drone thuộc Không lực Hoa Kỳ và họ vẫn lo ngại về khả năng giám sát của các drone này. Nga tức giận, nhưng cảm thấy bất lực, không ngăn chận được các phương tiện đó của Mỹ, cho đến thứ ba vừa qua,14/03/2023. Cho dù phi công Nga của chiếc Sukhoi tự hành động như vậy, bất tuân thượng lệnh, chắc chắn là anh ta kể từ nay sẽ được nhiều người ở Nga xem là anh hùng, ít ra là đối với các nhà bình luận quân sự. Cho dù thật sự chuyện gì xảy ra thì đây có vẻ như là phía Nga đã trả được thù ”.
Trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Nga Sergei Shoigu hôm 15/03, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhấn mạnh là chiếc drone Reaper lúc ấy đang hoạt động trong vùng biển quốc tế, đồng thời khẳng định là các chuyến bay “bình thường và chính đáng” của các drone Mỹ sẽ tiếp diễn. Ngay tối hôm đó, bộ trưởng Quốc Phòng Nga Shoigu đã phản pháo, cho rằng một trong những nguyên nhân của vụ này là việc Hoa Kỳ gia tăng các hoạt động do thám trong khu vực, không tôn trọng vùng cấm bay mà Nga đã thiết lập trong khuôn khổ “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina.
Nhưng dù gì đi nữa thì, theo nhận xét của một phi công máy bay tiêm kích của quân đội một nước châu Âu với hãng tin AFP, theo các quy định hiện hành, khi muốn chặn một máy bay nào, chiến đấu cơ phải bay song song với máy bay đó và không bao giờ áp sát đến như thế. Cho nên, phát biểu khi đang đi thăm Ethiopia, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên án hành động của chiến đấu cơ Sukhoi của Nga là “nông nổi và nguy hiểm”.
Theo dự báo của Le Figaro, trước thái độ hung hăng của phía Nga, Hoa Kỳ có thể, hoặc là điều chỉnh kế hoạch bay của các drone để kín đáo làm dịu căng thẳng với Nga, hoặc là vẫn để các drone hoạt động như hiện nay, nhưng sẽ điều các chiến đấu cơ bay theo bảo vệ các drone này. Chuyên gia về quốc phòng Tyler Rogoway, được nhật báo Pháp trích dẫn, dự đoán là trong các chuyến bay sắp tới trên vùng Hắc Hải, các drone Reaper sẽ có sự hộ tống của các chiến đấu cơ, như đã từng được bảo vệ như vậy vào năm 2019, khi có căng thẳng giữa Hoa Kỳ với Iran.
Nhưng vấn đề là, theo các chuyên gia quân sự, huy động chiến đấu cơ để hộ tống các drone là hoạt động rất phức tạp, bởi vì một drone thường bay liên tục 12 tiếng đồng hồ, cho nên các chiến đấu cơ phải thay phiên nhau hộ tống, rồi phải cần đến các máy bay tiếp nhiên liệu trên không. Mà các drone thực hiện rất nhiều phi vụ, về lâu dài làm sao có thể duy trì việc hộ tống như vậy?
Chuyên gia Samuel Bendett lưu ý rằng sử dụng các drone cho các hoạt động do thám chính là nhằm tiết kiệm các phương tiện của Không lực Hoa Kỳ. Dù các drone như Reaper có đắt tiền và tinh vi đến đâu, thì nếu có bị “hy sinh” thì cũng còn đỡ hơn là mất một chiến đấu cơ và kèm theo đó là mất những phi công dày dạn kinh nghiệm.
Chưa biết diễn biến sắp tới sẽ như thế nào, nhưng rõ ràng là vụ drone Mỹ bị rơi trên vùng Hắc Hải buộc Hoa Kỳ phải điều chỉnh phần nào hoạt động của các thiết bị này, tránh cho chúng bị rơi vào tay Nga, nhưng vẫn thực hiện được nhiệm vụ do thám lực lượng Nga trong khu vực. Về phía Nga, nếu thật sự vụ phi công chiến đấu cơ Sukhoi làm rơi drone của Mỹ là cố tình và theo lệnh của cấp trên, thì có lẽ mục đích của Matxcơva không phải là lôi kéo Mỹ vào chiến tranh Ukraina, mà nhằm tỏ cho thấy là họ không chấp nhận việc các drone của mỹ xâm nhập Hắc Hải, vùng biển cực kỳ quan trọng đối với họ.