- Tác giả,Samantha Chan
- Vai trò,BBC News, Singapore
- 17 tháng 3 2023
Crystal, người không muốn dùng tiết lộ tên thật, là một phụ nữ 26 tuổi sống tại Bắc Kinh. Không như phần lớn các phụ nữ Trung Quốc của các thế hệ trước, cô vẫn chưa kết hôn và hiện không gặp sức ép phải đi lấy chồng.
Khi tôi hỏi vì sao lại như vậy, cô cười đáp: “Tôi nghĩ là vì các thành viên trong gia đình tôi đều chưa kết hôn hoặc đã ly dị.”
Đây có vẻ là tình trạng phổ biến trong số các phụ nữ trẻ thành thị ở Trung Quốc. Một cuộc thăm dò do Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc thực hiện năm 2021 với gần 3000 người ở độ tuổi từ 18 đến 26 cho thấy hơn 40% phụ nữ sống ở các thành phố không có dự định kết hôn – so với gần 25 ở nam giới.
Điều này một phần là do chi phí trông trẻ ngày càng cao và những ảnh hưởng tồn dư của chính sách một con của Trung Quốc.
“Chỉ có một con hay không có con đã trở thành điều phổ biến ở Trung Quốc,” Yi Fuxian, một nhà khoa học về sản khoa và phụ khoa ở Đại học Wisconsin-Madison, cho biết. Ông cũng là một người lớn tiếng chỉ trích chính sách một con.
“Nền kinh tế, môi trường xã hội, nền giáo dục và gần như tất cả mọi thứ đều có liên quan đến chính sách một con,” ông nói thêm.
Với Bắc Kinh, đây là một xu thế đáng lo vì dân số của Trung Quốc đang giảm dần. Tỷ lệ sinh đã chậm lại trong nhiều năm nhưng 2022 là lần đầu tiên trong 60 năm dân số nước này giảm xuống.
Đây là tin xấu cho nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nơi lực lượng lao động đang thu hẹp và dân số ngày một già bắt đầu gây sức ép lên các dịch vụ an sinh của nhà nước.
Số người ở độ tuổi làm việc của Trung Quốc – những người từ 16 đến 59 tuổi – hiện ở mức 875 triệu. Họ chiếm trên 60% dân số của nước này.
Nhưng con số này dự tính sẽ tiếp tục giảm, giảm thêm 35 triệu trong 5 năm tới, theo ước tính chính thức của chính phủ năm 2021.
\”Cơ cấu nhân khẩu của Trung Quốc năm 2018 là tương tự với của Nhật Bản năm 1992,” ông Yi nói. “Và cơ cấu nhân khẩu Trung Quốc năm 2040 sẽ tương tự với Nhật Bản năm 2020.”
Cho tới năm ngoái, nhiều kinh tế gia đã giả định rằng Trung Quốc sẽ tăng trưởng kinh tế vượt Mỹ vào cuối thập kỷ này.
Nhưng ông Yi cho rằng điều này lúc này khó xảy ra. Ông noi thêm: “Tới 2031 – 2035, Trung Quốc sẽ không bằng Mỹ về tất cả các chỉ số nhân khẩu, cũng như về tăng trưởng kinh tế.”
Độ tuổi trung bình ở Trung Quốc hiện nay là 38. Nhưng khi dân số già đi và tỷ lệ sinh giảm mạnh hơn nữa, có quan ngại rằng lực lượng lao động Trung Quốc cuối cùng sẽ không có khả năng “nuôi” những người đã nghỉ hưu.
Tuổi nghỉ hưu cho nam giới ở Trung Quốc là 60, còn phụ nữ là 55. Hiện nay, những người ở độ tuổi từ 60 trở lên chiếm gần 1/5 dân số. Ở Nhật, một trong những nước có dân số già đi nhanh nhất, gần 1/3 dân số ở độ tuổi 65 trở lên.
\”Tình trạng dân số già đi không phải chỉ có ở Trung Quốc nhưng áp lực lên hệ thống lương hưu Trung Quốc thì căng hơn rất nhiều [so với các nước khác],” Bà Louise Loo, kinh tế gia cao cấp tại viện Oxford Economics bình luận.
Bà nói số người nghỉ hưu đã vượt quá số người đóng góp vào quỹ lương hưu, khiến số tiền đóng góp vào quỹ hưu bắt đầu giảm xuống từ năm 2014.
Quỹ hưu trí được quản lý ở cấp tỉnh và dựa trên cơ sở đóng góp khi còn đi làm – tức là lực lượng lao động đóng góp để trả lương hưu cho người đã nghỉ hưu.
Nhận thức được những kẽ nứt trong hệ thống lương hưu, Bắc Kinh đã tạo ra một quỹ năm 2018 để chuyển khoản tiền trả lương hưu từ các tỉnh giàu có như Quảng Đông tới các tỉnh đang bị thâm hụt. Nhưng năm 2019, một báo cáo của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc dự đoán rằng vì lực lượng lao động thu hẹp dần, quỹ hưu trí chính của nước này sẽ cạn kiệt vào năm 2035.
Sau đó, năm 2022, Trung Quốc mở chương trình quỹ hưu trí tư nhân đầu tiên ở 36 thành phố, cho phép các cá nhân mở tài khoản hưu trí tại các ngân hàng để mua các sản phẩm lương hưu như quỹ tương hỗ (mutual funds).
Nhưng bà Loo nói hiện không rõ người dân Trung Quốc, thường thích đầu tư tiền tiết kiệm vào các kênh truyền thống hơn như bất động sản, có quay sang đầu tư vào quỹ hưu trí tư nhân hay không.
Những vấn đề này không chỉ có ở Trung Quốc – Nhật Bản và Hàn Quốc đều có dân số già đi và lực lượng lao động nhỏ dần.
Ông Yi nhận xét rằng Bắc Kinh hiện đang muốn học tập các chính sách của Tokyo để giảm chi phí nuôi con nhỏ cho các gia đình, nhưng ông nói thêm “Trung Quốc, nơi “già trước khi giàu” không có nguồn lực tài chính để hoàn toàn đi theo con đường của Nhật Bản.”
Và đây không phải là điều duy nhất làm phiền lòng Bắc Kinh.
Hiện cũng có một phong trào online ngày càng lan rộng, kêu gọi giới trẻ “nằm thẳng”.
Họ kêu gọi người lao động từ chối chật vật để có thành công sự nghiệp và hứa hẹn người tham gia phong trào sẽ được giải thoát khỏi áp lực của cuộc sống và công việc trong một xã hội tư bản sống gấp.
Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ khá cao. Ở đỉnh điểm tháng 7 năm ngoái, chừng 20% số người từ 15 đến 24 tuổi thất nghiệp.
Ông Yi kết luận: “Lực lượng lao động là bột mì và hệ thống hưu trí là kỹ năng làm bánh mì. Nếu không có đủ bột, thì không thể làm được bánh mì, cho dù có kỹ năng làm bánh mì tốt nhất đi nữa.”