- Tác giả,Robert Plummer
- Vai trò,BBC News
- 18 tháng 3 2023
Mặc dù Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin, nhưng đó chỉ là bước đầu tiên trong một quá trình rất dài.
Liên Hợp Quốc rõ ràng tin rằng có đủ bằng chứng để buộc tội nhà lãnh đạo Nga về tội ác chiến tranh ở Ukraine.
Tuy nhiên, khối lượng các vấn đề thực tiễn và khâu hậu cần trong việc thực hiện vụ này là rất lớn.
Quá trình đưa Putin ra trước công lý có thể diễn ra như thế nào?
Tổng thống Putin có thể bị bắt?
Hiện tại, nhà lãnh đạo Nga có quyền lực vô song ở đất nước của mình, vì vậy không có khả năng Điện Kremlin sẽ giao ông cho ICC.
Miễn là ở lại Nga, Putin không có nguy cơ bị bắt.
Tổng thống Putin có thể bị bắt giữ nếu rời khỏi đất nước. Tuy nhiên, với thực tế là quyền tự do đi lại của ông đã bị hạn chế nghiêm ngặt bởi các biện pháp trừng phạt quốc tế, Putin khó có thể xuất hiện ở một quốc gia muốn đưa ông ta ra xét xử.
Kể từ khi quân đội Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, nhà lãnh đạo Nga chỉ đến thăm 8 quốc gia. Bảy trong số đó được ông coi là một phần \”thân cận\” của Nga – nghĩa là các nước này là bộ phận cấu thành của Liên Xô trước khi sụp đổ vào cuối năm 1991.
Điểm đến gần đây duy nhất của Putin không thuộc số này là Iran, nơi ông đã đến vào tháng 7 năm ngoái để gặp nhà lãnh đạo tối cao của chính quyền Iran, Ali Khamenei.
Vì Iran đã giúp cuộc chiến của Nga bằng cách cung cấp máy bay không người lái và các thiết bị quân sự khác, nên bất kỳ chuyến thăm tiếp theo nào tới Tehran sẽ khó có thể khiến Putin gặp nguy hiểm.
Liệu Putin sẽ thực sự phải ra tòa?
Có ít nhất hai trở ngại lớn cho điều này. Thứ nhất, Nga không công nhận thẩm quyền của ICC.
Tòa án Hình sự Quốc tế được thành lập vào năm 2002 theo một hiệp ước được gọi là Quy chế Rome.
Hiệp ước này quy định rằng nhiệm vụ của mọi quốc gia là thực thi quyền tài phán hình sự của mình đối với những người bị coi là tội phạm quốc tế. ICC chỉ có thể can thiệp khi một quốc gia không thể hoặc không muốn tiến hành điều tra và truy tố nghi phạm.
Tổng cộng, có 123 quốc gia đã đồng ý tuân thủ hiệp ước này, nhưng có một số ngoại lệ đáng kể, bao gồm cả Nga.
Một số quốc gia, trong đó có Ukraine, đã ký hiệp ước nhưng chưa phê chuẩn. Bạn có thể xem danh sách đầy đủ các quốc gia là thành viên của Quy chế Rome tại đây.
Vì vậy, bạn có thể thấy rằng vị thế pháp lý đã không vững chắc.
Và thứ hai, mặc dù không có gì lạ khi các phiên tòa được tổ chức mà không có bị cáo tại tòa, nhưng đó không phải là sự lựa chọn ở trường hợp này. ICC không tiến hành xét xử vắng mặt, vì vậy cách làm này cũng không khả thi.
Những ai đã phải ra toà vì lý do tương tự?
Ý tưởng xét xử những người phạm tội chống lại loài người đã có từ trước sự tồn tại của ICC.
Bắt đầu vào năm 1945 sau Thế chiến thứ hai với Phiên tòa Nuremberg, được tổ chức để trừng phạt các thành viên chủ chốt của hệ thống phân cấp ở Đức Quốc xã vì nạn diệt chủng Holocaust và các tội ác tàn bạo khác.
Trong số đó đó bao gồm Rudolf Hess, phó thủ lĩnh của người lãnh đạo Đức Quốc xã Adolf Hitler, người đã bị kết án tù chung thân và tự sát vào năm 1987.
Tất nhiên, Tổng thống Putin không thực sự bị buộc tội chống lại loài người, mặc dù Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã lập luận rằng ông nên bị buộc tội như vậy.
Và nếu đúng như vậy, điều đó sẽ đặt ra một tình huống khó pháp lý khó xử khác như chính Liên Hợp Quốc đã thông báo, \”tội ác chống lại loài người vẫn chưa được hệ thống hóa trong một hiệp ước chuyên biệt của luật pháp quốc tế, không giống như tội ác diệt chủng và tội ác chiến tranh, mặc dù đã có những nỗ lực để làm điều đó.\”
Các cơ quan riêng biệt khác đã tìm cách kết án những người bị buộc gây tội ác chiến tranh. Trong đó bao gồm Tòa án Hình sự Quốc tế cho Nam Tư (Yugoslavia), một tổ chức của Liên Hợp Quốc tồn tại từ năm 1993 đến 2017.
Trong thời gian đó, toà án này đã kết tội và kết án 90 người. Nhưng nhân vật được cho là khét tiếng nhất trong số những người bị truy tố là cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic, đã chết vì một cơn đau tim vào năm 2006 khi đang bị giam giữ.
Về phần ICC, cho đến nay tổ chức này đã truy tố 40 cá nhân ngoại trừ Putin, tất cả đều đến từ các quốc gia châu Phi. Trong số đó, 17 người đã bị giam giữ tại The Hague, 10 người đã bị kết tội và 4 người được tha bổng.
Điều này có ý nghĩa gì đối với cuộc chiến ở Ukraine?
Lệnh bắt giữ Putin đang được coi là một tín hiệu từ cộng đồng quốc tế rằng những gì đang diễn ra ở Ukraine là trái với luật pháp quốc tế.
Tòa án cho biết lý do công khai lệnh truy nã là vì những tội ác này vẫn đang tiếp diễn. Bằng cách này, ICC đang cố gắng ngăn chặn các tội ác tiếp theo diễn ra.
Tuy nhiên, phản ứng chính từ Nga cho đến nay là bác bỏ các lệnh này là vô nghĩa.
Trên thực tế, Điện Kremlin phủ nhận quân đội của họ đã thực hiện bất kỳ tội ác nào ở Ukraine, và người phát ngôn của ông Putin gọi quyết định của ICC là \”thái quá và không thể chấp nhận được\”.
Đối mặt với sự thách thức như vậy, có vẻ như các hành động của ICC sẽ không có bất kỳ tác động nào đến cuộc chiến của Nga ở Ukraine – và \”chiến dịch quân sự đặc biệt\” của Putin sẽ tiếp tục diễn ra tàn nhẫn.