Bình luậnQuang Nhật • 20/03/23
Giá cổ phiếu ngân hàng toàn cầu lao dốc, ở cả châu Á và châu Âu, kéo theo chỉ số FTSE giảm 1,5%. Cổ phiếu UBS mất thêm 12% giá trị sau khi mua lại Credit Suisse với giá 3,2 tỷ USD. Các nhà đầu tư không lạc quan với phi vụ giải cứu này khi 17 tỷ USD trái phiếu của Credit Suisse (trái phiếu AT1) trở thành giấy trắng, hoàn toàn vô giá trị.
Giá cổ phiếu ngân hàng đã giảm ở London và trên khắp châu Âu trong phiên giao dịch đầu tuần, thứ Hai ngày 20/3/2023, sau khi UBS giải cứu khẩn cấp Credit Suisse dưới sự hỗ trợ của ngân hàng Trung ương nước này.
Tại Anh, chỉ số FTSE 100 đã giảm 1,5%, tương đương hơn 110 điểm; chủ yếu do giá cổ phiếu của các ngân hàng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán London kéo xuống. Chỉ số giá chứng khoán của các ngân hàng Natwest, Barclays và Standard Chartered đều giảm hơn 7%, trong khi HSBC và Lloyds cũng giảm khoảng 5% vào đầu phiên giao dịch đầu tuần.
Cổ phiếu ngân hàng châu Âu được đo bằng Chỉ số Stoxx Europe 600 Banks đã giảm 4% vào sáng thứ Hai.
Trong ngày đầu tiên khi tin tức giải cứu đưa ra, cổ phiếu của Credit Suisse tiếp tục giảm 63% trong khi UBS mất giá tới 12%.
Trên thị trường chứng khoán Phố Wall, hôm nay chỉ số chứng khoán ngân hàng Mỹ (US Bank Index, cung cấp bởi Trading Economics) mất thêm 5,18%. Chỉ số chứng khoán ngành ngân hàng của Mỹ giảm 39,34% so cùng kỳ, giảm 27,34 % trong một tháng qua.
Lo lắng của nhà đầu tư khắp toàn cầu được thúc đẩy bởi thoả thuận giải cứu Credit Suisse có điều khoản là 17 tỷ USD trái phiếu của ngân hàng này (AT1) trở thành giấy trắng, có giá 0 đồng; hoàn toàn bị xoá sổ. Trong khi các trái chủ mất trắng thì các cổ đông (người nắm giữ cổ phần của Credit Suisse) vẫn còn nhiều cơ hội hơn từ khoản tiền bán 3,2 tỷ USD cho ngân hàng đối thủ là UBS.
Quyết định đó của cơ quan quản lý Thụy Sĩ đã khiến các nhà đầu tư lo ngại về khả năng sụt giảm giá trị trái phiếu AT1 tại tất cả các ngân hàng khác. Rõ ràng, căng thẳng, hoảng loạn về đổ vỡ ngân hàng đã chuyển dời sang thị trường trái phiếu AT1; chứ không hề được xoa dịu như kỳ vọng của các nhà quản lý.
Niềm tin bị sụp đổ luôn là rủi ro lớn nhất với bất cứ NHTM và hệ thống tài chính nào. Sự suy yếu của các ngân hàng khắp toàn cầu đẩy các ngân hàng trung ương (NHTW) vào thế khó khăn. Các NHTW cần nhiều tiền hơn đáp ứng nhu cầu rút tiền (đảm bảo thanh khoản) của các NHTM. Để hỗ trợ các NHTW, Cục dự trữ liên ban Hoa Kỳ (Fed) đã phải tăng cường hoán đổi USD với các NHTW châu Âu để chống đỡ cho thanh khoản hệ thống.
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Ngân hàng Canada, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ tuyên bố họ sẽ tăng thanh khoản thông qua các giao dịch hoán đổi đô la Mỹ hàng ngày.
Điều này có nghĩa là Fed mỗi ngày sẽ trả USD cho các NHTW khác để nhận về đồng nội tệ của nước họ. Hoán đổi ngoại hối giữa các NHTW vốn là biện pháp tăng cường ổn định tài chính từ nhiều thập kỷ; tuy nhiên, ở mức hoán đổi theo ngày thì chưa từng có. Đây rõ ràng là một biện pháp phản ứng chính sách trước tình hình thị trường tài chính ngân hàng ngày một tệ đi.
Quang Nhật