Bình luậnDịch Phàm Thái • 23/03/23
Trong một cơ hội trời cho, Đổng La Bân đã lao ra khỏi Lãnh sự quán Trung Quốc ở Auckland mà không ngoảnh lại. Sau nhiều năm vất vả, cuối cùng cả gia đình cũng được đoàn tụ.
Đổng La Bân nguyên là nhân viên Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc được cử đến New Zealand, và làm việc tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở Auckland. Tuy nhiên, vào một ngày tháng 5 năm 2018, anh đã trốn thoát thành công khỏi lãnh sự quán Trung Quốc và nộp đơn cho chính phủ New Zealand xin tị nạn chính trị.
Trên đất New Zealand, đây là trường hợp đầu tiên và có thể là duy nhất cho đến nay kể từ sau Chiến tranh Lạnh, một nhân viên chính phủ nước khác bỏ trốn.
Đổng La Bân khi đó 34 tuổi, làm việc trong bộ phận hậu cần của Lãnh sự quán Trung Quốc tại Auckland, tuy chức vụ không cao nhưng được trả lương cao, và anh có ngoại hình ưa nhìn. Là một người trẻ thế hệ sau thập niên 80, tại sao anh lại muốn \”chạy trốn\”?
Đổng La Bân đã nhận phỏng vấn độc quyền với The Epoch Times sau khi anh bỏ trốn, nhưng việc đăng bài đã bị hoãn lại do những lo ngại về an toàn. Cho đến vài ngày trước, anh quyết định công khai trải nghiệm của mình.
Chứng kiến Giáo hội bị đàn áp bằng vũ lực
Đổng La Bân sinh năm 1984 tại một ngôi làng ở Hà Bắc, Trung Quốc. Do ảnh hưởng của gia đình, anh theo đạo Công giáo từ khi sinh ra, tuy nhiên, những hành động hạn chế và đàn áp tín ngưỡng của ĐCSTQ đã ảnh hưởng rất lớn đến anh.
Anh nhớ lại khi anh mới 5 tuổi, Giáo hội Công giáo Trung trinh (Giáo hội ngầm) trong làng của anh đã bị chính quyền ĐCSTQ đàn áp dữ dội.
Anh nói: “Do sự truyền thừa của lịch sử, hơn 80% người dân trong làng chúng tôi là người Công giáo. Lý do làng chúng tôi bị đàn áp là vì ĐCSTQ muốn quy tất cả Công giáo và Cơ Đốc giáo vào \’Giáo hội Yêu nước Tam tự’ của Đảng. Tiếp theo, họ muốn phá bỏ nhà thờ hiện tại của chúng tôi – nhà thờ do các nhà truyền giáo phương Tây xây dựng, và xây dựng lại một nhà thờ được chính quyền phê duyệt, và linh mục nên được thay thế bằng một người do chính phủ bổ nhiệm, nhưng dân làng không đồng ý, cũng không cho phép họ làm điều này. Họ không có lý do chính đáng nên tìm cớ để phá bỏ nhà thờ”.
Cái gọi là \”Giáo hội Yêu nước Tam tự\” là một Giáo hội Cơ Đốc giáo Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Cục Quản lý Các vấn đề Tôn giáo của ĐCSTQ. Giáo hội này bao gồm cả những người theo đạo Tin lành và Công giáo, với mục đích là \”tự quản, tự hỗ trợ và tự truyền bá\”. Điều đó có nghĩa là, Cơ Đốc giáo ở Trung Quốc phải là một tổ chức tôn giáo dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, không liên quan gì đến các nhóm tôn giáo nước ngoài.
“Thực ra ai cũng hiểu tại sao chính quyền lại làm như vậy. Nếu không, họ sẽ lấy nhiều lý do để đe dọa, thế là mâu thuẫn nảy sinh và họ bắt đầu đàn áp. Lúc đầu, cảnh sát vũ trang có đến, nhưng họ không ngờ giáo hội có nhiều tín đồ như vậy, bọn họ cùng nhau hợp tác, lập tức phái quân tới, áp đặt lệnh giới nghiêm, bao vây toàn bộ thôn, chỉ được phép vào không được phép ra, muốn ra cũng không được, nếu bạn cố ra ngoài họ sẽ dùng súng bắn bạn.”
“Lúc đó tôi mới 5 tuổi, nhưng tôi nhớ rõ rằng những người lính yêu cầu chúng tôi ngồi trên bậc thềm và đặt tay sau lưng, không được cử động. Chúng tôi đã thấy cảnh sát vũ trang và binh lính đánh đập các thành viên giáo hội, bao gồm cả các linh mục và hội trưởng. Ban ngày họ bị đánh bằng gạch, gậy, ban đêm vừa ra khỏi nhà liền bị bắn chết. Một người bị bắn mấy phát cuối cùng phải chạy vào chuồng lợn mới sống sót. Ông ấy hiện vẫn còn sống.”
“Lúc đó có một linh mục, các thành viên giáo hội muốn bảo vệ ông ấy, những người lính đã đánh những thành viên giáo hội này trong sân của linh mục, những người bị đánh đến khi không thể di chuyển được nữa, rồi bị ném ở đó, bị chất đống lên nhau, một số bị đánh chết, một số bị thương, máu chảy đầy sân chảy ra cả bên ngoài.”
“Khi tôi 20 tuổi, tôi nghe những người thuộc thế hệ đó nói về sự việc này, tôi nhận ra rằng, bệnh viện được lệnh không điều trị cho những tín đồ bị thương này. Có một vị hội trưởng giáo hội lẽ ra có thể điều trị được, nhưng ĐCSTQ cho rằng người này đi đầu phản loạn nên đã bức hại ông, hội trưởng cuối cùng trở thành người thực vật, nằm trên giường hơn 20 năm cho đến khi chết. Tôi đã gặp vị hội trưởng này mấy lần, ông ấy gầy như da bọc xương.”
Đổng La Bân cho biết, lúc đó vì còn nhỏ nên anh không biết chuyện gì đã xảy ra, đến khi lớn lên anh mới thực sự hiểu. Những điều này được truyền miệng trong làng của họ, nhưng rất ít được thế giới bên ngoài biết đến.
Anh kể rằng, vì tín ngưỡng tôn giáo của mình cho nên từ nhỏ anh đã bị áp bức, hơn nữa càng lớn càng cảm nhận được sức áp chế mạnh mẽ.
“Lớn lên, tôi thấy đi nhà thờ chỉ có thể đến nhà người khác, không thể tham gia một cách công chính. Các linh mục sau Thánh lễ phải vội vã ra về, không dám ở lại một phút, và họ phải đi về cửa sau. Mỗi dịp Giáng sinh, Lễ Phục sinh hoặc các ngày lễ lớn, các linh mục trong làng bị “mời uống trà”. Chúng tôi phải tìm các linh mục từ các giáo phận khác, và đưa họ đến làm lễ vào đêm khuya, ngay cả khi trời lạnh.\”
“Không chỉ vậy, những giá trị phổ quát mà tôi đã được học như tình anh em, lòng nhân ái, vị tha, vị tha với kẻ thù của mình, nhưng khi bước chân vào xã hội, tôi chợt thấy những giá trị đó hoàn toàn không được xã hội chấp nhận. Ngược lại, mọi người nghĩ rằng bạn có vấn đề.\”
\”Loại áp lực này đối với người bình thường là không thể hiểu được\”.Trong những tháng gần đây, các nhà thờ tư gia trên khắp Trung Quốc đã liên tục phải đối mặt với sự đàn áp dữ dội từ chính quyền Trung Quốc. (Getty)
Sống không có sự riêng tư
Vào năm 2012, khi Đổng La Bân 28 tuổi, anh đã suýt bị bắt vì đăng một bài viết lên mạng.
“Tôi từng đăng một bài viết trên QQ về giáo hội và hiện trạng các vấn đề xã hội ở Trung Quốc. Tôi đăng vào khoảng 9 giờ tối hôm đó. Lúc đó gần 12 giờ đêm, tôi bất ngờ nghe tin trước cửa nhà có nhiều ô tô, có tiếng đóng cửa, tiếng xuống xe. Tôi đang nằm nghỉ thì bỗng lòng bàn chân toát mồ hôi, lúc đó mới biết có nguy hiểm đến”.
\”Nhưng họ không bắt tôi. Một thời gian sau tôi mới biết, một người lớn tuổi trong làng nói với tôi rằng, lẽ ra họ đã bắt tôi vào đêm đó vì bài viết đó của tôi. Nhưng vị trưởng làng đã đảm bảo cho tôi, nên tôi đã thoát khỏi tai họa này. Đó là lúc tôi nhận ra rằng thực sự không có tự do trên internet\”.
“Sau đó trên WeChat, tôi định đăng lại một số bài viết hay, phản ánh tình hình xã hội Trung Quốc hiện nay, nhưng thấy rằng chúng đã bị xóa nhanh chóng, sau khi đăng vài giờ thì chúng đã biến mất, thậm chí những thứ tôi viết cũng biến mất. Chúng tôi đang sống trong một thế giới trần trụi, không có bất kỳ sự riêng tư nào. Tất cả những điều này đã gieo mầm cho cuộc chạy trốn của tôi ngày hôm nay. Lúc đó, loại mong muốn rời đi này đã rất mạnh mẽ. Rời khỏi Trung Quốc, tôi thỉnh thoảng nghĩ như vậy.\”
Giám sát lẫn nhau trong bức tường của Lãnh sự quán Trung Quốc
Tình cờ năm 2016, Đổng La Bân đến làm việc tại một trung tâm dịch vụ thuộc Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ. Vào thời điểm đó, anh đã tự nghĩ: Sớm muộn gì anh cũng sẽ dùng hành động của mình khiến ĐCSTQ phải xấu hổ. Sau hai năm làm việc, Đổng La Bân được cử đến Lãnh sự quán Trung Quốc tại Auckland, New Zealand.
Vào tháng 3 năm 2018, Đổng La Bân đến Auckland. Ngay khi rời sân bay, hộ chiếu của anh đã bị lãnh sự quán tịch thu. Đến lãnh sự quán, chỉ sau một bữa ăn, cấp trên lập tức đưa ra \”kỷ luật\” cho những người mới đến: Không được ra ngoài một mình, ít nhất ba người mới được ra ngoài, và phải giám sát lẫn nhau.
Đổng La Bân giải thích: \”Hai người không thể làm được. Chỉ có ba người mới có thể kiềm chế lẫn nhau. Mỗi lần tôi ra ngoài đều có bốn năm người, năm sáu người thậm chí hàng chục người. Luôn luôn như là một nhóm hoạt động.\”
“Sau khi ra ngoài, bạn không được phép liên lạc với người ngoài. Một khi bị phát hiện ra, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Một ví dụ gần đây đã được báo cáo trong tất cả các đại sứ quán (các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc trên toàn thế giới). Một nhân viên hậu cần của đại sứ quán nói chuyện với một người Hoa địa phương. Sau vài lời, tùy viên quân sự của đại sứ quán phát hiện ra rằng người Hoa địa phương ấy đến từ Đài Loan, và nhân viên hậu cần đã bị đưa trở lại Trung Quốc ngay lập tức.”
Ngoài việc thiếu tự do cá nhân, Đổng La Bân nhận thấy rằng, anh thậm chí không có quyền tự do tư tưởng khi ra nước ngoài.
“Sau khi đến Lãnh sự quán Trung Quốc ở Auckland, bạn sẽ được xem một số video tuyên truyền của ĐCSTQ hàng tuần, liên tục tẩy não bạn và tăng cường cái gọi là \’giáo dục tư tưởng\’.\”
“Công việc và cuộc sống của nhân viên lãnh sự quán đều nằm trong vòng rào. Họ không thể đọc báo địa phương hay xem các trang web nước ngoài. Thẻ điện thoại di động của chúng tôi đều do lãnh sự quán cấp, và Internet chúng tôi sử dụng đều là thiết bị của Trung Quốc. Mỗi văn phòng có các mật mã khác nhau. Tổng lãnh sự cũng nói rằng, tất cả các hoạt động của bạn ở đây đều rõ ràng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng không có sự khác biệt giữa ở đây và Trung Quốc, và nó thậm chí còn tệ hơn ở Trung Quốc.”
“Bộ Ngoại giao không phải là những người duy nhất trong lãnh sự quán. Theo như tôi biết, còn có những người từ các tỉnh khác nhau ở Trung Quốc thuộc Ban Tuyên truyền (ĐCSTQ) hoặc Bộ Văn hóa. Bạn không biết danh tính của anh ta. Tôi không biết anh ta làm gì, có thể có gián điệp hoặc mật vụ trong số họ. Công việc của mỗi người là khác nhau, và họ giám sát lẫn nhau, chỉ để tạo ra bầu không khí như thế này, khiến mọi người rất lo lắng, vì vậy mọi người ngay cả nói chuyện cũng phải hạ giọng xuống”.
“Công việc của chúng tôi có vẻ đàng hoàng, chúng tôi ăn mặc đẹp khi ra ngoài. Thực tế, dù bạn là nhân viên hậu cần hay nhà ngoại giao, bạn sống không phải là con người. Mọi người đều chịu rất nhiều áp lực, và họ không tin tưởng lẫn nhau. Làm việc vất vả thì có thể dừng, nhưng môi trường này khiến người ta thống khổ. Bạn biết rõ rằng nếu bạn bước ra khỏi cánh cửa này, bạn sẽ ở trong một thế giới tự do, nhưng bạn không thể thoát ra được. Chúng còn làm bạn đau đớn theo thời gian. Đừng hỏi những gì bạn không thể hỏi, đừng nói những gì bạn không nên nói, đừng xem những gì bạn không nên xem”.
\”Mục đích của việc đưa ra tất cả các quy tắc đó là bởi họ sợ rằng, người dân của họ sẽ biết rằng mọi người có thể có những cách sống khác nhau, và họ sợ rằng các giá trị của thế giới tự do sẽ ảnh hưởng đến bạn.\”
\”Một lãnh đạo cấp cao của Lãnh sự quán Trung Quốc nuôi một con chó. Trong một lần ngồi trên xe, anh ta vô tình nói: Người Trung Quốc không tự do bằng chó ở nước ngoài\”.
Lời của lãnh đạo ấy đã khiến Đổng La Bân rất nhiều cảm xúc. Khi đó, anh âm thầm hạ quyết tâm: Nhất định phải bỏ trốn!
Trong một cơ hội trời cho, Đổng La Bân đã lao ra khỏi Lãnh sự quán Trung Quốc ở Auckland mà không do dự và không ngoảnh lại. Sau khi anh trốn thoát, không chỉ lãnh sự quán Trung Quốc tìm kiếm anh khắp nơi, mà các thành viên gia đình anh ở Trung Quốc liên tục bị các ban ngành của ĐCSTQ ở tất cả các cấp tra hỏi và sách nhiễu. Nhưng trong thâm tâm Đổng La Bân biết rằng anh sẽ không bao giờ có thể quay trở lại.
Sau khi vợ anh biết tin, cô ấy không bỏ anh và một mình nuôi con. Sau nhiều năm khó khăn, cuối cùng gia đình cũng được đoàn tụ.
Dịch Phàm Thái – Epochtimes
Lý Ngọc biên dịch