March 25, 2023
Nữ giáo sư gốc Việt kể về chuyện sau 1975, bố của bà phải đi tù cải tạo hơn 5 năm, gia đình phải đi “kinh tế mới” và bà đã phải nỗ lực rất nhiều để đạt được vị trí viện sỹ ngày hôm nay.
Xuất thân từ gia đình nhà giáo nghèo khó đông anh chị em ở xã Phước Lâm, huyện Long Điền, cô thôn nữ ngày nào thích thơ ca và văn chương Việt Nam, tò mò muốn tìm cách giữ ánh sáng ban ngày để dành cho ban đêm học bài vì nhà không có đèn điện, nay trở thành viện sỹ Viện Hàn Lâm Khoa học Kỹ thuật Quốc Gia Hoa Kỳ, rạng danh với thành tựu quan trọng trong ngành hóa hữu cơ ứng dụng.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thục Quyên vừa được Viện Hàn Lâm Khoa học Kỹ thuật Quốc Gia Hoa Kỳ (NAE) kết nạp làm viện sỹ vào đầu tháng 2. Bà Thục Quyên được các đồng nghiệp tại NAE đánh giá cao về vai trò lãnh đạo trong giáo dục kỹ thuật và nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng ở lĩnh vực hóa hữu cơ ứng dụng. Bà cũng có những công trình nghiên cứu đặc biệt về quang điện hữu cơ cho các tòa nhà và nhà kính tiết kiệm năng lượng.
Bà Nguyễn Thục Quyên chia sẻ:
“Ở góc độ cá nhân thì không có từ ngữ nào có diễn tả được cảm giác của tôi trước sự công nhận này bởi vì tôi đã vượt qua nhiều thử thách và khó khăn trong cuộc sống và việc làm để có thể có ngày hôm nay.
Tôi không chỉ hoàn thành ước mơ của riêng bản thân mình mà còn là cho cả mẹ tôi nữa, cho cả những người phụ Việt Nam và phụ nữ trên thế giới vì những giấc mơ của họ bị tan vỡ vì những thử thách trong cuộc sống và lo toan cho gia đình họ. Như mẹ tôi từng ước mơ được học cao hơn nữa và được trở thành nữ bác sĩ phẫu thuật đầu tiên của thành phố Buôn Ma Thuột, nhưng rồi mẹ tôi kết hôn năm 18 tuổi rồi sau đó có năm đứa con nên thành thử ước mơ của mẹ tan thành mây khói.
Nữ giới làm khoa học thì khó hơn nam giới rất nhiều. Điều này không chỉ thấy qua phụ nữ làm khoa học ở Mỹ mà bất cứ nước nào khi tôi đi công tác thì cũng đều thấy điểm chung này trên toàn thế giới. Nữ giới làm khoa học rất vất vả vì về nhà họ còn phải chăm lo cho gia đình, làm nội trợ, lo cho chồng… ngoài việc làm nghiên cứu, giảng dạy. Họ thường bị thiếu ngủ, thường xuyên vội vã, không có thời gian cho bạn bè, không có thời giờ lo cho bản, không được gặp bố, mẹ, anh, chị, em…
Phụ nữ làm khoa học phải làm việc chăm chỉ và tốt hơn rất là nhiều để mà có được sự công nhận giống như là các đồng nghiệp nam; ở nhiều nước, tiền lương của nữ khoa học lại thấp hơn so với nam giới làm chung trong các cấp bậc, trong các nghề nghiệp giống nhau…
Tôi sinh ra trong một đình có 5 anh chị em ở Buôn Ma Thuột. Ba tôi là cảnh sát đặc biệt, mẹ tôi là giáo viên dạy toán cấp 2. Khi tôi lớn lên thì chỉ biết ba chơi nhạc trong phòng trà. Tôi không biết ba là cảnh sát đặc biệt cho tới khi tôi học cấp hai.
Trong chiến tranh nhà tôi bị bỏ bom nên mất tất cả mọi thứ, và sau 1975 khi gia đình đi về Sài Gòn thì ba tôi đi học cải tạo hơn 5 năm [Chương trình giam giữ tập trung tù binh của chính quyền Việt Nam sau 1975 đối với binh lính chế độ Việt Nam Cộng hòa hay những người tham gia phục vụ cho chính quyền này]. Gia đình tôi đi kinh tế mới [chính sách cưỡng bức giãn dân có nguồn gốc Việt Nam Cộng Hòa nhằm được cho là dễ kiểm soát “phần tử chống đối” sau 1975], mua rơm cối xây nhà nhỏ ven sông ở Phước Lâm. Mẹ tôi không được đi dạy học nên cuộc sống rất khó khăn, một thời gian sau nhà nước mới cho đi dạy học.
Năm tôi 21 tuổi thì gia đình tôi định cư sang Mỹ theo diện HO. Lúc ban đầu gia đình sống ở bang Michigan, sau đó chuyển về Nam California. Tôi đã trải qua nhiều sự nhọc nhằn, bố mẹ làm đủ nghề như là đi may, rửa chén cho nhà hàng, phụ bếp, rồi lại may, rồi mở tiệm nail.
Tôi đi học adult schools [trường dành cho người trưởng thành] ở Los Angeles, học ba trường/ngày vì quyết tâm học tiếng Anh cho thật lẹ. Vào 1993, tôi học trường đại học cộng đồng Santa Monica. Tôi vừa học vừa làm thêm ở thư viện và giúp mẹ ở tiệm nail nhưng cũng không đủ tiền sinh sống nên tôi mượn thêm tiền của chính phủ (loan).
Năm 1995 vừa đi làm vừa đi học Đại học California ở Los Angeles. Tôi rửa dụng cụ thí nghiệm cho một phòng nghiên cứu. Thấy họ làm thật thích nên tôi cũng xin làm nghiên cứu nhưng người ta nói tiếng Anh của tôi không giỏi nên họ không cho làm. Tôi xin cả chục phòng thí nghiệm nhưng người ta từ chối hết. Nhưng tôi xem đó là động lực để tôi cố gắng hơn mà thôi. Tôi không bỏ cuộc dễ dàng.
Sau khi tốt nghiệp năm 1997, tôi nộp đơn học cao học. Xong cao học thì tôi học luôn tiến sỹ và ra trường năm 2001, sau 10 năm đặt chân tới Mỹ với vài chữ tiếng Anh. Sau đó, tôi làm tu nghiệp ở Trường Đại học Columbia ở New York và hợp tác với đồng nghiệp ở IBM.
Năm 2004, tôi xin về làm việc ở Đại học California ở Santa Barbara (UCSB) và ở đây tôi gặp khó khăn trong sự nghiệp rất nhiều, nhiều lần khóc và muốn bỏ cuộc. Tôi phải đối mặt với sự kỳ thị chủng tộc, bị bắt nạt bởi những đồng nghiệp nam lớn tuổi hơn, và người Mỹ trắng.
Đằng sau sự thành công này có rất nhiều nước mắt nhưng “có công mài sắc có ngày nên kim”.
(Theo VOA)