Tại hai phi trường lớn nhất Đức là Munich và Frankfurt, nhiều nghìn chuyến bay đã bị hủy từ đêm Chủ Nhật, khi các nghiệp đoàn ngành giao thông tuyên bố đình công 24 giờ từ nửa đêm Chủ Nhật sang sáng thứ Hai 27/03.
Các sân bay nhỏ hơn cũng đóng cửa, khiến ít nhất 380 nghìn hành khách bị ảnh hưởng.
Một số sân bay khác cũng hủy chuyến, gây bức xúc cho người dân đã mua vé đi nghỉ.
Tập đoàn Lufthansa ngưng mọi chuyến bay quốc tế và khuyến nghị để hành khách đã mua vé, \”tìm giải pháp khác\”.
Nghiệp đoàn Verdi đại diện cho khoảng 2,5 triệu công nhân viên trong khu vực công, bao gồm nhân viên sân bay yêu cầu tăng lương 10,5% cho thành viên của họ.
Các báo châu Âu gọi đây là \”siêu đình công\” – Mega strike – ở nền kinh tế lớn nhất EU.
Còn nghiệp đoàn EVG đại diện cho khoảng 230.000 nhân viên tại công ty hỏa xa Deutsche Bahn và các công ty xe bus muốn tăng lương 12%.
Các lãnh đạo nghiệp đoàn nói rằng với lạm phát cao, khoản tăng lương họ đòi chỉ để công nhân viên \”tồn tại\”.
Không chỉ đình công, công nhân viên tại Đức còn xuống đường biểu tình.
Trước đó, ngành bưu điện đã thành công trong việc đòi tăng lương 10,5% tại Đức.
Được biết các nghiệp đoàn và đại diện chính phủ liên bang và các tiểu bang đã có cuộc gặp mặt đầu tiên để đàm phán về lương trong ngày 27/03.
Tuy thế, các báo Đức nói quan điểm của hai bên \”còn rất xa nhau\”.
Ngưng trệ khắp nơi
Nhưng không chỉ các phi trường quốc tế ngưng trệ mà mạng xe lửa nổi tiếng là tiện lợi trong nội địa Đức cũng ngừng chạy.
Theo đài Deutche Welle (DW) hôm 27/03 thì tại bảy bang của Đức – Baden-Württemberg, Hesse, Lower Saxony, Bắc Rhine-Westphalia, Rhineland-Palatinate, Saxony và Bavaria, xe bus, tàu điện và mạng xe điện ngầm cũng bị đình trệ.
Đài này cảnh báo trong ngày thứ Hai các tuyến xa lộ và đường bộ \”sẽ có vấn đề\” vì người đi làm chỉ có sự lựa chọn…giữa ô tô và xe đạp.
Ông Klaus Wohlrabe, chuyên gia từ Viện nghiên cứu kinh tế Ifo được trích lời nêu ra ước tích thiệt hại cho kinh tế Đức 181 triệu euro vì \”cảng hàng không bị đóng, sân bay hủy chuyến, tàu xe trống vắng\”.
Bên cạnh Đức, láng giềng là Pháp đã và đang có làn sóng đình công, biểu tình, thậm chí đốt phá để phản đối cải cách tuổi hưu.
Anh Quốc thì liên tục có đình công biểu tình của khu vực công từ vài năm nay.