Đăng ngày: 30/03/2023
Nhiều nhà lãnh đạo cấp cao châu Âu đến Trung Quốc trong những ngày đầu tháng 04/2023. Mục tiêu chính là thúc đẩy hợp tác kinh tế nhưng cũng muốn có “những luật chơi công bằng”, đồng thời tránh nguy cơ “phụ thuộc” năng lượng vào Trung Quốc như từng phụ thuộc vào dầu khí Nga. Cuộc chiến do Matxcơva phát động ở Ukraina buộc Bruxelles tăng cường năng lực tự chủ chiến lược.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, nước sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên EU từ ngày 01/07, hội kiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 31/03. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công du cùng chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen từ ngày 05-08/04. Người đứng đầu ngành Ngoại Giao châu Âu Josep Borrell cũng xác nhận chuyến thăm Bắc Kinh với báo giới hôm 24/03. Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cũng được mời, nhưng thời điểm cụ thể chưa được biết. Theo trang Euractiv, Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh, dự kiến diễn ra trước mùa hè tại Bắc Kinh.
Liên Âu phụ thuộc vào Trung Quốc để chuyển đổi xanh
Đối với Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn, nhưng cũng là “đối thủ mang tính hệ thống” ngay từ năm 2019. Bruxelles muốn tránh phụ thuộc vào Trung Quốc về năng lượng tái tạo sau khi rút bài học từ Nga về năng lượng hóa thạch. Dù không trực tiếp nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc nhưng cường quốc châu Á – nhà khai thác, tinh chế các nguyên liệu thiết yếu – là nhà cung cấp chính để châu Âu thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng.
Theo danh sách năm 2020 về các nguyên liệu quan trọng cho Liên Hiệp Châu Âu, được Ủy Ban Châu Âu lập ba năm một lần, 98% đất hiếm tiêu thụ ở châu Âu được nhập từ Trung Quốc, tiếp theo là 93% magnesium, 69% wolfram, 66% scandium và 49% bismuth. Liên Hiệp Châu Âu cũng phụ thuộc vào nhiều nước khác, nơi lĩnh vực khai thác mỏ chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, như CHDC Congo, nước xuất khẩu 68% khối lượng khai thác cobalt cho Liên Âu.
Theo trang Slate ngày 05/02, vai trò của Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi xanh nền kinh tế châu Âu còn vượt qua cả vấn đề nguyên liệu. Năm 2021, 89% pin mặt trời và 64% tuốc-bin gió được nhập vào Liên Hiệp Châu Âu đều đến từ Trung Quốc. Năm nhà sản xuất lớn nhất biến tần năng lượng mặt trời (Hoa Vi, Sungrow, Growatt, Ginlong Solis, GoodWe), chiếm hơn 60% thị phần năm 2021 và đứng đầu là Hoa Vi (Huawei, 23%), cũng là của Trung Quốc. Thị trường pin ô tô điện cũng do Trung Quốc thống lĩnh, trong đó chỉ hai công ty CATL và BYD đã chiếm hơn 50% thị trường năm 2022.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh rằng lithium và đất hiếm, trong tương lai gần, sẽ quan trọng hơn cả dầu lửa hoặc khí đốt. Liên Hiệp Châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc kể từ khi nổ ra chiến tranh Ukraina, song song với những dự án của khối nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh (điện mặt trời, pin, khí hydro…) để chống biến đổi khí hậu.
Mở rộng mạng lưới đối tác
Dường như Bruxelles đã rút được bài học lệ thuộc dầu lửa Nga và xác định được những điểm lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Theo bà Ursula von der Leyen, Liên Hiệp Châu Âu “không muốn bị phụ thuộc về những nguyên liệu có ý nghĩa quyết định đó”. Trả lời phỏng vấn nhóm European Newsroom gồm nhiều cơ quan thông tấn châu Âu, trong đó có AFP, ngày 13/03 tại Strasbourg (Pháp), sau chuyến công du Mỹ, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu cho biết khối 27 nước “đa dạng hóa và tăng cường các chuỗi cung ứng với những đối tác có chung ý tưởng”.
Khi gặp tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng hôm 10/03, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đã nhất trí với tổng thống Mỹ là bắt đầu đàm phán “ngay” một “thỏa thuận tập trung vào các kim loại chiến lược” cho quá trình chuyển đổi năng lượng để giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh. Thế nhưng, trong lúc chờ tìm được tiếng nói chung với Liên Âu, ngày 27/03, Mỹ và đồng minh thân thiết Nhật Bản đã ký một thỏa thuận củng cố “các chuỗi cung ứng khoáng chất quan trọng để chế tạo các loại pin cho ô tô điện”.
Liên Hiệp Châu Âu cũng hướng sang CHDC Congo, Indonesia và Úc để mở rộng nguồn cung khoáng sản quý hiếm trong khuôn khổ những thỏa thuận “đôi bên cùng có lợi”. Còn tại Nam Mỹ, Bruxelles đã ký hiệp định tự do thương mại với Chilê. Nói một cách khác, theo ông Valdis Dombrovskis, phó chủ tịch điều hành thương mại châu Âu, Liên Hiệp Châu Âu muốn “hình thành một câu lạc bộ nguyên liệu trọng điểm tầm cỡ thế giới với những đối tác tin cậy muốn phát triển những ngành công nghiệp này”. Và đặc biệt là để “Liên Hiệp Châu Âu giảm phụ thuộc như hiện nay vào một nước duy nhất hoặc một vài nước”, theo phát biểu của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen.
Tăng cường tái chế và sáng tạo
“Mở rộng hợp tác đối tác” để bảo đảm nguồn cung là một trong ba trụ cột chính của dự luật về Nguyên liệu Quan trọng (Critical Raw Materials Act) được Ủy Ban Châu Âu đề xuất ngày 16/03/2023. Hai giải pháp tiếp theo tập trung vào “tinh chế, chuyển đổi và tái chế nguyên liệu thô tại châu Âu”.
Trên trang Euractiv, ông Fatih Birol, tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế và Pascal Canfin, chủ tịch Ủy Ban Môi Trường của Nghị Viện Châu Âu, cho biết sẽ cần đầu tư nhiều hơn để đưa các khu mỏ mới vào hoạt động, tăng khả năng tinh chế công nghiệp trong khối Liên Âu cũng như ở các nước đối tác để đề phòng nguy cơ thiếu nguồn cung.
Ngoài ra, Liên Hiệp Châu Âu sẽ chú trọng đến cải tiến công nghệ về sản xuất cũng như về nhu cầu, được cho là có ích cho việc bảo đảm cung ứng, và gia tăng hiệu quả sử dụng các nguyên liệu và chất thay thế. Hai tác giả bài viết lấy ví dụ việc pin mặt trời được phát triển nhanh chóng trong thập niên gần đây là nhờ giảm được 40-50% lượng bạc và silicon trong quá trình sản xuất pin mặt trời. Về pin, các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu giảm lượng khoáng sản cần thiết trong pin như cobalt và lithium.
Về lâu dài, tái sử dụng và “tái chế sẽ đóng góp đáng kể cho việc bảo đảm nguồn cung ứng và khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp châu Âu”, theo bà Margrethe Vestager, phó chủ tịch điều hành vì một châu Âu thích ứng với thời đại số. Giải pháp này có lợi ích lớn ở những vùng như Liên Hiệp Châu Âu, nơi có nguồn năng lượng sạch lớn nhưng lại có ít tài nguyên. Việc triển khai hệ thống thu gom, ban hành những quy định thống nhất về rác thải và một khuôn khổ vững chắc cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng tái chế là yếu tố căn bản giúp Liên Hiệp Châu Âu đi đầu trong lĩnh vực này. Ví dụ, từ nay đến năm 2027, các quy trình sản xuất pin mới phải cho phép tái chế ít nhất 90% lượng cobalt và nickel được sử dụng và khoảng 50% lithium.
Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội địa Thierry Breton so sánh nguyên liệu như “một loại dầu lửa mới”, hiện đóng vai trò trọng tâm trong nền kinh tế khiến nhu cầu tăng vọt và dẫn đến một cuộc đua toàn cầu. Liên Hiệp Châu Âu kỳ vọng vào chương trình quy mô, toàn diện như vậy để dung hòa nhu cầu bảo toàn năng lượng, đáp ứng mục tiêu về khí hậu và những tham vọng phát triển công nghiệp. Theo hai ông Fatih Birol và Pascal Canfin, “không nên nhìn những nguyên liệu trọng điểm này là một vấn đề thứ yếu mà phải coi đó là một thách thức riêng trên con đường để Liên Hiệp Châu Âu trung hòa được khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính”.