April 1, 2023
Ý kiến nói nếu Nam không phải là con rơi của Võ Văn Kiệt mà là dân thường, có lẽ ông ta đã bị “nhập kho” từ lâu rồi!
Vẽ ra các dự án ngàn tỷ để hút máu ngân sách, xài tiền quốc gia như tiền chùa, là ngón nghề của lãnh đạo các công ty, tổng công ty nhà nước.
Tuần qua, hàng trăm tờ báo quốc doanh có cơ hội được phép nhắc lại 12 đại dự án thua lỗ lên đến 63.000 tỷ đồng của Bộ Công thương. Trong đó, dự án gai góc, nhức nhối nhất là dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, chưa đưa vào sản xuất ngày nào, đã thành ra đống phế liệu và tiêu tốn hơn 3,000 tỷ. Có điều, cả hệ thống chính trị lẫn báo đảng đều tránh né, không đề cập đến tên một nhân vật mà lẽ ra phải bị khởi tố, điều tra trong vụ “đốt” 3000 tỷ này là Phan Thanh Nam.
Theo một số nguồn tin, năm 1951, Võ Văn Kiệt ra Bắc dự Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ II tại Tuyên Quang, Việt Bắc. Sau đó, ông ở lại dự lớp học chính trị “Hoa Nam”. Tại đây, ông Kiệt gặp bà Hồ Thị Minh, chủ bút đầu tiên của báo Phụ Nữ Cứu Quốc Nam Bộ. Bà Minh là phụ nữ trẻ trung xinh đẹp, giỏi tiếng Pháp. Xứ ủy Nam kỳ đưa bà Minh ra miền Bắc giúp việc cho ông Hồ.
Vũ Kỳ, thư ký riêng của ông Hồ kể rằng, Trung ương có ý định mai mối bà Minh cho ông Hồ, ông Hồ cũng ưng ý. Năm đó ông Hồ 61 tuổi, ông Kiệt 29 tuổi, bà Minh 24 tuổi. Một năm nơi thâm sơn cùng cốc ấy, bà Minh yêu ông Kiệt và dính thai. Ngày 25 tháng 2 năm 1952, bà Minh sinh con trai, nhưng đưa cho người khác nuôi.
Ông Kiệt có tìm gặp bà Minh, thăm con, đặt tên là Nam, nhưng sau đó ông quay trở về Nam bộ. Cậu bé Nam là đứa con ngoài giá thú, bởi lúc đó ông Kiệt đã có vợ ở Sóc Trăng là bà Trần Kim Anh và hai người có với nhau một cậu con trai tên là Võ Dũng (tức Phan Chí Dũng), sinh năm 1951.
Cậu bé Nam có “tuổi thơ dữ dội”. Nam được sinh ra ở Việt Bắc nhưng theo người cha nuôi tên Cái về sống tại Nhã Nam, Bắc Giang. Nam lưu lạc nhiều năm, qua tay nhiều gia đình nuôi nấng. Gia đình cuối cùng đem Nam về cưu mang là ông Hà Văn Quán và bà Nguyễn Thị Mỹ, tại làng Tăng Xá, xã Tuy Lập, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Tại đây, Nam được lập khai sinh mang tên Hà Văn Nam.
Năm Nam 17 tuổi, ông Quán hướng dẫn Nam tìm lại cha ruột. Bà Ngô Thị Huệ, phu nhân ông Nguyễn Văn Linh, là người đã lặn lội đi đón Nam và đưa Nam thực hiện chuyến hành trình về Nam bộ, gặp lại cha đẻ là ông Võ Văn Kiệt vào tháng 9 năm 1971, khi Nam 19 tuổi.
Sau năm 1975, Phan Thanh Nam học Đại học Bách khoa, ngành chế tạo máy. Ra trường, Nam về làm việc ở cơ sở huyện Củ Chi.
Năm 1986, Nam du học ở Liên Xô, làm nghiên cứu sinh, lấy học vị Tiến sĩ kỹ thuật. Về nước, Nam được bố trí công tác tại một doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông – Vận tải, là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông Vận tải (tên giao dịch là Tracodi).
Hơn 20 năm ở Tracodi , ông Nam lần lượt kinh qua các chức vụ quan trọng như: Tổng Giám Đốc (giai đoạn 1993-1994); Chủ tịch Hội đồng quản trị (1995-2013); thành viên Hội đồng quản trị (2013-2015).
Nhờ đảng bảo bọc, tạo cho cơ chế độc quyền, vì vậy Tracodi chiếm giữ được nhiều nhà xưởng, đất vàng ở thành Hồ. Tracodi chuyên xây dựng hạ tầng và phát triển dự án, khai thác chế biến vật liệu xây dựng, thương mại xuất nhập khẩu và xuất khẩu lao động.
Nhờ thế lực của ông Võ Văn Kiệt, Tracodi do Phan Thanh Nam điều hành, được thầu các dự án giao thông đường bộ, nhà ga phi trường, các cơ sở hạ tầng lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Tracodi cũng là đơn vị “trùm” xuất khẩu lao động Việt Nam sang Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Mỗi cá nhân muốn đi lao động xuất khẩu, phải đóng cho Tracodi từ 5000 đến 6000 Mỹ kim. Một nguồn tin cho biết, hàng trăm tỷ đồng đã chảy vào túi ngài Tổng giám đốc Phan Thanh Nam một cách nhẹ nhàng. Giai đoạn chuẩn bị cổ phần hoá Tracodi, Tổng giám đốc Phan Thanh Nam cho thanh lý nhiều tài sản, lập công ty sân sau để xà xẻo “đất vàng”.
Báo Thanh Tra đưa tin, đầu năm 2015, Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã hoàn tất thoái vốn tại Tracodi và Bamboo Capital (mã BCG) mua lại 68% cổ phần, qua đó nắm cổ phần chi phối. Sau khi thâu tóm được Tracodi, Bamboo Capital đã gần như xoá sổ doanh nghiệp nhà nước này.
Phan Thanh Nam nghỉ hưu năm 2013, nhưng “di sản” lớn nhất mà ông ta để lại cho ngành công nghiệp Việt Nam là đống nợ hơn 3000 tỷ đồng của Nhà máy bột giấy Phương Nam.
Tháng 10-2003, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho TRACODI làm Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam thuộc xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, trên diện tích 45 hecta. Vốn sẵn có chỉ hơn 20 tỷ đồng, nhưng lại đầu tư dự án lên gần 2.287 tỉ đồng. Ngân sách nhà nước cấp 69,486 tỷ đồng; vay nước ngoài 1.322,35 tỷ đồng; vay ngân hàng thương mại 28,252 tỷ đồng; vay Công ty Tài chính Dầu khí 845,12 tỷ đồng.
Rót vào dự án hơn 2000 tỷ, mà nhà máy vẫn không vận hành được, Phan Thanh Nam và Tracodi tìm cách “chuyền bóng” cho người khác, bỏ của thoát thân.
Tháng 6-2009, Thủ tướng Chính phủ chuyển giao chủ đầu tư dự án từ Tracodi sang Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco). Những “ông kẹ” ở Vinapaco lại nâng mức đầu tư Nhà máy giấy Phương Nam lên 3.410 tỷ.
Đến tháng 6-2012, Nhà máy giấy Phương Nam xây dựng hoàn thành. Trớ trêu thay, đưa vào sử dụng thì không vận hành được. Các nhà thầu không chịu trách nhiệm, lãnh đạo Vinapaco cũng không chịu trách nhiệm, Nhà máy giấy Phương Nam trở thành hoang phế, sau ba lần rao bán đấu giá “đống sắt vụn” mà không có người nào hỏi mua. Con số gần 3.500 tỷ bị “cuốn theo chiều gió”.
Tính đến năm 2019, Chính phủ đã phải trả nợ nước ngoài cho Nhà máy giấy Phương Nam 97 triệu Mỹ kim, còn các ngân hàng trong nước thì vẫn theo đuổi các phiên toà kiện đòi nợ Nhà máy giấy Phương Nam.
Ngày 26-3-2023 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, cùng thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tổ chức họp các ban ngành tại Long An để tìm hướng xử lý dự án. Rất nhiều “tiến sĩ”, “cao cấp chính trị” tham gia hội thảo, nhưng tất cả đều bế tắc, bó tay. Bí thư Trung ương đảng, Lê Minh Khái đành chốt “các bộ, ngành, đơn vị liên quan cũng như địa phương tổng hợp trước ngày 15-4-2023, đề xuất báo cáo Ban Chỉ đạo để trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị”.
Dư luận Long An râm ran, chắc Bộ Chính trị sẽ duyệt cho “phân lô bán nền” 43 hecta đất vốn được lấy từ ruộng của dân để làm dự án Nhà máy giấy Phương Nam, để có tiền trả nợ.
Điều lạ lùng là không ai nhắc đến thủ phạm “đầu têu” vẽ ra dự án hoang tưởng, đốt mấy ngàn tỷ đồng của quốc gia. Phan Thanh Nam và bộ sậu Tracodi lẽ nào vô can?
Thì ra, các “thái tử đảng” loại gộc, dù con chính thất hay con ngoài giá thú, gần như được miễn trừ, tránh xa vòng tố tụng. Đại tá an ninh Lê Minh Hoàn, con trai ông Phan Văn Khải, không hề hấn gì trong một vụ án bắn chết người tại một vũ trường năm xưa. Phó Chánh văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, con trai ông Lê Đức Anh, chỉ bị khiển trách trong đại án AVG. Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Phan Đình Đức, con trai ông Đinh Đức Thiện, cháu ruột ông Lê Đức Thọ và Mai Chí Thọ, dù ra toà vẫn được HĐXX cấp phúc thẩm tuyên phạt mức án cảnh cáo và không phải chịu bồi thường trách nhiệm dân sự. Phó Tổng giám đốc Cty bia Sài Gòn, Nguyễn Minh An, con trai ông Nguyễn Minh Triết, cũng vô can trong các vụ chuyển nhượng “đất vàng”.
Mới đây, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ông Đặng Xuân Thanh cháu nội ông Trường Chinh, dù bị cảnh cáo, vẫn phụ trách điều hành Viện như thường.
Đến đây, dân chúng có thể nhận ra rằng “lò ông Trọng” xem ra chỉ là chiến dịch “đập ruồi” chứ không hề “đả hổ”. Hàng ngàn tỷ tiền thuế của dân đã bị con cái của các “ông hoàng bà chúa” ném qua cửa sổ không thương tiếc, nhưng cả hệ thống chính trị của đảng chỉ loay hoay việc báo cáo, giải trình, mà không biết làm gì hơn.
Vụ Tracodi, hình như cái bóng của ông Kiệt quá lớn, làm cho cái gọi là “nhà nước pháp quyền” chỉ đứng xa mà nhìn… tiến sĩ Phan Thanh Nam. Nếu Nam là con của dân thường, có lẽ ông ta đã bị “nhập kho” từ lâu rồi!
Thu Hà