Chuyến thăm \’chỉ mang tính chất riêng tư vì hòa bình\’ của cựu tổng thống Đài Loan sang Trung Quốc bị Đài Bắc phê phán vì những phát biểu \”hạ thấp uy tín quốc gia\”.
Cùng thời gian nữ tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn thăm lục địa châu Mỹ và có dừng chân tại Hoa Kỳ, cựu tổng thống Mã Anh Cửu (Quốc Dân Đảng) thăm Trung Quốc 12 ngày, từ cuối tháng 3.
Dù ông Mã Anh Cửu không còn giữ chức vụ gì trong chính quyền Đài Loan (Quốc Dân Đảng của ông hiện ở ghế đối lập), các phát biểu của ông đã bị các cơ quan nhà nước Đài Loan phê phán.
Bị đài báo TQ \’kiểm duyệt
Nói chuyện với sinh viên ở ĐH Hồ Nam, thành phố Trường Sa, ông trích dẫn Hiến pháp Trung Hoa Dân quốc (Republic of China-tức Đài Loan) và luật về quan hệ Đài Loan với Đại lục năm 1992, để khẳng định \”Khu vực Đài Loan\” là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng nằm cạnh \”Khu vực Trung Quốc đại lục\”.
Các đoạn nhắc đến Hiến pháp Trung Hoa Dân quốc của ông đã bị đài truyền hình CCTV cắt bỏ, theo trang Focus Taiwan.
Cùng lúc, ông đã bị Văn phòng Đại lục của Đài Loan, cơ quan phụ trách quan hệ với Trung Quốc, phê phán là \”làm giảm uy tín quốc gia\” và thậm chí \”vi phạm nguyên tắc bảo vệ lãnh thổ\”, theo trang Taipei Times hôm 03/04/2023.
Điều gây bức xúc ở Đài Loan là ông Mã Anh Cửu cũng trích dẫn Lời nói đầu của Hiến pháp CHND Trung Hoa năm 1982, viết rằng \”Đài Loan là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc\”.
Về ngôn từ, hai cách nói của Đài Loan và Trung Quốc đều từng tồn tại song hành, ai muốn hiểu thế nào cũng được nhưng bối cảnh chính trị của các phát biểu lại rất quan trọng.
Theo một đồng thuận năm 2000, Đài Loan và Trung Quốc đồng ý về \”một nước Trung Hoa\”, nhưng cách diễn giản khác nhau.
Nay, ông Mã Anh Cửu tuyên bố \”chúng ta đều là người Trung Quốc\”, nhằm mục đích tạo không khí hoà hoãn với Bắc Kinh.
Nhưng thời điểm ông thăm Trung Quốc gần như là hành động đối nghịch với chuyến thăm làm thân Hoa Kỳ của bà Thái Anh Văn.
Ông Mã Anh Cửu đã bị phe chống Quốc Dân Đảng ở Đài Loan phản đối ngay khi ông ra sân bay Đào Nguyên hôm 28/03 để bay sang TQ.
Tại Hồ Nam, ông đã về quê gốc ở Tương Đàm, làm lễ tế tổ và sự kiện này được đài báo TQ đăng tải rộng rãi.
Tuần này, ông dự kiến có chặng dừng chân ở Trùng Khánh.
Theo BBC News Tiếng Trung, đây là phần thăm viếng có ý nghĩa lịch sử nhất định, vì Trùng Khánh từng là thủ đô kháng chiến của Trung Hoa Dân quốc do Quốc Dân Đảng lãnh đạo thời Kháng Nhật (Thế Chiến II ở châu Á).
BBC News Tiếng Trung từ Hong Kong cho hay chuyến thăm Hoa lục của ông Mã Anh Cửu còn có ý nghĩa gián tiếp vận động cho phương án hoà hoãn với Trung Quốc nhằm thu hút cử tri bỏ phiếu cho Quốc Dân Đảng ở Đài Loan vào năm 2024.
Tuy thế, về địa chính trị khu vực, theo nhà nghiên cứu Đài Loan tại Mỹ, Chieh-Ting Yeh viết trên trang The Diplomat (31/03) thì vai trò của ông Mã Anh Cửu nay không còn gì trong quan hệ Xuyên eo biển Đài Loan.
Ông bị cho là \”ngây thơ\” ngay từ khi đồng ý gặp Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2015 ở Singapore.
Khi đó, lần đầu tiên một tổng thống dân cử của Đài Loan đương chức hội kiến Chủ tịch Trung Quốc.
Nhưng ngay sau thượng đỉnh Trung-Đài, Quốc Dân Đảng bị thất cử và ông Mã Anh Cửu \”về vườn\”.
Điều này cho thấy, theo tác giả Chieh-Ting Yeh, thái độ của người Đài Loan với Trung Quốc thay đổi, không tin vào Bắc Kinh.
Ngoài ra, sau làn sóng trấn áp dân chủ ở Hong Kong, Bắc Kinh tiếp tục bao vây, đe dọa Đài Loan và không còn cơ hội để ông Mã \”đóng vai trò người đối thoại ngang hàng\”.
Nay thì ông \”vẫn hy vọng đóng vai trò làm tan băng\” trong quan hệ với Trung Quốc nhưng Bắc Kinh từ tám năm qua đã ngày càng trở nên độc đoán, Chieh-Ting Yeh viết.
Vẫn về Đài Loan, Trung Quốc vừa lên tiếng cảnh báo nếu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kelvin McCarthy đón bà Thái Anh Văn ngày 03/04 này thì Bắc Kinh \”sẽ có động thái\” với Mỹ.