- Tác giả,George Wright
- Vai trò,BBC News
- 2 tháng 4 2023
Nga trở thành chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bất chấp Ukraine kêu gọi các quốc gia thành viên ngăn chặn điều này.
Mỗi một quốc gia trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gồm 15 thành viên sẽ luân phiên giữ vị trí chủ tịch trong vòng một tháng.
Lần cuối cùng mà Nga giữ chức vụ này là vào tháng 02/2022 khi tiến hành cuộc xâm lược toàn diện nhằm vào Ukraine.
Điều này có nghĩa quốc gia giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bảo an lại đang có một tổng thống bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ liên quan đến cáo buộc tội ác chiến tranh.
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), vốn không phải là một định chế thuộc Liên Hiệp Quốc, đã phát lệnh bắt giữ ông Vladimir Putin hồi tháng Ba.
Mặc dù Ukraine bày tỏ giận dữ liên quan đến động thái mới nhất này, Mỹ tuyên bố không thể chặn Nga, vốn là một trong những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An, nắm giữ vị trí chủ tịch luân phiên.
Những thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gồm Anh, Mỹ, Pháp và Trung Quốc.
Vai trò này hầu như mang tính thủ tục, thế nhưng Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vasily Nebenzia phát biểu với hãng thông tấn Nga Tass là ông có kế hoạch đóng vai trò giám sát một số cuộc tranh luận, bao gồm các vấn đề kiểm soát vũ khí.
Ông Vasily Nebenzia cho biết ông sẽ thảo luận về \”một trật tự thế giới mới\”, mà ông cho biết sẽ xuất hiện để \”thay thế trật tự đơn cực\”.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố chuyện Nga giữ vị trí lãnh đạo Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là \”trò đùa Cá tháng Tư dở chưa từng thấy\” và là một gợi nhắc rõ ràng cho thấy điều gì đã sai trong cách thức vận hành của nền kiến trúc an ninh quốc tế\”.
Trong một bình luận vào hôm thứ Bảy 01/04, ông Dmytro Kuleba đã gọi điều này là \”một cú tát vào cộng đồng quốc tế\”.
Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mykhaylo Podolyak phát biểu trên Twitter rằng bước đi này là \’một sự xâm hại luật quốc tế… một thực thể, vốn đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược, vi phạm các tiêu chuẩn của luật pháp nhân quyền và hình sự, phá hủy Hiến chương Liên Hiệp Quốc, phớt lờ an ninh hạt nhân, thì không thể nào lãnh đạo một cơ quan an ninh quan trọng của thế giới được\”.
Tổng thống Volodymyr Zelensky hồi năm ngoái đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cải tổ hoặc \”hãy cùng giải tán đi\”, cáo buộc cơ quan này đã không thực thi đủ các hành động nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh xâm lược của Nga.
Ông Zelensky cũng kêu gọi xóa bỏ tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc của Nga.
Thế nhưng Mỹ lại tuyên bố không thể làm gì được khi Hiến chương của Liên Hiệp Quốc không cho phép việc loại trừ một thành viên thường trực.
\”Không may thay, Nga lại là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và không có một con đường pháp lý quốc tế khả thi nào tồn tại để thay đổi thực tế ấy,\” Thư ký báo chí Nhà Trắng, Karine Jean-Pierre phát biểu trong một cuộc họp báo hồi tuần rồi.
Bà Karine Jean-Pierre cho biết thêm Mỹ cho rằng Moscow \”sẽ tiếp tục sử dụng chiếc ghế tại Hội đồng Bảo an để reo rắc tin giả\” và biện minh cho các hành động tại Ukraine.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là một cơ quan quốc tế chịu trách nhiệm trong việc duy trì nền hòa bình.
Năm quốc gia thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đại diện cho cấu trúc quyền lực sau khi Thế chiến lần hai kết thúc, khi cơ quan này được thành lập.
Năm thành viên thường trực này sẽ cùng phối hợp làm việc với 10 thành viên không thường trực khác.
Với vai trò là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga có quyền phủ quyết đối với các nghị quyết.
Để thông qua một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an cần có chín phiếu thuận, và không có thành viên nào trong năm thành viên thường trực bỏ phiếu chống.
Hồi tháng 02/2022, Nga bỏ phiếu chống một nghị quyết nhằm chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine (Trung Quốc, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đều bỏ phiếu trắng).
Sau đó vào tháng 09/2022, Nga cũng bỏ phiếu chống một nghị quyết yêu cầu đảo ngược việc sáp nhập trái phép bốn vùng của Ukraine. Brazil, Trung Quốc, Gabon và Ấn Độ bỏ phiếu trắng.