Thứ Hai, 03 Tháng Tư 2023
Những thành tựu công nghệ như trí tuệ nhân tạo hay giao diện não-máy tính đang từng bước vén màn bí ẩn dẫn đến sự bất tử của con người…
“Đây không chỉ là một trò chơi, đây là tương lai của chúng tôi”. Trong chương mở đầu của Detroit: Become a Human, Chloe – trí thông minh nhân tạo đầu tiên vượt qua bài kiểm tra Turing – đã nói với người chơi game ngồi trước màn hình một cách nghiêm túc.
Lời giải thích của Detroit về nguồn gốc của trí tuệ nhân tạo (AI) khác với thực tế. Nhưng về cơ bản trí tuệ nhân tạo vẫn được hiểu là một khái niệm khoa học viễn tưởng, một robot hoặc máy tư duy. Trên thực tế, trí tuệ nhân tạo là một chương trình hoặc thuật toán phức tạp, thường tập trung vào các tiêu chuẩn của học máy (Machine learning).
Có một câu chuyện vui trong cộng đồng khoa học AI: “Một khi điều gì đó được hiện thực bằng trí tuệ nhân tạo, người ta sẽ không còn gọi đó là trí tuệ nhân tạo nữa”. Thật vậy, với sự ra đời của Siri và Duplex, những ứng dụng AI ngôn ngữ, người ta không còn sử dụng Turing Test để kiểm tra phương pháp hoạt động và mức độ thông minh của học máy.
Tất nhiên, nhiều người vẫn cho rằng máy móc không thể vượt qua Turing Test bởi nó không thể hiểu được cảm xúc của con người thông qua ngôn ngữ. Xét cho cùng, chính bản thân con người cũng không thể hiểu được hết cách thức hoạt động của não bộ, đương nhiên họ không thể đưa ra các định nghĩa chính xác về một cỗ máy “giống người” hoặc đưa ra tiêu chuẩn khoa học để đo lường nó.
Và đến hiện tại, khi trí tuệ nhân tạo đang đưa con người đến gần hơn với cuộc sống bất tử, tầm nhìn của nhân loại lại một lần nữa được mở rộng.
Trí tuệ nhân tạo mở đường đến sự bất tử
Tháng 2/2011, Dự án Avatar hay còn gọi là Dự án Trường sinh bắt đầu được khởi động bởi sự tài trợ của Nhà tài phiệt truyền thông người Nga Dmitry Itskov. Đây là một dự án tạo lập sự bất tử bằng cách chuyển toàn bộ trí tuệ, ý thức, bộ nhớ của con người vào máy tính, giúp con người thoát khỏi hình dạng vật chất và tồn tại trong một mạng lưới Internet dưới dạng sóng điện tử.
“Trong vòng 30 năm tới, tôi sẽ đảm bảo rằng tất cả chúng ta có thể sống mãi mãi. Tôi tin tưởng 100% điều đó sẽ xảy ra”, vị tỷ phú người Nga khẳng định. Theo lộ trình, Dự án Avatar sẽ tiến tới giai đoạn 4 vào năm 2045, thời điểm con người có thể từ bỏ cơ thể xương thịt để tiếp nhận cơ thể máy và bắt đầu cuộc sống bất tử với các robot có khả năng thay đổi hình dạng theo ý nghĩ.
Năm 2045 cũng là thời điểm trí tuệ nhân tạo mang đến cho con người sự bất tử theo dự đoán của Nhà phát minh và là nhà tương lai học người Mỹ Raymond Kurzweil. Ông chính là người đã đưa ra dự đoán chính xác về thời điểm máy tính sẽ đánh bại nhà vô địch cờ vua vào năm 1997. Trong khi đó, Tiến sĩ tương lai học Ian Pearson lại cho rằng “con người sẽ bất tử vào năm 2060”.
Trí tuệ nhân tạo đang đưa con người đến gần hơn với cuộc sống bất tử.
Dù là năm 2045 hay 2060 theo như dự đoán của các nhà khoa học, tất cả đều khẳng định đến một thời điểm nào đó, con người hoàn toàn có thể kết nối suy nghĩ của mình với thế giới máy móc, và chúng ta sẽ sống tốt trên đám mây nhờ sự bất tử kỹ thuật số (Digital immortality).
Có mục đích tương tự như Dự án Avatar nhưng giao diện não-máy tính của tỷ phú Elon Musk do Neuralink phát triển lại không đặt nặng mốc thời gian nhất định. Đây là một công ty công nghệ thần kinh được thành lập vào năm 2016, có trụ sở ở San Francisco (Mỹ), với chuyên ngành phát triển giao diện não–máy tính cấy ghép (BMI).
Từng có nhiều nhận định tiêu cực về trí tuệ nhân tạo, thậm chí coi đó là mối đe dọa dành cho nhân loại, cuối cùng Elon Musk lại đặt ra cho Neuralink mục tiêu dài hạn là đạt được “sự cộng sinh với trí tuệ nhân tạo”. Hiện tại, giao diện não-máy tính này đã vượt ra khỏi cơ sở phòng thí nghiệm và bước đầu ghi nhận những thành tựu dành cho bệnh nhân bại liệt. Trong thí nghiệm mới nhất vừa được công bố của Neuralink, video về chú khỉ biết chơi game sau khi được cấy chip não đã gây sốc trong dư luận.
Không chỉ Avatar và giao diện não-máy tính đã mang lại kết quả khả quan, có hàng loạt dự án khác cũng được đẩy mạnh đầu tư để nhanh chóng vén bức màn bí ấn về sự bất tử của nhân loại. Trong đó, trí tuệ nhân tạo vẫn là trọng tâm của các nghiên cứu và cũng là lĩnh vực gây tranh cãi nhiều nhất.
“Cuộc sống trên đám mây” song hành cùng đời thực
Trong khi các nhà nghiên cứu vẫn đang đưa ra đề xuất để hợp pháp hóa ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thương mại, đặc biệt là các nhân bản sở hữu ý thức của con người dựa trên tiêu chuẩn đạo đức, vẫn có nhiều ý kiến bi quan về tương lai của AI. Thậm chí có ý kiến cho rằng trí tuệ nhân tạo sẽ hủy diệt nhân loại khi vượt khỏi tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, “trí tuệ nhân tạo không chỉ không tiêu diệt con người mà còn mang đến cho con người sự trường sinh bất tử” – nhận định của người sáng lập Baidu Lý Ngạn Hoành tại Hội nghị Internet Thế giới năm 2019. Đây cũng là quan điểm nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa tương lai. Họ tin rằng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp con người có thể sống mãi nhờ bất tử kỹ thuật số.
Bất tử kỹ thuật số là khái niệm mới xuất hiện trong vài thập kỷ vừa qua và được định nghĩa là “mở rộng của sự tồn tại kỹ thuật số chủ động/thụ động sau khi chết”. Điều này đồng nghĩa với việc nâng cao về quản lý tri thức, AI, khai thác dữ liệu, giao tiếp giữa máy và máy có chức năng hiện diện sau khi chết, hiện đã có mặt trong một số dự án chuyên tạo những nhân vật bất tử kỹ thuật số.
Điển hình như Avatar, với phiên bản minh họa của người dùng hay tính cách của người đó dưới hình dạng 2D hoặc 3D, sở hữu khả năng “suy nghĩ”, hành động theo dữ liệu được ghi lại. Các avatar này có khả năng không ngừng học hỏi, phát triển và tương tác một cách tự chủ nếu vẫn còn tồn tại trong thế giới ảo. Hình thái này gần giống với Romanbot, một phần của lĩnh vực “vĩnh cửu tăng cường” theo cách trí óc con người có thể được tải xuống, tái tạo và chuyển sang các dạng khác.
Bất tử kỹ thuật số là mở rộng của sự tồn tại kỹ thuật số chủ động/thụ động sau khi chết.
“Cuối cùng tâm trí sẽ trở thành thông tin có thể di chuyển, giống như các tệp có thể di chuyển từ thiết bị này sang thiết bị khác và sống trên đám mây”, Michael Graziano, giáo sư tâm lý học và khoa học thần kinh tại Đại học Princeton nói. Theo Alex Zhavoronkov (CEO Insilico Medicine), ấy là lúc trí tuệ nhân tạo đã cứu chúng ta khỏi cái chết thay vì dẫn tới một ngày tận thế kỳ dị.
Trên thực tế, nguồn gốc của trung tâm AI có thể bắt nguồn từ cuộc nổi dậy chống thương mại hóa năm 1968 theo dữ liệu trong ấn bản Vagant của Truls Unholt, còn sự bất tử trong “thế giới ảo” song hành cùng thế giới thực là đích đến mà con người sẽ chạm tới trong tương lai gần. Đến thời điểm hiện tại, là lúc cần thay đổi suy nghĩ của chúng ta về sự hợp nhất của con người với công nghệ và bắt đầu suy nghĩ như một sự cộng tác-song thức, thay vì vĩnh cửu hóa “tâm trí” như ý tưởng của Stephen Hawking và Milton Friedman.
Như Robert Hertz đã viết vào năm 1907, chúng ta có hai cuộc sống – một sống trong tự nhiên, một sống trong văn hóa. Giờ đây, nhân loại sẽ có thêm một cuộc sống nữa, cuộc sống bất tử nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo, và theo cách nói của Tiến sĩ tương lai học Micho Kaku, đó chỉ là “vấn đề thời gian”.