- Trần Tuấn
- Gửi tới BBC từ Hà Nội
5 tháng 4 2023
Họa sĩ Bùi Chát vừa mang tranh \”Treo thử nhờ góp ý\”, thì tôi cũng thử nhận xét về tranh của ông. Dù sau đó ít ngày bộ tranh đã được phép treo thật, triển lãm mang tên \”32 bức tranh cùng khổ chín lăm mét ba\” (tại May Artspace, TP.HCM), khai mạc ngày 18.3 mới đây.
Tranh của họa sĩ Bùi Chát thoạt tiên thấy có vẻ gần gũi với Automatism Art, có thể hiểu là nghệ thuật/hội hoạ tự động.
Ở đó, người nghệ sĩ/họa sĩ ngăn chặn mọi sự kiểm soát của ý thức trong quá trình thực hành một tác phẩm nghệ thuật/bức tranh.
Khi khởi phát duy nhất là tiềm thức, vô thức, thì sự dẫn dắt ngọn bút, cây cọ sẽ gần như tuân theo lối đi siêu thực.
Tuy nhiên, đến triển lãm lần hai mang tên Những tình huống mới (tại Lele Atelier, TP.HCM, khai mạc ngày 31.12.2022), với sự khai mở về Hội họa Tình huống, lại như thấy Bùi Chát rẽ sang một nhánh mới, rời xa hơn lối đi và đích đến siêu thực, dù tiềm thức/vô thức vẫn là hành trang rất quan trọng.
Lúc này tôi thấy phần nào gần hơn với Improvisation Art (Nghệ thuật Ứng biến) đương đại.
Có thể cảm nhận điều này trong Ghi chú về Hội họa Tình huống của ông, gồm 39 luận điểm/quan niệm ngắn (được đánh số). Trong đó ông đã định nghĩa (lại) về nghệ thuật theo cách của mình: \”Nghệ thuật là một chuỗi các tình huống đã được xử lý, trong quá trình thực hành\”.
Rồi sau đó được ông lần lượt chỉ rõ:
\”Thực hành Hội họa Tình huống buộc nghệ sĩ phải vừa nhập tâm vừa tỉnh táo, vừa tuôn trào vô thức vừa lạnh lùng ý thức;
\”Với Hội họa Tình huống, các nghệ sĩ phải sử dụng cả vô thức lẫn ý thức trong thực hành, vô thức lúc cảm xúc, tự động, ý thức khi đắn đo xử lý;
\”Hội họa Tình huống không bắt đầu và kết thúc bằng các ý tưởng, mà chỉ bắt đầu và kết thúc bằng các tình huống và cách ứng biến/ứng xử tình huống;
\”Các nghệ sĩ không chuẩn bị trước mỗi khi thực hành. Hội họa Tình huống bắt đầu bằng sự trống không và kết thúc bằng một sự trống không khác. Nhưng đầy thỏa mãn…\”
Bước sang triển lãm solo thứ ba (tại May Artspace, TP.HCM, khai mạc ngày 18.3 mới đây), với chủ đề \”32 bức tranh cùng khổ chín lăm mét ba\” lập tức khiến ta nhớ lại lập ngôn trước đó của ông.
Đó là \”Nghệ sĩ thực hành Hội họa Tình huống sẽ thuận lợi hơn khi tư duy theo vật liệu và kích thước tác phẩm, thay vì tư duy dựa trên đề tài hoặc chủ đề như lối truyền thống\”.
Kích thước ở đây chính là sự \”cùng khổ\” (cùng kích cỡ tranh 95cm x 130 cm). Tại \”cuộc chơi\” thứ ba này, họa sĩ đã thử nghiệm \”tư duy theo kích thước tác phẩm\”.
Sự cùng khổ này tạo nên hiệu ứng gì? Tôi cho rằng khuôn khổ tưởng chừng được xác định/đồng nhất ấy lại gây ra trạng thái bất định/bất ổn.
Dùng quy tắc để phá vỡ quy tắc. Bởi ta biết rằng kích thước mỗi bức tranh thường góp phần biểu hiện/và phù hợp với nội dung và chủ đề mà nó mang chứa; mà nghệ thuật thì làm gì có sự rập khuôn, cùng được định lượng cân bằng về dung lượng và nội hàm?
Có thể lần triển lãm kế tiếp ông sẽ thử nghiệm về vật liệu? Như có lần tôi tâm sự với Bùi Chát, rằng sao ta không đem đốt những bức tranh, rồi dùng chính tro than của nó để làm màu, vẽ nên những tác phẩm khác.
Một \”kiếp sau\” của bức tranh hẳn sẽ cho ta hiệu ứng và tầng sâu suy niệm rất khác biệt. Tất nhiên ý tưởng của tôi được gợi hứng từ việc mấy chục bức tranh trong triển lãm lần đầu của ông suýt bị buộc tiêu hủy/đốt bỏ.
Và rồi, tôi lại đọc được khá rõ Dòng Ý Thức trong tranh của Bùi Chát. Một thứ dòng chảy miên man, mù mờ, với những ý tưởng/ý niệm, cảm xúc/cảm giác, nội tâm/ngoại hướng, liên tưởng,… trôi nổi, trồi ngụp. Điều này nói kỹ ra sẽ khá dài dòng.
Tất nhiên tôi biết Bùi Chát không màng gì đến các thứ trường phái/chủ nghĩa đương đại đã dẫn bên trên. Mà ông, nội thân, bằng sự va đập dữ dội với đời sống cá thể/xã hội, đã tự động mang vác và ngụp lặn với tư duy và cảm thức ấy từ bao giờ.
Cũng như bản thân ông từ hơn hai thập niên trước, khi mới bước vào chặng đường nghệ thuật đầu tiên với tư cách thi sĩ, đã \”Mở miệng\” và hậu hiện đại đến tột cùng. Đó là minh chứng cho những lối đi nghệ thuật đặc dị và khó lường của Bùi Chát.
Với những gì đã trình bày ở trên, tôi đã và đang đồng sáng tạo với tác phẩm hội họa của Bùi Chát, theo một nguyên lý hậu hiện đại. Nhưng đó có thể là điều tôi nhìn thấy của hôm nay, còn sáng mai xem lại những bức tranh, tôi sẽ lại phát hiện ra vô số điều khác nữa.
Cho dù ngôn ngữ bên ngoài mỗi bức tranh có thể là trừu tượng hay biểu hiện, nhưng không thể bám víu vào đó để minh định điều gì.
Bởi như tất cả mọi người, tôi cũng có những \”tình huống\” nội tại của riêng mình, rình rập nơi cửa ngõ tiềm thức và vô thức.
Bởi \”Đón nhận tình huống cũng như/là đón nhận sự bất ngờ, nghệ thuật cũng trở nên khó lường hơn\”. Và nữa. \”Sự vô nghĩa giết chết nhiều thứ nhưng không giết chết được nghệ thuật\” (Bùi Chát).
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả Trần Tuấn từ Hà Nội
* Các tranh trong bài thuộc triển lãm 32 bức tranh cùng khổ chín lăm mét ba, đều cùng một khổ 95x130cm, tất cả đều không đặt tên