6 tháng 4 2023
Trước chuyến đi của Toàn quyền Úc, ông David Hurley tới Việt Nam, một số tổ chức dân sự của người Việt ở Úc đã nêu quan ngại về các vấn đề liên quan tới nhân quyền.
Ông Đoàn Việt Trung, đại diện VOICE Australia nói với BBC hôm 5/4 rằng tổ chức của ông cùng khoảng 10 nhóm khác đã gặp gỡ với đại diện chính phủ Úc trước chuyến thăm kéo dài từ 03 đến 06/04 của ông Hurley.
\”VOICE Australia chúng tôi nhấn mạnh về điều kiện giam giữ các tù nhân lương tâm, về các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền trong các hiệp ước thương mại giữa Úc và Việt Nam.\”
Theo truyền thông Việt Nam đưa tin, ông David Hurley đã gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người có quyền lực chính trị nhất Đảng Cộng sản cũng như được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp đón.
Vấn đề gì được bàn thảo?
Theo dõi sát sao tình hình Việt Nam, ông Việt Trung nhìn nhận chính quyền sẽ tiếp tục đàn áp mạnh tay với phong trào dân chủ. Vì vậy, trong buổi làm việc với đại diện chính phủ Úc, tổ chức của ông nêu ba điểm quan trọng:
\”Về vấn đề về tù nhân lương tâm, chúng tôi nói đến điều kiện ở trong các nhà tù vì đó là một phần của nhân quyền. Để biết về điều kiện làm việc, điều kiện sinh sống trong tù thì họ có thể nói chuyện trực tiếp với tù nhân, với thân nhân của họ, hoặc những người từng bị bỏ tù thay vì chỉ đọc thông tin trên mạng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề cập Việt Nam không phải chỉ có hơn 160 tù nhân lương tâm trong danh sách của Human Rights Watch mà còn có rất nhiều người bị bắt vì dám lên tiếng mà thế giới không biết đến.\”
Vấn đề về đối xử tù nhân chính trị đã được nhiều tổ chức dân sự, nhân quyền nêu quan ngại trước đó. Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) từng lên tiếng về trường hợp của ông Đỗ Công Đương, 58 tuổi, chết ngày 2/8/2022 tại Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An. Ông qua đời sau một thời gian dài đau ốm và được cho là không được khám chữa bệnh đầy đủ.
Ngày 9/8/2022 gia đình của 27 tù nhân lương tâm đã có thư ngỏ gửi các tổ chức quốc tế và chính quyền Việt Nam, kêu gọi khám chữa bệnh cho các tù nhân lương tâm.
Đối với tình hình xã hội dân sự, VOICE Australia nhắc đến những tổ chức không được chính phủ Việt Nam cấp phép và đề xuất những khoản tài trợ cho các tổ chức này:
\”Chúng tôi khuyến khích họ mở rộng liên lạc với mọi thành phần trong xã hội dân sự vì những tổ chức không được cấp phép có khi là tiếng nói thực sự của người dân. Bên cạnh đó, việc cấp những khoản tài trợ cho các tổ chức nhỏ cũng quan trọng. Chúng tôi hiểu tâm lý của chính phủ Úc là không muốn ra mặt tài trợ cho những nhóm không được cấp phép vì sẽ làm mất lòng Hà Nội nhưng vẫn có cách khác. Ví dụ như chương trình di trú ở Úc, có một loại chương trình đặc biệt mà khi nộp đơn, người ta không thông qua Bộ Di trú mà là tổ chức tư nhân được giấy phép của chính quyền.
\”Vì vậy, nếu có các chương trình mà các tổ chức xã hội dân sự có thể nộp đơn và xét duyệt bởi các tổ chức đó thay vì chính quyền Úc,\” ông Trung đề đạt.
\”Vì các hiệp ước thương mại đòi hỏi phải có, nên nhà nước Việt Nam đang soạn thảo Chương trình Hành động Quốc gia về ảnh hưởng lên nhân quyền và môi trường của các công ty. Chúng tôi lưu ý chính quyền Úc nên chú ý đến tiến trình soạn thảo, vì nó liên quan đến cuộc trao đổi về nhân quyền Úc Việt, và liên quan đến các công ty Úc hoạt động ở Việt Nam, cũng như vì Úc và Việt Nam là hai nước thành viên của CPTPP,\” ông Trung nói với BBC từ Úc.
Ông Trung cũng nhìn nhận, trong nước Úc cũng có nhiều luồng ý kiến về vấn đề Việt Nam. Các doanh nghiệp hưởng lợi từ các hiệp ước thương mại thì họ không muốn chính phủ Úc lên tiếng quá mạnh mẽ về các vấn đề nhân quyền trong khi các tổ chức xã hội dân sự thì muốn ngược lại.
\”Thái độ của chính phủ Úc khá nhẹ nhàng, mềm mỏng đối với những chế độ đàn áp như Việt Nam. Vì vậy, những kiến nghị trên chưa chắc đã được đáp ứng hay mang được kết quả tốt nhưng nếu chúng tôi không làm gì thì chắc chắn kết quả là không tốt. Giữa lựa chọn lên tiếng và không làm gì thì chúng tôi chọn lên tiếng,\” ông Trung lý giải.
Bên cạnh VOICE Australia, một tổ chức khác của người Việt cũng đề cập đến những vấn đề nhân quyền tương tự.
Nhân quyền bị lu mờ
Theo báo chí Việt Nam, chuyến thăm của Toàn quyền Úc được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước đang tích cực kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (1973 – 2023).
Tuy nhiên, nội dung trong các cuộc hội kiến giữa ông Hurley và tứ trụ Việt Nam, báo chí ở Việt Nam không hề đề cập đến các từ khóa \”nhân quyền\”, \”tù nhân lương tâm\” hay \”xã hội dân sự\”.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhận xét cuộc gặp tạo \”xung lực\” mới cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Úc cũng được bàn thảo nhưng chờ \”thời gian phù hợp\”.
TBT Nguyễn Phú Trọng khi tiếp đón ông Hurley thì nhấn mạnh Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác. Ông Trọng cũng đề nghị hai bên đẩy mạnh quan hệ chính trị.
Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ nhắc đến niềm tin chính trị giữa hai nước là cơ sở quan trọng để thúc đẩy quan hệ phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, cũng như thúc đẩy hợp tác trên kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và giao lưu nhân dân.
Còn Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các doanh nghiệp, quỹ đầu tư lớn của Úc sang VN đầu tư trong các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, hạ tầng, viễn thông, tài chính – ngân hàng, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số, khai khoáng, hàng không, du lịch…
Một số nhà quan sát nhận định với BBC rằng Hà Nội ngày càng mạnh tay đối với các vấn đề nhân quyền, nhất là sau chuyến thăm của ông Trọng đến Bắc Kinh hồi tháng 11/2022.
\”Việt Nam ngày càng có xu hướng ngả về phía Trung Quốc trong ách đàn áp phong trào dân chủ trong nước. Tuyên bố chung của Việt Nam-Trung Quốc trong chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng khi Tập Cận Bình cầm quyền tiếp tục nhiệm kỳ ba đã thể hiện điều đó. Đây là lần đầu tiên hai nước cộng sản đề cập chống \”chính trị hóa\” nhân quyền trong tuyên bố chung.
\”Hiện tại, chính quyền Hà Nội bắt đầu nhắm tới cả những luật sư nhân quyền – những người có giấy phép hành nghề như ông Đặng Đình Mạnh và các luật sư trong vụ Tịnh Thất Bồng Lai,\” một nhà hoạt động giấu tên chia sẻ với BBC.
Thực tế, không ít người cho rằng việc phản đối chính trị hóa nhân quyền là bàn cờ mà Trung Quốc sửa soạn trong tương lai, với trật tự thế giới hiện hành sẽ bị bóp méo để song hành với lợi ích của Trung Quốc.
Tuyên bố chung của Việt Nam và Trung Quốc đề cập tới việc chống cách mạng màu, chống diễn biến hòa bình và chính trị hóa nhân quyền cũng được cho là một trong những bước tính toán của Trung Quốc kéo Việt Nam vào guồng xoay mới đó.
Ông Đoàn Việt Trung nhắc lại thời điểm khi diễn ra đàm phán việc gia nhập Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam, Mỹ đã nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa vấn đề tự do chính trị và nhân quyền.
Từ khi có việc đàm phán về TPP, một số nhà hoạt động xã hội Việt Nam cũng cho rằng TPP sẽ thúc đẩy nhân quyền, vì có các điều khoản về quyền của người lao động và thành lập nghiệp đoàn độc lập.
Cho tới năm 2017, Mỹ rút khỏi TPP thì chính quyền Việt Nam \”tăng cường bắt bớ\”, theo ông Đoàn Việt Trung.
\”Chúng ta thấy khi Việt Nam e ngại sẽ mất quyền lợi trong các hiệp ước thương mại thì họ nhẹ tay với giới bất đồng chính kiến, nhưng khi mọi chuyện đã rồi thì họ tăng cường sách nhiễu. Như vậy, trong các hiệp ước thương mại giữa Việt Nam và các nước khác, vẫn có thể gây áp lực lên Việt Nam, quan trọng là phía Úc có muốn điều đó không,\” đại diện VOICE Australia kết luận.
Đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 18 giữa Việt Nam và Úc sẽ diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng Tư.
Theo báo cáo của HRW, hiện có hơn 170 nhà hoạt động Việt Nam bị bắt giữ và sách nhiễu.
Trước thềm chuyến công du của ông David Hurley, Human Rights Watch kêu gọi ông Hurley đề cập đến chính quyền Việt Nam về vấn đề vi phạm tự do tôn giáo, và cho phép các tổ chức tôn giáo tự do tiến hành các hoạt động của mình mà không bị can thiệp.
\”Điều rất quan trọng là ông Hurley nên thảo luận về số phận của hơn 160 người đang bị bỏ tù vì thực thi quyền căn bản của mình một cách ôn hòa. Ông Hurley nên hối thúc chính phủ Việt Nam thả tự do tất cả các tù nhân chính trị.\”
\”Ông Hurley nên kêu gọi thả ngay lập tức và vô điều kiện Châu Văn Khảm, công dân Úc, 73 tuổi và các nhà hoạt động nổi bật khác như Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng, Hoàng Đức Bình, Lê Đình Lượng, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Cấn Thị Thêu,\” theo HRW.
Úc và hai miền VN
Theo báo Nhân Dân, \”Toàn quyền Australia là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong năm 2023.\”
Đây là sự kiện diễn ra trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Australia (1973-2023), \”chuyến thăm khẳng định sự coi trọng và mong muốn của hai nước làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia\” trang báo của ĐCS VN cho biết.
Điều các báo VN hiện nay không nói rõ là Úc, giống như nhiều quốc gia dân chủ Phương Tây, quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với VNDCCH sau Hiệp định Paris năm 1973.
Cùng lúc, Canberra vẫn giữ Đại sứ quán ở Sài Gòn, thủ đô VNCH, thể hiện thái độ công nhận \”hai nước VN\”.
Cuối tháng 2/1973, thủ tướng Úc Gough Whitlam (đảng Lao Động) công bố tại Canberra quyết định lập quan hệ ngoại giao với VNDCCH, quốc gia cộng sản phía Bắc, nhưng vẫn là đồng minh quân sự của VNCH ở Nam Việt Nam.
Úc đã từng gửi 8000 quân tham chiến cùng Hoa Kỳ ở Nam VN, với số quân nhân Úc thiệt mạng là chừng 500.
Tuy thế, ông Whitlam đã ra lệnh ngưng viện trợ quân sự cho VNCH trong động thái \”xoay chiều\”. Chính phủ của ông cũng công nhận Đông Đức và CHND Trung Hoa, bỏ quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan).
Ngày 13/12/1975, đảng Lao Động thất cử, Gough Whitlam mất chức thủ tướng, nhưng tiếp tục giữ chức thủ lãnh đối lập và vẫn giữ đường lối cứng rắn hầu ngăn cản người Việt tị nạn được đến Úc định cư.
Ông Gough Whitlam lợi dụng việc thuyền nhân từ Việt Nam đến thẳng Úc để mở chiến dịch tranh cử, chống lại chính phủ của thủ tướng Malcolm Fraser.
Ngày 21/7/1979, Hội nghị quốc tế về người tị nạn được triệu tập tại Geneva với 66 quốc gia tham dự để tìm ra những giải pháp cho người tị nạn Đông Dương.
Sau đó, chính phủ Fraser đồng ý Úc sẽ nhận thêm mỗi năm hằng chục ngàn người tị nạn.
Đồng thời tiến hành thương lượng với chính quyền ở VN để những người tị nạn được bảo lãnh gia đình còn kẹt lại ở Việt Nam sang Úc định cư.
Cộng đồng gốc Việt tại Úc được cho là hội nhập tốt và họ từng bày tỏ lòng biết ơn với ông Fraser.