UBND Xuyên Mộc trần tình về cáo buộc cưỡng chế phi pháp Tịnh thất Thiên Quang

2023.04.06

\"UBNDChùa Thiên Quang ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

 Facebook Chùa Thiên Quang

Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vào ngày 6/4 lên tiếng về biện pháp cưỡng chế bị Tịnh Thất Thiên Quang (TTTQ) tố cáo. Mạng báo Công an Nhân dân (CAND) loan tin trong cùng ngày 6/4 về trần tình vừa nêu.

Biện pháp lên tiếng của UBND huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu được cho biết do từ ngày 31/3 đến nay, tài khoản Facebook “Chùa Thiên Quang” và “Thích Vĩnh Phước” đăng nhiều bài viết và tiến hành livestream kêu gọi cộng đồng mạng can thiệp việc cưỡng chế đối với nơi thờ tự này.

Phía UBND Huyện Xuyên Mộc bác bỏ trình bày của TTTQ về sự hiện diện lâu nay và mỗi khi tiến hành xây dựng các công trình trên đất của chùa thì cơ quan chức năng lập tức đến cưỡng chế, ngăn cản.

Như tin RFA đã loan, liên tiếp trong hai ngày 10 và 11/11, nhân lúc Thượng tọa Thích Thiên Thuận – trụ trì chùa Thiên Quang (toạ lạc tại xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) – đi vắng, chính quyền huyện Xuyên Mộc đã đưa người và xe cẩu, xe tải vào tháo dỡ công trình bằng gỗ cọc tiêu tận dụng, có diện tích khoảng 60 mét vuông.

Đây không phải lần đầu chùa Thiên Quang bị chính quyền gây sức ép dẹp bỏ bằng cách tháo dỡ các công trình đã và đang xây dựng, mà từ cuối năm 2021, cơ sở tôn giáo độc lập này đã từng nhận được quyết định của Uỷ ban nhân dân huyện Xuyên Mộc yêu cầu tháo dỡ các công trình mà chùa đã xây dựng từ năm 2000.

Vị trụ trì cơ sở tôn giáo độc lập này cho rằng sở dĩ chùa không xin phép xây dựng nhà khách vì công trình này được lắp ráp bằng gỗ cọc tiêu tận dụng chứ không phải công trình kiên cố. Thêm nữa, ông nói, từ khi lập chùa cách đây hơn 20 năm đến giờ, chính quyền địa phương chưa bao giờ đồng ý cho chùa xây dựng bất cứ thứ gì cho dù chùa nộp đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu.

Vào ngày 6/4, Thượng tọa Thích Thiên Thuận trình bày với Đài Á Châu Tự do:

Chùa TQ được thành lập từ năm 2000 nhưng họ không cấp giấy tờ, họ yêu cầu tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là chùa có đông Phật tử, một trung tâm văn hóa Phật giáo, trong khu vực nhưng vì không theo phái Nhà nước nên họ gây khó khăn như vậy.

Chính phủ Hà Nội chỉ công nhận một giáo hội Phật giáo được Nhà nước hậu thuẫn, còn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dù đã tồn tại từ trước năm 1975 bị đặt ngoài vòng pháp luật.

Thực tế này cũng tương tự các tôn giáo khác trong nước; khiến những người theo phái chân truyền của các giáo hội lên tiếng về tình trạng bị sách nhiễu, bách hại.

Bài Liên Quan

Leave a Comment