12 tháng 4 2023
Giới chức quốc phòng và nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Philippines vào hôm qua 11/04 đã đồng thuận về một lộ trình trong các tháng tới đây, liên quan đến hoàn tất cung cấp hỗ trợ quốc phòng của Mỹ dành cho quốc gia Đông Nam Á này trong vòng 5 đến 10 năm tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết các đồng minh lâu năm của Mỹ, có cùng chung sự quan ngại trước những hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc, đã cùng thảo luận về việc chuyển giao \”những nền tảng quốc phòng mang tính ưu tiên\”, bao gồm radar, drone, máy bay vận chuyển quân sự và các hệ thống phòng không và bờ biển tại cuộc họp 2+2 ở Washington, với sự tham dự của Ngoại trưởng Antony Blinken và người đồng cấp Philippines.
Một tuyên bố chung có nội dung \”việc áp dụng Lộ trình Hỗ trợ Lĩnh vực An ninh (Security Sector Assistance Roadmap) trong các tháng tới sẽ định hướng các khoản đầu tư hiện đại hóa và thông báo việc giao các nền tảng ưu tiên trong vòng 5 đến 10 năm tới.\”
Ngoại trưởng Philippines, Enrique Manalo, phát biểu trong cuộc họp báo là hai bên đã \”tăng cường\” cam kết hiện đại hóa liên minh Philippines-Hoa Kỳ, nhận ra rằng \”sự hợp tác của chúng ta sẽ cần đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc gìn giữ một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế.\”
Các chuyên gia cho rằng Mỹ xem Philippines là một địa điểm tiềm năng cho các hệ thống roket, tên lửa và pháo nhằm chống lại một cuộc xâm lược đổ bộ của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh luôn tuyên bố chủ quyền.
Ông Austin cho biết \”vẫn còn quá sớm\” để thảo luận về những gì Mỹ sẽ thiết lập tại các căn cứ quân sự của Philippines dựa theo Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) được mở rộng gần đây.
Ngoại trưởng Manalo cho biết các địa điểm thuộc EDCA phần lớn nhắm đến cải thiện khả năng phối hợp quân sự, giải quyết các thảm họa nhân đạo có thể xảy ra \”và có lẽ ứng phó với các hình thức thách thức an ninh khác,\” nhưng không nêu chi tiết.
Lầu Năm Góc không nêu cụ thể các địa điểm bổ sung nào sẽ được dùng cho mục đích gì, ngoại trừ sẽ gồm việc mở rộng sân bay và huấn luyện bao gồm tài sản thuộc hải quân.
Ông Manalo nói hôm thứ Hai 10/04 rằng Washington và Manila sẽ cần thảo luận về việc Mỹ có thể làm gì khi tiếp cận các địa điểm thuộc EDCA.
Thỏa thuận EDCA cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ tại Philippines để tiến hành công tác huấn luyện chung, thiết lập trước trang thiết bị và xây dựng các cơ sở hạ tầng như đường băng, kho nhiên liệu và nhà quân sự, nhưng không phải là sự hiện diện mang tính vĩnh viễn.
Tuyên bố chung cũng cho biết Mỹ sẽ tăng mức ngân sách dành cho các địa điểm của EDCA lên hơn 100 triệu USD trước thời điểm cuối năm 2023, hơn mức công bố trước đó là 80 triệu USD.
Hai bên cũng đồng thuận về đẩy nhanh các hướng dẫn mới cho nền quốc phòng song phương.
Chuyên gia về Đông Nam Á, Greg Poling từ Center for Strategic and International Studies (CSIS) nói những hướng dẫn như vậy nhằm cung cấp định hướng mang tính chiến lược và đề ra trách nhiệm cho mỗi bên.
\”Mỹ và Nhật đã thương lượng về các hướng dẫn quốc phòng vào năm 1978 cho cuộc Chiến tranh Lạnh, vào năm 1998 cho vấn đề Bắc Hàn, và năm 2015 tập trung về Trung Quốc, trong khi Mỹ và Philippines chưa bao giờ làm điều tương tự như vậy,\” ông cho biết.
Cuộc gặp tại Washington diễn ra sau khi hơn 17.000 binh sĩ Philippines và Mỹ bắt đầu các cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay vào ngày 11/04, nhấn mạnh đến quan ngại chung của họ về Trung Quốc, quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Philippines và các nước khác trong khu vực trên Biển Đông.
Mối quan hệ Mỹ-Philippines đã nồng ấm hơn đáng kể dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, và cuộc gặp 2+2 nhấn mạnh đây lần này lần đầu tiên diễn ra trong bảy năm qua. Nhưng Manila cũng đang trên một lộ trình mong manh với phía Trung Quốc, cường quốc kinh tế trong khu vực.
Ông Marcos đã tái đảm bảo với Trung Quốc vào hôm thứ Hai 10/04 là các căn cứ quân sự mà Mỹ có thể tiếp cận sẽ không được sử dụng cho hành động tấn công, nhấn mạnh thỏa thuận với Washington được thiết kế để tăng cường nền quốc phòng của quốc gia Đông Nam Á này.