Các tổ chức quốc tế phản đối bản án của ông Nguyễn Lân Thắng, hy vọng gì?

  • Bùi Thư
  • BBC News Tiếng Việt
\"Nguyen

Sau khi Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên ông Nguyễn Lân Thắng 6 năm tù và 2 năm quản chế, nhiều tổ chức và dư luận thế giới đã lên tiếng.

Gửi cho BBC bức thư cảm ơn, bà Lê Bích Vượng, vợ ông Nguyễn Lân Thắng viết:

\”Phải nói rằng bản án là một nỗi buồn lớn cho gia đình chúng tôi. Với những gì Anh Thắng đã làm và đã nói, gia đình chúng tôi vẫn luôn tin tưởng anh là một người yêu nước, chưa bao giờ làm gì sai với đất nước và lương tâm. Niềm tin này là tin ở cái đúng, cái tiến bộ đích thực sớm muộn sẽ chiến thắng.

\”Cái giá của tự do và công bằng chưa bao giờ rẻ. Tất cả mọi người đều được an toàn chỉ khi cùng lên tiếng đấu tranh chống bất công và khi đó xã hội chúng ta mới trở thành một xã hội văn minh. Chúng tôi hy vọng các bạn sẽ tiếp tục đồng hành cùng anh Thắng trên chặng đường có lẽ sẽ rất dài này – Và cùng nhau chiến thắng!\”

Vài giờ sau khi tham dự phiên xử kín của chồng mình, bà Vượng cũng tâm sự rằng mức án 6 năm tù 2 năm quản chế làm bà \”choáng váng đến mức khó có thể định hình được điều đang xảy ra với anh Thắng, tôi và gia đình\”.

Bà bộc bạch niềm tin vào công lý cũng như hy vọng nhiều hơn về sự tự do cho những việc làm mang ý nghĩa tích cực và tốt đẹp mà chồng bà đã và đang làm.

\”Điều an ủi duy nhất đối với tôi là được nhìn thấy chồng sau gần 10 tháng xa cách. Anh khoẻ, vững tin và tự tin nói về những việc làm của mình. Và rất vui khi biết anh chị em, gia đình, bạn bè đang chờ đợi ngay phía bên ngoài!\” bà Vượng viết trên Facebook.

Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW khu vực châu Á cho rằng, chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đến Hà Nội nên \”nhân cơ hội này để thúc giục trả tự do cho hơn 160 tù nhân chính trị bị cầm tù vì thực thi các quyền của họ.\”

Ông Phil cũng nói chỉ một tuần trước chuyến công du của ông Blinken, tòa án do Đảng Cộng sản kiểm soát đã kết tội và kết án blogger Nguyễn Lân Thắng sáu năm tù.

Tổ chức quốc tế, dư luận lên tiếng

Trả lời BBC News Tiếng Việt ngay sau phiên tòa sơ thẩm của ông Thắng, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW khu vực châu Á bình luận:

\”Bản án dành cho Nguyễn Lân Thắng là quá đáng và không thể chấp nhận được, và cho thấy nhân quyền ở Việt Nam ngày nay hoàn toàn không được coi trọng.

\”Việt Nam đang triệt hạ và bỏ tù một cách có hệ thống mạng lưới những nhà hoạt động chính trị và người đứng đầu các tổ chức phi chính phủ dám thực hiện quyền của mình để đòi cải cách và cải thiện đất nước. Người dân Việt Nam sẽ là kẻ bại trận sau cuối trong trò chơi này, khi các bộ máy đảng lợi dụng việc thanh trừng những người tố cáo để tăng cường nạn tham nhũng của đảng cầm quyền,\” ông Phil nói với BBC ngày 12/4.

Ông Ian Seiderman, Giám đốc Chính sách và Pháp lý của Ủy ban luật gia quốc tế (ICJ) nói trong một thông cáo phát đi ngày 12/4:

\”Việc truy tố và kết án không chỉ là một hành vi sai phạm về công lý đối với một cá nhân, mà còn là một cuộc tấn công khác vào nền pháp quyền vốn đã xuống cấp ở Việt Nam. Cuộc đàn áp đang diễn ra và tăng cường nhắm vào các nhà hoạt động xã hội dân sự, luật sư, nhà báo, nhà bình luận chính trị và người bảo vệ nhân quyền vì đã tham gia vào các hoạt động được bảo vệ theo luật nhân quyền.\”

ICJ cho rằng việc truy tố và kết tội Nguyễn Lân Thắng là dựa trên những cáo buộc giả nhằm trả đũa việc ông thực hiện quyền tự do ngôn luận và công việc chính danh của mình với tư cách là một nhà báo.

\”Không có lý do rõ ràng nào được công khai về việc tại sao tòa quyết định xét xử kín vụ ông Nguyễn Lân Thắng,\”

\”Khoảng thời gian chóng vánh cho việc tham vấn với luật sư chuẩn bị phần bào chữa cho ông ấy, cùng với việc sử dụng quy trình xử kín, là vi phạm quyền được xét xử công bằng theo luật quốc tế,\” ông Seiderman nói.

Bên cạnh ICJ, Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) đã viết trên Twitter hôm 12/4 rằng, bản án không gì khác hơn là một nỗ lực để dẹp im tiếng nói củaông ấy và những người dũng cảm khác đã lập hồ sơ các vi phạm nhân quyền trong nước.

\”Trong phiên tòa hôm nay, chỉ có vợ và luật sư của ông Thắng được phép tham dự, xung quanh phiên tòa được bảo vệ nghiêm ngặt. Ông ấy chỉ được tiếp xúc với luật sư của mình bay tháng sau khi bị giam giữ vì tội \”chống nhà nước\” vào tháng 7 năm 2022…

AI cũng khẳng định, các cáo buộc nhắm vào ông Nguyễn Lân Thắng là liên quan đến các video mà ông ấy đăng tải lên mạng xã hội về các cuộc biểu tình và vi phạm nhân quyền. Tổ chức nhân quyền quốc tế này cho rằng, hoạt động và tường thuật ôn hòa của ông Thắng nên được hoan nghênh như một phần của cuộc tranh luận công khai hợp pháp ở Việt Nam.

Cuối cùng, cũng như ICJ, AI kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Lân Thắng ngay lập tức và vô điều kiện.

\"Nguyen

Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên án bản án của ông Nguyễn Lân Thắng:

\”Mỹ lên án bản án sáu năm tù đối với nhà báo và nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Việt Nam – ông Nguyễn Lân Thắng. Ông Thắng đã được quốc tế công nhận vì đã đưa tin về nhiều vấn đề chính trị xã hội ở Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam giải quyết ngay vấn đề kết án và tuyên án oan sai đối với ông Thắng và cho phép tất cả các cá nhân ở Việt Nam thực hiện quyền tự do ngôn luận mà không sợ bị trả đũa, phù hợp với các điều khoản nhân quyền trong hiến pháp Việt Nam cũng như nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam.\”

Trước đó, ngày 11/4, 10 tổ chức quốc tế đã cùng nhau ra thông cáo chung gửi đến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, yêu cầu hủy bỏ cáo buộc đối với ông Nguyễn Lân Thắng và bảo đảm quyền được xét xử công minh, bằng cách cho phép báo chí và công chúng theo dõi phiên tòa.

\”Dù đã nỗ lực thu thập thêm thông tin về các cáo buộc cũng như cơ sở hợp lý việc tòa án loại trừ báo chí và công chúng khỏi phiên tòa xét xử ông Nguyễn Lân Thắng, chúng tôi không có thông tin nào chỉ ra có bất kỳ trường hợp ngoại lệ cho phép xét xử kín phiên tòa này theo luật nhân quyền quốc tế,\” trích thông cáo.

Sau phiên tòa của ông Thắng, Facebook tên Chau Doan với gần 150.000 người theo dõi bình luận:

\”6 năm tù giam, 2 năm quản chế cho một người chỉ đơn giản là nói lên tiếng nói bất bình trước một hiện thực xã hội be bét. Với góc nhìn của tôi, Nguyễn Lân Thắng không hề có hoạt động nào được gọi là chống chính quyền. Trong khi ấy thì cán bộ trong bộ máy tham nhũng kinh hoàng, tham nhũng ngay cả trong lúc người dân cần sự giúp đỡ nhất, đang đau khổ, khốn cùng nhất…

\”Những bản án này có tác dụng gì? Nếu có tác dụng răn đe thì răn đe cái gì? Nó sẽ biến thế hệ trẻ thành một thế hệ hèn nhát, thấy sai không dám lên án, thấy cái đúng bị ức hiếp không dám bảo vệ? Cái thái độ sống câm lặng đớn hèn ấy mà ăn vào máu thế hệ trẻ thì lấy tinh thần mạnh mẽ ở đâu để chống ngoại xâm khi cần? Tôi tin rằng Nguyễn Lân Thắng có tinh thần yêu nước nhiều hơn tất cả những vị đã đưa ra bản án này.\”

Cuối cùng, ông Chau Doan cho rằng bản án đối với ông Nguyễn Lân Thắng là không hợp lòng dân, không nhân đạo, nó kéo lùi sự tiến bộ của xã hội.

\"NGUYEN

Facebook tên Dũng Hoàng bình luận: \”Đọc mấy dòng Nguyen Lan Thang gửi bé Đậu, nhớ câu thơ của Đông Trình ngày xưa: \”Dù rất xa nhưng đường đi phải tới / Vì đau thương đã nạm ngọc chân người\”. Tôi thấy biết ơn Nguyễn Lân Thắng dám trả giá cho niềm tin của mình và nhất là biết ơn bé Đậu về tất cả những gì bé phải trải qua.\”

Một người có Facebook tên Lao Ta (được cho là của nhà văn Tạ Duy Anh) thì viết rằng:

\”Có thể vài phản biện của Thắng thuộc loại nghịch nhĩ chính quyền; có thể vài việc làm của Thắng gây nóng mắt ai đó. Nhưng chính quyền có tất cả các công cụ sức mạnh trong tay, sao phải e sợ một kẻ trói gà không chặt? Không cẩn thận xã hội chỉ còn tràn ngập những lời dối trá, nịnh bợ. Một xã hội thiếu những tiếng nói phản biện, phê phán trung thực, giống như một cơ thể sợ liều thuốc đắng, thì trước sau cũng mắc căn bệnh nan y là hoại tử toàn thân.\”

\”Tôi không chúc Thắng may mắn, bởi lời chúc của một kẻ bất lực, vô dụng như tôi chả có giá trị gì. Nhưng tôi chúc những người đang nắm quyền lực, cùng những người thay mặt Thần Công lý có thể tìm thấy sự thanh thản sau phiên xử, dù tôi biết chuyện đó khó hơn cả leo lên trời,\” ông viết.

\”Bố có phải người làm cách mạng không?\”

Đó là lời bé Đậu, con gái lớn của ông Nguyễn Lân Thắng năm nay 9 tuổi đã hỏi mẹ khi cô bé nghe về nhà tù Hỏa Lò – nơi đang là di tích tham quan tại Hà Nội đã từng là chốn giam giữ những người làm cách mạng.

Từ khi bố đi vắng, bé Đậu dù chỉ mới 9 tuổi nhưng phụ hợ mẹ làm việc nhà và chăm em. Bà Vượng kể, dường như ba mẹ con ai cũng trưởng thành hơn:

\”Thực sự mà nói là tôi biết ơn con mình vì bé rất thông cảm và bao dung với mẹ. Có hôm tôi chở Đậu đi qua nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội, thấy mọi người xếp hàng tham quan thì Đậu hỏi và tôi cũng nói đó là nơi trước đây giam giữ những người làm cách mạng.\”

\”Cuối câu chuyện, con hỏi rằng: Mẹ ơi, thế bố có phải là người làm cách mạng không. Tôi cũng nói với con, bố chưa phải là người làm cách mạng, nhưng bố có những tư tưởng tiến bộ. Và rồi phải giải thích cho con tiến bộ, tiên phong là gì.\”

Với bản án 6 năm tù, khi đó bé Đậu – con gái lớn của ông Thắng đã là cô bé 15 tuổi và mặc áo dài. Còn Đỗ – con trai ông đã vô lớp 2, không còn là đứa bé 18 tháng tuổi khi ông bị bắt giam.

Điều đó đồng nghĩa ông Thắng sẽ mất đi quãng thời gian 6 năm cuộc đời nhìn thấy sự trưởng thành của hai đứa con mình.

Năm 2014, khi bé Đậu, con gái lớn của ông Nguyễn Lân Thắng tròn 6 tháng tuổi, ông đã viết một bức thư gửi con mình. BBC xin trích một vài dòng như sau:

\”Bố yêu con như thế nào thì bố cũng yêu mảnh đất này như thế. Bố không thể chấp nhận làm kẻ bỏ chạy mà phải chiến đấu bằng được để giữ mái nhà tổ quốc này cho con. Bố không thể nhởn nhơ sống cho riêng mình khi xung quanh toàn khổ đau và nước mắt. Đối với bố đó không phải là hạnh phúc. Bố ước gì con được sống trong một tương lai tốt đẹp hơn bố. Con được sống trong tình thân ái, trong niềm tin, niềm hân hoan và những thứ mà một con người đáng được hưởng.

Có thể bố sẽ thất bại. Có thể bố sẽ không được ở bên con ba mươi năm còn lại như dự tính. Nhưng dù thế nào bố cũng đã quyết định thế rồi, và nếu cuộc đời con gặp những khó khăn vì bố gây ra thì xin con hãy nhớ về một ông bố đã tuyệt vọng chiến đấu để con có cuộc sống hạnh phúc đích thực mà tha thứ cho bố.\”

Bên cạnh những bài viết phản biện xã hội, trên Facebook tên Nguyễn Lân Thắng cũng thường xuyên đăng tải video, hình ảnh gia đình, đặc biệt là con gái tên Đậu đánh đàn.

Theo lời kể của bà Vượng, tiếng đàn của bé Đậu vẫn vang lên hàng ngày, nhưng thiếu mất một người nghe trung thành. Đậu nhắc đến bố, bảo là sẽ tập bài này, bài kia để tặng bố. Bé cũng vẽ tranh và nói với mẹ là để kiếm tiền phụ mẹ nuôi bố.

\”Ngay buổi chiều hôm anh Thắng bị bắt, lúc đó Đậu nghỉ hè nên tôi cũng cho con đi cùng tới Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội để gửi đồ cho bố và kiểm các đồ đạc họ tịch thu ở nhà. Tôi cũng nói với cán bộ điều tra cho bé ôm bố một chút thì Đậu được ôm bố và nói chuyện vài câu. Sau khi về thì bé cũng hỏi và tôi cũng chia sẻ hết toàn bộ với con.

\"Lê
Chụp lại hình ảnh,Ông Nguyễn Lân Thắng cùng bé Đỗ nghe Đậu đánh đàn

Còn Đỗ, chỉ vừa tròn 18 tháng tuổi khi ông Thắng bị bắt, theo lời bà Vượng, nay cũng đã trưởng thành hơn nhiều:

\”Hễ có khách đến nhà chơi, đặc biệt là đàn ông hay con trai như các bác, các chú đến thăm là bé sẽ ôm chầm lấy vì có lẽ bị cảm giác thiếu bố.\”

Đã hơn 9 tháng trời, bà Vượng cũng như bé Đậu, bé Đỗ đều không được gặp ông Thắng dù bà đã nỗ lực làm đơn gửi các nơi như trại giam, VKS, tòa án, theo hướng dẫn của các luật sư.

Và hôm qua ngày 12/4, bà Vượng viết rằng, điều an ủi duy nhất ở phiên tòa xử kín đó là được nhìn thấy chồng sau gần 10 tháng xa cách.

Bài Liên Quan

Leave a Comment