- Mỹ Hằng
- BBC News Tiếng Việt
Trước mỗi chuyến thăm của các chính khách cấp cao Hoa Kỳ tới Việt Nam, giới quan sát thường chờ đợi một hoặc một vài tù nhân lương tâm sẽ được trả tự do.
Đã có một số đồn đoán về khả năng nhà báo Phạm Đoan Trang được tại ngoại trong những đợt viếng thăm Hà Nội trước đây của các nhà ngoại giao Mỹ. Tuy nhiên trên thực tế, bà Trang vẫn tiếp tục chịu án tù, trong khi liên tiếp có thêm những người bất đồng chính kiến khác bị bắt hoặc đưa ra xét xử. Mới đây nhất là phiên tòa xử nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng với án tù 6 năm.
Vậy giới nhân quyền có thể kỳ vọng gì vào chuyến thăm Việt Nam hôm 14/4 của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken?
BBC News Tiếng Việt có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) Phil Robertson:
BBC: Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken có ý nghĩa gì đối với tình hình nhân quyền tại Việt Nam?
Phil Robertson: Thành thật mà nói, chỉ khi Ngoại trưởng Blinken thực sự công khai bàn về nhân quyền thì chuyến thăm của ông mới ý nghĩa nào đó đối với tình hình nhân quyền đang xấu đi nhanh chóng trên diện rộng ở Việt Nam.
Rõ ràng là Hà Nội khá thành thạo trong việc đơn giản phớt lờ bất kỳ yêu cầu nhân quyền nào được đưa ra sau những cánh cửa đóng kín.
Chỉ cần nhìn vào các trường hợp của công dân Trung Quốc, nhà hoạt động Đổng Quảng Bình (Dong Guang Ping – bị công an Việt Nam bắt hồi tháng Tám năm ngoái khi đang tị nạn chính trị), bản án mới nhất dành cho nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, và các hình phạt khắc nghiệt đối với các nhà lãnh đạo môi trường tại các NGO.
Mỹ, Anh và EU cần thức tỉnh và nhận ra rằng cách tiếp cận \’tử tế hơn, kín đáo hơn, nhẹ nhàng hơn\’ của họ đối với nhân quyền ở Việt Nam đã thất bại nặng nề và họ cần phải nhanh chóng thay đổi chiến thuật của mình nếu họ định gây bất kỳ tác động nào đến vấn đề quyền con người.
BBC: Ông dự đoán Việt Nam sẽ trả tự do cho những tù nhân chính trị nào trong dịp này? Tại sao?
Phil Robertson: Tôi sẽ khá ngạc nhiên nếu chính quyền Việt Nam trả tự do cho bất kỳ tù nhân chính trị nào, nhưng Hoa Kỳ nên thúc đẩy một nỗ lực lớn để trả tự do cho một tù nhân nổi tiếng, như Phạm Đoan Trang.
BBC: Ông Blinken có hoạt động nào đáng chú ý để ủng hộ nhân quyền đặc biệt là ở Việt Nam trong sự nghiệp chính trị của mình không?
Phil Robertson: Cho đến nay, giống như phần còn lại của chính quyền Biden, ngoại trưởng Blinken ít có phát ngôn nào và về cơ bản không có hành động gì về nhân quyền ở Việt Nam.
Rõ ràng là Bộ Ngoại giao Mỹ không mấy nỗ lực trong vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, và đó là một sự thất vọng to lớn đối với người dân Việt Nam, những người đang phải chịu đựng một chính phủ ngày càng đàn áp, chà đạp lên các quyền tự do dân sự và chính trị cơ bản.
Vấn đề thực sự là chính sách của Hoa Kỳ đang bước vào một giai đoạn gần như Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc, và do đó, các tính toán chính trị thực dụng nhằm ve vãn Việt Nam có nghĩa là chính quyền Hoa Kỳ chỉ đang nói suông về nhân quyền.
BBC: Có dự đoán rằng dịp này Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên đối tác chiến lược. Để đạt được điều này, Hoa Kỳ cần đặt ra những điều kiện gì đối với nhân quyền của Việt Nam?
Phil Robertson: Trừ khi có một sự điều chỉnh nghiêm túc từ phía Hoa Kỳ, sự nâng cấp trong quan hệ ngoại giao này có thể sẽ dẫn đến việc tiếp tục đẩy những quan ngại của Hoa Kỳ về nhân quyền ra bên lề.
Cho đến nay, trong khi Hoa Kỳ chỉ giỏi nói hơn làm trong vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, chúng tôi chưa thấy Chính quyền Biden có thể nói đi đôi với làm trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam này.
Trong một viễn cảnh lý tưởng, Hoa Kỳ sẽ phát triển một kế hoạch vận động nhân quyền cho Việt Nam, với các tiêu chuẩn nhân quyền phù hợp – giống như Chính quyền Obama đã làm trong các cuộc đàm phán TPP.
Thực sự rất nản lòng khi chính quyền Biden đã học được quá ít từ những thành công của Obama trong việc sử dụng đòn bẩy kinh tế để đạt được tiến bộ cụ thể về nhân quyền.
BBC: Việt Nam kết án nhà hoạt động nổi tiếng Nguyễn Lân Thắng 6 năm tù ngay trước chuyến thăm của ông Antony Blinken. Hành động này có ý nghĩa gì?
Phil Robertson: Việc kết án nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng vào đêm trước chuyến thăm của Blinken cho thấy sự coi thường của Hà Nội đối với những quan ngại mà Hoa Kỳ đã nêu về nhân quyền ở Việt Nam.
Nó cũng cho thấy rằng chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam tin rằng về cơ bản họ có thể chẳng cần đếm xỉa gì đến Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong những vấn đề như thế này, mà chẳng bị làm sao cả.
* Hiện Việt Nam đang giam cầm hơn 160 nhà hoạt động. Trong thông cáo báo chí ngày 13/4, HRW kêu gọi ông Blinken đưa ra lời kêu gọi đặc biệt đòi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho blogger Phạm Đoan Trang, người đã nhận Giải thưởng Phụ nữ Dũng cảm Quốc tế năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ, người mà ông Blinken đã cam kết bảo vệ.
HRW cũng đề cập tới những nhà hoạt động mới bị bắt và xét xử như Trương Văn Dũng, Nguyễn Lân Thắng. Các nhà hoạt động môi trường hiện đang thụ án tù như Ngụy Thụy Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi…
HRW cũng kêu gọi ông Blinken thúc ép các nhà lãnh đạo Việt Nam chấm dứt các hạn chế quyền tự do đi lại với người bất đồng chính kiến. Năm ngoái, HRW đã công bố báo cáo \”Bị khóa bên trong nhà mình\” nêu chi tiết vô số cách mà chính phủ Việt Nam thường xuyên vi phạm quyền này.
\”Ông Blinken nên nói rõ rằng không thể có \”hợp tác như bình thường\” với chính phủ Việt Nam chừng nào họ còn gia tăng đàn áp các nhà hoạt động,\” thông cáo của HRW viết.
Quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam
Ngày 29 tháng 3 năm 2022
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden điện đàm \”nhất trí thúc đẩy, phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương\”
Ngày 19 tháng 6 năm 2022
Tàu bệnh viện USNS Mercy thuộc Bộ Tư lệnh Hải vận Quân sự Hoa Kỳ đã cập Cảng Vũng Rô, Phú Yên, Việt Nam, đánh dấu điểm dừng chân đầu tiên trong khuôn khổ chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2022.
Ngày 12 tháng 5 năm 2022
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong khuôn khôt Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ tổ chức tại Washington D.C.
24-26 tháng 8 năm 2021
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris thăm Việt Nam.
Ngày 25 tháng 7 năm 2021
Hoa Kỳ tặng tổng cộng năm triệu liều vaccine Moderna cho Việt Nam trong đại dịch. Hoa Kỳ cũng đầu tư 1 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng y tế của Việt Nam và đã cam kết hỗ trợ 19,8 triệu USD giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch.
Ngày 24 tháng 7 năm 2021
CSB-8021, chiếc tàu tuần duyên thuộc lớp tàu Hamilton đã hết hạn sử dụng của Mỹ được chuyển giao cho Cảnh sát biển VN.
2021
Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ đã tăng từ 451 triệu USD năm 1995 lên gần 113 tỷ USD vào năm 2021. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trị giá 79,6 tỷ USD vào năm 2020.
5-9 tháng 3 năm 2020
Việt Nam tiếp đón tàu sân bay Theodore Roosevelt của Hải quân Hoa Kỳ.
5-9 tháng 3 năm 2018
Tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ đã có chuyến ghé thăm lịch sử tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam, lần đầu tiên một con tàu cỡ này đến thăm kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.
11-12 tháng 11 năm 2017
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm Việt Nam và dự Hội nghị APEC.
29-31 tháng 5 năm 2017
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Hoa Kỳ.
22-24 tháng 5 năm 2016
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thăm Việt Nam và thông báo Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam
6-10 tháng 7 năm 2015
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ. Hai nước thông qua Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
2 tháng 10 năm 2014
Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần lệnh cấm cung cấp vũ khí sát thương cho Việt Nam.
24-26 tháng 7 năm 2013
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Hoa Kỳ.
23-26 tháng 6 năm 2008
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm Hoa Kỳ.
18-23 tháng 6 năm 2007
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Hoa Kỳ.
17-20 tháng 11 năm 2006
Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush thăm Việt Nam và dự APEC 2006.
31 tháng 5 năm 2006
Ký kết hiệp định song phương về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
19-25 tháng 6 năm 2005
Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ.
10 tháng 12 năm 2001
Hiệp định thương mại song phương có hiệu lực. Sản phẩm Việt Nam được giảm thuế từ mức trung bình 40% xuống trung bình 3% khi vào Hoa Kỳ.
16-19 tháng 11 năm 2000
Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam.
Tháng 5 năm 1997
Hai nước trao đổi Đại sứ. Ông Lê Văn Bang trở thành Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ và ông Douglas Peterson trở thành Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
5 tháng 8 năm 1995
Warren Christopher khánh thành Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội khi ông có chuyến thăm chính thức đầu tiên của một ngoại trưởng Hoa Kỳ tới Việt Nam.
11 tháng 7 năm 1995
Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
3 tháng 2 năm 1994
Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam.
11 tháng 11 năm 1991
Chính phủ Hoa Kỳ chính thức cho phép khách du lịch, cựu chiến binh, nhà báo, doanh nhân Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam.
30 tháng 4 năm 1975
Cấm vận thương mại của Hoa Kỳ, đã có hiệu lực đối với Bắc Việt Nam từ năm 1964, được mở rộng cho toàn bộ Việt Nam.