Đăng ngày: 13/04/2023
Từ khi bắt tay Iran, dưới sự bảo trợ của Trung Quốc, Ả Rập Xê Út khẳng định vai trò trung tâm bàn cờ ngoại giao tại Trung Đông. Vị thế của phương Tây, đứng đầu là Mỹ, tại khu vực càng bị thu hẹp lại trước viễn cảnh Riyad cùng với Teheran đưa Syria hội nhập trở lại với các nước vùng Vịnh và khối các quốc gia Ả Rập, cho dù cuộc nội chiến Syria từ 2011 làm khoảng nửa triệu người chết, hơn 6 triệu người phải di tản vẫn chưa chấm dứt
Kịch bản một phái đoàn ngoại giao Iran và Syria hiện diện cùng lúc tại vương quốc dầu hỏa Ả Rập Xê Út một tháng trước đây là điều không tưởng. Từ khi phong trào dân chủ Syria bùng lên hồi 2011, Ả Rập Xê Út và Iran đứng về hai phe : Teheran, cùng với Nga, bảo trợ cho chế độ Damas, trong lúc Riyad, một đồng minh của Mỹ, đứng về phía lực lượng nổi dậy.
Vậy mà hôm 12/04/2023, một phái đoàn của Teheran đã đến Riyad chuẩn bị cho việc mở lại tòa đại sứ Iran tại Ả Rập Xê Út. Cùng lúc ngoại trưởng Syria hội kiến với đồng cấp Ả Rập Xê Út hai ngày trước hội nghị Jeddha, quy tụ các nước vùng Vịnh để thảo luận về khả năng chấm dứt cô lập Syria.
Viễn cảnh chính quyền Damas hội nhập trở lại Liên Đoàn Ả Rập sau 13 năm chế độ của tổng thống Bachar Al Assad bị khai trừ khỏi khối này và bình thường hóa quan hệ giữa Syria với các thành viên trong Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh là bước kế tiếp sau việc Iran và Ả Rập Xê Út làm hòa.
Tháng trước, tại Bắc Kinh, Ả Rập Xê Út, đồng minh lâu đời của Mỹ ở Trung Đông và Iran, quốc gia có mối bang giao mật thiết với Nga và cũng là kẻ thủ của Washington, đã rầm rộ thông báo nối lại bang giao nhờ vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc.
Kể từ cuộc cách mạng 1979, Vương Quốc Hồi Giáo Ả Rập Xê Út theo hệ phái Sunni vẫn là kẻ thù không đội trời chung của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran theo hệ phái Shia. Đôi bên liên tục đối đầu nhau trên nhiều hồ sơ, từ cuộc nổi dậy ở Syria hay Yemen đến vấn đề ở Liban.
Riêng về Syria, ngay từ đầu cuộc nổi dậy đòi dân chủ mùa xuân 2011, Iran đã yểm trợ chính quyền của tổng thống Bachar Al Assad và mới đây nhất, theo điều tra của hãng tin Anh Reuters, Teheran lợi dụng các chương trình cứu trợ nạn nhân động đất Syria để gửi thiết bị quân sự và vũ khí cho Damas.
Trái lại, từ 2012, Ả Rập Xê Út đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Syria để ủng hộ phe nổi dậy. Nhưng sau trận động đất hôm 05/02/2023 vừa qua, tàn phá một phần khu vực miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria, chính Riyad đã rất năng nổ trong việc cứu trợ nạn nhân Syria, kể cả tại những khu vực do chính quyền Damas kiểm soát.
Vậy ta có thể thấy gì từ những hoạt động ngoại giao tại Riyad, từ lịch làm việc dày đặc của các nhà ngoại giao Syria, cũng như từ phía các quan chức Iran ? Thứ nhất, Syria là « một món quà » mà Teheran tặng cho Riyad, đánh dấu tuần trăng mật sắp mở ra giữa hai nước cựu thù, như ghi nhận của một nhà ngoại giao Ả Rập Xê Út được báo Les Echos của Pháp trích dẫn.
Điểm thứ nhì là trong quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Syria, tuy đã đoạn giao từ 2012, nhưng vẫn theo Les Echos, « từ 11 năm qua đôi bên vẫn kín đáo duy trì các kênh liên lạc ». Từ 2015 khi hoàng thái tử Mohammed Ben Salman bắt đầu tham gia nhiều hơn vào chính trường, ông chưa bao giờ tin vào kịch bản « nhà độc tài » Bachar Al Assad rời khỏi quyền lực. Oman là « điểm hẹn » của nhân viên tình báo Syria và Ả Rập Xê Út trong những tháng gần đây.
Đương nhiên trước mắt không có chuyện đưa Syria hội nhập trở lại với toàn thế giới. Không có chuyện người bị mệnh danh là « tên đao phủ thành Damas » bắt tay các lãnh đạo phương Tây, trở lại Paris dự lễ duyệt binh mừng ngày Quốc Khánh Pháp 14 tháng 7 như năm nào. Đây mới chỉ là một bước đầu để đưa Syria trở lại với « thế giới Ả Rập » như bộ Ngoại Giao Ả Rập Xê Út ghi nhận và qua đó Riyad mong rằng Liên Đoàn Ả Rập ngừng phong tỏa tài sản của Damas, cho phép Syria tái thiết đất nước.
Điểm đáng chú ý thứ ba là phương Tây trả giá đắt vì quyết định của Riyad, bởi đến nay Mỹ, Pháp vẫn chủ trương trừng phạt Damas. Nhưng làm thế nào duy trì đường lối đó khi mà Syria được Nga yểm trợ về quân sự, lại được Iran đỡ đầu và giờ đây lại có thêm một tiếng nói trọng lượng khác là Ả Rập Xê Út ủng hộ ? Washington và Paris ý thức được rằng sớm muộn gì Syria cũng sẽ được hội nhập lại với khối các quốc gia Ả Rập và do vậy đòi hỏi duy nhất của họ là Damas trả tự do các tù nhân và tìm một giải pháp chính trị chấm dứt khủng hoảng.
Nhưng có lẽ Iran mới là bên thắng lớn : Syria là món quà Teheran tặng cho Riyad với hy vọng nới lỏng áp lực trừng phạt của Mỹ, khẳng định vai trò của Iran cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là ba nhà bảo trợ của chế độ Damas. Đó là chưa kể điểm tựa cả về ngoại giao, kinh tế đáng tin cậy của Teheran là Bắc Kinh.
Nhìn từ Riyad, việc đưa Syria hội nhập lại với khu vực cũng là một thành công ngoại giao của hoàng thái tử Ben Salman, một bước mới đưa Ả Rập Xê Út tách rời khỏi quỹ đạo của Hoa Kỳ, đồng thời nhắc nhở phương Tây rằng Riyad không chỉ có dầu hỏa mà còn là một đối tác ngoại giao mới mà các bên phải quan tâm.
Sau cùng, một khi giải quyết được hồ sơ Syria, có lẽ Ả Rập Xê Út cũng mong khép lại xung đột Yemen, mà Teheran là một bên tham chiến qua việc hỗ trợ phe nổi dậy Houthi, còn Riyad thì đứng đầu một liên quân yểm trợ chính quyền Sanaa theo hệ phái Sunni.