Với mong muốn hiện thức hóa các mục tiêu bá chủ toàn cầu, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch cực lớn trong suốt 2 thập kỷ qua để giành quyền kiểm soát các tổ chức quốc tế.
Trong chiến dịch này, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dùng tiền để tạo tầm ảnh hưởng, đồng thời thực hiện các hoạt động mua chuộc, hối lộ trên quy mô khổng lồ. Chính quyền Trung Quốc ráo riết tìm cách thâm nhập, giành quyền kiểm soát và lợi dụng các tổ chức quốc tế, từ đó thúc đẩy các chính sách thân thiện với Trung Quốc, cũng như đánh lạc hướng dư luận và dập tắt các vấn đề gây phiền nhiễu và làm mất hình ảnh của Bắc Kinh.
Chúng ta hãy cùng nhìn vào một số tổ chức quốc tế bị ĐCSTQ làm tha hóa và cùng thảo luận về những lợi ích mà Đảng này gặt hái được.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế & Ngân hàng Thế giới
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được thành lập vào năm 1944, với mục đích ban đầu là “xóa bỏ các chính sách thương mại trọng thương mang tính phá hoại, chẳng hạn như chính sách phá giá cạnh tranh (competitive devaluation) và chính sách hạn chế sử dụng ngoại hối (foreign exchange restriction)”.
Ngân hàng Thế giới (WB) chịu trách nhiệm rót vốn cho các dự án phát triển và bù đắp vào thâm hụt cán cân thanh toán ngắn hạn của các quốc gia thành viên, bao gồm cả Trung Quốc (Trung Quốc nhận được khoản vay dự án đầu tiên vào năm 1981).
Khác với những gì được dự đoán vào thời điểm đó bởi những người ủng hộ việc cho phép Trung Quốc tiếp cận các thể chế quốc tế, Trung Quốc đã không “mở cửa một cách dân chủ” (thật ra, “mở cửa một cách dân chủ” chỉ là lý do biện minh cho “mở cửa Trung Quốc”; lý do thực tế cho “mở cửa Trung Quốc” là dòng tiền thu được và quyền tiếp cận thị trường rộng lớn của Trung Quốc). Thay vào đó, Bắc Kinh vẫn duy trì hệ thống tư bản chuyên chế và các chính sách thương mại trọng thương với mục đích khai thác lợi ích từ các quốc gia khác; ĐCSTQ đã thao túng tiền tệ và các tiêu chuẩn, yêu cầu các công ty hoạt động ở Trung Quốc phải đạt các loại chứng nhận theo quy định trong nước – đây là điều rất phiền hà, đồng thời sử dụng các hoạt động mua sắm của chính phủ – vốn không công bằng, có tính phân biệt – như phương tiện để làm tha hóa thương mại tự do. Bắc Kinh có (và tiếp tục sẽ có) quyền tiếp cận nguồn tiền của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới mà không phải chịu bất kỳ ràng buộc nào trên thực tế.
ĐCSTQ cũng được hưởng lợi từ vụ bê bối gian lận dữ liệu tại Ngân hàng Thế giới vào năm 2017. Vụ bê bối này mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho Trung Quốc bằng cách đẩy xếp hạng môi trường kinh doanh của Trung Quốc trong báo cáo năm 2018 lên vị trí thứ 78 (từ vị trí thứ 85), theo Reuters. Việc có thứ hạng cao hơn giúp Bắc Kinh thu hút được nhiều “dòng vốn đầu tư nước ngoài” hơn và có thể “thúc đẩy nền kinh tế cũng như thị trường tài chính của quốc gia”.
Tổ chức Thương mại Thế giới
Mục đích chủ yếu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là thiết lập và thực thi các quy tắc thương mại quốc tế, từ đó thúc đẩy hơn nữa tự do hóa thương mại và để giải quyết các tranh chấp thương mại.
Là kết quả trực tiếp của việc Trung Quốc dùng tiền mua ảnh hưởng tại Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Clinton (\”Chinagate\” và các vụ bê bối khác), Trung Quốc đã trở thành thành viên của WTO vào năm 2001. Tư cách thành viên WTO trao cho Bắc Kinh \”quy chế tối huệ quốc\”, tạo điều kiện cho nước này hưởng mức thuế thấp nhất có thể giữa các quốc gia thành viên. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã tăng vọt kể từ năm 2001. Tuy nhiên, quá trình tự do hóa của Trung Quốc độc tài chuyên chế lại không diễn ra theo kế hoạch của Mỹ và các đồng minh.
Trung Quốc hưởng tất cả các lợi ích của tư cách thành viên WTO bằng cách khiến các nước khác chịu thiệt hại. Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại [- tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ], “Trung Quốc đã thu lợi rất nhiều từ WTO, tận dụng các điều khoản phù hợp với lợi ích của họ, trong khi lờ đi các ước thúc vốn mang đến ít lợi ích cho họ”.
Đã có hơn hai chục tranh chấp gửi lên WTO, trong đó cáo buộc Trung Quốc vi phạm các thông lệ thương mại được quốc tế thống nhất áp dụng. Nhiều tranh chấp có liên quan đến việc Trung Quốc trộm cắp tài sản trí tuệ thông qua cưỡng ép chuyển giao công nghệ tại các công ty liên doanh Trung – Mỹ.
Với một chính quyền Hoa Kỳ quan tâm đến hợp tác và cam kết hơn là đối đầu với một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến và độc tài, thì mọi chuyện sẽ không có triển vọng thay đổi trong tương lai gần.
Tổ chức Y tế Thế giới
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không độc lập; họ hoạt động theo các ý tưởng bất chợt và các điểm ưu tiên trong chính sách của các quốc gia mà cấp tiền cho ngân quỹ của họ, bao gồm cho cả các giám đốc và nhân viên trong tổ chức.
Thời điểm ĐCSTQ bắt đầu tác động mạnh mẽ lên WHO được cho là vào năm 2006 khi diễn ra cuộc “bầu chọn” Tiến sĩ Margaret Chan – vị Tổng giám đốc WHO công khai thân Trung đầu tiên, người đã giữ chức vụ trong 10 năm. Trong giai đoạn này, theo Liên minh Bảo vệ các Nghiên cứu về Con người (Alliance for Human Research Protection), WHO đã tuyên bố “cúm lợn” H1N1 là đại dịch, đã hợp tác với hãng dược phẩm Purdue để mở rộng việc sử dụng [thuốc giảm đau nhóm] opioid và các thuốc gây nghiện khác, đồng thời không có hành động gì đáng kể để đối phó với đợt bùng phát dịch Ebola năm 2013. Những vụ việc kể trên, cộng với những lần sai lầm khác của WHO, đã hỗ trợ ĐCSTQ “huấn luyện” thế giới về cách hành xử trước những “đại dịch” trong tương lai, đồng thời đã thúc đẩy nhu cầu toàn cầu đối với các loại thuốc nhóm opioid do Trung Quốc sản xuất như fentanyl và các tiền chất hóa học của chúng.
Đã có nhiều bài viết về cách thức mà Bắc Kinh sử dụng để khiến thế giới phản ứng sai lạc trước virus SARS-CoV-2. Dưới sự “lãnh đạo” của Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus – Tổng Giám đốc WHO đương nhiệm, Bắc Kinh đã có thể làm như vậy với mục đích phục vụ lợi ích kinh tế và địa chính trị của họ (mời quý độc giả xem tại đây, tại đây, tại đây, tại đây và tại đây). Đầu năm 2020, ông Tedros khen ngợi Trung Quốc vì đã “đặt ra một tiêu chuẩn mới trong việc kiểm soát dịch bệnh”; tiêu chuẩn này sau đó đã trở thành chính sách “zero-COVID” đặc trưng của ông Tập Cận Bình và được các quốc gia khác bắt chước. Tuy nhiên, chính sách đã bị vứt bỏ vào tháng 12/2022 sau 3 năm triển khai đầy thất bại; nó cũng là nguyên nhân khiến vô số người mất đi mạng sống hoặc phải sống lay lắt do thiếu thốn kinh tế.
Như Breitbart đưa tin hồi tháng 1, trong một cái gật đầu khác với Bắc Kinh, WHO “đã gia hạn tình trạng của đại dịch virus corona là Tình trạng Khẩn cấp về Sức khỏe Cộng đồng Gây quan ngại Quốc tế (PHEIC)”, bất chấp những dữ liệu đáng ngờ do Trung Quốc báo cáo về việc chấm dứt chính sách zero-COVID.
Và như thể việc trục lợi từ cái chết của những người khác là chưa đủ đối với ĐCSTQ, trong nỗ lực mới nhất, WHO đang thúc đẩy một hiệp ước quốc tế nhằm tước đoạt chủ quyền của 194 quốc gia và trao cho WHO quyền kiểm soát toàn cầu đối với các vấn đề sức khỏe trên toàn thế giới.
Như The Epoch Times từng đưa tin, chính quyền Biden “đang chuẩn bị cho việc ký kết để đưa Hoa Kỳ vào thỏa thuận ràng buộc pháp lý đó”. Trên thực tế, việc đặt WHO vào vị trí người cầm vô-lăng đã cho phép ĐCSTQ nắm quyền kiểm soát.Một chiếc quan tài được chất vào kho chứa tại nhà tang lễ – nhà hỏa táng Dongjiao, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/12/2022. (Ảnh: Getty Images)
Liên Hợp Quốc
“Chương trình hành động chung” của Liên Hợp Quốc – tập trung vào “thúc đẩy tình đoàn kết toàn cầu” và “hợp tác vì lợi ích chung” – rất đồng điệu với “cộng đồng với tương lai chung”, “hợp tác cùng có lợi” và “thịnh vượng chung” trong các thông điệp của ông Tập Cận Bình.
Đây không phải là điều ngẫu nhiên, bởi vì ĐCSTQ đã làm bại hoại và phá hủy Liên Hợp Quốc kể từ khi Trung Quốc gia nhập tổ chức này năm 1971. Việc chi trả khoảng 12% ngân sách thường xuyên và ngân sách cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đã đưa Trung Quốc trở thành nước đóng góp lớn thứ hai cho tổ chức.
ĐCSTQ coi Liên Hợp Quốc là đối tác có thể khai thác và là công cụ hữu ích để giúp Bắc Kinh theo đuổi quyền bá chủ thế giới. Ví dụ, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres là một người Bồ Đào Nha theo chủ nghĩa xã hội, là người thúc đẩy chủ chốt cho “chương trình phát triển bền vững” của Liên Hợp Quốc, và cũng là người thúc đẩy “một hệ thống đa phương mạnh mẽ hơn, kết nối nhiều hơn và bao trùm hơn, gắn liền với Liên Hợp Quốc”.
“Chương trình phát triển bền vững”, đề cập đến “cuộc khủng hoảng khí hậu”, được cho là hoàn toàn phù hợp với âm mưu thống trị thế giới của Trung Quốc trong sản xuất công nghệ xanh – bao gồm pin, tấm pin mặt trời và xe điện. Trong khi đó, hệ thống đa phương do Liên Hợp Quốc ủng hộ chỉ có thể thành hiện thực khi siêu cường duy nhất trên thế giới (Hoa Kỳ) suy yếu; điều này từ lâu vốn đã là mục tiêu địa chính trị của ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ. Quý vị có tưởng tượng nổi không! Các mục tiêu địa chính trị của Liên Hợp Quốc lại giống với các mục tiêu của ĐCSTQ.Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trực tuyến tại Kỳ họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ở New York, Mỹ, ngày 21/09/2021. (Ảnh: Spencer Platt/Pool/AFP qua Getty Images)
Bắc Kinh đã không ngừng theo đuổi các vị trí lãnh đạo trong bộ máy quan liêu của Liên Hợp Quốc, với mục đích hỗ trợ các mục tiêu địa chính trị của ĐCSTQ. Như The Diplomat từng chỉ ra, “4 trong số 15 cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc là do công dân Trung Quốc đứng đầu, bao gồm Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDP) và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO)”.
Từ năm 2007, các viên chức ngoại giao của Trung Quốc cũng nắm trong tay vị trí phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Các vấn đề Kinh tế và Xã hội (DESA). Điều này đã cho phép Bắc Kinh cài cắm một cách ranh mãnh Sáng kiến Vành đai và Con đường của họ vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc .
Một ví dụ điển hình về những nỗ lực không ngừng nghỉ của Bắc Kinh trong việc gây ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của Liên Hợp Quốc sao cho nó có lợi cho ĐCSTQ là việc thành lập Quỹ Ủy thác Hòa bình và Phát triển của Liên Hợp Quốc vào năm 2016. Trung Quốc hứa tài trợ 200 triệu USD cho quỹ này trong vòng 10 năm. Trang web chính thức của quỹ cho biết quỹ hỗ trợ các dự án như “gìn giữ hòa bình, hệ thống phản ứng nhanh, phòng ngừa và hòa giải tranh chấp, chống khủng bố, tăng cường quan hệ đối tác giữa Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực, xóa đói giảm nghèo”, v.v..
Tuy nhiên, tờ Spectator (một tờ báo của Anh) chỉ ra rằng tiền của Trung Quốc luôn đi kèm với các điều kiện ràng buộc: “Ưu tiên của quỹ này là việc Liên Hợp Quốc thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập Cận Bình, các hoạt động cho vay cắt cổ, các hoạt động thương mại và ngoại giao vũ lực, và việc mở rộng quân sự của Trung Quốc”. Đó có thể là các khoản quyên góp “mang màu sắc Trung Quốc”, ví dụ là để phục vụ các mục tiêu địa chính trị của ĐCSTQ.
Việc Bắc Kinh gieo rắc ảnh hưởng tại Liên Hợp Quốc còn mang về cho ĐCSTQ nhiều lợi ích khác. Một ví dụ điển hình là cuộc bỏ phiếu 19-17 vào tháng 10 năm ngoái của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc chống lại “một đề nghị do phương Tây đi đầu nhằm tổ chức một cuộc tranh luận về những cáo buộc rằng Trung Quốc xâm phạm nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở Tân Cương”. Cuộc bỏ phiếu đã biến những nỗ lực về “nhân quyền” – vốn thường được ca ngợi – của Liên Hợp Quốc trở thành trò hề, trong khi lại cho phép ĐCSTQ tiếp tục thực hiện hành vi diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm cả hơn một triệu người đang sống mòn mỏi tại các trại tập trung.
Một ví dụ khác là cáo buộc được Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ (UHRP) đưa ra vào tháng 2 năm nay. Theo UHRP, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã “tẩy trắng cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và việc phá hủy di sản văn hóa của họ ở Trung Quốc”, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin.
UHRP cáo buộc UNESCO đã vi phạm các tiêu chuẩn của chính họ bởi vì “chính quyền Trung Quốc đã phá hủy số lượng lớn các nhà thờ Hồi giáo, đền thờ, nghĩa địa và sách lịch sử, đồng thời hạn chế việc sử dụng tiếng Duy Ngô Nhĩ và các ngữ hệ Turk bản địa khác. Ngoài ra, hàng trăm, có thể là hàng nghìn trí thức và nhà lãnh đạo văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan và Kyrgyzstan đã bị cầm tù”.
UNESCO rõ ràng là một cơ quan khác của Liên Hợp Quốc mang đầy “màu sắc Trung Quốc”.
Lời kết
Trong vài thập kỷ qua, Bắc Kinh đã lên kế hoạch và thực hiện một chiến dịch toàn diện để giành quyền kiểm soát Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác. Tiền và các hoạt động gieo rắc ảnh hưởng của Trung Quốc đã thành công rực rỡ, gây ra tác động mạnh mẽ đến các tổ chức này, khiến các tổ chức này tạo điều kiện và hỗ trợ ĐCSTQ theo đuổi các mục tiêu địa chính trị dài hạn của họ. Và những điều trước tiên trong các mục tiêu đó là (i) thế chỗ Hoa Kỳ để trở thành siêu cường thế giới và (ii) thay thế trật tự quốc tế tự do hiện tại bằng một hệ thống đen tối do chủ nghĩa độc tài chuyên chế của Trung Quốc dẫn dắt. Các mục tiêu trong “Chương trình hành động chung” của Liên Hợp Quốc có thể dễ dàng được viết ra ở Bắc Kinh, vì chúng ăn khớp và liền mạch với thông điệp “thịnh vượng chung” của Trung Quốc.
Sau khi gieo rắc ảnh hưởng, ĐCSTQ đã thu về nhiều kết quả thuận lợi ở các tổ chức quốc tế.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch