Pin – Vũ khí của Trung Quốc

 Bình luậnThomas McArdle •  12/04/23

\"\"

Có vẻ như Trung Quốc đang điều hành Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

EPA trong tuần này sẽ công bố các quy định mới về khí thải đối với xe con, xe thể thao đa dụng (SUV), và xe bán tải cho các đời xe từ 2027 đến 2032, và có thể cho cả các loại xe hạng nặng. Theo tờ New York Times, đến năm 2030, các quy định này sẽ đảm bảo xe điện chiếm tới 60% số xe mua mới, và đến năm 2032 thì con số này sẽ lên đến 67%. Một mục tiêu rõ ràng ở đây là làm cho ô tô thông thường trở nên đắt đỏ đến mức ngày càng nhiều người lái xe sẽ bị áp bức phải mua xe điện, với giá niêm yết trung bình cao hơn khoảng 18.000 USD so với mức giá trung bình các loại ô tô.

Ngoài vấn đề rõ ràng là pin ô tô được sạc đầy sẽ hết sau vài tiếng lái xe, còn có một vấn đề cơ bản thậm chí còn nghiêm trọng hơn: các loại khoáng sản cần thiết để sản xuất hàng triệu cục pin mới cho ô tô điện. Coban, than chì, lithi, và niken phải được khai thác — cần hơn 300 mỏ mới chưa tồn tại trên thế giới — và đều phải được xử lý, tinh chế, và sử dụng để tạo ra cực âm và cực dương. Bạn thử nghĩ xem khoảng 90% cực dương pin trên thế giới đang được sản xuất ở đâu? Trung Quốc đại lục.

Ngay cả đến cuối thập kỷ này, thì Bắc Mỹ sẽ chỉ sản xuất được khoảng 3,5% cực âm và cực dương cần thiết cho kế hoạch chuyển đổi bắt buộc sang xe điện đặt ra bởi chính quyền Tổng thống Biden. Mỹ chỉ có một mỏ lithi duy nhất. Điều này không phù hợp lắm với những nỗ lực rùng mình của ngành công nghiệp ô tô trong việc quảng cáo để làm cho xe điện trông hấp dẫn. Cái gọi là nhóm vận động hành lang của Liên minh Đổi mới Ô tô (AAI) ở Washington — với các thành viên là các đại gia sản xuất ô tô của Mỹ và nước ngoài — đang ra tòa phản đối nỗ lực của 16 tổng chưởng lý bang nhằm kiềm chế EPA tại tòa án liên bang.

Các tổng chưởng lý bang cho rằng mình đang chống lại sự quản lý vi mô của EPA trong vấn đề khí thải ô tô. Họ cho rằng, những hành động của EPA — ngay cả trước khi có các quy định mới trong tuần này — đã vượt xa thẩm quyền do Quốc hội cấp cho cơ quan này, và vi phạm tam quyền phân lập trong Hiến pháp Mỹ. Các tổng chưởng lý bang coi các quy định này là công cụ của chương trình nghị sự cực đoan của Tổng thống Biden về sự ấm lên toàn cầu, mà sẽ gây căng thẳng cho lưới điện và tàn phá ngành năng lượng của các bang.

Các bang tham gia vào vụ kiện này là Texas, Alabama, Alaska, Arkansas, Arizona, Indiana, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, Nebraska, Ohio, Oklahoma, South Carolina, và Utah. California và 21 bang thiên tả khác đang đứng về phía EPA tại tòa án. Hãng xe Ford — một thành viên của AAI — tuyên bố sẽ đạt được trung hòa carbon vào năm 2050, General Motors còn hơn thế và hứa hẹn sẽ thành công năm 2040. Bạn chẳng biết được rồi sẽ ra sao, vì như tờ New York Times thừa nhận vào mùa thu năm ngoái, xe điện thực ra có lượng khí thải carbon lớn hơn xe chạy bằng xăng.

Ngay cả nếu chúng ta làm đảo lộn nền kinh tế năng lượng của Mỹ để cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất pin, thì chúng ta cũng không thể sánh được với chi phí lao động rẻ của Trung Quốc — bao gồm, theo báo cáo, tình trạng lao động nô lệ ở Tân Cương, trong chuỗi cung ứng khoáng sản/sản xuất pin.

Có một điều khá là không hài hước là, mỏ đất hiếm duy nhất nằm ở Mỹ, trong vùng núi Clark ở miền nam California, đã được hồi sinh với mục đích giảm bớt sự phụ thuộc vào sự gần như độc quyền của Trung Quốc về các khoáng sản quý mà chúng ta cần để sản xuất nam châm phức tạp dùng trong mọi thứ từ xe điện đến tên lửa, radar, máy bay tàng hình, cho đến tàu ngầm; và khi quặng ra khỏi mỏ này, thì nó lại được bán cho các nhà tinh chế ở Trung Quốc, vì Bắc Kinh chiếm đến 85% năng suất chế biến đất hiếm và 92% sản lượng nam châm đất hiếm toàn thế giới. Hơn nữa, Shenghe Resources — công ty cung cấp sản phẩm của mỏ cho người mua Trung Quốc — sở hữu gần 8% cơ sở khai thác duy nhất này của Mỹ.

Việc biến quặng này thành một nam châm hoạt động được là một việc rất tốn kém và phức tạp, đòi hỏi phải nghiền thành bột, xử lý ở nhiệt độ cao, tách, tinh chế, và chuyển đổi thành kim loại, hợp kim, và nam châm thành phẩm. Không thể thực hiện được tất cả những giai đoạn này ở Mỹ. Trên thực tế, giai đoạn cuối cùng của quy trình hoàn toàn không thể thực hiện được tại Mỹ.

Điều gì có thể nhục nhã và ớn lạnh hơn việc Bộ Quốc phòng Mỹ đình chỉ việc giao máy bay F-35 vào tháng 9 năm ngoái, sau khi phát hiện ra rằng, một hợp kim coban và samari trong nam châm của động cơ máy bay chiến đấu tiên tiến này được sản xuất tại Trung Quốc? Đó là dấu chấm hết cho quy tắc của Bộ Quốc phòng kêu gọi sử dụng các nhà thầu Mỹ. Tính đến mùa thu năm ngoái, tất cả trong số hơn 800 chiếc F-35 đã giao cho quân đội Mỹ đều chứa hợp kim Trung Quốc.

Những người theo chủ nghĩa cực đoan xanh ở Mỹ đang bối rối giữa việc ưu tiên sử dụng đất hiếm nội địa cho động cơ và pin xe điện, và những lo ngại của họ về tác động tiêu cực đến môi trường mà họ lo rằng các mỏ mới ở Mỹ sẽ gây ra.

Chuyện đã đủ tệ hại rồi khi mà các khoản thanh toán từ công ty năng lượng quốc doanh Trung Quốc — HK Limited — được trả cho các thành viên gia đình Tổng thống Joe Biden thông qua một công ty trung gian. Ngay cả khi không có sự tham nhũng nghiêm trọng đó, thì kẻ thù chính của chúng ta, kẻ tận tâm muốn đạp nước Mỹ xuống, đã ở vị trí thống trị độc quyền trong các nguồn năng lượng quan trọng, khi mà chính quyền Biden khiến ngành giao thông vận tải ngày càng phụ thuộc vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Cao Dương biên dịch

Bài Liên Quan

Leave a Comment