Syria dần trở lại khối Ả Rập, bước đột phá ngoại giao của Bachar al-Assad

Đăng ngày: 14/04/2023

\"\"
\"\"
Thứ trưởng Ngoại Giao Ả Rập Xê Út Waleed El Khereiji gặp bộ trưởng Ngoại Giao Syria Faisal Mekdad tại Jeddah, Ả Rập Xê Út, ngày 12/04/2023. AP

Anh Vũ

Hôm nay, 14/04/2023, tại Ả Rập Xê Út diễn ra một hội nghị của nhiều nước thành viên Liên Đoàn Ả Rập để bàn về khả năng bình thường hóa quan hệ trở lại với Syria. Sự kiện đánh dấu thêm một bước tiến ngoại giao của chính quyền tổng thống Bachar al-Assad sau 12 năm bị cô lập

Syria đang dần được đón tiếp trở lại gia đình các quốc gia Ả Rập, trên cương vị người chiến thắng trong cuộc chiến tranh kéo dài hơn mười năm. Theo sáng kiến của Ả Rập Xê Út, đại diện của 9 quốc gia gồm những vương quốc vùng Vịnh ( Ả Rập Xê Út, Bahrain, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Koweit, Oman và Qatar) và Ai Cập, Jordani, Irak, đã tới dự hội nghị để bàn về khả năng Syria hội nhập trở lại Liên Đoàn Ả Rập, sẽ được đưa ra tại thượng đỉnh của Liên Đoàn ngày 19/05 tại Riyad.

Trước cuộc họp hôm nay, ngoại trưởng Syria Fayçal Moqdad, lần đầu tiên từ đầu cuộc chiến tranh tại Syria, đã được đón tiếp tại Ryad để thảo luận với đồng nhiệm Ả Rập Xê Út nhằm tìm giải pháp “ hòa hợp dân tộc để đưa Syria trở lại khối Ả Rập và nắm lại vai trò vốn có trong thế giới Ả Rập ”, theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Ả Rập Xê Út.

Cách đây hơn 10 năm khi cuộc nội chiến tại Syria bùng lên, Ả Rập Xê Út và nhiều nước Ả Rập khác đã cắt đứt quan hệ với chế độ al Assad cùng với việc Syria bị khai trừ khỏi Liên Đoàn Ả Rập năm 2011. Vào thời điểm đó, một loạt các nước phương Tây đặt điều kiện tiên quyết cho hồ sơ Syria là Bachar al-Assad phải rời bỏ quyền lực, vì họ cho rằng chế độ độc tài al-Assad là nguyên nhân gây ra cuộc nội chiến đẫm máu ở đất nước này. 

Dù đến nay Damas vẫn chưa kiểm soát được toàn bộ đất nước, những dấu hiệu mới đây cho thấy tính chính đáng của chế độ Assad đang được chấp nhận trở lại, bước đầu tiên quan trọng là từ khối Ả Rập Xê Út.

Chuyên gia Aron Lund, thuộc cơ quan phân tích chính trị Century International, được AFP trích dẫn, cho rằng al- Assad đã thẳng thừng bác bỏ thỏa hiệp và chờ cho đến khi đối thủ của mình lùi bước. Chiến thuật này đã thành công. Lần lượt từng kẻ thù nay quay lại bắt tay ông, điều không tưởng trong một thập kỷ qua. Nhà phân tích này nhận định, việc tái công nhận Assad gửi đi “ một thông điệp cho người chống chế độ Damas rằng cuối cùng Assad đã thắng và những người hậu thuẫn cho họ ở nước ngoài đã phản bội họ”.

Cuộc khủng hoảng Syria bắt đầu từ các cuộc đàn áp đẫm máu phong trào biểu tình chống chính phủ al-Assad năm 2011, rồi nhanh chóng lan rộng thành cuộc nội chiến bị quốc tế hóa. Hơn 500 nghìn người đã chết và khoảng một nửa dân số Syria phải chạy tị nạn ra nước ngoài trong hơn một thập kỷ chiến tranh. Đất nước Syria bị xâu xé bởi các cường quốc bên ngoài như Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ.

Nhờ vào sự hậu thuẫn quyết định về quân sự của Nga và Iran, Damas đã kiểm soát được đa phần lãnh thổ, giữ được chính quyền. Giờ đây trong thế mạnh và nhận thấy những biến chuyển trên bàn cờ chính trị khu vực, Bachar al-Assad hy vọng việc bình thường hóa quan hệ với các quốc gia vùng Vịnh giàu có sẽ giúp Damas giải quyết được vấn đề kinh tế và tái thiết đất nước. Syria đến giờ vẫn rất khó tiếp cận nguồn tài chính quốc tế nếu không có giải pháp chính trị dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc cho cuộc xung đột. Trong khi lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn là vật cản các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào các dự án tái thiết Syria.

Chế độ al Assad phá vỡ thế cô lập, bình thường hóa quan hệ trong khu vực Ả Rập sẽ là một đòn đánh mạnh vào các lực lượng đối lập chính trị cũng như các nhóm vũ trang đã nhận được sự ủng hộ của các nước Ả Rập từ đầu cuộc xung đột. Khả năng các cuộc thương lượng giữa người Syria với nhau cho một giải pháp hòa hợp dân tộc sẽ không còn có thể. Đây chính là điều mà Bachar al-Assad mong muốn.

Toàn bộ sáng kiến bình thường hóa quan hệ với Damas hiện nay bắt nguồn từ Ả Rập Xê Út. Quốc gia đang chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Liên Đoàn Ả Rập này muốn khẳng định vai trò của mình trong khu vực, đặc biệt sau cuộc hòa giải thành công với Iran, qua trung gian của Trung Quốc, ván bài địa chính trị trong vùng đang được xắp xếp lại.  

Bài Liên Quan

Leave a Comment