Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.04.14
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken thăm Hà Nội năm 2016
Quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang ‘tốt hơn bao giờ hết’ từ trước đến nay và nếu trong năm nay hai nước thiết lập quan hệ song phương chính thức ở cấp độ đối tác chiến lược thì sẽ là “một điều rất tốt”, một luật gia và nhà quan sát, bình luận chính trị, bang giao Việt – Mỹ từ Việt Nam nêu quan điểm.
Hôm thứ Sáu 14/4/2023, từ Sài Gòn, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken diễn ra trong ba ngày từ 14-16 tháng Tư theo kế hoạch, luật sư Lê Công Định, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ nhận định của mình, ông nói:
“Chuyến đi của ông Blinken có thể nói là rất nhanh chóng, ngay sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden với Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng vào ngày 29 tháng Ba. Chuyến đi này dường như là để chuẩn bị cho chuyến thăm sắp tới của ông Trọng đến Nhà Trắng, hoặc là cho chuyến đi của ông Biden đến Việt Nam.
“Có những nguồn tin thêm nữa là ông Blinken đến Việt Nam cũng để khai trương (động thổ) một tòa nhà của Đại sứ quán mới của Hoa Kỳ tại Hà Nội.
“Thực ra tôi nghĩ, bên trong những động thái hiển diện bên ngoài như tôi vừa nói, hình như cả hai bên dường như đang muốn nâng cấp mối quan hệ song phương và hiện giờ dường như có nhiều nguồn tin cho thấy là Hà Nội rất là sẵn lòng nâng cấp, nhưng lại có một số quan ngại rằng nếu mối quan hệ giữa hai quốc gia mà có thể sâu sắc quá, có thể gây một sự bất hòa nhiều hơn nữa với Trung Quốc.
“Bởi vì gần đây, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc cũng có một số bài viết với mục đích nói để cho phía Việt Nam biết rằng việc nâng cấp mối quan hệ Việt – Mỹ sẽ không có lợi lắm cho Hà Nội.
“Tôi nghĩ từ phía Trung Quốc đã có sự e ngại đối với việc hai nước Việt Nam và Mỹ xích lại gần nhau hơn, nhưng mà tôi nghĩ rằng trên thực tế mối quan hệ Việt – Mỹ có thể nói tốt hơn bao giờ hết từ trước đến nay.”
Đâu là kỳ vọng lớn nhất của người dân Việt Nam và các giới?
Nói về điều được cho là được kỳ vọng lớn nhất trong quan hệ Mỹ – Việt bởi người dân và các giới ở Việt Nam, nhất là ở khía cạnh Hoa Kỳ giúp đỡ Việt Nam, từ quan sát riêng của mình, Luật sư Lê Công Định nói:
“Phía Mỹ luôn nói trong mối quan hệ này, Mỹ luôn luôn muốn ủng hộ một nước Việt Nam thịnh vượng, và do đó người dân Việt Nam cũng kỳ vọng vô việc là mối quan hệ Việt – Mỹ sẽ giúp cho Việt Nam ngày càng phát triển nhiều hơn.
“Và thú thật, mối quan hệ này đặt trong bối cảnh về chiến lược của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Như chúng ta biết là từ thời Tổng thống Trump cho đến thời của Tổng thống Biden, Mỹ đều nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực chính trị Ấn Độ – Thái Bình Dương.
“Và do đó trong địa bàn này, vị thế và vai trò của Việt Nam khá quan trọng đối với chiến lược của Hoa Kỳ, trong một kế hoạch ngăn chặn Trung Quốc ở vùng Biển Đông, và do đó Hoa Kỳ luôn tìm mọi cách để Hà Nội hài lòng và để làm sâu sắc mối quan hệ này.
“Và như phần lớn người dân, một số giới cũng muốn Hoa Kỳ tác động nhiều hơn về vấn đề nhân quyền, tuy nhiên tôi nghĩ là trong bối cảnh hiện nay, khi mà trọng tâm của Hoa Kỳ đối với vấn đề an ninh khu vực là ưu hàng đầu, Hoa Kỳ chắc chắn không coi vấn đề nhân quyền trở nên ưu tiên nữa, mặc dù trong thời gian qua cũng có một số đề nghị là ông Ngoại trưởng Blinken sẽ đề cập với Chính phủ Việt Nam, nhưng mà tôi nghĩ đây không phải là trọng tâm của chuyến đi.
“Và do đó ông Blinken sẽ qua để làm tốt mối quan hệ này bằng cách là sẽ bàn những vấn đề về an ninh khu vực nhiều hơn. Và chúng ta thấy là trong hai năm vừa rồi, chính Hoa Kỳ cũng là nước giúp Việt Nam nhiều nhất trong vấn đề thuốc men, vắc-xin chống COVID-19, thì chúng ta thấy rằng Hoa Kỳ luôn luôn mở rộng khả năng để có thể giúp đỡ nhân dân Việt Nam một cách tối đa.
“Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là khi không đặt vấn đề nhân quyền, Hoa Kỳ không giúp gì cho người dân Việt Nam. Tôi nghĩ mối quan hệ ngày càng sâu hơn của Hoa Kỳ với Việt Nam sẽ giúp rất nhiều nói chung cho tình hình phát triển của Việt Nam và đặc biệt trong bối cảnh là hiện giờ nền kinh tế Việt Nam cũng đang có những sự khó khăn nghiêm trọng, việc nâng cấp mối quan hệ này về mặt thực tế, tôi không nói về mặt danh nghĩa, cũng có thể mang lại những lợi ích nhiều hơn cho người dân Việt Nam.”
Bình luận đâu có thể là chuyển biến mới, quan trọng đem lại khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác ở mức chiến lược, Luật sư Lê Công Định nói:
“Thực ra cho đến giờ mối quan hệ Việt – Mỹ đã vượt trên mức gọi là ‘đối tác toàn diện’ rồi, và nó đã đến gần mức gọi là ‘đối tác chiến lược’, tôi nghĩ danh nghĩa ‘đối tác chiến lược’ hay là không, không quan trọng bằng trên thực tế hiện giờ quan hệ song phương đã có tính cách chiến lược hay chưa. Còn tôi đánh giá nó đã là mối quan hệ đối tác chiến lược từ lâu…
“Tất nhiên có nhiều người trông đợi là phải có một cái danh chính thức là ‘đối tác chiến lược’ để cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ Việt – Mỹ, nhưng theo tôi, cách tiếp cận thực tế vẫn hay hơn là một cách tiếp cận mà nó có thể gây những khó khăn về mặt ngoại giao cho Việt Nam đối với Trung Quốc.”
Việt Nam có dự liệu gì, nếu Trung Quốc phật ý và phản ứng tiêu cực?
Tuy nhiên, theo luật sư Lê Công Định, Việt Nam cũng đã có những dự liệu trong trường hợp Trung Quốc ‘phật lòng’ và có thể có những phản ứng từ tiêu cực, tới quyết đoán, căng thẳng với Việt Nam, nếu mối quan hệ song phương trên được thiết lập, ông nói:
“Tôi nghĩ vấn đề này chính phủ Việt Nam cũng đã có dự liệu trước rồi, và nhất là vấn đề quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể nói là quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của chính phủ Việt Nam hiện nay, cho nên đối với họ, trong việc nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ, đầu tiên là họ nghĩ đến thăm dò phản ứng của Trung Quốc.
“Cho đến cho đến giờ có vẻ là phía Trung Quốc không hài lòng, và chúng ta có thể thấy có hai sự kiện, thứ nhất là trong cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Trọng diễn ra vào lúc những tàu cá (tàu kiểm ngư-PV) của Việt Nam bị cảnh sát biển của Trung Quốc quấy nhiễu rất khó khăn ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tôi nghĩ là nếu mối quan hệ này mà được nâng cấp lên, thì chắc chắn là phía Trung Quốc sẽ tăng cường sự gây hấn nhiều hơn trên Biển Đông, ở ngay trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và khiến cho chúng ta thấy khó chịu nhiều hơn.
“Và do đó, để tránh như vậy, chính phủ Việt Nam chắc chắn phải có một bước đi rất là nhẹ nhàng khéo léo, để làm sao trên mặt thực tế, như tôi đã nói, là vẫn nâng cấp đó lên như từ trước đến giờ, nhưng về danh nghĩa, tránh không vội vã dùng cái tên là ‘đối tác chiến lược’, mặc dầu trên thực tế chỉ có những vấn đề mà chỉ có đối tác chiến lược, thì hai bên mới có thể làm với nhau, còn đối tác toàn diện thì chưa chắc đã làm.
“Do đó tôi nghĩ chính phủ Việt Nam sẽ chọn một giải pháp khéo léo như vậy, hơn là một giải pháp công khai và như nhiều học giả quốc tế gần đây cũng đã bàn, đó là vấn đề chính là mối quan hệ đó đã có tính chiến lược chưa, chứ không phải là cái tên của nó.”
Cải cách tư pháp của Việt Nam cần được hậu thuẫn thế nào?
Theo luật sư Lê Công Định, người cũng là cựu thành viên Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ và nguyên thành viên hội đồng đại diện cho Việt Nam tại Hiệp hội Luật sư châu Á – Thái Bình Dương, trên thực tế người dân Việt Nam cũng đã hưởng được nhiều lợi ích từ mối quan hệ sâu sắc giữa hai nước, mà một vài thí dụ ông đưa ra là trong vấn đề vắc-xin, y tế, hay trong trao đổi giáo dục, ngoài ra Mỹ cũng giúp Việt Nam trong vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như trong hợp tác an ninh, quốc phòng giúp Việt Nam những phương tiện phòng vệ, như một số lĩnh vực Mỹ còn có thể giúp đỡ tốt hơn nữa cho Việt Nam.
Tuy nhiên, trên tư cách một người có chuyên môn liên quan luật học và thực hành pháp luật, bàn về nhu cầu nào mà Việt Nam cần được quan tâm hỗ trợ trên địa hạt cải cách tư pháp, một trong các hợp tác quan trọng Mỹ – Việt khác, luật sư Định, người cũng là cựu thành viên Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ và nguyên thành viên hội đồng đại diện cho Việt Nam tại Hiệp hội Luật sư châu Á – Thái Bình Dương, nói:
“Thực ra bây giờ vấn đề đào tạo luật sư cũng là vấn đề cũng khá quan trọng, bởi vì nhu cầu pháp lý và nhu cầu dịch vụ pháp lý của người dân ở Việt Nam ngày càng gia tăng, trong khi sự phát triển của giới luật sư cũng không đồng bộ với sự phát triển đó về phương diện nhu cầu của người dân.
“Cho nên gia tăng sự phát triển của giới luật sư, cần phải có những chương trình đào tạo hữu hiệu, chúng ta thấy không phải kết nạp nhiều luật sư thì có nghĩa nghề luật sư phát triển, cái đó không đúng.
“Mà giới luật sư muốn phát triển thì họ phải có những vấn đề ví dụ như kỹ năng hành nghề là một, rồi đạo đức nghề nghiệp.
“Hiện giờ vấn đề đạo đức nghề nghiệp của giới luật sư Việt Nam, tôi có thể nói rằng là rất tệ, mà điều này cũng do quan niệm không đúng đắn lắm về vấn đề đạo đức nghề nghiệp của liên đoàn luật sư, mà ngay cả đoàn luật sư các tỉnh, những nước phương Tây hoàn toàn có thể chia sẻ những kinh nghiệm làm sao kiện toàn hơn nữa vấn đề đạo đức nghề nghiệp của giới luật sư.
“Luật sư càng đông, mà việc hành nghề bát nháo, rồi mạnh ai nấy làm, không quan tâm gì đến đạo đức nghề nghiệp, sẽ làm cho nhu cầu pháp lý của người dân thực ra cũng không được đáp ứng, và nó biến giới luật sư bây giờ như một giới làm ăn đơn thuần.
“Do đó, một trong những giúp đỡ liên quan vấn đề cải cách tư pháp mà cần tập trung vô, nếu mà nói một điểm thôi cần được tập trung vô, thì đó là điểm đang cần được ưu tiên hàng đầu.”
Lưu ý gì với Ngoại trưởng Mỹ trong giúp đỡ an ninh quốc phòng của Việt Nam?
Trở lại với chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Blinken và kỳ vọng hướng tới một thiết lập quan hệ đối tác song phương ở mức độ chiến lược, luật sư Lê Công Định chia sẻ thêm góc nhìn của ông về triển vọng của mối quan hệ và đâu là điểm mà Ngoại trưởng Hoa Kỳ cần lưu tâm trong chuyến thăm Việt Nam.
Ông nói: “Thực ra trong mối quan hệ Việt – Mỹ, có nhiều vấn đề hai bên cùng làm, thí dụ như vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề vũ khí phòng vệ bờ biển, vấn đề du học sinh Việt Nam có những cơ hội học tập ở Mỹ như thế nào, rồi vấn đề làm sao hỗ trợ Việt Nam về y tế, rồi các vấn đề xã hội, vấn đề với chất da cam (Dioxin-PV) mà có những khu vực bị nhiễm độc quá lâu, những vấn đề đó chắc chắn là những đề tài quan trọng trong mối quan hệ Việt – Mỹ.
“Và tôi nghĩ nó sẽ có tính cách thực tế nhiều hơn giữa hai quốc gia, chắc chắn phía Hoa Kỳ cũng sẽ ưu tiên vấn đề đó.
“Để nói trong những vấn đề mà phía Ngoại trưởng Hoa Kỳ cần lưu tâm, tôi nghĩ vấn đề là làm sao mà giúp Việt Nam có đủ vũ khí để phòng vệ bờ biển, bởi vì chắc chắn là khi mối quan hệ Việt – Mỹ ngày càng sâu sắc hơn, thì sự gây hấn của Trung Quốc sẽ gia tăng.
“Do đó vấn đề an ninh bờ biển của Việt Nam khá quan trọng, và đó là điều mà tôi nghĩ là phía Hoa Kỳ nên quan tâm và đáp ứng cho những nhu cầu của phía Việt Nam.”
Khi được hỏi, bản thân luật sư sẽ ‘chào đón’ hay có phản ứng thế nào nếu trong năm nay, quan hệ đối tác chiến lược Mỹ – Việt được tuyên bố chính thức, luật sư Lê Công Định nói:
“Cái đó là rất tốt, bởi vì như tôi nói tuy danh xưng không quan trọng, mà thực tế và bản chất của mối quan hệ quan trọng hơn, nhưng mà nếu bản chất đó có một cái tên đúng với nó, thì nó chắc chắn sẽ tốt đẹp nhiều hơn.
“Và nó cũng cho thấy Việt Nam là một nước thực sự có sự độc lập và không có e dè gì trong chuyện sợ Trung Quốc hay bất kỳ ai mất lòng.
“Thì điều đó rất là tốt, nó cho thấy sự độc lập của Việt Nam đối với mối quan hệ của Việt Nam đối với Trung Quốc, cũng như là đối với mối quan hệ với Hoa Kỳ,” Luật sư Lê Công Định chia sẻ nhận định từ quan điểm riêng của mình từ Sài Gòn hôm thứ Sáu, 14/4.
Cùng ngày, nhiều cơ quan báo chí, truyền thông của Việt Nam đồng loạt đưa tin Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken bắt đầu chuyến thăm Việt Nam trong thời gian ba ngày.
Trong số đó, trang mạng VOV.vn của Đài Tiếng Nói Việt Nam hôm thứ Sáu đưa tin cho hay:
“Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Antony Blinken trên cương vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Chuyến thăm cho thấy phía Hoa Kỳ thể hiện coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam- Hoa Kỳ (2013-2023).
“Chuyến thăm nhằm tiếp tục thúc đẩy tăng cường quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ theo tinh thần Đối tác toàn diện 2013 và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ 2015, đồng thời triển khai kết quả điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (3/2023), tiếp tục thể hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
“Trong chuyến thăm này, hai bên sẽ trao đổi về tình hình quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ thời gian qua, các biện pháp để duy trì đà và đưa quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới, nhất là các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu … góp phần làm phong phú các hoạt động kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam- Hoa Kỳ.”