Đăng ngày: 18/04/2023
Tìm cách đẩy Bắc Kinh ra xa Matxcơva một chút trong hồ sơ Ukraina, trong chuyến công du cấp Nhà nước 3 ngày đến Trung Quốc, là mục tiêu mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron hướng tới. Nhưng điều quan trọng thiết yếu là ngành ngoại giao châu Âu nói chung và Pháp nói riêng phải đo lường được mức độ đoàn kết thực sự của khối Nga – Trung và đoán định được những vết rạn nứt đang xảy ra giữa Nga và Trung Quốc để tận dụng chúng.
Trên đây là nhận định của nhà địa chính trị Pháp Cyrille Bret, Trường Khoa Học Chính Trị Sciences Po, trong bài viết « Macron đi Bắc Kinh : Liệu châu Âu có thể hãm đà xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc hay không ? », đăng trên trang mạng nghiên cứu The Conversation ngày 17/03/2023. RFI Tiếng Việt trích dịch và giới thiệu bài viết dưới dạng hỏi đáp.
Nga – Trung : Trục Âu-Á để chống lại quan hệ xuyên Đại Tây Dương ?
Sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga không phải chỉ mang tính tình thế. Hai nước đã không ngừng phát triển giao thương và hợp tác trong hai thập kỷ qua. Sau khi giải quyết hồi năm 1994 các tranh chấp biên giới nảy sinh từ thời Liên Xô, Nga – Trung vào năm 2001 đã ký kết thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược song phương, được cụ thể hóa ở nhiều mặt.
Giao thương tăng trưởng ổn định bất chấp các cuộc khủng hoảng kinh tế (vào những năm 2008, 2014, 2021), thậm chí đạt mức 190 tỷ đô la vào năm 2022, một mức kỷ lục và tăng 30% so với năm 2021.
Trung Quốc kể từ năm 2010 đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga, sau cả khối Liên Âu, nhưng đứng trên tất cả mọi thành viên Liên Âu nếu tính riêng từng nước. Nga cung cấp cho Trung Quốc năng lượng, khoáng sản và thiết bị quốc phòng, còn Trung Quốc xuất khẩu sang Nga các loại máy – công cụ, dược phẩm và linh kiện điện tử : Hai bên bổ trợ nhau và sự bổ trợ này nhanh chóng được củng cố bằng giao dịch tài chính với đồng rúp và nhân dân tệ, cũng như với ngân hàng phát triển của khối BRICS.
Đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia, khởi động vào năm 2014 và khai trương vào năm 2019, kết nối vùng Siberia của Nga với miền đông bắc Trung Quốc. Việc xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc sẽ sớm được tăng cường với đường ống Sức mạnh Siberia 2. Các đường ống dẫn khí này mang lại cho Nga một thị trường thay thế Liên Âu, đồng thời giúp Trung Quốc có một nhà cung cấp năng lượng giá thấp, trong bối cảnh Mỹ đã giành lại vị trí dẫn đầu trên thị trường năng lượng thế giới.
Quan hệ đối tác này còn được củng cố mạnh mẽ do sự chống đối của phương Tây trên trường quốc tế. Rất lâu trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013 và trước khi Nga cắt đứt quan hệ với phương Tây vào năm 2014, Nga và Trung Quốc đã phản đối các hành động quốc tế của Hoa Kỳ nói riêng và phương Tây nói chung. Tại Hội Đồng Bảo An LHQ cũng như ở khắp nơi trên thế giới, các nhà ngoại giao Trung Quốc và Nga đã hỗ trợ lẫn nhau để chỉ trích sự can thiệp của NATO ở nước ngoài (Serbia, Afghanistan), để phản đối các chế độ dân chủ tự do và lên án điều mà họ gọi là « tiêu chuẩn kép-nhất bên trọng nhất bên khinh » của phương Tây vi phạm các quy tắc mà chính phương Tây muốn áp đặt đối với các nước khác.
Tại Hội Đồng Bảo An, quyền phủ quyết đã được Nga và Trung Quốc sử dụng rộng rãi kể từ năm 1991 (lần lượt 29 và 15 lần) để chống lại các chỉ trích của phương Tây về các hồ sơ Ukraina, Đài Loan, Tân Cương … Có thể nhận thấy một « liên minh phòng thủ khách quan » giữa các cường quốc hạt nhân là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An.
Trục chống phương Tây này đi đôi với sự hợp tác nhất định ở quy mô Âu – Á : đồng sáng lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vào năm 2001, Nga và Trung Quốc đã tìm cách thiết lập một thế bá chủ chung thực sự ở lục địa Á – Âu để đấu tranh chống khủng bố, chủ nghĩa ly khai và tội phạm có tổ chức trong khu vực. Thế nhưng, đó cũng là để chống lại ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, sau các cuộc chiến tranh ở Irak và Afghanistan. Với các cuộc thao dượt quân sự thường xuyên cả trên bộ, trên không, trên biển và ở không gian mạng, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đã giúp hai cường quốc quân sự Nga – Trung và các đồng minh xích lại gần nhau. Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga đã được thể hiện vào tháng 09/2022 thông qua việc Trung Quốc tham gia đợt tập trận Vostok 2022 ở vùng Viễn Đông.
Chuyến thăm Nga vừa qua của Tập Cận Bình khẳng định rằng Trung Quốc là một đồng minh ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng : ở lục địa Á-Âu và tại Liên Hiệp Quốc, về kinh tế cũng như quân sự, quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga đều có thực và được cho là mang một nhãn quan khác (và thù địch) với cách nhìn của phương Tây. Cụ thể là Trung Quốc âm thầm ủng hộ cuộc xâm lược của Nga bằng cách từ chối áp dụng các biện pháp trừng phạt của quốc tế, cung ứng cho các tổ hợp công nghiệp quân sự Nga và mới đây đã đề xuất một kế hoạch hòa bình Nga-Ukraina nhấn mạnh đến việc bảo đảm an ninh cho Nga.
Thế nhưng, giữa hai nước cũng có những ngờ vực và ganh đua ?
Châu Âu và Mỹ có nên chuẩn bị để chống lại một khối gồm các chế độ độc tài mà Trung Quốc và Nga sẽ là những nước lãnh đạo, theo sau đó là Iran, Syria, Bắc Triều Tiên và thậm chí là các nước Trung Á ? Nguy cơ địa chính trị của việc « phi phương Tây hóa » thế giới là có thật, nhưng thực ra thì giữa Matxcơva và Bắc Kinh, các nguồn cơn gây ngờ vực cũng là có thật. Nga từ lâu nay vẫn lo ngại về sức mạnh kinh tế, dân số và quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là ở vùng Viễn Đông Nga vốn kém phát triển và thưa dân. Việc Matxcơva tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương) tại Vladivostok vào năm 2012 là nhằm không để bị xem là thua kémTrung Quốc. Còn việc Matxcơva tái quân sự hóa Bắc Cực, với sự hỗ trợ của đội tàu phá băng, là nhằm tái khẳng định quyền kiểm soát của Nga đối với tuyến hàng hải mà Bắc Kinh bày tỏ tham vọng.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh thận trọng quan sát các hành động bành trướng của Nga. Trung Quốc không công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia sau cuộc chiến tranh Nga-Gruzia hồi năm 2008. Bắc Kinh cũng không công nhận việc Matxcơva hồi tháng 09/2022 sáp nhập 4 vùng Nga xâm chiếm của Ukraina. Và trong kế hoạch hòa bình, điểm đầu tiên mà Trung Quốc nêu lên là sự tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của đất nước – dù không nói rõ là Bắc Kinh có muốn Nga từ bỏ vùng Donbass và bán đảo Crimée đã chiếm được của Ukraina hay không. Nói tóm lại, đối với các câu hỏi mang tính sống còn về địa chính trị của Nga, Trung Quốc vẫn thể hiện sự mơ hồ giữa ủng hộ và hòa giải. Khối này như vậy có dấu hiệu rõ ràng về sự tan vỡ.
Sự ganh đua, cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nga thậm chí còn mở ra ở cả Trung Á, Nam Á và châu Phi. Nhiều rạn nứt đã xuất hiện, như dưới thời Liên Xô, khi nói về thế bá chủ trong khu vực. Năm quốc gia Trung Á, trước đây là thành viên Liên Xô, là tâm điểm của sự cạnh tranh kéo dài hàng thế kỷ giữa Matxcơva và Bắc Kinh. Về phía Nga, Matxcơva nuôi dưỡng ảnh hưởng thông qua các tổ chức khu vực gạt Trung Quốc ra bên lề : Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO – ra đời năm 2002) giữ vai trò như Khung hợp tác an ninh và quân sự giữa « anh cả » Nga và một số nước thành viên cũ của Liên Xô (trừ Uzbekistan) ; Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) tạo ra các khung, về địa lý và thể chế, nhằm chống lại sự năng động của Trung Quốc trong khu vực.
Về phía Trung Quốc, dự án « Những con đường tơ lụa mới » được khởi xướng vào năm 2013 cụ thể là nhằm làm lung lay và phá vỡ thế bá chủ của Nga : các khoản đầu tư và cho vay khổng lồ, việc xây dựng cơ sở hạ tầng đường sắt và hậu cần, cũng như việc Trung Quốc lập một căn cứ quân sự ở Tajikistan đã khiến Matxcơva rất lo ngại. Quả thực là đối tác chiến lược Trung Quốc của Nga đang cố tình tìm cách gạt Matxcơva ra bên lề khu vực.
Sự năng động của Nga ở châu Phi (Trung Phi, Mali, Burkina Faso …) và ở Nam Á (Ấn Độ, Việt Nam) cũng không nên bị xem là chỉ là sự cạnh tranh với phương Tây trên các mặt trận bên ngoài châu Âu, mà nên được hiểu là Nga muốn cân bằng lại quyền lực trước Trung Quốc.
Như vậy là việc Nga thúc đẩy Ấn Độ trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hồi năm 2016 trên hết là để gây khó cho Trung Quốc. Đổi lại, để tránh bị suy yếu, Bắc Kinh đã đề nghị để đồng minh Pakistan của Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Hợp Tác Thượng Hải. Đưa Ấn Độ gia nhập Tổ chức Hợp Tác Thượng Hải có nghĩa là đưa một đối thủ lớn có tính hệ thống của Bắc Kinh vào một tổ chức mà Trung Quốc có thể đang ở thế lấn át Nga. Và nếu xét về quan hệ song phương Nga – Ấn, thì Matxcơva từ lâu đã phát triển các hoạt động trao đổi về quốc phòng, hạt nhân và năng lượng với New Delhi để không phải lệ thuộc vào Bắc Kinh trong cuộc đối đầu với phương Tây. Tóm lại, đối với Vladimir Putin, sự ủng hộ của Tập Cận Bình là điều đáng hoan nghênh, nhưng có thể gây khó xử nếu chỉ có Bắc Kinh ủng hộ Matxcơva.
Nga – Trung là bài toán khó cho Liên Âu ?
Chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Matxcơva nhắc nhở phương Tây về một nguy cơ địa chính trị mang tính cấu trúc : từ hai thập kỷ nay, hai cường quốc hạt nhân và công nghệ Á – Âu đã tập trung trên mọi mặt trận để công khai thách thức cái nhìn của phương Tây về thương mại thế giới, quan hệ quốc tế cũng như các cấu trúc dành riêng cho an ninh toàn cầu và khu vực.
Thách thức này rất lớn, đặc biệt là đối với những nước châu Âu láng giềng của Nga nhưng lại có quan hệ giao thương lâu năm với Trung Quốc. Nhưng liệu thách thức thực sự có phải ở chỗ coi họ như một khối đồng nhất về ý thức hệ trong logic đối đầu ? Hay là nên như tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến đi tới Bắc Kinh, tìm cách dựa vào sự ganh đua, cạnh tranh bên trong để chia rẽ Trung – Nga, hai cường quốc Á – Âu trong cuộc ganh đua, cạnh tranh công khai ở ít nhất ba khu vực ?