Đăng ngày: 19/04/2023
Các hình ảnh vệ tinh mới đây đã phát hiện nhiều công trình xây dựng lớn đang tiến hành trên Coco, một quần đảo nhỏ có diện tích 25 km², thuộc Miến Điện. Đa số các nhà quan sát cho rằng công trình đó có thể trở thành một tiền đồn quan sát của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
\”Đó là điều hoàn toàn vô lý.\” Hồi đầu tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố như vậy nhằm dập tắt những đồn đoán xung quanh các công trình xây dựng bí mật trên quần đảo Coco, ở phía bắc Ấn Độ Dương, nằm không xa bờ biển Miến Điện.
Từ những hình ảnh vệ tinh mới do công ty Maxar của Mỹ chụp hồi tháng Giêng đã làm dấy lên tin đồn. Các hình ảnh đó cho thấy có việc mở rộng các cơ sở hạ tầng trên đảo Coco Lớn, hòn đảo chính trong quần đảo nhỏ thuộc Miến Điện.
« Miến Điện đang xây dựng một cơ sở do thám ? Ai sẽ được hưởng lợi ? ». Các chuyên gia của Chatham House, một cơ quan tư vấn có ảnh hưởng của Anh, đặt vấn đề trong một văn bản ghi nhớ công bố hồi cuối tháng 3. Đây là cơ quan đầu tiên đã giới thiệu các hình ảnh vệ tinh đó.
Một đường băng và một trạm radar
Đằng sau những sự việc đó, Bắc Kinh đang bị rơi vào tầm ngắm. Ông Ho Ting “Bosco” Hung, chuyên gia về Trung Quốc tại Nhóm Nghiên cứu An ninh Quốc tế Verona (ITSS Verona), quả quyết: “Không vô lý khi nghĩ rằng Trung Quốc đang trực tiếp xây dựng các cơ sở ở đó, hoặc tài trợ cho Miến Điện để làm việc đó. Chính quyền quân sự không có đủ phương tiện và khả năng kỹ thuật để một mình bắt tay vào một công trường như vậy”.
Ngoài ra, “việc phát triển cơ sở hạ tầng quân sự trên một hòn đảo ở khu vực mà chế độ Miến Điện không có tham vọng địa chính trị chắc chắn không phải là ưu tiên. Chính quyền này còn đủ việc phải lo ở trong nước ”, Zeno Leoni, chuyên gia về các vấn đề an ninh Trung Quốc tại King\’s College London nhận xét thêm.
Các bức ảnh chụp từ vệ tinh mới chỉ đưa ra một ý tưởng mơ hồ về những gì đang ngấm ngầm diễn ra trên quần đảo Coco, nhưng có thể thấy rõ phần mở rộng của một đường băng và công trình xây dựng một số nhà chứa máy bay. Những hình ảnh như vậy cho thấy dường như một sân bay nhỏ đang được xây trên đảo Coco Lớn.
Ngoài ra, công trình giống như một trạm radar cũng được xây dựng ở phía nam hòn đảo. Từng đó chi tiết cũng đã có thể tạo cảm giác rằng lãnh thổ nhỏ bé có diện tích khoảng hai chục km² này có thể sẽ trở thành tai mắt lớn của Bắc Kinh (hay Miến Điện) ở Ấn Độ Dương. Zeno Leoni xác nhận: “Hiện tại, nó trông có vẻ giống như các cơ sở tình báo ».
Đây không phải là lần đầu tiên quần đảo Coco trở thành tâm điểm của những đồn đoán về khả năng hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Trong suốt những năm 1990, có tin đồn về sự tồn tại của một ăng-ten khổng lồ do Trung Quốc vận hành trên quần đảo này của Miến Điện.
Các thuyết âm mưu được một số cơ quan truyền thông Nam Á loan truyền thậm chí còn nói rằng Trung Quốc đã bí mật thuê những hòn đảo này của Miến Điện. Tuy nhiên, đó là những thông tin không hề có cơ sở.
Tầm nhìn rộng mở về một căn cứ quân sự của Ấn Độ
Những hòn đảo nhỏ bé này từ rất lâu nay vẫn là tâm điểm của các tranh luận về ý đồ hiện diện của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương vì chúng có vị trí địa lý chiến lược. Chuyên gia Ho Ting “Bosco” Hung cho biết: « Quần đảo Coco chỉ cách quần đảo Andaman và Nicobar, nơi Ấn Độ có sự hiện diện quân sự lớn, chưa đầy 50 km ».
Trên thực tế, quần đảo Andaman và Nicobar thường được nói đến như là điểm đến cho những du khách đi nghỉ mát giàu có hơn là cho các điệp viên, nhưng đó lại là nơi có căn cứ quân sự duy nhất của Ấn Độ đón nhận đủ các binh chủng hải, lục không quân, theo kênh truyền hình Mỹ CNN.
Chuyên gia Ho Ting \”Bosco\” Hung nhận định : « Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ để giành quyền lãnh đạo ở châu Á, Bắc Kinh rất quan tâm đến việc có một trạm quan sát để theo dõi các biến động quân sự của Ấn Độ trong khu vực này\”. Quần đảo Coco cũng có thể có tầm quan trọng sống còn đối với Trung Quốc trong lâu dài. Trên thực tế, lui về phía nam của vùng lãnh thổ này là eo biển Malacca. Khu vực này được đánh giá ẩn chứa những nguy cơ chiến lược lớn đối với Trung Quốc, chuyên gia Zeno Leoni nhấn mạnh.
Hành lang hàng hải ở giữa Malaysia và Indonesia dẫn đến Biển Đông này hiện là một trong những tuyến chính cho hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc – đặc biệt là năng lượng từ Trung Đông – và một phần không nhỏ hàng xuất khẩu. Vấn đề là nó rất hẹp, nơi hẹp nhất không quá 3 km, và “việc lưu thông hàng hải có thể dễ dàng bị Hoa Kỳ hoặc một quốc gia khác như Ấn Độ phong tỏa trong trường hợp xảy ra xung đột. Lúc đó thì hậu quả kinh tế sẽ rất nặng nề đối với Trung Quốc”, ông Zeno Leoni giải thích.
Một tiền đồn trên quần đảo Coco sẽ cho phép Bắc Kinh có thể can thiệp nhanh chóng để bảo vệ khả năng sử dụng eo biển Malacca. Nhưng để làm được điều này, cần phải có nhiều hơn là một trạm radar trên quần đảo. \”Hiện tại, ta đang ở giai đoạn đầu và không ai biết tầm quan trọng của các cơ sở trong tương lai », theo nhận xét của Zeno Leoni.
Miến Điện, con ngựa thành Troy của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương?
Miến Điện phải lên tiếng về các công trình này. Nhất là chính quyền quân sự vẫn lưu tâm đến việc không quay lưng lại với Ấn Độ, quốc gia mà “Miến Điện có quan hệ truyền thống tốt đẹp và chắc hẳn New Delhi đã rất khó chịu khi nhìn thấy các hình ảnh vệ tinh đó”, Ho Ting “Bosco” Hung khẳng định.
Nhưng hiện tại, chế độ quân sự không có nhiều sự lựa chọn. “Miến Điện vẫn luôn có quan hệ không tốt gì với các nền dân chủ phương Tây, nhưng kể từ cuộc đảo chính [năm 2021], đất nước này càng bị cô lập hơn và xích lại gần với Trung Quốc là cơ hội duy nhất để có một đồng minh ủng hộ mình trên trường quốc tế”, chuyên gia của ITSS phân tích.
Và sau đó là các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế được ban hành kể từ sau cuộc đảo chính quân sự. Ông Zeno Leoni chỉ rõ: “Trung Quốc giúp chính quyền quân sự lách các trừng phạt đó. Điều này khiến Miến Điện phụ thuộc rất nhiều vào thiện ý của Bắc Kinh”.
Theo ông Zeno Leoni, “Trung Quốc đang lợi dụng tình hình do các biện pháp trừng phạt kinh tế tạo ra để bắt đầu đặt chân vào Ấn Độ Dương ».
Hiện tại, tình hình ở Biển Đông vẫn là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh, \”bởi vì đó là vấn đề đảm bảo việc bảo vệ trực tiếp lãnh thổ của họ\”, chuyên gia này nói tiếp. Nhưng về lâu dài, Ấn Độ Dương, nơi hội tụ lợi ích của Ấn Độ, Trung Quốc và các cường quốc phương Tây muốn đóng vai trò ở khu vực Thái Bình Dương, sẽ có thể trở thành khu vực căng thẳng hơn nữa. Và việc kiểm soát quần đảo Coco rộng 25 km² có thể là quân bài chủ quyết định đối với Bắc Kinh.
(Theo france24.com)