- Tác giả,Soutik Biswas
- Vai trò,Phóng viên về Ấn Độ
- 19 tháng 4 2023
Trong cuốn tiểu thuyết The Ministry for the Future bán chạy nhất năm 2020, nhà văn khoa học viễn tưởng Kim Stanley Robinson mở đầu câu chuyện bằng một đợt nắng nóng chết người ở Ấn Độ, khiến hàng triệu người mất mạng.
Bầu trời rực sáng như một \”quả bom nguyên tử\”, hơi nóng từ đó như một \”cái tát vào mặt\”, đôi mắt cay xè và \”mọi thứ đều sạm đi, chuyển sang màu beige và một màu trắng chói lọi không chịu đựng nổi\”. Nước không giúp được gì vì \”nóng như tắm hơi… tệ hơn không khí\”. Con người chết \”nhanh hơn bao giờ hết\”.
Cuốn sách theo dòng văn học dystopian (phản địa đàng) của nhà văn Robinson về sự nóng lên toàn cầu có thể chỉ là một câu chuyện giả tưởng kinh dị, nhưng cũng là một cảnh báo ớn lạnh. Đầu tuần này, có 12 người chết vì sốc nhiệt và nhiều người khác phải nhập viện sau khi tham dự một sự kiện do chính phủ tài trợ tại một bãi đất trống dưới cái nắng chói chang ở Navi Mumbai, bang Maharashtra của Ấn Độ.
Ấn Độ là một trong những quốc gia tiếp xúc chịu ảnh hưởng và dễ bị tổn hại bởi nắng nóng. Số ngày và đêm nóng bức đã tăng lên đáng kể và theo dự đoán sẽ tăng từ hai đến bốn lần vào năm 2050. Các đợt nắng nóng cũng được dự đoán sẽ đến sớm hơn, kéo dài hơn và trở nên thường xuyên hơn.
Cục khí tượng Ấn Độ đã dự đoán nước này có khả năng trải qua nhiệt độ cao hơn mức trung bình và các đợt nắng nóng kéo dài cho đến cuối tháng Năm. Nhiệt độ trung bình ở Ấn Độ đã tăng khoảng 0,7% từ năm 1901 đến 2018, một phần là do biến đổi khí hậu.
Các đợt nắng nóng đã giết chết hơn 22.000 người từ năm 1992 đến 2015, theo số liệu chính thức. Các chuyên gia cho rằng con số thực tế sẽ cao hơn nhiều. Dileep Mavalankar, Giám đốc Viện Y tế cộng đồng Ấn Độ có trụ sở tại Gujarat, cho biết: “Quốc gia này thực sự “chưa hiểu tầm quan trọng của nắng nóng và nó có thể giết chết con người như thế nào”. \”Điều này một phần là do chúng tôi không tổng hợp dữ liệu về tỷ lệ tử vong một cách chính xác.\”
Giáo sư Mavalankar có thể biết điều này. Vào tháng 5/2010, ông phát hiện ra rằng thành phố Ahmedabad đã ghi nhận 800 ca tử vong từ mọi nguyên nhân – số lượng người chết nhiều hơn dự kiến so với vài năm trước – trong một tuần oi bức với nhiệt độ kỷ lục. Ông nói, rõ ràng là nắng nóng đã giết chết rất nhiều người. Ông cũng cho biết các nhà nghiên cứu đã so sánh tổng số người chết trong thành phố với nhiệt độ tối đa được ghi nhận trong ngày và đưa ra ba cảnh báo được mã hóa màu, với cảnh báo màu đỏ kích hoạt trên 45℃.
Những phát hiện này đã thúc đẩy giáo sư Mavalankar lập kế hoạch hành động chống nắng nóng đầu tiên của Ấn Độ cho thành phố Ahmedabad. Kế hoạch bắt đầu vào năm 2013, ủng hộ các giải pháp đơn giản như ở trong nhà, uống nhiều nước trước khi bước ra ngoài và đến bệnh viện cấp cứu nếu cảm thấy không khỏe. Ông nói, vào năm 2018, số ca tử vong do mọi nguyên nhân đã giảm đi 1/3 ở thành phố khô nóng này.
Nhưng tin xấu là các kế hoạch chống nắng nóng của Ấn Độ dường như không hiệu quả. (Không rõ liệu các nhà chức trách ở Navi Mumbai có kế hoạch ứng phó với nắng nóng hay không khi theo báo cáo, một triệu người được phép tụ tập ngoài trời.) Một nghiên cứu mới về 37 kế hoạch ứng phó với nắng nóng ở cấp thành phố, quận và tiểu bang của hai tác giả Aditya Valiathan Pillai và Tamanna Dalal ở Trung tâm Nghiên cứu Chính sách đã chỉ ra rất nhiều thiếu sót.
Đầu tiên, hầu hết các kế hoạch không được \”xây dựng trên bối cảnh địa phương và có một cái nhìn quá đơn giản về các mối nguy hiểm\”. Chỉ 10 trong số 37 kế hoạch được nghiên cứu dường như thiết lập các ngưỡng nhiệt độ được xác định cục bộ, mặc dù không rõ liệu họ có tính đến các yếu tố như độ ẩm khi tuyên bố một đợt nắng nóng hay không.
Ông Pillai nói với tôi: “Chúng tôi khuyến nghị nên cho thấy sự khác biệt và địa phương hóa định nghĩa về mức độ nguy hiểm của nắng nóng bằng cách đưa vào các dự báo về khí hậu. Một cách để thực hiện điều đó là có nhiều trạm thời tiết tự động hơn ở cấp làng, theo Giáo sư Mavalankar.
Thứ hai, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng gần như tất cả các kế hoạch đều không hiệu quả trong việc \”xác định và nhắm mục tiêu vào các nhóm dễ bị tổn thương\”. Nông dân ở nông trại và công nhân xây dựng làm việc ngoài trời, phụ nữ mang thai, người già và trẻ em là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng nhất.
Khoảng 3/4 công nhân Ấn Độ làm các công việc tiếp xúc với nhiệt như xây dựng và khai thác mỏ. \”Người lao động đang mất khả năng làm việc bên ngoài một cách an toàn và hiệu quả khi Trái Đất nóng lên. Trời trở nên quá nóng và ẩm khiến họ không thể tự làm mát đủ khi họ tạo ra một lượng lớn nhiệt cơ thể vì lao động nặng nhọc\”, nhà nghiên cứu khí hậu Luke Parsons ở Đại học Duke, Bắc Carolina cho biết.
Tình trạng này trở nên tệ hơn trong các đợt nắng nóng vì số giờ làm việc an toàn và hiệu quả trong ngày ít hơn, theo chuyên gia này.
Ông Pillai nói rằng Ấn Độ cần \”hiểu chi tiết về những khu dân cư nào có hầu hết người dân làm những công việc mà họ phải tiếp xúc với nhiệt độ cao và liệu họ có đủ khả năng mua máy làm mát hay có thể nghỉ làm không\”. Ông nói thêm: \”Sẽ có thể có tình huống 3% diện tích của thành phố có 80% dân số dễ bị tổn thương.\”
Ông Pillai và bà Dalal nhận thấy rằng hầu hết các kế hoạch hành động chống nắng nóng dường như không được tài trợ đầy đủ, có cơ sở pháp lý yếu kém với trách nhiệm giải trình ít ỏi và không đủ minh bạch.
Các giải pháp chống nắng nóng thường có thể đơn giản – trồng đủ cây xanh ở những khu vực cực kỳ nóng và lộ thiên hoặc sử dụng các lựa chọn thiết kế để giảm mức tăng nhiệt và hạn chế nhiệt thất thoát trong các tòa nhà.
Đôi khi các giải pháp giám sát đơn giản như di chuyển bệnh nhân từ tầng trên cùng bị nóng xuống các tầng dưới của bệnh viện không có máy lạnh có thể bảo vệ tính mạng của họ, như một nghiên cứu ở Ahmedabad cho thấy. Ông Parsons cho biết, việc có các biện pháp bảo vệ công nhân ngưng hoặc làm việc chậm lại nếu trời quá nóng có thể giúp họ không cảm thấy cần phải tiếp tục làm việc với cường độ cao khi không an toàn.
Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, Ấn Độ đã chứng kiến số ca tử vong do nắng nóng quá mức tăng 55% từ giai đoạn 2000-2004 đến giai đoạn 2017-2021
Tiếp xúc với nắng nóng cũng khiến người Ấn Độ mất đi 167,2 tỷ giờ lao động vào năm 2021, dẫn đến mất thu nhập tương đương khoảng 5,4% GDP của đất nước.
Nhưng rõ ràng, người Ấn Độ vẫn chưa coi trọng sự nguy hiểm của nắng nóng.
Theo báo cáo, ở Navi Mumbai, nơi diễn ra buổi lễ của chính phủ hôm 16/4 đã ghi nhận nhiệt độ tối đa là 38℃. Tuy nhiên, những bức ảnh về sự kiện này cho thấy hàng ngàn người đã ngồi trực tiếp dưới ánh mặt trời mà không có mái che. Chỉ một số ít mang dù, hoặc quấn khăn trên đầu.
\”Tôi sống ở Delhi, nơi nhiệt độ có thể lên tới 50℃ và tôi thấy rất ít người mang dù ra ngoài,\” ông Pillai nói.