Đăng ngày: 20/04/2023
Ngay khi Nga lên nắm quyền chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày 01/04/2023, phương Tây đã hết sức quan ngại trước khả năng Matxcơva lợi dụng vị trí này để tuyên truyền cho cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina và bác bỏ các nỗ lực của quốc tế nhằm vãn hồi hòa bình. Các hành động của Nga gần đây như đã chứng thực nỗi lo ngại đó và theo hãng tin Mỹ AP, Nga đang trở thành một chủ tịch Hội Đồng Bảo An có nhiệm kỳ gây nhiều tranh cãi.
Việc Liên Bang Nga lên làm chủ tịch Hội Đồng Bảo An không phải là một sự kiện bất thường. Theo quy định của Liên Hiệp Quốc, 15 nước thành viên Hội Đồng Bảo An, trong đó có 5 thành viên thường trực (Nga, Anh, Pháp, Mỹ và Trung Quốc), sẽ luân phiên đảm nhiệm chức vụ này trong 1 tháng, theo thứ tự chữ cái tên của 15 thành viên.
Thế nhưng khi đến lượt Nga đảm nhận chức chủ tịch vào đầu tháng Tư vừa qua, tranh cãi đã lập tức bùng lên.
Trò đùa “Cá tháng Tư”
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield, cũng như lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell đều gọi sự kiện đó là môt trò đùa “Cá tháng Tư”. Đại sứ Mỹ còn hứa sẽ tranh thủ mọi cơ hội để đẩy lùi việc Nga lợi dụng chức vụ này để truyền bá thông tin sai lệch và đẩy mạnh hơn các nỗ lực chiến tranh.
Trong một cuộc họp báo, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc ông Vassily Nebenzia đã bác bỏ những chỉ trích, khẳng định rằng Nga từng là \”một trung gian hòa giải trung thực\” khi làm chủ tịch Hội Đồng Bảo An trong quá khứ và sẽ cố gắng duy trì cách tiếp cận đó”.
Tuy nhiên, những hành động đầu tiên của Nga trong tư cách chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã khẳng định các quan ngại của phương Tây về việc Nga lạm dụng chức vụ này để tuyên truyền cho mình và đã làm dấy lên những phản ứng bất bình từ phía nhiều thành viên khác trong hội đồng .
Biện minh cho việc “lưu đày” trẻ em Ukraina
Hành động gây tranh cãi đầu tiên của Nga là tổ chức một cuộc họp không chính thức của Hội Đồng Bảo An về số phận của những đứa trẻ Ukraina được đưa đến Nga, một trong những vấn đề nóng bỏng nhất của cuộc chiến Ukraina hiện nay. Nga đã không ngần ngại chọn diễn giả chính là bà Maria Lvova-Belova, ủy viên về quyền trẻ em của Nga, người cùng với tổng thống Putin đang bị Tòa Án Hình Sự Quốc Tế truy nã về tội ác chiến tranh vì đã “lưu đày” trẻ em Ukraina qua Nga.
Quyết định của Nga đã làm dấy lên phản đối từ các nước phương Tây trong Hội Đồng Bảo An, với việc các đại sứ đều tẩy chay cuộc họp, chỉ cử các nhà ngoại giao cấp thấp đến dự. Và khi bà Lvova-Belova bắt đầu phát biểu trước hội đồng thông qua video từ Nga, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, Anh Quốc, Malta và Albanie đều đã rời hội trường.
Trong phát biểu của mình, bà Lvova-Belova cho biết trẻ em Ukraina đã được đưa tới Nga để được đảm bảo an toàn và Matxcơva đang phối hợp với các tổ chức quốc tế để đưa các em trở về với gia đình. Vấn đề, theo AP, là Ủy Ban Chữ Thập Đỏ Quốc Tế và UNICEF sau đó cho biết đã liên lạc với phía Nga về việc trả lại trẻ em Ukraina, “nhưng chưa nhận được phản hồi”.
Vấn đề thứ hai là có sự khác biệt lớn về số lượng trẻ em Ukraina bị đưa qua Nga. Trên mạng Twitter, đại sứ Ukraina tại Liên Hiệp Quốc cho biết là hơn 19.500 trẻ em đã bị Nga bắt đi từ gia đình hoặc trại mồ côi. Còn theo bà Lvova-Belova, kể từ ngày 24/02/2022, Nga đã tiếp nhận hơn 5 triệu người Ukraina, trong đó có 700.000 trẻ em – tất cả đều có cha mẹ, người thân hoặc người giám hộ hợp pháp, ngoại trừ 2.000 trẻ từ các trại trẻ mồ côi ở miền đông Donbas.
Phó cố vấn nhân quyền Pháp, Thibault Samson, đã gọi cuộc họp là một diễn đàn phát tán thông tin sai lệch và cáo buộc bà Lvova-Belova có hành vi “tuyên truyền” và loan truyền “một phiên bản sai lệch của tình hình”. Theo ông Samson: “Một lời nói dối dù lặp đi lặp lại đến phát chán, vẫn là một lời nói dối”.
Tố cáo phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraina
Sau hồ sơ trẻ em Ukraina trong cuộc chiến, Nga tiếp tục gây tranh cãi với cuộc họp chính thức của Hội Đồng Bảo An ngày 10 tháng 4về xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự, trong đó Nga tố cáo phương Tây vi phạm luật pháp quốc tế trong việc trang bị vũ khí cho Ukraina.
Đại sứ Nga Nebenzia cáo buộc phương Tây khuyến khích các nước vi phạm thỏa thuận không xuất khẩu vũ khí Nga nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của Matxcơva, với mục đích tăng nguồn cung cho Ukraina. Ông cũng tố cáo phương Tây xúi giục các nước Đông Âu nối lại sản xuất vũ khí thời Liên Xô. Đây là những nước từng nằm trong khối Xô Viết và hiện là đồng minh của phương Tây.
Nebenzia sau đó phủ nhận điều mà ông gọi là những \”cáo buộc vô căn cứ\” từ phương Tây theo đó Iran và Bắc Triều Tiên đang cung cấp vũ khí cho Nga, vi phạm lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An.
Một lần nữa, các đại sứ phương Tây tẩy chay cuộc họp, để chỗ trong hội trường lại cho các đại diện ngoại giao cấp thấp.
Khi lên phát biểu, điều phối viên chính trị của Albania, Arian Spasse nói rằng Hội Đồng Bảo An trong tháng này đang rơi vào “môt vùng biển vô định”: “Một quốc gia đã vi phạm thô bạo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và các quy tắc cơ bản điều hành quan hệ giữa các quốc gia lại chủ trì cơ chế chịu trách nhiệm về hòa bình và an ninh.”
Không nêu đích danh Nga, nhà ngoại giao này tố cáo một thành viên thường trực của hội đồng là “đã làm mọi cách để phá hoại hòa bình và an ninh và gây nguy hiểm cho thế giới.”
Phó điều phối viên chính trị của Pháp, Alexandre Olmedo, nói với hội đồng rằng có nhiều tài liệu cho thấy Nga sử dụng drone tấn công của Iran và đã mua tên lửa và đạn dược từ Bắc Triều Tiên. Ông nói: “Pháp và Liên Hiệp Châu Âu sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraina tất cả sự hỗ trợ cần thiết, chừng nào còn cần thiết.
Phó đại sứ Hoa Kỳ, Robert Wood, cho biết Nga bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch của mình “bằng cách cố gắng biện minh cho việc bắt cóc trẻ em Ukraina” và đã chuyển sang “nỗ lực che đậy mỏng manh để miêu tả Nga là một bên chịu trách nhiệm về kiểm soát vũ khí, cố gắng che giấu sự thật rằng nó đã phát động một cuộc xâm lược vũ trang phi lý vào nước láng giềng.”
“Con đường rõ ràng và hiệu quả nhất hướng tới hòa bình và giảm nguy cơ chuyển hướng vũ khí bất hợp pháp là Nga phải chấm dứt cuộc chiến mà họ đã bắt đầu và rút lực lượng khỏi toàn bộ lãnh thổ có chủ quyền của Ukraina,” Wood nói. “Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Nga làm như vậy và làm ngay bây giờ”.
Đỉnh điểm: Cuộc họp về Hiến Chương LHQ
Theo nhiều nhà ngoại giao và quan chức lâu năm của Liên Hiệp Quốc được hãng tin Mỹ AP trích dẫn, nhiệm kỳ chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc của Nga thuộc loại gây tranh cãi nhất trong ký ức họ, và chỉ mới ở giữa chừng. Đỉnh điểm của việc Nga lợi dụng chức vụ chủ tịch của mình sẽ diễn ra ngày 24/04 tới đây, khi ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chủ trì sự kiện hàng đầu của nhiệm kỳ chủ tịch – một cuộc họp mở rộng về việc bảo vệ các nguyên tắc của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.
Với cuộc họp dự trù mang tên chính thức là “Chủ nghĩa đa phương hiệu quả thông qua việc bảo vệ các nguyên tắc của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc”, theo lời đại sứ Nga tại định chế này thì Matxcơva muốn có một cuộc thảo luận hướng tới tương lai về việc hình thành “một trật tự thế giới đa cực mới dựa trên bình đẳng chủ quyền, quyền bình đẳng và quyền tự quyết, công lý và an ninh, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, với sự tôn trọng đầy đủ đối với các mục đích và các nguyên tắc của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc”.
Thế nhưng đối với nhiều nước phương Tây, riêng việc chọn chủ đề Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đã là một động thái khiêu khích từ phía Nga vi nước này bị cáo buộc là đã vi phạm hiến chương khi xâm lược Ukraina và coi thường các nguyên tắc nền tảng của nước này là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Ngay từ trước khi Nga chính thức đảm nhận vai trò chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre đã cho rằng: “Một quốc gia vi phạm trắng trợn Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và xâm lược nước láng giềng không thể có chỗ trong Hội Đồng Bảo An.”